ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1757/QĐ-UBND | Đồng Xoài, ngày 14 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC ngày 04/12/2006 của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tại Tờ trình số 762/TTr-KHĐT ngày 10/7/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 2213/QĐ-UBND ngày 21/12/2006 của UBND tỉnh ban hành Quy định triển khai thực hiện Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh; các ban, ngành, đoàn thể, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Kèm theo Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 14/8/2007 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Giám sát đầu tư của cộng đồng
Giám sát đầu tư của cộng đồng là hoạt động tự nguyện của dân cư sinh sống trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) theo quy định của Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan, nhằm theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của các cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu và đơn vị thi công dự án trong quá trình đầu tư.
Điều 2. Mục tiêu
1. Góp phần đảm bảo hoạt động đầu tư phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đạt hiệu quả cao.
2. Phát hiện, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về phạm vi các quy định về quản lý đầu tư để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, sai quy định, các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng.
Điều 3. Đối tượng, phạm vi giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Đối tượng giám sát đầu tư của cộng đồng
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định về phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng.
b) Chủ đầu tư (bao gồm cả Ban Quản lý dự án).
c) Các nhà thầu gồm : Các nhà thầu tư vấn, giám sát thi công, xây lắp, cung cấp thiết bị, vật tư, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu… cho dự án (sau đây gọi chung là các nhà thầu).
2. Phạm vi giám sát đầu tư của cộng đồng
a) Các Chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (sau đây gọi chung là dự án đầu tư) sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và không thuộc diện bí mật Quốc gia theo quy định của pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng trên địa bàn của xã.
b) Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức huy động trong cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho xã.
c) Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân phát triển kết cấu hạ tầng, khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, sinh hoạt của cộng đồng dân cư trên địa bàn xã.
Điều 4. Chủ thể tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Ban Thanh tra nhân dân (TTND) xã đứng ra tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng nếu thực tế đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây:
a) Có đủ số thành viên cần thiết để tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã và các thành viên Ban TTND phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 8, Chương II của Quy chế này.
b) Ban TTND có văn bản chính thức gửi Ban Thường trực UBMTTQVN xã khẳng định đồng ý đứng ra tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của Quy chế này.
2. Trường hợp Ban TTND không có văn bản chính thức khẳng định đồng ý đứng ra thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Thường trực UBMTTQVN xã đứng ra tổ chức bầu Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định tại Điều 13, Chương II của Quy chế này.
Điều 5. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc bằng nguồn vốn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho xã (theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3, Chương I của Quy chế này) sau đây viết tắt là các dự án đầu tư của xã. Nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng gồm :
a) Kiểm tra sự phù hợp của quyết định đầu tư dự án với các quy hoạch, kế hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm:
- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện;
- Quy hoạch phát triển các ngành trên địa bàn tỉnh;
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của xã;
- Quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng của xã;
- Quy hoạch xây dựng chi tiết các khu dân cư, khu công nghiệp… trên địa bàn xã (nếu có);
- Kế hoạch đầu tư trên điạ bàn xã.
b) Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của chủ đầu tư và các nhà thầu:
- Về chỉ giới đất đai và sử dụng đất đai;
- Về quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng;
- Về bồi thường, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư;
- Về tiến độ, kế hoạch đầu tư của dự án;
- Về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
c) Theo dõi, phát hiện các tác động tiêu cực của Dự án:
- Những việc làm của chủ đầu tư, các nhà thầu xâm hại lợi ích của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, khai thác dự án;
- Những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của cộng đồng trong quá trình thực hiện đầu tư, khai thác dự án.
d) Theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư và phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của dự án.
đ) Theo dõi, kiểm tra nhà thầu tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư, loại vật tư theo quy định.
e) Theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.
2. Đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn của Nhà nước và không thuộc diện bí mật Quốc gia (theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3, Chương I của Quy chế này) nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng gồm: Các Điểm a, b, c và d, Khoản 1, Điều 5, Chương I của Quy chế này.
