Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 177/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 27 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC KẾT NỐI NÔNG NGHIỆP VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VÀ CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 5/2/2021 của Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Chính phủ Phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết 01/NQ-ĐH ngày 3/11/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 2168/TTr-SCT ngày 05 /11/2021 và Văn bản số 2403/SCT-QLCN ngày 30/11/2021; ý kiến thẩm định của Giám đốc Sở Tài chính tại Văn bản số 2828/STC-HCSN ngày 22/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu nông sản và chuỗi giá trị toàn cầu tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp; Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND Tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP; CV: KT;
- Lưu: VT, NN

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

ĐỀ ÁN

KẾT NỐI NÔNG NGHIỆP VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ NÔNG SẢN VÀ CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

I. Hiện trạng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ nông sản tỉnh Lâm Đồng

1. Kết quả đạt được:

Nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều lợi thế, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng; trong thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng lớn của dịch covid-19 làm gián đoạn tạm thời chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ nông sản nhưng ngành nông nghiệp đã phát huy vai trò bệ đỡ, nền tảng để phát kinh tế, ổn định đời sống nhân dân; cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến góp phần đẩy nhanh tăng trưởng ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Ngành nông lâm thủy chiếm khoảng 41,0% cơ cấu kinh tế của tỉnh; tăng trưởng hàng năm đạt trung bình 4,5%; giá trị tổng sản phẩm khoảng 18.816 tỷ đồng; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: trồng trọt 79,5%, chăn nuôi 18%, dịch vụ 2,5%; giá trị sản xuất trung bình đạt 201 triệu đồng/ha/năm (cao hơn cả nước 1,84 lần);

Đến năm 2021, diện tích canh tác đạt khoảng 300.000 ha, diện tích gieo trồng đạt gần 390.000 ha; sản lượng hàng năm khoảng 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, gần 300 ngàn tấn cà phê, 175 ngàn tấn chè, hơn 250 ngàn tấn trái cây và nhiều loại nông sản khác.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được tỉnh ưu tiên quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn lực. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp phát triển cả chiều rộng (kể cả ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) và chiều sâu; tạo ra chuỗi giá trị trong và ngoài nước; diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 63.370 ha (chiếm 21% diện tích canh tác; chiếm trên 40% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt hiệu quả cao với doanh thu đạt trên 03 tỷ đồng/ha/năm; năng suất lao động trong nông nghiệp bằng 1,26 lần so với cả nước.

Phát huy vai trò nòng cốt của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, trong thời gian qua tỉnh đã có các chủ trương, chính sách phát triển các hình thức liên kết trong nông nghiệp nhằm phát triển vùng nguyên liệu có chất lượng đồng đều, ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu; toàn tỉnh hiện có 182 chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, với hộ 18.386 liên kết; sản lượng đạt trên 519.500 tấn nông sản (chiếm khoảng 20% tổng sản lượng).

Để nâng cao giá trị nông sản, việc phát triển công nghiệp chế biến được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đến nay, tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt 65%, ngành công nghiệp chế biến nông sản chiếm khoảng 47% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và chiếm 35% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nông sản Lâm Đồng với nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh tiếp cận các thị trường trong nước và tận dụng cơ hội các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 13%/năm; chiếm khoảng 53% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 300 triệu USD/năm; chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trực tiếp toàn tỉnh.

(Chi tiết tại Phụ lục 01, 02, 03 kèm theo)

2. Tồn tại, hạn chế:

Vùng sản xuất nông sản hàng hóa và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu còn phân tán, quy mô nhỏ, diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận chiếm tỷ lệ thấp; chưa đáp ứng đồng thời về sản lượng và chất lượng cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Năng lực sản xuất nông nghiệp có nhiều cải thiện, tuy nhiên sản xuất nhìn chung vẫn phụ thuộc vào kinh tế hộ nhỏ lẻ, kỹ năng quản lý, sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn thấp, chưa thực sự là chủ thể sản xuất hàng hóa; có nhiều hợp tác xã nhưng số hoạt động hiệu quả không nhiều; chuỗi liên kết có tăng về số lượng nhưng quy mô nhỏ, chậm phát triển, thiếu bền vững, sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi thấp (mới khoảng 12 % sản lượng nông sản).

Tỷ lệ sơ chế, chế biến đối với một số mặt hàng chủ lực của tỉnh còn thấp (60% - 65%); tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao (15%-17%); năng lực sơ chế, bảo quản và chế biến đối với một số sản phẩm chủ lực vào thời điểm chính vụ còn yếu, thiếu cơ sở vật chất phục vụ bảo quản, lưu trữ.

Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn chậm, đặc biệt là chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản và dịch vụ logistics, chưa tạo được bước đột phá trong việc mở rộng, tăng sản lượng/giá trị của nông sản trên thị trường xuất khẩu và làm cầu nối quan trọng để nông sản Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách bền vững;

Công tác phân tích thông tin và dự báo thị trường vẫn còn nhiều hạn chế; hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích, giám sát nguồn cung các ngành hàng nông sản còn thiếu; chưa có hệ thống phân tích, dự báo, cảnh báo rủi ro thị trường để thông tin đầy đủ, kịp thời cho doanh nghiệp, người sản xuất.

Chưa chủ động thị trường, thường bị động trước sự biến động của cả thị trường trong nước và xuất khẩu; xuất khẩu còn phụ thuộc một số thị trường chính, chưa phát triển đa dạng thị trường tiêu thụ, chưa chủ động trong thương mại quốc tế; vẫn còn thường xuyên xảy ra mất cân đối cục bộ cung-cầu; thị trường trong nước chịu sự cạnh tranh mạnh của hàng nhập khẩu; sản lượng, tỷ lệ nông sản xuất khẩu trong thời gian quá thấp, tăng chậm qua các năm, chỉ chiếm từ 10% - 20% sản lượng nông sản của tỉnh.

