Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1742/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 579/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020; số 1216/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; số 1226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 26/10/2011 của Tỉnh uỷ về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hà Nam đến năm 2020; Kế hoạch số 1624/KH-UBND ngày 18/11/2011 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hà Nam đến năm 2020;

Căn cứ Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hà Nam đến năm 2020 đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh;

Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2020 tại Báo cáo thẩm định số 09/HĐTĐ ngày 26 tháng 12 năm 2011;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1242/TTr-SKH ngày 27 tháng 12 năm 2011 đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

- Phát triển nguồn nhân lực của tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

- Phát triển toàn diện nguồn nhân lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo mục tiêu trước mắt và lâu dài.

- Phát triển nguồn nhân lực là sự nghiệp, là trách nhiệm của toàn xã hội, của từng gia đình và mọi người dân.

2. Mục tiêu

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc phổ thông; duy trì vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Phấn đấu đến năm 2013 đạt phổ cập mầm non 5 tuổi, năm 2015 phổ cập giáo dục bậc trung học.

- Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015, năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 55% trở lên; tạo việc làm bền vững, giải quyết việc làm mới cho khoảng 150.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn khoảng dưới 3,0%.

- Nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, nâng cấp Trường cao đẳng Sư phạm thành trường đại học đa ngành; thu hút các trường đại học công lập có thương hiệu, năng lực về đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ.

- Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp đạt chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn; 100% cán bộ, công chức được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và lý luận chính trị theo quy định.

- Phấn đấu tỷ lệ cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ đại học năm 2015 khoảng 80%, năm 2020 khoảng 90%.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC

1. Cung - cầu lao động của tỉnh

1.1. Khả năng cung lao động:

- Đến năm 2015 dân số của tỉnh có khoảng 825.700 người, đến năm 2020 có khoảng 867.800 người.

- Đến năm 2015 dân số trong độ tuổi lao động có khoảng 511.934 người, lực lượng lao động trong độ tuổi là 435.879 người; đến năm 2020 dân số trong độ tuổi lao động là 564.070 người, lực lượng lao động trong độ tuổi là 480.275 người.

Khả năng cung lao động toàn tỉnh đến năm 2015 là 503.822 người, đến năm 2020 cung lao động toàn tỉnh khoảng 558.657 người.

1.2. Nhu cầu lao động:

a) Nhu cầu lao động của toàn tỉnh:

- Đến năm 2015: Nhu cầu lao động toàn tỉnh là 492.888 người.

- Đến năm 2020: Nhu cầu lao động toàn tỉnh là 545.326 người.

b) Nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế cấp I của tỉnh:

Ngành, lĩnh vực

Năm 2015

Năm 2020

TỔNG SỐ (người)

492.888

545.326

1. Công nghiệp - xây dựng

129.027

170.199

2. Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

251.265

236.415

3. Dịch vụ

112.596

138.712

c) Nhu cầu lao động trong các ngành cấp II của tỉnh:

- Nhu cầu lao động trong các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản:

Chỉ tiêu

Năm 2015

Năm 2020

TỔNG SỐ (người)

251.265

236.415

1. Nông nghiệp, lâm nghiệp

247.837

233.197

2. Thuỷ sản

3.428

3.218

- Nhu cầu lao động trong các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng:

Chỉ tiêu

Năm 2015

Năm 2020

TỔNG SỐ (người)

129.027

170.199

1. Công nghiệp khai thác mỏ

10.032

13.827

2. Công nghiệp chế biến

83.016

106.607

3. Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước

2.929

4.011

4. Xây dựng

33.050

45.754

- Nhu cầu lao động trong các ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ:

Chỉ tiêu

Năm 2015

Năm 2020

TỔNG SỐ (người)

112.596

138.712

1. Thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình

41.099

49.005

2. Khách sạn và nhà hàng

4.852

6.154

3. Vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc

15.442

19.633

4. Tài chính, tín dụng

1.630

2.025

5. Hoạt động khoa học và công nghệ

126

155

6. Hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn

563

702

7. Quản lý nhà nước, quốc phòng an ninh, đảm bảo xã hội bắt buộc, các hoạt động Đảng, đoàn thể và hiệp hội

12.200

15.009

8. Giáo dục và đào tạo

16.559

20.849

9. Y tế và cứu trợ xã hội

5.477

6.653

10. Hoạt động văn hoá và thể thao

1.607

2.001

11. Hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng

6.898

8.759

12. Hoạt động làm thuê công việc gia đình

6.143

7.767

1.3. Nhu cầu lao động qua đào tạo:

a) Trình độ đào tạo của lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 đến 60:

Đến năm 2015, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 55%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 45%; đến năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là từ 55% trở lên.

