Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/QĐ-BCĐCCHC

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2017 CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ

TRƯỜNG BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 54/QĐ-BCĐCCHC ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1085/QĐ-BCĐCCHC ngày 20 tháng 6 năm 2016 của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc phê duyệt Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và các Quyết định số 2008/QĐ-BCĐCCHC ngày 21 tháng 10 năm 2016, số 50/QĐ-BCĐCCHC ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2017 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Điều 2. Các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Kế hoạch kiểm tra chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các bộ, cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Xuân Thành, Trợ lý TTg, Trợ lý, Thư ký PTTg Trương Hòa Bình, các Vụ: TH, TCCB, TCCV, PL, QHĐP;
- Lưu: VT, KSTT (03).XH

TRƯỞNG BAN




PHÓ THỦ TƯỚNG
Trương Hòa Bình

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2017 CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số: 177/QĐ-BCĐCCHC ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ)

Để có cơ sở đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2017 của Ban Chỉ đạo tại các bộ, ngành và địa phương; cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

a) Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2017, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng tâm tại một số bộ, ngành và địa phương, từ đó có biện pháp chỉ đạo sát hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tiếp theo;

b) Phát hiện những cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương để có hướng khắc phục, tháo gỡ; ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước;

c) Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách hành chính.

2. Yêu cầu:

a) Việc kiểm tra bảo đảm chính xác, khách quan, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được kiểm tra;

b) Việc kiểm tra phải tuân thủ đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao;

c) Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương để bảo đảm việc kiểm tra mang tính toàn diện, đồng thời bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm;

d) Kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra cải cách hành chính với việc kiểm tra tình hình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan là thành viên của Ban Chỉ đạo.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

Kiểm tra việc triển khai, tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch công tác của bộ, cơ quan, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 tính đến thời điểm kiểm tra theo những nội dung sau:

1. Kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính gắn với tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của bộ, ngành và địa phương trên tất cả các nội dung của Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ; các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính.

2. Công tác cải cách thể chế: Công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

3. Kiểm tra việc triển khai và kết quả đạt được của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, các nghị quyết của Chính phủ, các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực, như: Đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng... và các thủ tục hành chính khác liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tình hình triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai các hình thức công khai, minh bạch thủ tục hành chính; việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý hoặc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương.

4. Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có; đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của bộ máy.

5. Kiểm tra tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trách nhiệm và đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

6. Công tác cải cách tài chính công: Việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với cơ quan nhà nước; về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc ban hành, thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công.

7. Hiện đại hóa hành chính: Kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.

III. PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

1. Kiểm tra thực tế việc tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức tại một số đơn vị của bộ, ngành và địa phương (mỗi bộ, tỉnh lựa chọn từ 02 đến 03 cơ quan, đơn vị để làm việc với Đoàn Kiểm tra).

2. Đoàn Kiểm tra làm việc trực tiếp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của bộ, tỉnh được lựa chọn kiểm tra thực tế về các nội dung:

a) Báo cáo tình hình thực hiện cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị (theo mẫu tại Phụ lục I) và những đề xuất, kiến nghị;

b) Trao đổi, thảo luận những vấn đề phát hiện qua kiểm tra thực tế;

c) Trưởng Đoàn Kiểm tra kết luận.

3. Làm việc với lãnh đạo các bộ, các tỉnh được kiểm tra về các nội dung:

a) Báo cáo tình hình thực hiện cải cách hành chính của bộ, tỉnh được kiểm tra (theo mẫu tại Phụ lục I) và những đề xuất, kiến nghị;

b) Lãnh đạo bộ, tỉnh báo cáo những vấn đề về triển khai công tác cải cách hành chính của bộ, tỉnh;

c) Trao đổi, thảo luận những vấn đề phát hiện qua kiểm tra;

d) Trưởng Đoàn Kiểm tra kết luận.

IV. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA VÀ THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA

1. Thời gian kiểm tra cụ thể do các Trưởng đoàn chủ động bố trí. Dự kiến mỗi bộ, tỉnh được tiến hành kiểm tra trong 02 ngày (gồm: 01 ngày kiểm tra chuyên sâu ở cấp chuyên viên; 01 ngày kiểm tra, kết luận của Trưởng đoàn).

2. Chủ thể, đối tượng, thành phần các Đoàn Kiểm tra thực hiện theo Phụ lục II được ban hành kèm theo Quyết định này. Trường hợp có quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo thì thực hiện theo quyết định đó.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với Đoàn Kiểm tra do Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn:

a) Bộ Nội vụ làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Đoàn Kiểm tra theo nội dung kế hoạch; liên hệ và thông báo đến các bộ, ngành và địa phương về kế hoạch kiểm tra;

b) Văn phòng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho kế hoạch kiểm tra của Trưởng Ban Chỉ đạo;

c) Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra có trách nhiệm chuẩn bị tốt nội dung phục vụ việc kiểm tra; xây dựng báo cáo theo Phụ lục I và gửi về Bộ Nội vụ trước khi kiểm tra ít nhất 05 ngày; tạo điều kiện thuận lợi giúp Đoàn Kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ;

d) Kết thúc mỗi cuộc kiểm tra, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo đến các cơ quan được kiểm tra và các cơ quan có liên quan.