Vì vậy việc kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu là giải pháp có ý nghĩa chiến lược quan trọng để nông nghiệp Lâm Đồng phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

II. Mục tiêu đề án

1. Mục tiêu chung:

Phát huy lợi thế, vai trò của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thành ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao và đóng góp lớn trong tỷ trọng ngành công nghiệp. Thực hiện kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu để nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát triển bền vững và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Phát triển vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho công nghiệp chế biến diện tích 258.000 ha; trong đó: tập trung các cây trồng chính rau, hoa, cà phê, cây ăn quả, dâu tằm, bò sữa; ít nhất 35% diện tích đất canh tác được cấp chứng nhận về an toàn thực phẩm, sản xuất bền vững, hữu cơ và các chứng nhận quốc tế khác; tiếp tục xây dựng và cấp mới mã số vùng trồng cho 100 nông sản chủ lực, 5-10 mã số cơ sở đóng gói đối với các nông sản xuất khẩu.

b) Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025 mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi, số hộ tham gia và 20% giá trị nông sản tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết; đến năm 2025 có 265 chuỗi liên kết với 26.700 hộ tham gia, tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 50% sản lượng nông sản toàn tỉnh.

c) Tỷ lệ nông sản được sơ chế đạt trên 80%, tỷ lệ nông sản qua chế biến đạt 25% tổng sản lượng; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch giảm xuống dưới 13%. Trên 70% các cơ sở chế biến xuất khẩu áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP, FSSC, 5S...).

d) Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng bình quân khoảng 12% - 13%/năm; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến và chế biến sâu đạt từ 30% trở lên vào năm 2025; tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt khoảng 600 triệu USD vào năm 2025 (trong đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê đạt từ 270 - 275 triệu USD; chè đạt từ 38 - 41 triệu USD; rau quả đạt từ 95 - 100 triệu USD; hoa tươi 65 - 67 triệu USD; các loại nông sản khác đạt khoảng 95 - 100 triệu USD).

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu nông sản đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu:

1.1. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung:

Tổ chức liên kết xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng sinh thái, có giá trị gia tăng cao, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, gồm:

a) Cây rau: Tiếp tục mở rộng diện tích canh tác rau trên cơ sở chuyển đổi diện tích cà phê, đất lúa, nâng tổng diện tích đất canh tác rau toàn tỉnh năm 2025 lên 28.000 ha, sản lượng đạt 2,8 triệu tấn/năm, tập trung vào các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao.

b) Hoa: duy trì và phát triển diện tích canh tác hoa khoảng 3.900 ha; đẩy mạnh phát triển các diện tích sản xuất hoa giá trị cao, giống mới phù hợp với điều kiện từng khu vực với sản lượng khoảng 4 tỷ cành và 500 triệu chậu hoa các loại.

c) Cây chè: Duy trì ổn định diện tích chè toàn tỉnh khoảng 11.500 ha (diện tích ứng dụng công nghệ cao 7.350 ha), sản lượng chè búp tươi đạt 150.000 tấn/năm.

d) Cây cà phê: Ổn định diện tích cà phê khoảng 160.000 ha (cà phê chè 13.000 ha); sản lượng đạt khoảng 545 ngàn tấn; có trên 50% diện tích cà phê được sản xuất đạt chứng nhận, 50% diện tích có cây che bóng.

đ) Cây ăn quả: Phát triển diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt 33.000 ha, sản lượng đạt 450 ngàn tấn; cây mắc ca toàn tỉnh đạt trên 9.000 ha, sản lượng khoảng 7.000 tấn.

e) Cây dược liệu: Phát triển mạnh vùng trồng cây dược liệu 3.200 ha và phát triển ngành chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng bằng nguyên liệu tại chỗ phù hợp với điều kiện từng vùng.

g) Trồng dâu nuôi tằm: Phát triển diện tích trồng dâu, nuôi tằm tập trung diện tích 10.000 ha dâu, sản lượng kén tằm đạt 14.500-15.000 tấn.

h) Bò sữa: Tiếp tục mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế, tăng quy mô đàn đạt 30.000-35.000 con, sản lượng 130.000-136.000 tấn.

(Chi tiết tại Phụ lục 04 kèm theo)

1.2. Phát triển sản xuất đạt tiêu chuẩn, chứng nhận:

a) Thực hiện phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật về quản lý sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin đến người sản xuất các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc quy định của Chính phủ và các yêu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật của các AFTAs, EVFTA, CPTPP, IPA, RCEP... để người sản xuất nắm rõ và chủ động sản xuất hàng hóa nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường tiêu thụ mục tiêu.

b) Hỗ trợ, phát triển diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững quốc tế lên 100.000 ha vào năm 2025 (trong đó tập trung vào mặt hàng rau, quả); chú trọng hỗ trợ, phát triển các chứng nhận quốc tế (GlobalGAP, 4C, UTZ, Fairtrate, Halal, Oganic...), ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất, cấp mã số vùng trồng thông qua các chương trình hỗ trợ chứng nhận, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết.

1.3. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông sản:

a) Tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ thông minh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng năng suất lao động, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững; Thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác, chọn tạo giống.

b) Từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tự động, công nghệ IoT (internet kết nối vạn vật), sử dụng các loại phân bón sinh học, hữu cơ; quản lý sinh vật hại bằng biện pháp sinh học, thảo mộc, vật lý có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tác động môi trường; phát triển diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25% diện tích canh tác, trong đó diện tích nông nghiệp thông minh đạt 1.000 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt 2.000 ha.

1.4. Thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản:

a) Xác lập quyền đăng ký các nhãn hiệu sở hữu cộng đồng cho các sản phẩm nông sản đặc trưng có tính cạnh tranh, giá trị kinh tế cao của tỉnh tạo điều kiện để tiêu thụ ổn định trong thời gian tới.

b) Tiếp tục thực hiện hỗ trợ xây dựng và chứng nhận trên 100 mã vùng trồng và 5 -10 mã số nhà đóng gói đối với một số nông sản chủ lực để phục vụ kiểm soát chất lượng và đáp ứng các điều kiện xuất khẩu, trước mắt tập trung cho các sản phẩm trái cây, rau và hoa.

c) Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số vào quá trình canh tác, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản từ khâu trồng trọt, chế biến đến khâu phân phối và tiêu thụ.