Căn cứ vào mục tiêu đã nêu trên, trong giai đoạn 2011 - 2020, trình độ đào tạo của lực lượng lao động như sau:

- Đến năm 2015: Có 239.733 lao động qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề là 196.145 người.

- Đến năm 2020: Có 336.193 lao động qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề là 279.057 người.

b) Nhu cầu lao động cần đào tạo và kế hoạch đào tạo của tỉnh:

Trong giai đoạn 2011 - 2020 khả năng đào tạo tại các cơ sở của tỉnh quản lý là 339.210 lượt người. Trong đó: Giai đoạn 2011 - 2015: 137.510 lượt người; giai đoạn 2016 - 2020: 201.700 lượt người.

c) Nhu cầu lao động đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nhân lực:

Trong giai đoạn 2011 - 2020, dự kiến nhu cầu lao động đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nhân lực là 30.413 lượt người. Trong đó: Giai đoạn 2011 - 2015: 12.113 lượt người; giai đoạn 2016 - 2020: 18.300 lượt người.

*) Nhóm nguồn nhân lực đặc biệt:

- Nhóm cán bộ công chức: Đến năm 2015 toàn tỉnh có 3.890 người, đến năm 2020 có khoảng 3.945 người.

- Lực lượng viên chức toàn tỉnh đến năm 2015 có khoảng 13.200 người; đến năm 2020 có khoảng 13.250 người.

- Lực lượng cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã đến năm 2015 có khoảng 5.500 người; đến năm 2020 có khoảng 5.700 người.

Việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức được tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý.

- Nhân lực khu vực sự nghiệp của một số ngành, lĩnh vực:

+ Ngành giáo dục và đào tạo:

Đến năm 2015 tổng số lao động làm việc là 10.700 người, năm 2020 là 10.896 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo duy trì ở mức 100%.

Thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức khác nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo. Tổ chức các chương trình đào tạo đa dạng nhằm nâng cao chuẩn trình độ đào tạo cho đội ngũ nhà giáo.

+ Ngành y tế:

Đến năm 2015 tổng số lao động làm việc là 3.836 người, năm 2020 là 3.946 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo duy trì ở mức 97,8%.

Trong giai đoạn tới tiếp tục tăng cường cử cán bộ đi đào tạo: Tiến sỹ, Chuyên khoa cấp II, Thạc sỹ, chuyên khoa cấp I, Bác sỹ, dược sỹ chuyên tu, cử nhân điều dưỡng, cao đẳng điều dưỡng ...

2. Nâng cao trình độ học vấn của nguồn nhân lực

Tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, ngành học. Thực hiện chuyển đổi 112 trường mầm non bán công sang công lập trong năm 2012. Từ năm học 2011 - 2012 đưa môn học tiếng Anh vào dạy đại trà cho học sinh lớp 3 trong các trường tiểu học, đồng thời nâng cao chất lượng học ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Khuyến khích cán bộ, công chức, cán bộ các doanh nghiệp học ngoại ngữ; đẩy mạnh phong trào khuyến học, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng lao động của nguồn nhân lực.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn kỹ thuật

Tạo chuyển biến về chất lượng công tác đào tạo nghề; đảm bảo liên hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động, tăng cường đào tạo theo địa chỉ. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện đào tạo chuẩn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng xây dựng tiêu chuẩn tuyển dụng cán bộ, công chức theo chức danh, đảm bảo chất lượng.

Thực hiện tốt việc đào tạo cán bộ quản trị doanh nghiệp, cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp với hình thức đa dạng.

4. Tạo việc làm bền vững, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng lao động

Tạo việc làm bền vững, giải quyết việc làm mới trong giai đoạn 2011 - 2020 từ 150.000 lao động trở lên; giải quyết việc làm thêm từ 190.000 lao động trở lên; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn khoảng dưới 3% vào năm 2020.

Sử dụng hợp lý đi đôi với với sắp xếp lao động, chú ý đến lao động ở nông thôn bị mất đất nông nghiệp do phát triển công nghiệp, đô thị. Tăng cường các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư.

