Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1766/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 04 tháng 07 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Chương trình làm việc năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

Căn cứ Chương trình công tác năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh,

Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Tờ trình số 95/TTr-BCĐ ngày 24/6/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương nghiên cứu Đề án phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chính như sau:

1. Tên đề án: Đề án phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Nội dung nghiên cứu:

I. Phần mở đầu:

1. Sự cần thiết của Đề án:

Kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ nhu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng cao. Trong những năm qua, Thái Bình đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn hạn chế, không đồng bộ: nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị ... làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư và là một trong những điểm nghẽn tăng trưởng. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định: “Xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, và Nghị Quyết 13 về xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

2. Căn cứ xây dựng Đề án:

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020;

- Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX;

- Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 định hướng đến năm 2030;

- Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh;

- Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố;

- Quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh;

- Đề án hiện đại hóa hệ thống giao thông tỉnh Thái Bình giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo...

3. Mục tiêu của Đề án:

Xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với tầm nhìn dài hạn. Đề xuất các bước đi và giải pháp phát triển đối với kết cấu hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm, đảm bảo phát triển đồng bộ, phù hợp với đường lối, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.

4. Phạm vi của Đề án:

Kết cấu hạ tầng là một lĩnh vực khá rộng bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cả hạ tầng “cứng” và hạ tầng “mềm”... Trong khuôn khổ Đề án này tập trung phân tích đánh giá và định hướng phát triển một số lĩnh vực trọng tâm: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống điện, thủy lợi, hạ tầng đô thị; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hệ thống các trường học và hệ thống cơ sở khám chữa bệnh theo hướng tương đối đồng bộ và có một số công trình hiện đại.

II. Phần thứ nhất: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Bình.

1. Đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình:

- Đặc điểm tự nhiên: Đặc điểm, vị trí địa lý, diện tích, dân số tự nhiên và phân bố dân cư, số đơn vị hành chính, những nét chính về lợi thế của tỉnh so với khu vực…

- Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình tính đến năm 2015: Tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, tình hình thu ngân sách trên địa bàn...

2. Thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh: Bao gồm:

- Hạ tầng giao thông: Gồm hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng giao thông đường thủy.

- Hạ tầng thủy lợi.

- Hạ tầng đô thị.

- Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

- Hạ tầng cung cấp năng lượng, điện.

- Hạ tầng cấp, thoát nước.

- Hạ tầng thông tin và truyền thông.

- Hạ tầng thương mại, dịch vụ.

- Hạ tầng giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, dạy nghề.

- Hạ tầng y tế.

- Hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch.

- Hạ tầng làng nghề và khu dân cư tập trung khu vực nông thôn.

- Hạ tầng xử lý chất thải rắn.

III. Phần thứ hai: Quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh Thái Bình.

1. Quan điểm:

- Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh gắn với phát triển vùng và của các địa phương; lựa chọn những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn để ưu tiên tập trung đầu tư.

- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư kể cả trong nước cũng như nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng thời ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động được từ các nguồn lực xã hội.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng nhanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu:

2.1. Mục tiêu chung: Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững, tập trung đầu tư các lĩnh vực hạ tầng trọng điểm, then chốt; ưu tiên các dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Về hạ tầng giao thông: Bảo đảm kết nối giao thông, tạo mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng; liên kết giữa các huyện, thành phố trong tỉnh; nâng cao năng lực vận tải hành khách và hàng hóa, tập trung xây dựng một số tuyến giao thông quy mô lớn.

- Về hạ tầng thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới: Bảo đảm tưới, tiêu nước cho diện tích lúa, cây vụ đông, vùng sản xuất hàng hóa và nuôi thủy sản tập trung. Đầu tư xây dựng các đập ngăn mặn xâm nhập, tiếp tục tu bổ, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, kết hợp phát triển hạ tầng thủy lợi với việc nâng cao năng lực giao thông, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia.

- Về hạ tầng đô thị: Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ. hiện đại, xanh, sạch, đẹp đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I; chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, điện, hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trên địa bàn thành phố và các thị trấn trong tỉnh.

- Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo bố trí không gian sản xuất khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải và chất thải công nghiệp đảm bảo phát triển bền vững.

3. Định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ:

3.1. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm:

3.1.1. Kết cấu hạ tầng giao thông:

a) Về đường bộ:

Tập trung đầu tư xây dựng một số tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh bảo đảm kết nối nhanh, an toàn với các đầu mối giao thông vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; kết nối mạng lưới giao thông xã - huyện - tỉnh theo quy hoạch giao thông vận tải của tỉnh đến 2020 và định hướng đến năm 2030. Kết hợp phát triển giao thông với nâng cao khả năng phòng, chống lụt bão và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bảo đảm đi lại thuận tiện từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, nối liền các thôn, xóm; điểm sản xuất và đường nội bộ trong các thôn, xóm.

b) Về đường thủy: Đầu tư xây dựng cảng sông, cảng biển; quy hoạch và nâng cấp các bến xếp dỡ hàng hóa quan trọng ven các sông lớn và nội đồng đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.

