ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1736/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 18 tháng 5 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CÔNG TÁC TRỰC BAN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13, ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP, ngày 04/7/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg, ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;
Căn cứ Thông tư số 31/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 2817/QĐ-BNN-TCTL ngày 08/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1290/SNN&PTNT-PCTT ngày 09 tháng 4 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công tác trực ban phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
VỀ CÔNG TÁC TRỰC BAN PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số: 1736/QĐ-UBND ngày 18/ 5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định công tác trực ban phòng, chống thiên tai tại Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng: Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia công tác trực phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Thời gian và địa điểm trực
1. Thời gian trực: Vào mùa mưa bão hàng năm, Văn phòng Ban Chỉ huy các cấp, ngành tổ chức thường trực theo chế độ 24/24 giờ. Thời gian trực bắt đầu từ ngày 15/4 đến hết ngày 30/11 hàng năm. Trường hợp khi có thiên tai xảy ra sớm hoặc muộn hơn thời gian trên, hoặc các tình huống thiên tai bất thường; Trưởng Ban Chỉ huy các cấp phải kịp thời tổ chức trực đột xuất để đối phó với tình huống thiên tai bất thường xảy ra.
2. Địa điểm trực:
a) Đối với cấp tỉnh: Trực tại Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (Tòa nhà cơ quan Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Khi có tin bão gần biển Đông, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trực tại Văn phòng UBND tỉnh, phối hợp với cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, tổng hợp kịp thời thông tin, báo cáo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh (cụ thể do Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phân công).
b) Đối với cấp huyện: Trực tại Cơ quan Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Kinh tế. Khi có tin bão gần biển Đông, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện trực tại Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện. Cụ thể giao Trưởng Ban Chỉ huy cấp huyện quy định.
Điều 3. Thành phần trực
1. Đối với cấp tỉnh: Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là cơ quan Văn phòng thường trực của Ban Chỉ huy; Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi có trách nhiệm tổ chức phân công cán bộ nghiệp vụ Chi cục thực hiện công việc, số lượng người thực hiện ca trực tối thiểu là 01 cán bộ. Khi có tình huống thiên tai, hoặc dự báo có khả năng xảy ra trên địa bàn: số lượng cán bộ trực tối thiểu là 02 người, trong đó phải có lãnh đạo đơn vị trực tiếp tham gia. Tùy vào từng tình huống, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huy động thêm cán bộ nghiệp vụ của Sở tham gia công tác trực ban. Quy định về mức độ để bố trí công tác trực ban:
a). Đối với loại hình thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới:
- Mức 1: Không có rủi ro thiên tai.
- Mức 2: Khi có thông tin bão gần biển Đông, tin ATNĐ trên biển Đông.
- Mức 3: Khi có một trong các tin: bão trên biển Đông, tin bão gần, tin ATNĐ gần bờ.
- Mức 4: Khi có một trong các tin: bão khẩn cấp, tin bão trên đất liền, tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền.
- Mức đặc biệt: Khi có tin bão khẩn cấp về bão rất mạnh, siêu bão.
b). Đối với các loại hình thiên tai khác:
Mức 1: Rủi ro thiên tai cấp độ 1 hoặc không có rủi ro thiên tai.
Mức 2: Rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Mức 3: Rủi ro thiên tai cấp độ 3 hoặc có sự cố công trình phòng, chống thiên tai.
Mức 4: Rủi ro thiên tai cấp độ 4 hoặc có sự cố nghiêm trọng công trình phòng, chống thiên tai.
Mức đặc biệt: Rủi ro thiên tai cấp độ 5 hoặc có sự cố đặc biệt nghiêm trọng công trình phòng, chống thiên tai có thể xảy ra thảm họa.
2. Đối với cấp huyện: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Kinh tế) là cơ quan Văn phòng thường trực, số lượng người trực như đối với cấp tỉnh. Khi có tình huống hoặc dự báo có tình huống thiên tai xảy ra, phải có lãnh đạo Ban chỉ huy trực tiếp chỉ đạo tại văn phòng BCH để tổng hợp thông tin, báo cáo (cụ thể, giao Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện quy định).