2. Phát triển, mở rộng quy mô các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết:

2.1. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể:

a) Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp nhằm phát triển vùng sản xuất nguyên liệu có chất lượng đồng đều, ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu; hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, đến năm 2025, thành lập mới 100 hợp tác xã và phấn đấu 50% hợp tác xã hoạt động khá, tốt.

b) Xây dựng kế hoạch nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển theo Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025; ưu tiên hỗ trợ phát triển hợp tác xã sản xuất quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng xuất khẩu, liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh.

2.2. Phát triển các chuỗi liên kết, kinh tế trang trại:

Tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô các chuỗi liên kết hiện có và hình thành, phát triển mới các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm và phát triển bền vững; mỗi năm tăng ít nhất 10% số chuỗi và 20% diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia chuỗi giá trị; nâng tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 50% sản lượng nông sản toàn tỉnh.

2.3. Phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu:

a) Tiếp tục tổ chức đánh giá và công nhận thêm 150 sản phẩm OCOP, 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP và nông thôn tiêu biểu của tỉnh đạt 280 sản phẩm; có ít nhất 20% sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chứng nhận Quốc gia. Đồng thời phát triển, nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát huy thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương.

c) Hỗ trợ phát triển sản phẩm, ngành nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch canh nông; xây dựng các làng nghề, nghề truyền thống gắn với phát triển và quảng bá các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thực hiện quảng bá hình ảnh cho sản phẩm OCOP Lâm Đồng trên các phương tiện thông tin truyền thông.

3. Phát triển công nghiệp chế biến nông sản chủ lực:

3.1. Tiếp tục hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông sản: Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng 03 khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội, Phú Bình với tổng diện tích 538 ha và 11 cụm công nghiệp với diện tích 416,2 ha. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thành lập và xây dựng khu công nghiệp Phú Bình quy mô 246 ha để sớm thu hút, kêu gọi các dự án chế biến nông sản quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại; tiếp tục nghiên cứu mở rộng, thành lập mới các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Bảo Lộc hoặc huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh để thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản.

3.2. Thu hút đầu tư, nâng cao năng lực chế biến nông sản:

a) Tiếp tục thu hút đầu tư vào chế biến nông sản theo các chính sách của Trung ương và của tỉnh; rà soát cơ chế, tháo gỡ vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư để thu hút doanh nghiệp đầu tư; trong đó tập trung ưu tiên thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản tại các vùng nguyên liệu tập trung gồm: trái cây, rau, củ, mắc ca, cà phê, sữa,...

b) Phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản có quy mô, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

c) Sơ chế, bảo quản nông sản:

- Ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư sơ chế, bảo quản rau quả tươi, trái cây đặc sản của từng địa phương với công nghệ hiện đại, giúp giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch nông sản dưới 13% vào năm 2025; trong đó, quan tâm đầu tư hệ thống kho lạnh phục vụ bảo quản các sản phẩm nông sản có tính thời vụ.

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục nhân rộng và hình thành mới các Trung tâm sau thu hoạch gắn với vùng nguyên liệu sản xuất rau, hoa, cây ăn trái tại thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai; kết hợp xây dựng mô hình trung tâm sau thu hoạch với trung tâm logistics nông sản.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Trung tâm giao dịch hoa sau khi Hiệp định cho vay được ký kết.

3.3. Chế biến nông sản:

a) Chế biến các sản phẩm rau, quả:

- Thu hút đầu tư mới từ 2 - 3 nhà máy quy mô lớn, công nghệ hiện đại để chế biến rau, quả tại các vùng sản xuất (nước ép, nước trái cây lên men và rượu,..); phát triển mạnh hệ thống các cơ sở chế biến rau, quả quy mô nhỏ có công suất và công nghệ phù hợp với đặc thù và khả năng sản xuất nguyên liệu tại các địa phương nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến, đồng thời góp phần tăng tỷ lệ nông sản qua chế biến của tỉnh; đến 2025 tỷ lệ sơ chế rau đạt 80% sản lượng rau toàn tỉnh (tương đương 2.300.0000 tấn) và tỷ lệ chế biến rau chiếm 25% sản lượng rau toàn tỉnh (tương đương 719.000 tấn);

- Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến nhằm duy trì vệ sinh tốt, quản lý chất lượng toàn diện, quản lý tinh gọn, thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở theo quy định.

b) Chế biến chè: Đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến chế biến các sản phẩm chè có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm chè, đạt tiêu chuẩn chất lượng; đảm bảo trên 90% sản lượng chè được chế biến đúng yêu cầu kỹ thuật; tỷ lệ chế biến công nghiệp đạt trên 90% tổng sản lượng, hạn chế việc phát triển các cơ sở chế biến chè thủ công, giảm sản lượng chế biến chè đen để chuyển sang chuyển sang chế biến chè xanh với công nghệ phù hợp để nâng cao giá trị và cơ cấu xuất khẩu trong ngành chè.

c) Chế biến sản phẩm cà phê:

- Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị (phân loại, đánh bóng cà phê xuất khẩu) và nâng công suất các cơ sở chế biến cà phê hiện có tại thành phố Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà; thu hút các nhà máy chế biến cà phê rang xay tại thành phố Bảo Lộc, Bảo Lâm; đến 2025, tỷ lệ chế biến tinh đạt trên 5% sản lượng cà phê nhân (khoảng 27.500 tấn nguyên liệu).

- Nâng chất lượng chế biến cà phê nhân xuất khẩu thông qua việc nâng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu cà phê có chứng nhận, nguyên liệu đạt TCVN 4193 lên 80% vào năm 2025; khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường.

d) Chế biến sản phẩm dâu tằm tơ: Thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển hoàn toàn từ ươm tơ thủ công, cơ khí sang ươm tơ tự động, hướng đến quy trình khép kín ươm tơ - dệt lụa, đáp ứng các điều kiện sản xuất, nâng cao chất lượng tơ hướng tới thị trường cao cấp như Nhật Bản, Châu Âu, Châu Mỹ.

