Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 177/2005/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 20 tháng 09 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUI ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ XE CÔNG NÔNG THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/1l/2003;

- Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

- Căn cứ Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 1 2 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Qui định về quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 19/2002/QĐ-UB ngày 20/02/2002 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ XE CÔNG NÔNG THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 177/2005/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Bản quy định này qui định về quản lý sản xuất, quản lý hoạt động của xe công nông và người điều khiển xe công nông tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước; các cơ sở sản xuất, các tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng phương tiện xe công nông tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

Xe công nông (hay còn gọi là xe công nông đầu ngang, đầu dọc, xe tự chế...) dùng trong quy định này bao gồm:

1. Xe máy kéo nhỏ: là xe máy kéo nông nghiệp có 4 bánh điều khiển bằng vô lăng hoặc 2 bánh điều khiển bằng càng có gắn rơ moóc (thùng hàng) để vận chuyển hàng có tải trọng dưới 1.000 Kg.

2. Xe vận chuyển nhỏ: là xe lắp ráp từ các động cơ một xi lanh và các tổng thành ô tô cũ.

Chương II

QUẢN LÝ VIỆC SẢN XUẤT, ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XE CÔNG NÔNG, NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN XE CÔNG NÔNG

Điều 4. Việc sản xuất, thi công đóng mới phương tiện

1. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, đóng mới các loại xe vận chuyển nhỏ.

2. Đối với việc sản xuất, đóng mới các loại xe máy kéo nhỏ phải tuân thủ theo các quy định sau: phần đầu kéo giữ nguyên của nhà chế tạo, phần rơ moóc (thùng hàng) phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật do Sở Giao thông Vận tải quy định.

Điều 5. Thời hạn cho phép tham gia giao thông

1. Đối với xe vận chuyển nhỏ, thời hạn tối đa được tham gia giao thông trên đường bộ đến ngày 31 tháng 12 năm 2007. Nhà nước khuyến khích các chủ phương tiện thực hiện việc loại bỏ, thay thế xe công nông trước thời hạn qui định nói trên.

2. Đối với xe máy kéo nhỏ, không khuyến khích sử dụng để vận chuyển hàng hoá trên đường giao thông công cộng.

Điều 6. Đăng ký, cấp giấy đăng ký và biển số xe

1. Tất cả các xe vận chuyển nhỏ đã sản xuất trước ngày 31 tháng 12 năm 2004 (là ngày Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành) và xe máy kéo nhỏ tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều phải đăng ký và gắn biển số.

2. Không cấp đăng ký và biển số cho các xe vận chuyển nhỏ được sản xuất sau ngày 31 tháng 12 năm 2004.

3. Xe công nông trước khi đăng ký, cấp biển số, phải được kiểm tra chất lượng và an toàn kỹ thuật theo quy định.

4. Cơ quan đăng ký cấp biển số: Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng.

5. Địa điểm đăng ký: tại cơ quan Công an các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt.

6. Hồ sơ, thủ tục đăng ký xe, biển số xe công nông thực hiện theo quy định tại điểm 1, điểm 3 mục A, điểm 4.18 mục B phần II Thông tư số 01/2002/TT-BCA (C11) ngày 04 tháng 01 năm 2002 của Bộ công an.

7. Đối với các xe công nông đã được cấp đăng ký và gắn biển số theo Qui định tạm thời về quản lý hoạt động đối với xe công nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (ban hành kèm theo Quyết định số 19/2002/QĐ-UB ngày 20 tháng 02 năm 2002 của UBND tỉnh) được tiếp tục hoạt động và phải tuân theo các điều khoản qui định tại văn bản này.

Điều 7. Kiểm tra chất lượng và an toàn kỹ thuật để cấp đăng ký

1. Hồ sơ, thủ tục kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật để cấp đăng ký biển số thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Hướng dẫn số 227/ĐK ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Cơ quan kiểm tra, cấp chứng nhận: Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng.

3. Địa điểm kiểm tra: tại các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt.

Điều 8. Kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

1. Các xe vận chuyển nhỏ đã được cấp đăng ký biển số phải thực hiện việc kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

2. Cơ quan kiểm định: Trung tâm Đăng Kiểm xe cơ giới tỉnh Lâm Đồng.

3. Địa điểm kiểm định: tại các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng trong việc bố trí địa điểm thuận lợi để thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật đối với xe công nông trên địa bàn.

Điều 9. Điều khiển xe công nông

1. Người điều khiển xe công nông phải có giấy phép lái xe theo quy định dưới đây và phải chấp hành nghiêm túc về phạm vi và thời gian hoạt động theo quy định tại điều 9 của qui định này.

Người điều khiển xe máy kéo nhỏ có trọng tải dưới 1.000 Kg phải có Giấy phép lái xe hạng A4.

- Người điều khiển xe vận chuyển nhỏ phải có Giấy phép lái xe hạng B1.

2. Sở Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe theo đúng quy định hiện hành. Riêng đối với Giấy phép lái xe hạng A4, để tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của người học và thi lấy Giấy phép lái xe, tổ chức các lớp học, các kỳ sát hạch tại các địa phương và có hình thức, chương trình đào tạo phù hợp.

Điều 10. Phạm vi và thời gian hoạt động của xe công nông

1. Cấm xe công nông hoạt động trong khu vực nội thành thành phố Đà Lạt và nội thị thị xã Bảo Lộc.

2. Đối với một số khu vực thị trấn, các quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường có mật độ giao thông cao mà việc hoạt động của xe công nông sẽ gây cản trở, ùn tắc và tăng nguy cơ tai nạn giao thông, UBND các huyện, thị và thành phố phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ tiến hành nghiên cứu, khảo sát tình hình hoạt động lưu thông có phương tiện để đề xuất UBND tỉnh phê duyệt việc cấm xe công nông lưu thông theo giờ, hạn chế lưu thông giờ cao điểm...để không ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Điều 11. Hoạt động vận tải của xe công nông

1. Tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng xe công nông để kinh doanh vận tải phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh vận tải và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo qui định.

2. Việc vận chuyển hàng hoá trên xe công nông phải thực hiện theo qui định tại điều 63, 64, 65 của Luật Giao thông đường bộ.

Chương III

THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm bản quy định này.

Điều 13. Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, đóng mới xe vận chuyển nhỏ trái phép sẽ bị xử lý vi phạm và buộc tháo dỡ tại chỗ.

Điều 14. Hoạt động của xe công nông phải tuân thủ theo đúng Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 14/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ, Chỉ thị số 46/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ và các điều khoản của bản quy định này. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã xử phạt hành chính mà tiếp tục cố tình vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương

1. Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh chịu trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn thủ tục thực hiện việc kiểm tra về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và thủ tục đăng ký, cấp biển số đối với xe công nông tham gia giao thông theo qui định này; lập kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện dứt điểm trong năm 2005 đối với việc kiểm tra an toàn kỹ thuật, cấp đăng ký đối với xe vận chuyển nhỏ đã sản xuất trước ngày 31 tháng 1 2 năm 2004.

2. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm phổ biến rộng rãi nội dung bản qui định này và tổ chức vận động, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện; rà soát, nắm danh sách các đầu xe công nông trên địa bàn để quản lý hoạt động đối với phương tiện này.

3. Các Sở ngành, đơn vị có liên quan trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị tổ chức thực hiện tốt bản qui định này.

Điều 16. Điều khoản thi hành

Chánh Văn phòng UBNĐ tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt, các cơ sở sản xuất, các chủ xe công nông và người điều khiển xe công nông chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng nội dung của bản qui định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các địa phương phản ảnh về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đời, bổ sung cho phù hợp./.