Điều 4. Nhiệm vụ của Văn phòng thường trực
1. Đối với cấp tỉnh:
- Tiếp nhận các thông tin chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về TKCN, Tỉnh ủy Quảng Ninh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị có liên quan; truyền đạt kịp thời các thông tin chỉ đạo, cảnh báo thiên tai đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện và Sở, ngành có liên quan.
- Tiếp nhận thông tin, báo cáo của các địa phương, đơn vị; xử lý thông tin, khẩn trương báo cáo lãnh đạo Ban chỉ huy về các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. Tham mưu đề xuất Ban Chỉ huy ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp kết quả triển khai công tác phòng chống thiên tai, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời; lập báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó gửi các cơ quan có chức năng;
- Chuẩn bị trang thiết bị bảo hộ phục vụ công tác phòng chống thiên tai cho các thành viên Ban Chỉ huy cấp tỉnh và các cán bộ có liên quan tham gia công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.
- Ban hành hoặc chuyển tiếp các văn bản cảnh báo thiên tai trên cơ sở thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng gửi Ban Chỉ huy các địa phương, ngành đảm bảo kịp thời với diễn biến thời tiết.
- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương, đơn vị và báo cáo lên cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi được sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho công tác ban hành các văn bản cảnh báo thiên tai đến các Văn phòng Ban Chỉ huy các địa phương, đơn vị; báo cáo nhanh gửi Văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai Trung ương.
2. Đối với cấp huyện, ngành:
- Tiếp nhận các thông tin chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN, PCCC tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT tỉnh; thông tin kịp thời đến lãnh đạo Ban chỉ huy, chính quyền cơ sở và người dân biết, chủ động đối phó có hiệu quả.
- Tiếp nhận thông tin, báo cáo của chính quyền cơ sở, đơn vị; tổng hợp nhanh kết quả triển khai công tác PCTT, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn một cách kịp thời, báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền.
- Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Kinh tế) được sử dụng con dấu của Phòng về báo cáo nhanh, thông tin nhanh của địa phương gửi Văn phòng Ban Chỉ huy cấp tỉnh (cụ thể, giao Trưởng Ban chỉ huy cấp huyện quyết định).
Điều 5. Phương thức thông tin, báo cáo và quy định bàn giao ca trực
1. Phương thức thông tin nhanh: Khi xảy ra, hoặc cảnh báo tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn; cán bộ trực ban các cấp bằng các biện pháp trao đổi một cách nhanh nhất với nhau theo thứ tự ưu tiên sau:
(1). Điện thoại trao đổi trực tiếp qua số máy văn phòng trực ban (ghi rõ tên người trao đổi, ngày, giờ và nội dung trao đổi vào sổ trực ban).
(2). Fax trực tiếp đến nơi cần thông báo tin qua số máy Fax của văn phòng trực ban, đồng thời gửi qua phần mềm quản lý hồ sơ công việc, sau đó gửi bản gốc bằng đường bưu điện hoặc hòm thư công vụ để đối chiếu; lưu trữ bản Fax và cuống Fax theo thứ tự để kiểm tra khi cần thiết. Đối với thông tin quan trọng, khẩn cấp cần liên lạc bằng đàm thoại để kiểm tra thông tin đã Fax (ghi rõ thời gian trao đổi, tên người nhận thông tin và nội dung trao đổi vào sổ trực ban).
(3). Nhắn tin qua hệ thống tin nhắn SMS (số máy văn phòng, cán bộ trực ban và cán bộ có liên quan).
(4). Gửi văn bản, công điện qua đường chuyển phát của ngành Bưu điện và thư điện tử (Email).
(Chú ý: Khi thực hiện trao đổi thông tin bằng các hình thức (2),(3),(4); trực ban bên cấp thông tin vẫn phải chủ động trao đổi bằng điện thoại cụ thể với trực ban bên nhận thông tin).