2. Đối với Đoàn Kiểm tra do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn và Đoàn Kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn:

a) Vụ Cải cách hành chính - Văn phòng Ban Chỉ đạo:

- Làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Đoàn Kiểm tra theo nội dung kế hoạch.

- Thông báo cho các bộ và các địa phương được kiểm tra về nội dung, thời gian, địa điểm để đảm bảo cuộc kiểm tra đạt kết quả.

- Kết thúc mỗi cuộc kiểm tra, Văn phòng Ban Chỉ đạo thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản cho các cơ quan, đơn vị được kiểm tra và các đơn vị có liên quan.

b) Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nội vụ và các đơn vị ngoài Bộ Nội vụ được mời tham gia Đoàn Kiểm tra:

- Căn cứ vào kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt, các đơn vị chủ động liên hệ với Vụ Cải cách hành chính cử lãnh đạo, công chức tham gia Đoàn Kiểm tra.

- Chuẩn bị nội dung theo các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình để làm việc với các đơn vị được kiểm tra theo sự phân công của Trưởng đoàn.

c) Đối với các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra:

- Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra có trách nhiệm chuẩn bị tốt nội dung phục vụ việc kiểm tra.

- Xây dựng báo cáo theo Phụ lục I và gửi về Bộ Nội vụ trước khi kiểm tra ít nhất 05 ngày.

- Tạo điều kiện thuận lợi giúp Đoàn Kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ.

3. Đối với các Đoàn Kiểm tra do thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn (theo Phụ lục II):

a) Thành lập Đoàn và tiến hành kiểm tra theo nội dung kế hoạch; liên hệ và thông báo đến các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Ban Chỉ đạo về kế hoạch kiểm tra.

b) Thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản gửi lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương được kiểm tra; đồng thời gửi Bộ Nội vụ (qua Văn phòng Ban Chỉ đạo) sau khi kết thúc việc kiểm tra để theo dõi, tổng hợp, phục vụ cho việc đánh giá kết quả công tác của Ban Chỉ đạo.

c) Các bộ, ngành và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra có trách nhiệm chuẩn bị tốt nội dung phục vụ việc kiểm tra; xây dựng báo cáo theo Phụ lục I và gửi Đoàn Kiểm tra trước khi kiểm tra ít nhất 05 ngày; bố trí các đơn vị cơ sở được kiểm tra thực tế theo yêu cầu; chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ và phối hợp để Đoàn Kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ.

VI. KINH PHÍ

1. Nguồn kinh phí:

Kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra được lấy từ nguồn kinh phí cải cách hành chính năm 2017 đã được cấp của các cơ quan, đơn vị.

2. Nội dung và định mức chi:

Nội dung và định mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành./.

 

PHỤ LỤC I

ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO PHỤC VỤ KIỂM TRA CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ*
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số: 177/QĐ-BCĐCCHC ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ)

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, HÀNH

1. Tình hình triển khai kế hoạch cải cách hành chính: Việc đôn đốc thực hiện, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính; công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra cải cách hành chính.

2. Trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai cải cách hành chính.

3. Tình hình triển khai thực hiện các nội dung cải cách hành chính tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

4. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

5. Tình hình triển khai các nghị quyết của Chính phủ, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực, trọng tâm là các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp và người dân, như: Thuế, kho bạc, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện năng...

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Trình bày những kết quả chính đạt được trong cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương từ đầu năm đến thời điểm kiểm tra, trên các lĩnh vực:

1. Cải cách thể chế.

2. Cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

4. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

5. Cải cách tài chính công.

6. Hiện đại hóa hành chính.

III. NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN TRONG TRIỂN KHAI CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA BỘ, NGÀNH/ĐỊA PHƯƠNG

1. Thuận lợi.

2. Khó khăn.

IV. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA BỘ, NGÀNH/ĐỊA PHƯƠNG TRONG NĂM TỚI

V. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Nêu những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới.

VI. CÁC PHỤ LỤC, BIỂU, BẢNG (nếu có)

 

PHỤ LỤC II

CHỦ THỂ, ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG KIỂM TRA CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2017 CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số: 177/QĐ-BCĐCCHC ngày 29 tháng 3 năm 2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ)

TT

Thành viên
Ban Chỉ đạo

Đơn vị được kiểm tra

Nội dung kiểm tra

1

Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ.

Đối tượng cụ thể do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định.

Theo các nội dung tại Phụ lục I "Đề cương báo cáo phục vụ kiểm tra công tác cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo CCHC của CP".