Lựa chọn các dự án có hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều lao động, thân thiện với môi trường đầu tư vào tỉnh; phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có; phát triển doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Hợp lý hoá phân bố nhân lực theo lãnh thổ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020

Dân số thành thị chiếm 10,45 % năm 2010, 20% năm 2015 và 35% năm 2020. Dân số nông thôn, nông nghiệp giảm dần trong thời kỳ 2011 - 2020 do việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Phủ Lý và hình thành một số thị trấn mới hoặc di dân ra các đô thị mở rộng.

Tiếp tục phát huy và sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có của các địa phương để thu hút lao động vào các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhằm giảm thiểu chi phí ăn ở đi lại của người lao động. Chú ý ưu tiên phân bổ nguồn lực cho một số địa bàn vùng sâu vùng xa, phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp…ở địa bàn này.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh

- Một là, phát triển công nghiệp với tốc độ cao, bền vững, trọng tâm là công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp trong các khu công nghiệp.

- Hai là, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

- Ba là, phát triển mạnh các ngành thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao.

- Bốn là, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông.

- Năm là, phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hoá. Tập trung đầu tư xây dựng thành phố Phủ Lý đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2020.

- Sáu là, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học giỏi, lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá

2. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để các cấp, các ngành và toàn xã hội hiểu rõ về các chính sách phát triển nhân lực như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo…; vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nhân lực để sử dụng với chất lượng ngày càng cao. Làm cho mọi người thấy rõ vai trò và trách nhiệm đào tạo và sử dụng nhân lực là nhiệm vụ của toàn xã hội.

3. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực

3.1. Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển nhân lực, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý:

Tiếp tục kiện toàn cơ quan quản lý dạy nghề, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực dạy nghề, bố trí đủ cán bộ quản lý có năng lực, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề cho cán bộ quản lý dạy nghề các cấp.

Có kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực dạy nghề.

3.2. Cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh:

Hoàn chỉnh việc phân cấp quản lý giáo dục. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về công khai đối với các cơ sở giáo dục.

Tăng cường thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

3.3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích thúc đẩy phát triển nhân lực:

Quán triệt tinh thần các Nghị quyết Trung ương và của Đảng bộ tỉnh, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển kinh tế theo hướng hiện đại trên cơ sở thống nhất và gắn kết kinh tế.

Phát triển có trọng tâm trọng điểm vào các khu vực có thể tạo ra sự đột phá và phát triển nhanh như xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị của thành phố Phủ Lý; tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, tập trung vào cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo ngành nghề cho khu vực nông thôn.

4. Đào tạo và bồi dưỡng nhân lực

4.1. Phát triển nhân lực cho các ngành kinh tế của tỉnh:

Mở rộng các hình thức đào tạo, dạy nghề (chính quy, tại chức, ngắn hạn, dài hạn), trong đó tập trung vào các ngành nghề cần cho tỉnh và các ngành có lợi thế của tỉnh. Xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nhân lực của nước ngoài đào tạo các nghề kỹ thuật cao, đặc thù cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nam.

4.2. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, quản trị doanh nghiệp chuẩn về trình độ đào tạo; có năng lực, trách nhiệm thực thi công việc:

- Hàng năm tiếp tục bổ sung, xây dựng quy hoạch cán bộ; đổi mới tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Tăng cường phân cấp trong tuyển dụng, đề bạt, đánh giá cán bộ. Quan tâm đến cán bộ trẻ có năng lực, tâm huyết, được đào tạo cơ bản. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn hoá đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là công chức cấp xã.

- Thực hiện có chất lượng chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mỗi năm tuyển chọn cử đi đào tạo ít nhất 30 thạc sỹ, 02 tiến sỹ trong nước và nước ngoài theo định hướng cơ cấu nguồn nhân lực của tỉnh; xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa cơ quan và người lao động cử đi học. Tăng cường đầu tư cho Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

5. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển nhân lực

5.1. Huy động vốn đầu tư để phát triển nhân lực:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nhân lực tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2020 là 5.932,2 tỷ đồng, bao gồm:

- Nhu cầu vốn đào tạo nguồn nhân lực khoảng 2.345,2 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2011 - 2015: 1.083,5 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020: 1.261,7 tỷ đồng.

- Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực khoảng 3.587,0 tỷ đồng (chỉ tính nhu cầu đầu tư các cơ sở dạy nghề do tỉnh quản lý), trong đó: Giai đoạn 2011 - 2015: 2.032,0 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020: 1.555,0 tỷ đồng.

- Giải pháp huy động vốn:

+ Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương (cả vốn chương trình MTQG) chiếm khoảng 40% tổng nhu cầu vốn đầu tư, chủ yếu tập trung vốn đầu tư vào xây dựng Khu đô thị đại học Nam Cao (khoảng 2.000 tỷ đồng).

+ Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương chiếm khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư, chủ yếu hỗ trợ cho người lao động học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đã nâng cao kỹ năng lao động và hỗ trợ đào tạo chuyên sâu.

+ Nguồn vốn huy động của các doanh nghiệp chiếm khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư.

+ Người được đào tạo đóng góp khoảng 10% tổng nhu cầu vốn đầu tư.

+ Các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài: Đáp ứng được khoảng 10% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Tiếp tục tranh thủ các nguồn tài trợ ODA, thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn ODA tập trung vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các trường, các trung tâm ...

+ Tích cực vận động, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đối với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

5.2. Huy động chuyên gia, nhà quản lý:

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 8/6/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và việc chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao; trong giai đoạn tới tỉnh tiếp tục có những chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

5.3. Về đất đai để phát triển giáo dục:

Thực hiện chế độ ưu đãi về sử dụng đất đai, giảm tiền thuê đất, vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phát triển nhân lực; cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị giảng dạy; có chế độ ưu đãi với giáo viên … Tỉnh sẽ giành khu đất tập trung khoảng 1.400 ha để xây dựng Khu đô thị Đại học Nam Cao.

6. Về việc làm, thị trường lao động, điều kiện làm việc

6.1. Chính sách về việc làm, thu nhập và bảo trợ xã hội:

Ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động vốn xã hội để giải quyết việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Khuyến khích người lao động tự tạo việc làm; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

6.2. Chính sách về nhà ở và các điều kiện sinh sống, định cư:

Ban hành chính sách thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đầu tư vào những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, tiềm năng phát triển như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch,…; chú trọng việc cải thiện nhanh việc giải quyết các thủ tục đầu tư, chính sách trợ giá giải tỏa đền bù đất đai, hỗ trợ tiền thuê đất, cung ứng và đào tạo lao động, xây dựng nhà ở cho công nhân, đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.

6.3. Chính sách khuyến khích đào tạo và sử dụng lao động:

Tiếp tục thực hiện theo tinh thần của Quyết định 1428/2001/QĐ-UB ngày 19/12/2001 về việc ban hành về cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Quy hoạch và hình thành hệ thống các tổ chức giới thiệu việc làm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm.

7. Mở rộng, tăng cường sự phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực

7.1. Sự phối hợp và hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương:

Mở rộng và tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức Trung ương và các cơ sở đào tạo của Trung ương đóng trên địa bàn, tạo điều kiện và hỗ trợ lẫn nhau về chương trình dạy và học mới, giáo trình, giáo án, nâng cao trình độ giáo viên và nguồn vốn để hỗ trợ phát triển nhân lực…

7.2. Sự phối hợp và hợp tác với các tỉnh trong Vùng Đồng bằng sông Hồng:

Tận dụng các lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để mở rộng quan hệ giao lưu, trao đổi và hợp tác với các địa phương lân cận, Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

7.3. Mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế

Khai thác tối đa các chương trình đào tạo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn tại nước ngoài theo những đề án của Trung ương đã được phê duyệt hoặc những đề án liên kết với nước ngoài do từng ngành, lĩnh vực thực hiện. Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài (ODA, FDI…) xây dựng các cơ sở đào tạo.

8. Các chương trình dự án ưu tiên

8.1. Chương trình, dự án đào tạo nhân lực:

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Hà Nam.

- Đổi mới đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ, công

- Xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực

- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

- Triển khai Dự án dinh dưỡng học đường kết hợp tăng cường giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục thể thao trong trường học.

- Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn người nghèo…

8.2. Chương trình, dự án đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nhân lực:

Tập trung vào đào tạo các ngành nghề kỹ thuật cao (bao gồm cả trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp), pháp luật, ngoại ngữ cho lao động. Tập trung đào tạo và đào tạo lại để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp.

8.3. Chương trình, dự án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực:

- Triển khai dự án xây dựng Khu đô thị đại học nằm trên trục động lực phát triển đô thị của tỉnh.

- Triển khai Chương trình kiên cố hoá và chuẩn hoá trường lớp học, chương trình nhà công vụ và ký túc xá sinh viên trong giai đoạn tới.

- Hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề và các trường thuộc khối giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Trung tâm dạy nghề cấp huyện.

- Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề của tỉnh và các trường dạy nghề của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch; tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện Quy hoạch.

Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố: Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011 - 2020; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Nga