đ) Chế biến sản phẩm hạt điều và mắc ca: Khuyến khích các cơ sở chế biến tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị chế biến khép kín từ khâu bóc tách vỏ đến rang xay, đóng gói sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời chế biến các sản phẩm từ hạt gắn việc sản xuất theo các chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn.

e) Chế biến dược liệu: Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nhập khẩu thiết bị sản xuất hiện đại và hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu; phát triển công nghệ chiết xuất, tổng hợp dược liệu tiên tiến, hiện đại để bào chế một số loại thực phẩm chức năng, thuốc phục vụ nhu cầu trong nước, từng bước sản xuất nguyên liệu hóa dược phục vụ cho công nghiệp dược, mỹ phẩm trong nước và xuất khẩu.

g) Chế biến các sản phẩm từ sữa: Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy và mở rộng quy mô các nhà máy chế biến sữa và các chế phẩm từ sữa tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương, đa dạng hóa sản phẩm để sản xuất đạt công suất từ 100-120 ngàn tấn/năm.

(Chi tiết tại Phụ lục 05 kèm theo)

4. Phát triển các cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản:

Đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các cụm liên kết gắn chế biến, tiêu thụ với vùng sản xuất nguyên liệu, thương hiệu sản phẩm tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm, các tiêu chí kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa; trong đó, tập trung phát triển các cụm liên kết gồm:

a) Cụm liên kết sản xuất gắn chế biến rau, củ tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt; các loại hạt (điều, mắc ca, sa chi...) tại các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà.

b) Cụm liên kết sản xuất gắn với chế biến các loại trái cây (sầu riêng, bơ, chanh dây,..) tại khu vực Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và khu vực huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc.

c) Cụm liên kết sản xuất gắn với chế biến chè tại khu vực thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh và khu vực Lâm Hà, Đà Lạt.

d) Cụm liên kết sơ chế, chế biến cà phê nhân và cà phê bột tại huyện Lâm Hà, Di Linh và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc.

đ) Cụm liên kết trồng dâu nuôi tằm, se tơ dệt lụa và tiêu thụ sản phẩm tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.

e) Cụm liên kết chăn nuôi bò sữa, thu mua và chế biến các sản phẩm từ sữa tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng.

5. Phát triển thương hiệu nông sản

5.1. Đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu nông sản:

a) Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nông sản có tiềm năng phát triển, mang lại giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường; hướng dẫn và hỗ trợ đơn vị chủ quản quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nông sản, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của tỉnh.

b) Thực hiện đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại các thị trường chủ lực trên thế giới (Hiệp định RCEP: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,..).

5.2. Quảng bá thương hiệu nông sản:

a) Hướng dẫn, khuyến khích, vận động doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu gắn nhãn hiệu chứng nhận lên sản phẩm và tổ chức quảng bá sản phẩm gắn nhãn hiệu với mọi hoạt động của doanh nghiệp đặc biệt trên môi trường trực tuyến. Rà soát và bổ sung danh mục các loại sản phẩm được gắn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

b) Thực hiện chương trình quảng bá các thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh thông qua các chương trình kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, hội chợ, qua phương tiện thông tin đại chúng, thương mại điện tử; thông qua các hoạt động mang tính chất hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, hợp tác với các hãng hàng không; hợp tác với các tập đoàn lữ hành, khách sạn,... Tổ chức các sự kiện chuyên đề mang tính quốc tế tại địa phương để quảng bá (ngày cà phê, lễ hội trà, lễ hội hoa, diễn đàn gặp gỡ các chuyên gia trong ngành,...).

6. Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

6.1. Thị trường trong nước:

a) Phát triển đồng bộ hệ thống bán buôn, bán lẻ, hệ thống logistics kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối; tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các thị trường tiêu thụ lớn gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Hà Nội, Cần Thơ,… tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rau quả trên cả nước.

b) Tổ chức xây dựng và hoạt động hiệu quả kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính là các doanh nghiệp/hợp tác xã sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm cà phê, chè, mắc ca, lúa gạo, trái cây. Thông qua kênh tiêu thụ này, nông sản sẽ được sản xuất ở mức ổn định, theo kế hoạch; sản phẩm nông sản được bảo quản bảo đảm số lượng và chất lượng nguyên liệu; phục vụ chế biến với công suất giải quyết đầu ra cho vùng sản xuất; cung ứng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

c) Kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính là các doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại đối với sản phẩm rau củ quả, nông sản chế biến. Thông qua kênh tiêu thụ này, các sản phẩm rau củ quả, nông sản chế biến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được kết nối, bố trí trưng bày, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

d) Phát triển các điểm bán hàng sản phẩm OCOP, nông sản hữu cơ tỉnh Lâm Đồng tại các địa điểm trên các trục đường quốc lộ, khu-điểm du lịch, trung tâm huyện, thành phố,... để quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ nông sản của tỉnh.

đ) Tổ chức vận hành Trung tâm giao dịch hoa tại thành phố Đà Lạt tạo điểm đến tham quan và mua sắm, phát huy thế mạnh du lịch của địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

e) Vận hành hiệu quả hoạt động kinh doanh nông sản tại các chợ đầu mối nông sản Đức Trọng và Đà Lạt nhằm tạo thương hiệu đối với chợ nông sản, thu hút đối tác, nhà phân phối; chú trọng tổ chức triển khai truy xuất trực tuyến nguồn gốc nông sản tại các chợ đầu mối từ đầu vào đến khâu lưu thông và phân phối; cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho toàn bộ tổ chức, cá nhân kinh doanh nông sản theo tiêu chí tại các chợ đầu mối nông sản Đức Trọng và Đà Lạt.

g) Hàng năm tổ chức và hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, tuần lễ nông sản, hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hội thảo chuyên đề quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản gắn với các kiện Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Trà Bảo Lộc.

6.2. Thị trường xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu:

a) Phát triển, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường truyền thống, phân khúc cao tại các nước trong khu vực Hiệp định RCEP (Nhật Bản, Hàn Quốc,..), các nước Khối liên minh Châu Âu, khu vực Bắc Mỹ. Thúc đẩy phát triển các thị trường tại Ấn Độ, các nước UAE, các nước khối Đông Âu (Nga, Belarus,..), đặc biệt chú trọng thị trường tiềm năng Ấn Độ. Tiếp tục tìm kiếm, khai thác các thị trường mới mà nông sản Lâm Đồng có lợi thế về chủng loại, chất lượng, mùa vụ.