3.7.2. Kết cấu hạ tầng thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới:

Thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi và phòng, chống lụt bão; từng bước hoàn thành hệ thống đê sông kết hợp với giao thông trong tỉnh.

Chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống cây, giống con, giống thủy sản để chủ động cung cấp nguồn giống chất lượng cao phục vụ sản xuất và xây dựng mô hình cánh đồng lớn.

Đẩy mạnh chỉnh trang, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực dân cư nông thôn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới.

Chú trọng đầu tư hệ thống công trình cấp nước sạch tập trung theo quy hoạch được phê duyệt, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải ở khu vực làng nghề, khu chăn nuôi tập trung.

3.1.3. Kết cấu hạ tầng đô thị:

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa đô thị và vùng nông thôn, tạo động lực để phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng Thành phố theo định hướng lấy sông Trà Lý làm trục cảnh quan trung tâm và các thị trấn trong tỉnh.

Đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, cấp điện, hạ tầng viễn thông thụ động, nước sạch; thoát nước thải và vệ sinh môi trường ở các đô thị trong tỉnh. Dành quỹ đất cho giao thông, công viên, cây xanh, các công trình phúc lợi xã hội theo quy hoạch khi xây dựng các khu đô thị mới. Ưu tiên cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông ở cửa ngõ thành phố, đường vành đai thành phố và tuyến tránh các thị trấn.

3.1.4. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp:

Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong tỉnh theo kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt; đồng thời khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là ở khu vực bãi bồi ven biển, nhằm thu hút các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, không gây ô nhiễm môi trường.

3.2. Phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế ven biển:

3.2.1. Định hướng phát triển giao thông: Đầu tư xây dựng luồng tàu vào cảng Diêm Điền; triển khai xây dựng, nâng cấp các tuyến đường đối ngoại, đường nội bộ trong Khu kinh tế; tiến hành nạo vét các luồng lạch các sông, quy hoạch và nâng cấp các bến xếp dỡ hàng hóa quan trọng trên sông và nội đồng đáp ứng nhu cầu vận tải về hàng hóa.

3.2.2. Định hướng cấp, thoát nước:

- Cấp nước: Xây dựng và nâng cấp hệ thống các công trình cấp nước để đảm bảo cung cấp cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, dịch vụ.

- Thoát nước: Tiến hành lập quy hoạch chi tiết các lưu vực thoát nước phù hợp với địa hình của Khu kinh tế. Đảm bảo nguồn nước thoát ra sông được thông suốt, không gây ngập bộ phận. Thoát nước theo địa hình tự nhiên và đổ ra sông gần nhất.

3.2.3. Thủy lợi: Đầu tư nâng cấp hệ thống đê biển trong khu vực, tiếp tục củng cố hệ thống thủy lợi nội đồng, nạo vét các kênh cấp I, cấp II, xây mới, tu bổ nâng cấp các cống dưới đê ...

3.2.4. Định hướng cấp điện:

3.2.5. Định hướng phát triển bưu chính viễn thông:

3.3. Phát triển kết cấu hạ tầng các lĩnh vực khác: Gồm:

- Kết cấu hạ tầng cung cấp năng lượng, điện.

- Kết cấu hạ tầng cấp, thoát nước.

- Kết cấu hạ tầng thông tin và truyền thông.

- Kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ.

- Kết cấu hạ tầng giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, dạy nghề.

- Kết cấu hạ tầng y tế.

- Kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch.

- Kết cấu hạ tầng làng nghề và khu dân cư tập trung khu vực nông thôn.

- Kết cấu hạ tầng xử lý chất thải rắn.

4. Các giải pháp chủ yếu:

4.1. Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện các quy hoạch, tạo định hướng đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; trọng tâm là khu vực ven biển.

4.2. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

4.3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng.

4.4. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.

4.5. Hoàn thiện và xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

4.6. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tích cực thu hút đầu tư các nguồn vốn theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

IV. Phần thứ ba: Nguồn lực triển khai thực hiện đề án.

V. Phần thứ tư: Phân công tổ chức thực hiện đề án.

VI. Phần thứ năm: Kết luận, đề xuất và kiến nghị.

VII. Phần thứ sáu: Danh mục một số công trình trọng điểm cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Căn cứ nội dung phê duyệt tại Điều 1, Ban Chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra và tuân thủ đúng trình tự theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Xây dựng, Ban quản lý các Khu công nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Diên