2

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Bộ, ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành khác do Phó Trưởng ban Thường trực quyết định.

- Các tỉnh, thành phố: Nam Định, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác do Phó Trưởng ban Thường trực quyết định.

Theo các nội dung tại Phụ lục I "Đề cương báo cáo phục vụ kiểm tra công tác cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo CCHC của CP".

3

Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

- Bộ, ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác do Phó Trưởng ban quyết định.

- Các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên, Long An, Kiên Giang và các tỉnh, thành phố khác do Phó Trưởng ban quyết định.

Theo các nội dung tại Phụ lục I "Đề cương báo cáo phục vụ kiểm tra công tác cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo CCHC của CP".

4

Văn phòng Chính phủ:

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Hải Phòng; Thanh Hóa, An Giang.

Theo các nội dung tại Phụ lục I "Đề cương báo cáo phục vụ kiểm tra công tác cải cách hành chính của BCĐCCHC của CP".

Trọng tâm: Cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

5

Bộ Công an:

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an.

Hà Nội, Đắk Lắk.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

- Cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực an ninh, trật tự.

6

Bộ Quốc phòng:

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Các đơn vị quân khu, quân chủng và Bộ đội Biên phòng.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong hệ thống các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng.

7

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Bắc Kạn, Bến Tre.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở địa phương.

- Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính trong tổ chức đoàn thanh niên ở địa phương.

8

Bộ Công Thương:

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Hưng Yên, Bình Định, Hậu Giang,

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

9

Bộ Xây dựng:

Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Lâm Đồng, Cần Thơ.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

- Công tác thẩm tra thiết kế xây dựng;

- Công tác cấp giấy phép xây dựng;

- Công tác cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng;

- Công tác giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

10

Bộ Khoa học và Công nghệ:

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bắc Ninh, Gia Lai, Cà Mau.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KHCN;

- Tình hình triển khai áp dụng hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

11

Ngân hàng Nhà nước:

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước;

- Cải cách thủ tục hành chính;

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

- Xây dựng, áp dụng và duy trì Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.

12

Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng.

Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trọng tâm:

- Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị dịch vụ giáo dục công;

- Phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo;

- Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

13

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hà Nam, Bình Thuận, Trà Vinh.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

14

Bộ Tài chính:

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Cao Bằng, Tuyên Quang, Ninh Thuận.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Trọng tâm là cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước.

15

Bộ Thông tin và Truyền thông:

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Công Thương, các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Bình.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trọng tâm: Ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công trực tuyến.

16

Bộ Tư pháp:

Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Quảng Ninh, Nghệ An, Kon Tum.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Trọng tâm: Công tác cải cách thể chế.

17

Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Quảng Nam, Bạc Liêu.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Tình hình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường.

18

Bộ Y tế:

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Phú Thọ, Quảng Ngãi.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP; Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

- Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

19

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch:

Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điện Biên, Khánh Hòa.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- Việc thành lập Sở Du lịch;

- Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.

20

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Yên Bái, Hòa Bình.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

- Tình hình giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, xã hội và người có công.

- Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề.

21

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư.

Bắc Giang, Đồng Tháp,

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Hoàn thiện thể chế kinh tế

- Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh.

22

Bộ Giao thông vận tải: Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Lào Cai; Quảng Trị

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

23

Thanh tra Chính phủ:

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra CP.

Lai Châu, Đà Nẵng.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra CP.

24

Ủy ban Dân tộc:

Ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Sơn La, Đắk Nông.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.

25

Bộ Ngoại giao: Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Các đơn vị theo kế hoạch kiểm tra của bộ.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.

26

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hải Dương, Vĩnh Long.

- Tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 30c/NQ-CP, Quyết định số 225/QĐ-TTg trong các tổ chức công đoàn ở địa phương.

- Công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính trong tổ chức công đoàn ở địa phương.

27

Đài Truyền hình Việt Nam:

Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Cơ quan Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại các khu vực và Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của Đài Truyền hình Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Đài Truyền hình.

- Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo công dân, tổ chức.

28

Đài Tiếng nói Việt Nam:

Ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cơ quan thường trú các khu vực: Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long; Đài Phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của Đài Tiếng nói Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Triển khai công tác thông tin tuyên truyền cải cách hành chính.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo công dân, tổ chức.

29

Thông tấn xã Việt Nam:

Ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam Khu vực phía Nam, Khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các phân xã tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của Thông tấn xã Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Thông tấn xã Việt Nam.

- Triển khai công tác thông tin tuyên truyền cải cách hành chính.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo công dân, tổ chức.



* Ghi chú: Đây là Đề cương phục vụ kiểm tra của Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Thường trực - Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Trưởng Ban - Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Các thành viên khác của Ban Chỉ đạo tham khảo và căn cứ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị mình để xây dựng Đề cương kiểm tra cho phù hợp.