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu về từng ngành hàng xuất khẩu cụ thể gồm: chuỗi giá trị, chuỗi phân phối của các ngành hàng chủ lực; diện tích, sản lượng, mùa vụ nông sản trong tỉnh, doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu,… làm cơ sở triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại.

c) Tổ chức, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực có vai trò dẫn dắt trong từng ngành hàng để hình thành các chuỗi liên kết. Hỗ trợ để phát triển số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp trẻ.

d) Hình thành các chuỗi phân phối thông qua các hình thức:

- Triển khai các hoạt động hỗ trợ, thiết lập kênh phân phối hàng hóa gián tiếp (thông qua các công ty thương mại và các công ty xuất nhập khẩu trong nước) và kênh phân phối trực tiếp, nhất là đối với nhóm nông sản đã được chế biến thành sản phẩm cuối cùng (thông qua hệ thống bán lẻ nước ngoài như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ,...).

- Xác định kênh phân phối cần tiếp cận (siêu thị, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, hoặc đại lý tại nước ngoài,..) và tranh thủ sự hỗ trợ của tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường mục tiêu để triển khai các hoạt động kết nối xúc tiến thương mại; tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia khảo sát thị trường nước ngoài.

- Xác định một số sản phẩm cụ thể và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại mang tính chất dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường trọng điểm cho tới khi đạt kết quả. Trước mắt ưu tiên các sản phẩm được ưu đãi thuế quan như cà phê, khoai lang, chanh dây, chuối,..

- Hàng năm tổ chức các hội nghị tiếp đón các các nhà nhập khẩu của nước ngoài vào tỉnh để tham quan vùng nguyên liệu, tìm cơ hội giao thương; hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

- Thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử, thông qua kênh thương mại điện tử để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp. Tăng cường quảng bá các sản phẩm xuất khẩu chủ lực qua kênh trực tuyến, thông qua việc tổ chức các gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trong nước, nước ngoài; tổ chức và tham gia tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến, triển lãm trực tuyến.

(Chi tiết tại Phụ lục 6 kèm theo)

7. Phát triển dịch vụ logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản

7.1. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics để khuyến khích đầu tư, khai thác, vận hành, quản lý đối với hoạt động logistics, trong đó chú trọng dịch vụ logistics phục vụ tiêu thụ nông sản.

a) Phát triển hạ tầng dịch vụ logistics thông qua việc thu hút đầu tư hình thành Trung tâm giao dịch hoa thành phố Đà Lạt, hoàn thiện và vận hành đầy đủ dịch vụ tại chợ đầu mối nông sản chất lượng cao huyện Đức Trọng; hình thành Trung tâm logistics tại thành phố Bảo Lộc; hình thành kho dự trữ và bảo quản nông sản tập trung tại các huyện Di Linh, Lâm Hà; hình thành trung tâm trung chuyển hàng nông sản tại huyện Đơn Dương. Hướng đến hình thành trung tâm phức hợp sơ chế, chế biến, đóng gói, lưu kho, phân phối, vận chuyển và các dịch vụ hậu cần phục vụ tiêu thị và xuất khẩu nông sản tại huyện Đức Trọng.

b) Phát triển hạ tầng giao thông gắn kết với hạ tầng dịch vụ logistics để tạo kết nối lưu thông, vận chuyển nông sản; chú trọng tới giao thông nông thôn tại vùng sản xuất nông sản tập trung để hỗ trợ hoạt động vận chuyển, tập kết nông sản thuận lợi.

c) Phát triển hạ tầng thông tin truyền thông gắn với hạ tầng dịch vụ logistics, thực hiện kết nối hạ tầng cơ sở thông tin truyền thông của tỉnh với hạ tầng dịch vụ logistics.

d) Phát triển đa dạng loại hình dịch vụ logistics phục vụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo quản, vận chuyển có điều kiện như rau, hoa... nhằm phục vụ đầy đủ yêu cầu dịch vụ logistics, đặc biệt phục vụ yêu cầu xuất khẩu nông sản.

7.2. Phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản:

a) Khuyến khích phát triển các dự án sản xuất vật tư, nguyên liệu phục vụ ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gồm: vật tư nhà kính, nhà lưới, linh kiện điện tử phục vực điều khiển từ xa...

b) Tập trung kêu gọi đầu tư các dự án cơ khí chế tạo máy móc thiết bị, phụ tùng phục vụ công nghiệp sơ chế, chế biến nông sản với công nghệ tự động nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đối với các loại rau, hoa, chè, cà phê, tơ tằm...

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản:

a) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh theo các quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện địa phương.

b) Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp của tỉnh; ban hành chính sách thu hút đầu tư hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp tạo điều kiện thu hút các dự án sơ chế, chế biến nông sản.

2. Nâng cao năng lực sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh:

a) Ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu nông sản, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản tiếp cận, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ; tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao kỹ năng tiếp cận, vận hành máy móc, thiết bị tự động hóa; thiết bị điện tử trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản.

c) Khuyến khích hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sơ chế, chế biến nông sản để đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa phục vụ các đơn hàng lớn.

3. Khai thác có hiệu quả thị trường tiêu thụ nông sản trong nước:

a) Thường xuyên cập nhật, dự báo sản lượng, khả năng cung ứng cho thị trường các loại nông sản, đặc biệt là nông sản có tính thời vụ cao để kết nối với các địa phương khác hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh; theo dõi hệ thống bán buôn, bán lẻ nông sản của tỉnh Lâm Đồng tại các thị trường trong nước và thường xuyên đánh giá, hỗ trợ kết nối, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng trong tiêu thụ nông sản.

b) Vận hành hiệu quả và nhân rộng các kênh tiêu thụ nông sản để hầu hết nông sản của tỉnh tham gia vào các kênh tiêu thụ, không để kênh tiêu thụ bị đứt gãy hoặc bị nghẽn khi ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường biến động lớn hoặc ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

c) Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp vận hành các điểm bán sản phẩm OCOP, nông sản hữu cơ, nông sản gắn thương hiệu địa phương; tạo điểm đến tin cậy, uy tín đối với du khách và người tiêu dùng. Xây dựng thương hiệu, ấn tượng đối với trung tâm giao dịch hoa và các chợ đầu mối nông sản. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông sản chủ lực có trọng tâm, tạo ấn tượng, đặc trưng của địa phương, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

d) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện các sản phẩm kém chất lượng, vi phạm các quy định về gắn nhãn, xuất xứ hàng hóa, thương hiệu sản phẩm nông sản.

4. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn, thị trường tiềm năng:

a) Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mặt hàng nông sản xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm đã chế biến.

- Phát triển các thị trường xuất khẩu trọng điểm chiến lược như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu - EU; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống như Nga, Đông Âu, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng như Ấn Độ, các nước Nam Á khác, khu vực châu Phi và Trung Đông, Mỹ La-tinh....

b) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại:

- Tổ chức, tham gia các chương trình giới thiệu sản phẩm mới của địa phương, đưa hàng mẫu đến các cơ quan đại diện ngoại giao, các tập đoàn lữ hành, khách sạn (từ 4 sao trở lên), các chuyến bay,...; các sự kiện chuyên đề mang tính quốc tế tại địa phương để quảng bá (lễ hội hoa, lễ hội trà, ngày cà phê, hội thảo chuyên ngành,...).

- Tăng cường quảng bá các sản phẩm xuất khẩu chủ lực qua kênh trực tuyến, thông qua việc tổ chức các gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử trong nước, nước ngoài; tham gia triển lãm trực tuyến; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến,...

- Mời các tổ chức, chuyên gia truyền thông sản xuất sản phẩm truyền thông quảng bá cho ngành hàng xuất khẩu của tỉnh; phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp của các hội, hiệp hội để truyền tải các quy định, chính sách, thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc biệt là các thông tin liên quan đến các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế.

5. Phát triển hạ tầng kết nối sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản:

a) Hoàn thiện hệ thống thủy lợi, kênh mương phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng nông sản trong quá trình thu hoạch. Ưu tiên hỗ trợ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với các khu, cụm công nghiệp phục vụ thu hút các dự án sơ chế, chế biến nông sản.

b) Rà soát lập quy hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án sơ chế, chế biến nông sản và trung tâm sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghệ thông tin gắn kết với hạ tầng logistics; tổ chức mời gọi các nhà đầu tư xây dựng, hình thành và vận hành hạ tầng logistics thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,… và tại nước có hệ thống logistics phát triển.

c) Huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, nguồn vốn FDI và các nguồn vốn khác để đầu tư, phát triển các dự án chế biến nông sản, dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu, các dịch vụ trọn gói (đóng gói, lưu kho, thực hiện các thủ tục hải quan, vận chuyển, giao hàng,...).

6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản: Sử dụng công nghệ số hóa trong quá trình canh tác, quản lý, chế biến, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng số hóa và công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại điện tử góp phần đa dạng hóa hình thức tiêu thụ và hình thành các chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm nông sản.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 211.400.000.000 đồng (Hai trăm mười một tỷ bốn trăm triệu đồng). Trong đó,

- Ngân sách địa phương hỗ trợ: 12.000.000.000 đồng.

- Vốn đối ứng của doanh nghiệp: 199.400.000.000 đồng

2. Phân kỳ ngân sách hỗ trợ:

- Năm 2022: 2.450 triệu đồng

- Năm 2023: 3.050 triệu đồng

- Năm 2024: 4.250 triệu đồng

- Năm 2025: 2.250 triệu đồng

(Chi tiết theo Phụ lục 7, 8 đính kèm)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Công Thương:

a) Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả đề án. Hàng năm, tổng hợp, lập kế hoạch triển khai chi tiết các nội dung đề án đã phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Sở Tài chính; Định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của công nghệ chế biến, thị trường tiêu thị và xuất khẩu; phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản có quy mô và công nghệ phù hợp.

c) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch, các cơ quan, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuỗi giá trị, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

d) Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí khuyến công và các nguồn kinh phí khác hỗ trợ các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản đầu tư mở rộng nâng cao công suất, đổi mới công nghệ thiết bị.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đề xuất phát triển vùng sản xuất nguyên liệu vào quy hoạch tỉnh và tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu sơ chế, chế biến và xuất khẩu; đồng thời, xây dựng, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác xã, tác hợp tác và các chuỗi liên kết gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương có liên quan thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước vào Lâm Đồng đầu tư sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu chủ lực nhằm tăng năng lực xuất khẩu để đạt mục tiêu đề ra.

b) Tham mưu bố trí vốn trung hạn và hàng năm để đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện để thu hút các dự án đầu tư và chế biến nông sản tại các khu, cụm công nghiệp.

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm để thực hiện các chương trình, đề án có liên quan; hàng năm, thẩm định dự toán kinh phí các nội dung Đề án để các Sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, hướng dẫn và kiểm tra sử dụng kinh phí theo quy định.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Tham mưu đề xuất UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh; xây dựng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và hỗ trợ thực hiện các dự án về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

b) Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và các công cụ cải tiến chất lượng thông qua việc triển khai Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng, sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; thực hiện giới thiệu, quảng bá và triển khai hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, dịch vụ lợi thế, đặc trưng của địa phương được bảo hộ.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Rà soát, bố trí quỹ đất phát triển vùng nguyên liệu, thu hút các nhà máy chế biến nông sản, trung tâm sau thu hoạch, cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm trong quy hoạch sử dụng đất tỉnh giai đoạn 2021- 2030.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Thực hiện công tác thông tin đối ngoại quảng bá Thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và các sản phẩm nông sản tiêu biểu của Lâm Đồng; tuyên truyền các cơ chế chính sách, chương trình, dự án thúc đẩy hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản của tính và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; kết nối hạ tầng thông tin truyền thông phục vụ dịch vụ logistics; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ kinh tế số và thương mại điện tử.

8. Sở Giao thông vận tải: Xây dựng kế hoạch phát triển giao thông kết nối với hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ logistics của tỉnh; phát triển giao thông nông thôn gắn với quy hoạch sản xuất nông sản tập trung.

9. Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm chuyên ngành nông sản, tuần hàng nông sản, kết nối cung cầu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường tiềm năng và thị trường trọng điểm.

b) Chủ trì phối hợp với Lãnh sự quán của nước ngoài tại Việt Nam, Tham tán Việt Nam tại nước ngoài, các Bộ, ngành, VCCI, các doanh nghiệp tiềm năng tổ chức Hội nghị, hội thảo giới thiệu về tiềm năng, chính sách, dự án kêu gọi đầu tư nhằm thu hút các Nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến vào tỉnh Lâm Đồng.

10. Ban Quản lý các Khu công nghiệp: Ưu tiên kêu gọi thu hút các dự án đầu tư chế biến nông sản tinh - sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao tại các khu công nghiệp. Tăng cường hỗ trợ các điều kiện pháp lý; thông tin kịp thời các chương trình, đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất đến các doanh nghiệp chế biến nông sản trong các khu công nghiệp

11. Chi cục Hải quan Đà Lạt: Thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng thủ tục khai báo hải quan điện tử theo hướng thuận tiện, đơn giản, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong công tác thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp như: hệ thống kho bảo quản hàng nông sản tại các vùng sản xuất nông sản tập trung của tỉnh, kho ngoại quan tại các khu công nghiệp và cảng hàng không Liên Khương...

12. Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội các doanh nghiệp:

a) Tổ chức có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thông tin thị trường, tổ chức các hội nghị, hội thảo về quảng bá, xúc tiến, kết nối, tiêu thụ nông sản; phối hợp hiệu quả với các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao khả năng sản xuất, khuyến khích tạo điều kiện phát triển các liên kết từ sản xuất đến chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ.

b) Kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp, hợp tác xã để tổng hợp, đề xuất cơ quan chức năng giải quyết, tháo gỡ, tạo điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

c) Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động liên hệ với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức phi Chính phủ, các sàn thương mại điện tử uy tín và các Hội/Hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài để triển khai và tổ chức các chương trình hợp tác đầu tư, thương mại; mở rộng cơ hội hợp tác giao thương với các nước, đặc biệt các nước đang là thị trường tiềm năng.

13. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.

a) Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

b) Quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển nguồn nguyên liệu có lợi thế cạnh tranh tại địa phương. Tạo điều kiện cho việc hình thành các cơ sở sơ chế, bảo quản, trung tâm sau thu hoạch và các cơ sở chế biến nông sản.

c) Xác định khu vực các công trình chế biến nông sản, các trung tâm sau thu hoạch, trung tâm logistics và đưa vào kế hoạch sử dụng đất để phục vụ công tác kêu gọi đầu tư.

d) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải phát triển hạ tầng giao thông kết nối với hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi cho dự án vận hành đồng bộ; phát triển giao thông nông thôn kết nối với khu vực sản xuất nông sản tập trung.

đ) Thực hiện rà soát, đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

e) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển cửa hàng phân phối nông sản an toàn trên địa bàn (điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ); trong giai đoạn 2022-2025 mỗi địa phương xây dựng ít nhất 02 điểm bán.

g) Hàng năm cân đối kinh phí từ ngân sách địa phương và lồng ghép kinh phí từ các chương trình, đề án được hỗ trợ để tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn; định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện gửi Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

 

PHỤ LỤC 01:

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT MỘT SỐ LOẠI NÔNG SẢN CHÍNH CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2021.

STT

Cây trồng

Diện tích (ha)

Năng suất (tạ/ha)

Sản lượng (tấn)

1

Cà phê

172.813

32,1

520,167

2

Chè

11.287

148,5

166.093

3

Dâu tằm

9.544

259,1

232.710

4

Điều

23.035

8,4

19.138

5

Cây ăn quả

29.352

151,1

237.555

6

Rau

73.520

372

2.735.167

7

Hoa

9.613

 

3,38 tỷ cành

8

Bò sữa

25.088 (con)

 

102.380

 

PHỤ LỤC 02.

CÁC CƠ SỞ VÀ CÔNG SUẤT CHẾ BIẾN NÔNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2021

STT

Loại nông sản

Sản lượng chế biến/năm (tấn)

Số doanh nghiệp/Cơ s

1

Sơ chế, chế biến rau

44.212

118

2

Chế biến chè

49.610

232

3

Chế biến cà phê nhân

320.000

276

4

Chế biến cà phê rang xay, cà phê bột

10.244

168

5

Chế biến trái cây

11.000

88

6

Chế biến hạt điều

3.100

2

7

Chế biến hạt mắc ca

883

31

8

Chế biến sữa

 

2

Tổng cộng

439.049

917

 

PHỤ LỤC 3A.

SẢN LƯỢNG XUẤT KHẨU MỘT SỐ LOẠI NÔNG SẢN CHỦ LỰC CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2021

TT

Nội dung

Đơn vị tính

Thực hiện 2016-2021

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

1

Rau quả các loại

tấn

8.988

10.744

11.000

19.475

34.559

26.910

2

Hoa tươi các loại

1.000 cành

265

291

325

334

371

237

3

Chè chế biến

tấn

14.862

12.314

11.607

10.686

8.929

7.080

4

Cà phê nhân

tấn

63.320

98.329

110.000

122.730

112.989

53.600

5

Hạt điều

tấn

1.480

1.909

1.750

1.050

1.343

890

 

PHỤ LỤC 03B.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU MỘT SỐ LOẠI NÔNG SẢN CHỦ LỰC CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2021

Đơn vị tính: triệu USD

TT

Nội dung

Thực hiện 2016-2021

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

1

Rau quả các loại

21,0

28,0

28,0

42,0

63,7

52,93

2

Hoa tươi các loại

31,0

44,0

49,0

49,1

62,7

57,00

3

Chè chế biến

32,0

28,0

35,0

25,2

21,2

13,01

4

Cà phê nhân

117,0

203,0

183,0

197,6

170,9

103,52

5

Hạt điều

12,0

19,0

17,0

4,9

8,9

7,42

Tổng cộng

213,0

322,0

312,0

318,0

327,0

233,88

 

PHỤ LỤC 04.