2. Phương thức báo cáo nhanh: Văn phòng trực ban bên báo cáo phải gửi báo cáo nhanh đến bên nhận qua các phương thức, thứ tự ưu tiên sau:
(1). Fax trực tiếp báo cáo đến bên nhận qua số máy Fax của văn phòng trực ban. Sau khi Fax, liên lạc bằng đàm thoại để kiểm tra thông tin đã Fax (ghi rõ thời gian và tên người nhận báo cáo vào sổ trực ban).
(2). Gửi thư điện tử (email) đến bên nhận; Sau khi gửi, liên lạc bằng đàm thoại để kiểm tra thông tin đã gửi (ghi rõ thời gian và tên người nhận báo cáo vào sổ trực ban).
(3). Gửi báo cáo bằng văn bản qua đường bưu điện hoặc hòm thư công vụ đến bên nhận.
Nội dung báo cáo theo mẫu quy định do UBND tỉnh có văn bản thông báo mẫu, biểu báo cáo tổng hợp thông tin về thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.
3. Quy chế về bàn giao ca trực:
Trước khi kết thúc ca trực, cán bộ trực ban tại các địa phương có trách nhiệm thông tin nhanh (qua điện thoại) về tình hình thời tiết tại địa phương về trực ban tỉnh. Sau mỗi ca trực, bộ phận trực ban có trách nhiệm tổ chức bàn giao ca trực nội dung bàn giao phải cụ thể, đặc biệt là những việc đã và đang thực hiện đề nghị đối với ca trực sau; nội dung và thời gian bàn giao được ghi tại sổ trực ban hai bên giao và nhận ca phải ký xác nhận vào sổ trực ban.
Sổ trực ban được sử dụng trong năm, được đánh số thứ tự trang và có dấu giáp lai của Ban Chỉ huy. Các nội dung cơ bản được cán bộ trực ban ghi vào sổ:
- Tình hình thời tiết tại các địa bàn trong ca trực.
- Tình hình, kết quả tiếp nhận, xử lý các thông tin và đề nghị đối với ca sau (nếu có).
- Công tác bàn giao ca.
Điều 6. Thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Điều 7. Một số nội dung khác
1. Kiểm tra công tác trực ban: Ngoài việc kiểm tra định kỳ, đột xuất của lãnh đạo Ban Chỉ huy đối với công tác trực ban tại địa phương, đơn vị; yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ huy cấp tỉnh thường xuyên kiểm tra công tác trực ban tại các địa phương, kết quả kiểm tra phải thông báo trực tiếp ngay cho lãnh đạo Ban Chỉ huy các địa phương và ghi vào sổ trực ban để tổng hợp.
2. Hàng năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, ngành phải cập nhật lại danh sách, số điện thoại các thành viên của Ban Chỉ huy; số điện thoại, Fax của Văn phòng trực ban gửi về Văn phòng Ban Chỉ huy cấp tỉnh để nắm, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
3. Đối với công tác trực ban PCTT&TKCN tại cấp xã: Giao Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện quy định.
Điều 8. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề chưa phù hợp, yêu cầu Ban Chỉ huy các địa phương, đơn vị, các cơ quan liên quan phản ánh kịp thời về thường trực Phòng chống thiên tai tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 904/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch nâng cao năng lực công tác tham mưu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 2 Chỉ thị 12/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 3 Thông tư 31/2017/TT-BNNPTNT quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Quyết định 2817/QĐ-BNN-TCTL năm 2016 Quy chế về công tác trực phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6 Quyết định 44/2014/QĐ-TTg hướng dẫn về cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị định 66/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai
- 8 Quyết định 671/QĐ-UBND năm 2014 Quy định công tác trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 9 Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 10 Quyết định 38/2011/QĐ-UBND về Quy định công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 1 Quyết định 38/2011/QĐ-UBND về Quy định công tác trực ban phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 2 Quyết định 671/QĐ-UBND năm 2014 Quy định công tác trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 3 Quyết định 904/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch nâng cao năng lực công tác tham mưu phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 4 Chỉ thị 12/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 do tỉnh Đắk Lắk ban hành