Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1741/2005/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 1741/QĐ-BTNMT NGÀY 14 THÁNG 7 NĂM 2005 VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐỢT KIỂM TRA TÌNH HÌNH

THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Chỉ thị số 05/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đất đai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quyết định tổ chức đợt kiểm tra trên phạm vi cả nước về tình hình thi hành Luật Đất đai với các nội dung sau đây:

1. Mục đích, yêu cầu và đối tượng kiểm tra

a) Mục đích:

- Đánh giá tình hình sau một năm triển khai thi hành Luật Đất đai trên cả nước về những mặt được và những mặt yếu kém, những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thi hành Luật;

- Phát hiện những thiếu sót, vi phạm, khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành Luật để chấn chỉnh hoặc tháo gỡ nhằm thúc đẩy việc thi hành pháp luật về đất đai, đưa công tác quản lý đất đai vào trật tự, kỷ cương và phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

b) Yêu cầu:

- Kiểm tra toàn diện việc triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định tại Chỉ thị số 05/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003 và Kế hoạch triển khai Luật Đất đai ban hành theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BTNMT ngày 01/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Kiểm tra tại cả ba cấp tỉnh, huyện và xã, trong đó cấp huyện và cấp xã chỉ kiểm tra tại một số nơi và một số nội dung nhằm đánh giá sát, đúng tình hình;

- Việc đánh giá được thực hiện thông qua các hình thức: nghe báo cáo, kiểm tra văn bản, sổ sách; kiểm tra tại chỗ việc thực hiện thủ tục hành chính trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trao đổi và trực tiếp nghe ý kiến của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân.

c) Đối tượng kiểm tra:

- Uỷ ban nhân dân các cấp;

- Cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh và cấp huyện;

- Cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn;

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

2. Nội dung kiểm tra

a) Tình hình chỉ đạo triển khai thi hành Luật Đất đai tại địa phương:

- Việc ban hành văn bản cụ thể hoá các thủ tục hành chính trong quản lý, sử dụng đất đai (giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); ban hành văn bản quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất có nhà ở gắn liền với vườn, ao; ban hành giá các loại đất năm 2005; ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

- Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Việc xây dựng tổ chức, bộ máy về quản lý đất đai, bao gồm việc kiện toàn Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc Sở; kiện toàn Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc thành lập mới đối với những nơi không có tổ chức này, thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Tổ chức phát triển quỹ đất;

- Việc bố trí kinh phí và các điều kiện khác để bảo đảm các nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Đất đai.

b) Tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

- Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm kết quả cấp giấy trước khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành và từ khi Luật có hiệu lực đến khi kiểm tra;

- Việc thực hiện trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận, chỉnh lý giấy chứng nhận khi người sử dụng đất thực hiện các quyền, trao giấy chứng nhận cho người làm thủ tục về giấy chứng nhận;

- Việc hoàn thiện hồ sơ địa chính gắn với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (các loại sổ sách, biểu mẫu, bản đồ, cập nhật biến động trên hồ sơ địa chính);

c) Tình hình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:

- Việc lập mới hoặc điều chỉnh, trình, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006-2010 của các cấp tỉnh, huyện và xã theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ và Thông tư số 30/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định của Luật Đất đai;

- Việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp sau khi được xét duyệt;

- Việc xử lý các trường hợp không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Đất đai ( thường gọi là quy hoạch treo).

d) Tình hình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất do vi phạm:

- Kết quả giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

- Tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê;

- Việc thu hồi đất theo quy định tại Điều 38 của Luật Đất đai.

đ) Tình hình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:

- Việc áp dụng pháp luật đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; các trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

- Việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người bị thu hồi đất.

e) Tình hình kiểm tra, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai:

- Việc thực hiện chế độ kiểm tra, thanh tra đất đai tại địa phương;

- Kết quả giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính trong quản lý đất đai, giải quyết tố cáo có liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;

- Việc tổ chức "đường dây nóng" và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các phát hiện, kiến nghị của tổ chức, công dân;

- Việc thực hiện trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn.

g) Tình hình kiểm kê đất đai năm 2005:

- Kết quả kiểm kê đất đai đến thời điểm kiểm tra;

- Việc bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ kiểm kê đất đai, bao gồm kinh phí đã cân đối trong dự toán và các nguồn bổ sung khác.

k) Tình hình thực hiện chế độ báo cáo về kết quả thi hành Luật Đất đai:

Việc thực hiện chế độ báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai theo quy định tại Kế hoạch triển khai Luật Đất đai ban hành kèm theo Quyết định số 25/2004/QĐ-BTNMT ngày 01/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Thời gian kiểm tra

a) Thời gian kiểm tra trong cả nước từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 31 tháng 8 năm 2005.

b) Thời gian kiểm tra tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 3 đến 5 ngày làm việc.

4. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

a) Vụ Đất đai là cơ quan thường trực của đợt kiểm tra có trách nhiệm:

- Đề xuất thành lập các Đoàn kiểm tra, lập lịch kiểm tra cụ thể cho từng Đoàn kiểm tra và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Bộ trưởng quyết định;

- Đôn đốc các Đoàn kiểm tra thực hiện theo đúng nội dung và tiến độ triển khai đã được phê duyệt;

- Trình Bộ trưởng giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện đợt kiểm tra;

- Tổng hợp kết quả kiểm tra trên địa bàn cả nước để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Vụ Đất đai, Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Trung tâm Điều tra Quy hoạch đất đai, Trung tâm Thông tin, Viện Nghiên cứu Địa chính, Cục Đo đạc và Bản đồ có trách nhiệm cử cán bộ tham gia các Đoàn Kiểm tra theo quyết định của Bộ trưởng.

c) Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, trong phạm vi chức năng được giao, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết cho đợt kiểm tra.

d) ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân cấp huyện chuẩn bị nội dung làm việc, bảo đảm việc kiểm tra trên địa bàn được thuận lợi và đạt kết quả tốt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Mai Ái Trực

(Đã ký)