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG SẢN XUẤT NGUYÊN LIỆU NÔNG SẢN TẬP TRUNG CHÍNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

STT

Loại nông sản

Quy mô

Sản lương (tấn)

Địa bàn

1

Rau, củ

28.000

2.400.000

Các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt

2

Hoa

3.900

4,0 (tỷ cành)

Thành phố Đà Lạt các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng

3

Trà

11.500

150.000

Thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Di Linh và Lâm Hà.

4

Cà phê

160.000

545.000

Thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương và Đam Rông

5

Cây ăn trái

33.000

450.000

Thành phố Bảo Lộc và các huyện

6

Mác ca

9.000

7.000

Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.

7

Dược liệu

3.200

 

Toàn tỉnh

8

Dâu tằm

10.000

15.000 (tấn kén)

Các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đam Rông

9

Điều

23.600

16.800

Các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên

10

Bò sữa

20.500

78.866

Các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh

 

PHỤ LỤC 05.

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SƠ CHẾ, CHẾ BIẾN NÔNG SẢN CHỦ LỰC GIAI ĐOẠN 2022-2025

STT

Tên nông sản

ĐVT

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Sản lượng

Tỷ lệ %

Sản lượng

Tỷ lệ %

Sản lượng

Tỷ lệ %

Sản lượng

Tỷ lệ %

1

Chế biến cà phê nhân

Tấn

540.393

100

536.340

100

542.327

100

545.061

100

2

Chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan

Tấn

9.727

1,8

11.585

2,2

14.057

2,6

27.253

5

3

Chế biến chè

Tấn

34.415

100

33.859

100

33.120

100

33.186

100

4

Sơ chế rau, củ, quả

Tấn

1.803.489

67

1.918.230

70

2.132.853

76

2.300.186

80

5

Chế biến rau quả các loại

Tấn

403.766

15

493.259

18

561.277

20

718.808

25

6

Chế biến hạt điều

Tấn

7.860

40

9.825

50

12.597

60

17.847

85

7

Chế biến mắc ca

Tấn

1.905

100

3.282

100

5.547

100

7.054

100

8

Chế biến lúa gạo

Tấn

130.284

85

138.409

90

139.637

90

108.993

95

9

Chế biến sữa

Tấn

104.751

95

113.131

95

121.050

95

94.993

95

10

Chế biến sữa

Tấn

7.167

7

7.741

7

8.920

7

12.213

9

 

PHỤ LỤC 06A.

KẾ HOẠCH XUẤT KHẨU MỘT SỐ NÔNG SẢN CHỦ LỰC CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2022-2025

STT

Loại nông sản/giá trị xuất khẩu

Đơn vị tính

Kế hoạch 2022-2025

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Cà phê nhân

Tấn

139.359

146.327

149.253

150.746

2

Chè chế biến

Tấn

13.124

13.517

14.193

14.207

3

Rau quả các loại

Tấn

38.500

42.350

45.315

43.500

4

Hạt điều

Tấn

1.938

2.035

2.076

2.070

5

Hoa tươi các loại

1000 cành

404

406

410

390

 

PHỤ LỤC 06B.

GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU MỘT SỐ NÔNG SẢN CHỦ LỰC GIAI ĐOẠN 2022-2025

STT

Loại nông sản

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Cà phê nhân

236,00

260,70

279,90

276,60

2

Chè chế biến

34,00

36,80

40,50

40,60

3

Rau quả các loại

74,50

90,20

101,30

97,30

4

Hạt điều

15,50

16,70

18,80

18,70

5

Hoa tươi các loại

64,40

65,10

66,40

66,30

6

Nông sản khác

31,29

31,75

44,48

100,50

Tổng cộng

455,69

501,25

551,38

600

 

PHỤ LỤC 07:

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔ CHỨC KẾT NỐI NÔNG NGHIỆP VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VÀ CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM 2022 - 2025

STT

Nội dung thực hiện

Đơn vị thực hiện

Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí

Ngân sách Nhà nước

Xã hội hóa

I

Phát triển kênh tiêu thụ nông sản trong nước

 

208,280

8,880

199,400

1

Xây dựng 05 mô hình các kênh tiêu thụ nông sản

Sở Công Thương

3,000

3,000

 

2

Hỗ trợ xây dựng thí điểm kho trữ nông sản phân phối sản phẩm cà phê đặc trưng của Lâm Đồng

Sở Công Thương

200,000

2,000

198,000

4

Nhân rộng điểm bán sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng

Sở Công Thương

880

880

 

5

Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản trực tuyến từ đầu vào đến khâu lưu thông, phân phối nông sản

Sở Khoa học và công nghệ

800

800

 

6

Tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối chợ đầu mối nông sản đến với các thị trường trong nước

Sở Công Thương

400

400

0

7

Thực hiện kiểm soát chất lượng nông sản tại các chợ đầu mối nông sản

Sở Nông nghiệp và PTNT

400

400

0

8

Tổ chức hội chợ triển lãm chuyên ngành nông sản tại tỉnh Lâm Đồng

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch

1600

800

800

9

Tổ chức tuần lễ nông sản Lâm Đồng tại các tỉnh, thành trong nước

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch

1,200

600

600

II

Hỗ trợ xây dựng dữ liệu phục vụ hoạt động xuất khẩu

 

1,200

1,200

0

1

Xuất bản các bản tin ngành hàng (bản điện tử)

Sở Công Thương

400

400

0

2

Xây dựng tư liệu/tài liệu cho từng sản phẩm mục tiêu phục vụ công tác quảng bá và xúc tiến thương mại

Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch

800

800

0

III

Hình thành chuỗi phân phối

 

800

800

0

1

Hình thành mới chuỗi phân phối một số sản phẩm có lợi thế tham gia tiêu thụ, xuất khẩu và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại mang tính chất dài hạn

Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch

800

800

0

IV

Hỗ trợ xúc tiến thương mại

 

600

600

0

 

Tổ chức các chương trình, sự kiện, hội nghị/hội thảo xúc tiến thương mại trong và ngoài nước

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Sở Công Thương

600

600

0

V

Thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử

 

520

520

0

 

Tổng cộng

 

211,400

12,000

199,4

 

PHỤ LