BỘ GIÁO DỤC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1765-QĐ | Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1981 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC Ở CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Căn cứ vào các nghị đinh số 19-CP ngày 29/1/1966 và số 6-CP ngày 7/1/1971 của Hội đồng Chính phủ quy định quyền hạn nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục;
Căn cứ quyết định số 124-CP ngày 19/3/1981 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Giáo dục ở các cấp chính quyền, đị phương;
Sau khi được sử thoả thuận của đồng chí bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, đông chí chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ bà mẹ trẻ em Trung ương và đồng chí tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của hội đồng giáo dục ở các cấp chính quyền địa phương.
Điều 2: Các đông chí chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều lệ này ở các cấp chính quyền địa phương.
| BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC Ở CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
(ban hành kèm theo Quyết định số 1765-QĐ ngày 9/12/1981 của Bộ Giáo dục)
Căn cứ Quyết định số 124-CP ngày 19/3/1981 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập hội đồng giáo dục ở các cấp chính quyền địa phương được sự hướng dẫn của Ủy ban Cải cách giáo dục trung ương. Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em trung ương và Tổng cục dạy nghề nhất trí ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của hội đồng giáo dục ở các cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh; ở xã, phường.
Chương 1.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC Ở CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 1. Hội đồng giáo dục ở các cấp chính quyền địa phương có chức năng góp ý kiến với cấp ủy Đảng cộng sản Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác giáo dục (từ nuôi dạy trẻ, mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa đến các trường lớp chuyên nghiệp thuộc quyền quản lý của cấp đó), và bàn với các ngành và các lực lượng xã hội phối hợp tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa và các trường học ở địa phương.
Điều 2. Hội đồng giáo dục ở các cấp chính quyền địa phương có nhiệm vụ:
1. Đề xuất ý kiến với cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về công tác giáo dục trong địa phương, tham gia ý kiến xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển giáo dục của Ủy ban nhân dân địa phương, có kiến nghị về các biện pháp bảo đảm thực hiện kế hoạch đề ra và giúp Ủy ban theo dõi các ngành thực hiện kế hoạch đó.
2. Tổ chức sự phối hợp giữa nhà trường, nhà trẻ, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Động viên các lực lượng xã hội cùng với nhà trường, nhà trẻ tạo ra môi trường xã hội thuận lợi cho sự hình thành con người mới, góp phần xây dựng và bảo vệ cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường, nhà trẻ.
3. Tham gia với ngành giáo dục để giáo dục hướng nghiệp cho học sinh đang học trong trường phổ thông và cùng với ngành giáo dục đề xuất với cấp ủy Đảng và Ủy ban nhân dân cùng cấp kế hoạch tiếp tục đào tạo ngành nghề sau phổ thông, bố trí sử dụng hợp lý học sinh phổ thông, các trường chuyên nghiệp và các trường đại học (hoặc cao đẳng) thực hiện kết hợp giáo dục với nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, tham quan, thực hiện các hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường.
4. Động viên nhân dân phát huy truyền thống hiếu học và quý trọng thầy giáo, cô giáo, cô nuôi dạy trẻ. Giúp đỡ các thầy giáo, cô giáo và cô nuôi dạy trẻ điều kiện làm việc và cải thiện đời sống.
5. Phản ánh với chính quyền địa phương kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích hoặc yêu cầu chính quyền xét thi hành kỷ luật những đơn vị, cá nhân vi phạm luật pháp của Nhà nước về mặt giáo dục.
Điều 3. Hội đồng giáo dục ở các cấp chính quyền địa phương có quyền hạn:
1. Yêu cầu cán bộ quản lý ngành giáo dục và nhà trường, nhà trẻ thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương phản ảnh về tình hình hoạt động của ngành giáo dục và một số tình hình khác có liên quan đến ngành giáo dục khi cần thiết.
2. Yêu cầu các cấp quản lý ngành giáo dục và nhà trường, nhà trẻ trong địa phương trả lời những vấn đề của hội đồng cần tìm hiểu về mặt giáo dục.
3. Tham gia ý kiến vào dự án thu, chi của quỹ bảo trợ nhà trường hàng năm và hàng quý, giám sát việc thu và chi đúng nguyên tắc để phục vụ tốt yêu cầu phát triển giáo dục và cải thiện đời sống giáo viên, cô nuôi dạy trẻ.
Chương 2.
TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC Ở CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 4. Các thành viên của hội đồng giáo dục ở các cấp chính quyền địa phương phải là người có tín nhiệm, có nhiệt tình với công tác giáo dục và am hiểu công tác này.
Điều 5. Thành phần hội đồng giáo dục ở tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh gồm có đại diện cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân, các ngành giáo dục, một số ban, ngành, đoàn thể có liên quan mật thiết với công tác giáo dục (khoa giáo, kế hoạch, tài chính, văn hóa, thể dục thể thao, thanh niên, phụ nữ, công đoàn, mặt trận tổ chức…) và một số trí thức am hiểu và quan tâm đến công tác giáo dục.
Điều 6. Thành phần hội đồng giáo dục ở xã, phường gồm có đại diện cấp ủy Đảng. Ủy ban nhân dân, ban quản trị hợp tác xã, ban giám đốc nông trường, xí nghiệp (nếu có), trường phổ thông, trường bổ túc văn hóa, lớp mẫu giáo, nhà trẻ, hội cha mẹ học sinh, ban bảo trợ nhà trẻ, một số ban, ngành và đoàn thể có liên quan mật thiết với nhà trường, và một vài cá nhân am hiểu và có nhiệt tình trong công tác giáo dục.
Điều 7. Danh sách hội đồng giáo dục do Ủy ban nhân dân thông qua và quyết định. Nhiệm kỳ của hội đồng giáo dục ở cấp nào thì tương ứng với nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân cấp ấy. Theo đề nghị của chủ tịch hội đồng. Ủy ban nhân dân sẽ quyết định bãi miễn, cho thôi trách nhiệm hoặc bổ sung thành viên của hội đồng.
Điều 8. Hội đồng giáo dục không có hệ thống dọc trên dưới. Cơ cấu tổ chức hội đồng giáo dục gồm có:
- Một chủ tịch hội đồng (là đại diện cấp ủy Đảng hay chính quyền địa phương).
- Hai phó chủ tịch (một người là ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân hay cán bộ lãnh đạo ban khoa giáo (hoặc tuyên giáo) thuộc cấp ủy Đảng, một người là cán bộ lãnh đạo Sở, Ty giáo dục hoặc ban giáo dục, ở cơ sở phải là hiệu trưởng trường phổ thông).
- Tùy theo nhu cầu công tác mà bổ sung thêm hai ủy viên thư ký.
- Chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên thư ký hợp thành ban thường vụ của hội đồng có nhiệm vụ xem xét và đôn đốc công việc giữa hai kỳ họp của hội đồng.
- Để giúp hội đồng xem xét và theo dõi từng vấn đề lớn hay từng mặt hoạt động quan trọng của công tác giáo dục, hội đồng có thể thành lập một số tiểu ban chuyên môn giúp việc như tiểu ban hướng nghiệp, tiểu ban bổ túc văn hóa, tiểu ban xây dựng cơ sở vật chất, tiểu ban phối hợp ba môi trường giáo dục học sinh, tiểu ban chăm sóc đời sống giáo viên, cô nuôi dạy trẻ v.v…
Điều 9. Hội đồng giáo dục họp thường lệ một năm hai kỳ: kỳ thứ nhất vào dịp hè để bàn việc chuẩn bị năm học mới, và kỳ thứ hai vào dịp giữa năm học để kiểm tra tình hình thực hiện các quyết định của hội đồng. Tùy theo sự cần thiết, hội đồng có thể họp thêm theo sự triệu tập của chủ tịch hội đồng.
Điều 10. Các thành viên của hội đồng giáo dục đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Đối với những thành viên thuộc biên chế Nhà nước, thì cơ quan sẽ thanh toán công tác phí. Đối với những thành viên không thuộc biên chế Nhà nước, nếu cơ sở sản xuất (tập thể) hoặc đoàn thể nhân dân không thanh toán được công tác phí thì Ủy ban nhân dân sẽ trợ cấp công tác phí. Các khoản chi phí cho hoạt động của hội đồng thì lấy ở sự đóng góp của các đoàn thể, các cơ sở sản xuất, các trường học và một phần ở ngân sách Ủy ban nhân dân.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Điều lệ này áp dụng cho tất cả hội đồng giáo dục ở các cấp chính quyền địa phương trong cả nước và có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện điều lệ này trong các cấp chính quyền địa phương.
TỔNG CỤC TRƯỞNG | CHỦ NHIỆM ỦY BAN BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM TRUNG ƯƠNG |
BỘ TRƯỞNG BỘ ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP | BỘ TRƯỞNG |