3. Đối với các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn khác (theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Chương I Quy chế này) nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng gồm: Các Điểm a, b và c, Khoản 1, Điều 5, Chương I của Quy chế này.
Điều 6. Hình thức công khai hóa các tài liệu phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng
Việc công khai hóa các tài liệu phục vụ giám sát của cộng đồng được thực hiện bằng một trong 03 hình thức hoặc đồng thời cả 03 hình thức sau đây:
1. Công khai tại các trụ sở HĐND xã, Nhà Văn hóa xã, thôn, ấp, khu phố.
2. Thông báo tại Hội nghị nhân dân của thôn, Hội nghị của UBMTTQVN xã, Hội nghị của các tổ chức thành viên của UBMTTQVN xã.
3. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của xã, thôn.
Điều 7. Phương thức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Công dân thực hiện giám sát trên cơ sở các thông tin được công khai theo quy định của pháp luật; phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát đầu tư của cộng đồng (theo Điều 5, Chương I của Quy chế này) thông qua UBMTTQVN xã hoặc các tổ chức thành viên của UBMTTQVN xã hoặc Ban TTND (trong trường hợp không thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng) hoặc Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
2. Ban TTND (trong trường hợp không thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng) hoặc Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của Quy chế này.
Nếu phần lớn các dự án đầu tư trên địa bàn xã thuộc Chương trình 135 thì thành lập Ban Giám sát xã và tổ chức thực hiện theo quy định của Chương trình 135. Đối với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA thì tổ chức thực hiện giám sát của cộng đồng theo điều khoản cam kết trong Hiệp định đã ký.
Chương II
BAN GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG
Điều 8. Tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Là người trung thực, công tâm, có uy tín, am hiểu về chính sách pháp luật, tự nguyện tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và có sức khoẻ tốt.
2. Là người có hộ khẩu và đang thường trú tại xã; không phải là người đương nhiệm (trong TT.HĐND, UBND xã, Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc những người đang đảm nhận nhiệm vụ tương đương); không có người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột, vợ hoặc chồng) là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc nhà thầu dự án đầu tư trên địa bàn xã.
Điều 9. Nguyên tắc hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và kịp thời; làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.
Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm mọi hành vi đe dọa, trả thù, trù dập đối với thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
2. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để kích động, lôi kéo người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật và thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Điều 11. Tổ chức của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên; Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về các hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Phó Trưởng ban có trách nhiệm giúp Trưởng ban thực hiện các nhiệm vụ được giao; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.
2. Thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, ấp, khu phố bầu ra (sau đây gọi chung là thôn).
Điều 12. Số lượng thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có từ 05 đến 09 thành viên; đối với những xã đồng bằng có số dân dưới 08 ngàn người được bầu tối đa 07 thành viên, từ 08 ngàn người trở lên được bầu 09 thành viên; đối với các xã trung du, miền núi mỗi thôn được bầu 01 thành viên, nhưng số lượng thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng không quá 09 người.
2. Căn cứ vào số dự án đầu tư và đặc điểm địa bàn xã, Ban Thường trực UBMTTQVN xã xác định số lượng thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Điều 13. Bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Ban Thường trực UBMTTQVN xã lựa chọn và cử một đại diện tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng nếu thành viên đó đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 8, Chương II của Quy chế này; xác định danh sách các thôn được bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
2. Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn tổ chức Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình để bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
3. Thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được bầu theo giới thiệu của Ban công tác Mặt trận và theo đề cử của đại biểu tham dự Hội nghị. Thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được bầu bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do Hội nghị quyết định.
4. Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình được tiến hành khi có trên 50% số đại biểu được triệu tập có mặt. Người được bầu phải có trên 50% số đại biểu tham dự Hội nghị tín nhiệm.
5. Trưởng Ban công tác Mặt trận có trách nhiệm báo cáo kết quả bầu cử với Ban Thường trực UBMTTQVN xã.
Điều 14. Công nhận Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
Chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày bầu xong các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Thường trực UBMTTQVN xã tổ chức cuộc họp với các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban và trình Hội nghị UBMTTQVN xã ra Nghị quyết công nhận Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, thông báo cho HĐND, UBND xã trong phiên họp gần nhất và thông báo cho nhân dân trong xã biết.
Điều 15. Bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và bầu người thay thế
1. Trong nhiệm kỳ, thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật hoặc không được nhân dân tín nhiệm thì Ban Thường trực UBMTTQVN xã đề nghị Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình đã bầu ra thành viên đó bãi nhiệm và bầu người khác thay thế. Trình tự, thủ tục bãi nhiệm được áp dụng tương tự như bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định tại Điều 13, Chương II của Quy chế này.
2. Trường hợp không thoả mãn các tiêu chí quy định tại Khoản 1, Điều 8, Chương II của Quy chế này hoặc vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, hoặc vì lý do khác, thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có đơn xin thôi không tham gia Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban Thường trực UBMTTQVN xã trình hội nghị UBMTTQVN xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm.
3. Việc bầu thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thay thế những người được miễn nhiệm hoặc bị bãi nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 13, Chương II Quy chế này.
Điều 16. Thời gian hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Nhiệm kỳ của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là 02 năm.
2. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giải thể trước thời hạn trong các trường hợp sau :
a) Không còn thực hiện các dự án trên địa bàn xã và việc khai thác các dự án đã đầu tư trên địa bàn xã không tiềm ẩn các yếu tố xâm hại lợi ích cộng đồng, hoặc gây mất an toàn, an ninh và trật tự an toàn xã hội hoặc gây ô nhiễm môi trường.
b) Theo kiến nghị của Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình của đa số các thôn có đại diện trong Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Điều 17. Địa điểm làm việc của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Chủ tịch UBND xã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, bố trí địa điểm làm việc để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có thể tổ chức các cuộc họp khi cần thiết và lưu giữ các tài liệu phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng; tạo điều kiện sử dụng các phương tiện thông tin, liên lạc của UBND xã phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng.
2. Các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chỉ được sử dụng các phương tiện thông tin, liên lạc của UBND xã phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng khi cần thiết; không được sử dụng các phương tiện này vào mục đích khác.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG
Điều 18. Trình tự tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Thu thập các loại tài liệu có liên quan.
a) Các tài liệu được công bố công khai: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huỵên; kế hoạch đầu tư của tỉnh, huyện; quyết định đầu tư, hoặc giấy chứng nhận, đăng ký đầu tư.
b) Các tài liệu về pháp luật có liên quan về quản lý đầu tư, giám sát đầu tư của cộng đồng, xây dựng đất đai và bảo vệ tài nguyên, môi trường…
2. Thu thập các ý kiến, kiến nghị của nhân dân về các dự án đầu tư trên địa bàn xã, đồng thời tổ chức theo dõi quá trình thực hiện đầu tư, khai thác các dự án trên địa bàn xã (chủ yếu tập trung vào các khâu dễ dẫn đến việc xâm phạm lợi ích của cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn xã hội; đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước, dự án đầu tư của xã cần theo dõi thêm các khâu dễ dẫn đến việc gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, không đảm bảo tiêu chuẩn về vật tư, chất lượng công trình theo quy định).
3. So sánh, kiểm tra, phát hiện những vấn đề mâu thuẫn, khác với quy định, hoặc vô lý; phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề được phát hiện theo quy định, đồng thời tổ chức theo dõi việc xem xét, giải quyết các kiến nghị theo quy định; theo dõi việc xem xét, giải quyết các kiến nghị theo quy định; thông báo kết quả xem xét, giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đến nhân dân theo quy định; theo dõi việc chấp hành các biện pháp xử lý của các đối tượng có liên quan theo quy định.
Điều 19. Kế hoạch thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Lập kế hoạch thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng.
Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu của cộng đồng về giám sát đối với các dự án đầu tư trên địa bàn xã; điều kiện phương tiện, vật chất hiện có và năng lực thực tế, Ban TTND (trong trường hợp không thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng) hoặc Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng cho năm sau theo trình tự sau đây :
a) Xác định danh mục các dự án cần thực hiện giám sát, gồm :
- Danh mục các dự án đầu tư của xã;
- Danh mục các dự án đầu tư có sử dụng vốn của Nhà nước;
- Danh mục các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn khác.
b) Lập kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng gồm 03 biểu mẫu độc lập theo mẫu Phụ lục số 02 và Bảng dự toán kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch này.
c) Gửi xin ý kiến Ban Thường trực UBMTTQVN xã về kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng và Bảng dự toán kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch; hoàn chỉnh kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng và Bảng dự toán kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch theo góp ý của Ban Thường trực UBMTTQVN xã.
2. Thông qua kế họach giám sát đầu tư của cộng đồng
a) Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng gửi Ban Thường trực UBMTTQVN xã, kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng và Bảng dự toán kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch (cho năm sau).
b) Ban Thường trực UBMTTQVN xã chủ trì tổ chức làm việc với đại diện của UBND xã và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để bàn và thống nhất về kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng và bảng dự toán kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch (cho năm sau).
c) Đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN, UBND xã và Trưởng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cùng ký xác nhận vào kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng và bảng dự toán kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch (cho năm sau) để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cấp kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước)
3. Quản lý thực hiện kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng
a) Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã quản lý, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định.
b) Trong trường hợp cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thông báo cho Ban Thường trực UBMTTQVN xã để cùng xem xét, thống nhất trước khi thực hiện điều chỉnh.
Điều 20. Cách thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Thu thập tài liệu phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng.
a) Yêu cầu các cơ quan và chủ đầu tư có liên quan cung cấp tài liệu phải công bố công khai theo quy định tại Khoản 1, Điều 18, Chương III của Quy chế này hoặc tự thu thập từ các nguồn chính thức khác.
b) Tổ chức thu thập các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ngân sách Nhà nước…, các quy định có liên quan đến chính quyền địa phương; thông tin do người dân phản ánh về các dự án đầu tư trên địa bàn xã.
2. Thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án đầu tư của xã.
a) Kiểm tra sự phù hợp của nội dung Quyết định đầu tư dự án với quy hoạch, kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt:
- Tiến hành so sánh, kiểm tra sự phù hợp giữa nội dung Quyết định đầu tư dự án với các nội dung đã được công bố công khai tại các quy hoạch, kế hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển các ngành; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp… trên địa bàn xã; kế hoạch đầu tư trên địa bàn xã.
- Nếu phát hiện có sự mâu thuẫn giữa nội dung Quyết định đầu tư với với các nội dung đã công bố công khai trong các tài liệu nêu trên thì ghi nhận, tiến hành xác minh, làm rõ mức độ mâu thuẫn, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định; theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của các cấp có thẩm quyền, việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ đầu tư theo quy định.
b) Tổ chức theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định của chủ đầu tư và các nhà thầu:
- Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy định về chỉ giới đất đai và sử dụng đất đai; quy hoạch mặt bằng chi tiết, phương án kiến trúc, xây dựng; thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; tiến độ, kế hoạch đầu tư dự án; xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…
- Nếu phát hiện thực tế có sự khác nhau so với những nội dung đã được công bố công khai trong các tài liệu liên quan thì ghi nhận, tiến hành xác minh, làm rõ mức độ khác nhau, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định; theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của các cấp có thẩm quyền, việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ đầu tư theo quy định.
c) Tổ chức theo dõi, phát hiện những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường, cộng đồng:
- Theo dõi các việc làm của chủ đầu tư, các nhà thầu trong quá trình thực hiện đầu tư, khai thác dự án. Nếu phát hiện có những việc làm xâm hại lợi ích của cộng đồng, gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh sống của cộng đồng thì ghi nhận, tiến hành xác minh làm rõ mức độ xâm hại hoặc gây tác động tiêu cực, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định; theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của các cấp có thẩm quyền, việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ đầu tư và nhà thầu theo quy định.
d) Theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư và phát hiện những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án:
- Tiến hành theo dõi đánh giá hiệu quả đầu tư của các dự án bằng cách xem xét, đánh giá dự án theo một số tiêu chí sau:
+ So sánh mục tiêu và quy mô đầu tư so với yêu cầu thực tế đặt ra;
+ So sánh chi phí đầu tư của dự án đối với những dự án có mục tiêu và quy mô đầu tư tương tự; so sánh chi phí đầu tư trên một đơn vị công suất thiết kế của dự án đang giám sát với những dự án tương tự đã đầu tư;
+ Xem xét kết quả đầu tư thực tế đạt được so với mục tiêu đầu tư đặt ra;
+ Ước tính tỷ lệ sử dụng công trình so với năng lực đã đầu tư;
+ Ước tính và so sánh giá thành trên một đơn vị sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án đang giám sát với những dự án tương tự đang đầu tư;
+ Ước tính và so sánh giá thành sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án đang giám sát với giá các sản phẩm tương tự trên thị trường;
+ So sánh tổng các gía trị và lợi ích do đầu tư mang lại với tổng các chi phí và tổn thất do thực hiện đầu tư dự án.
- Nếu phát hiện có những yếu tố bất hợp lý thì kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định; theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của các cấp có thẩm quyền, việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ đầu tư theo quy định.
đ) Theo dõi, kiểm tra việc nhà thầu tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư, loại vật tư theo quy định:
- Tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu hồ sơ thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế thi công) đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư quan trọng, cần phải theo dõi, kiểm tra;
- Thông báo cho chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan biết về kế hoạch theo dõi, kiểm tra của cộng đồng (đảm bảo việc theo dõi, kiểm tra của cộng đồng không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và chất lượng của công trình);
- Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, nếu phát hiện có việc làm sai quy định thì yêu cầu đại diện các bên (chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng) có mặt tại hiện trường lập biên bản xác nhận việc làm sai quy định cùng ký vào biên bản; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định; theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của các cấp có thẩm quyền, việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ đầu tư và các nhà thầu theo quy định.
e) Theo dõi, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình
- Tiến hành tìm hiểu bảng tổng dự toán công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định khối lượng công việc các hạng mục công trình, đơn giá của các chủng loại vật tư quan trọng phục vụ việc theo dõi, kiểm tra khâu nghiệm thu và thanh quyết toán công trình;
- Thông báo cho chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan biết về kế hoạch theo dõi, kiểm tra của cộng đồng (đảm bảo việc theo dõi, kiểm tra của cộng đồng không làm ảnh hưởng đến việc nghiệm thu, thanh quyết toán công trình);
- Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, nếu phát hiện có việc làm sai quy định thì yêu cầu đại diện các bên (chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng) có mặt tại hiện trường lập biên bản xác nhận việc làm sai quy định và cùng ký vào biên bản; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định; theo dõi việc giải quyết các kiến nghị của các cấp có thẩm quyền, việc chấp hành các biện pháp xử lý của chủ đầu tư và các nhà thầu theo quy định.
3. Đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, thực hiện giám sát theo quy định tại các Điểm a, b, c, d, Khoản 2, Điều 20, Chương III của Quy chế này.
4. Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác, thực hiện giám sát theo quy định tại các Điểm a, b, c, Khoản 2, Điều 20, Chương III của Quy chế này.
* Ghi chú: Trong các trường hợp kiến nghị nhận thấy việc xử lý các vấn đề đã kiến nghị hoặc việc chấp hành các biện pháp xử lý chưa thỏa đáng thì tiếp tục kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền cao hơn.
Chương IV
KINH PHÍ HỖ TRỢ GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG
Điều 21. Kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng
Kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng gồm:
1. Chi phí mua văn phòng phẩm; thông tin liên lạc phục vụ giám sát đầu tư của cộng đồng.
2. Chi phí sao chụp, đánh máy, gửi tài liệu, gửi báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng.
3. Chi phí hành chính cho các cuộc họp, hội nghị về giám sát đầu tư của cộng đồng.
4. Chi phí tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về giám sát đầu tư của cộng đồng.
5. Chi thù lao trách nhiệm cho các thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, hoặc các thành viên Ban TTND trực tiếp làm giám sát đầu tư của cộng đồng (trường hợp không thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng).
Điều 22. Nguồn cấp kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và do ngân sách xã đảm bảo.
2. Kinh phí hỗ trợ công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết về giám sát đầu tư của cộng đồng ở cấp huyện, tỉnh được cân đối trong dự toán chi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh và do ngân sách huyện, tỉnh đảm bảo.
Điều 23. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng
1. Việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn. Mức kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã bố trí phù hợp với kế hoạch hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng do HĐND xã quyết định và đảm bảo mức kinh phí tối thiểu 02 triệu đồng/năm.
2. Kinh phí cho việc tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về giám sát đầu tư của cộng đồng cho các thành viên của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do ngân sách tỉnh và ngân sách huyện đảm bảo thực hiện theo quy định của Thông tư số 118/2004/TT-BTC ngày 08/12/2004 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước và Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.
Chương V
TRÁCH NHIỆM TRONG THỰC HIỆN GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG
Điều 24. Sở Kế hoạch & Đầu tư có trách nhiệm
1. Chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh và Sở Tài chính tổ chức triển khai thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2.Tổ chức hướng dẫn về nghiệp vụ giám sát đầu tư của cộng đồng cho các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã và cán bộ, công chức có liên quan; hướng dẫn về lập và quản lý thực hiện kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng; tổng hợp báo cáo kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng.
3. Giải thích và trả lời các vấn đề có liên quan đến giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các cơ quan, đối tượng có liên quan trên địa bàn tỉnh giải thích, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền theo kiến nghị của cộng đồng trên cơ sở phù hợp với quyền giám sát đầu tư của cộng đồng.
4. Định kỳ 6 tháng, 01 năm, lập báo cáo tổng hợp kết quả giám sát đầu tư của công đồng trên địa bàn tỉnh, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, HĐND và UBND tỉnh. Gửi báo cáo 6 tháng đầu năm là tuần thứ tư của tháng 7, báo cáo năm là tuần thứ tư của tháng 01 năm sau.
Điều 25. Trách nhiệm của Ban Thường trực UBMTTQVN cấp tỉnh, huyện
1. Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Tài chính tổ chức triển khai thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2. Tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chủ động tích cực thực hiện quyền giám sát đầu tư của cộng đồng.
3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng ở các cấp, đảm bảo đúng mục tiêu, đúng quy định và đạt hiệu quả cao.
4. Định kỳ 6 tháng, 01 năm, lập báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh, huyện gửi UBMTTQVN cấp trên trực tiếp. Thời hạn gửi báo cáo 6 tháng đầu năm là tuần thứ ba của tháng 7, báo cáo cả năm là tuần thứ ba của tháng 01 năm sau.
Điều 26. Trách nhiệm của UBMTTQVN xã
1. Tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn theo quy định tại Chương II của Quy chế này.
2. Tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trong xã chủ động, tích cực thực hiện quyền giám sát đầu tư cộng đồng.
3. Xác nhận các báo cáo kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng, các kiến nghị về kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng do Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng lập gửi các cơ quan có liên quan.
4. Phối hợp với cơ quan có liên quan giám sát, kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã đúng mục tiêu, đúng quy định và đạt hiệu quả.
Điều 27. Trách nhiệm của Chủ đầu tư
1. Đối với mọi dự án đầu tư trên địa bàn xã, chủ đầu tư có trách nhiệm công khai hóa về: Quyết định đầu tư; Chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất; quy hoạch mặt bằng chi tiết và phương án kiến trúc; bồi thường giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án bảo vệ môi trường.
2. Đối với các dự án được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3, Chương I của Quy chế này chủ đầu tư có trách nhiệm công khai hóa về nội dung quyết định đầu tư; nguồn vốn đầu tư và điều kiện tài chính của các nguồn vốn đầu tư; các nhà thầu tham gia.
3. Đối với các dự án được quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3, Chương I của Quy chế này chủ đầu tư có trách nhiệm công khai hóa về các quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại và định mức vật tư; kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình.
4. Đối với các dự án được quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Chương I của Quy chế này chủ đầu tư có trách nhiệm công khai hóa về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh (nếu có).
5. Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đã cung cấp phục vụ công tác giám sát đầu tư của cộng đồng. Đồng thời trả lời, giải trình, cung cấp các thông tin theo quy định tại Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và quy định của pháp luật khi cộng đồng yêu cầu (thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị bằng văn bản của cộng đồng).
Điều 28. Nhà thầu có trách nhiệm
1. Trả lời, giải trình, cung cấp các thông tin về dự án thuộc phạm vi, trách nhiệm theo quy định của pháp luật khi cộng đồng yêu cầu.
2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đã cung cấp phục vụ công tác giám sát đầu tư của cộng đồng.
Điều 29. Trách nhiệm của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã
1. Lập và quản lý thực hiện kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã theo quy định này.
2. Yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin làm rõ những vấn đề mà cộng đồng có ý kiến.
3. Thu thập những ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong xã, cơ quan quản lý nhà nước, các báo cáo của chủ đầu tư và nhà thầu, xác định những vấn đề mà cộng đồng có ý kiến đã được làm rõ, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề chưa được làm rõ.
4. Thông báo các kết quả xử lý, giải quyết của các cấp có thẩm quyền đối với các ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
5. Định kỳ 6 tháng, 01 năm, lập báo cáo tổng hợp kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn xã theo Phụ lục số 01 (gồm 2 bảng). Ban Thường trực UBMTTQVN xã xác nhận trước khi gửi HĐND, UBND, UBMTTQVN cấp huyện, cấp tỉnh và Sở Kế hoạch & Đầu tư; thời hạn gửi báo cáo 6 tháng đầu năm vào tuần thứ hai của tháng 7 và báo cáo năm vào tuần thứ hai của tháng 01 năm sau.
6. Quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ kinh phí hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đúng mục tiêu, đúng quy định và đạt hiệu quả.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 30. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này, các quy định trái với Quy chế này đều bãi bỏ. Nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân, cơ quan có liên quan kiến nghị bằng văn bản gửi Sở Kế hoach & Đầu tư để được hướng dẫn cụ thể thêm. Trường hợp nếu có kiến nghị vượt quá thẩm quyền giải quyết, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Ban Thường trực UBMTVN tỉnh, Sở Tài chính xem xét, thống nhất giải thích và trả lời các vấn đề có liên quan đến Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng./.
- 1 Quyết định 01/2013/QĐ-UBND phân bổ kinh phí hoạt động của Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng cấp xã do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 2 Quyết định 48/2008/QĐ-UBND quy định cụ thể một số nội dung trong thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 3 Quyết định 92/2007/QĐ-UBND quy định tổ chức công tác giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
- 4 Thông tư liên tịch 04/2006/TTLT-BKHĐT-UBTƯMTTQVN-BTC hướng dẫn quyết định 80/2005/QĐ-TTg ban hành quy chế giám sát đầu tư cộng đồng do Bộ Kế hoạch và đầu tư - Ban thường trực Ủy ban trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Tài chính ban hành
- 5 Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 6 Luật Đầu tư 2005
- 7 Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Thông tư 118/2004/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước do Bộ Tài chính ban hành
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 10 Luật Đất đai 2003
- 11 Thông tư 59/2003/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 12 Thông tư 60/2003/TT-BTC quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn do Bộ Tài chính ban hành
- 13 Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước
- 14 Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 1 Quyết định 92/2007/QĐ-UBND quy định tổ chức công tác giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành
- 2 Quyết định 01/2013/QĐ-UBND phân bổ kinh phí hoạt động của Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng cấp xã do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 3 Quyết định 48/2008/QĐ-UBND quy định cụ thể một số nội dung trong thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 4 Quyết định 24/2020/QĐ-UBND bãi bỏ Chỉ thị 15/2010/CT-UBND do tỉnh Quảng Ngãi ban hành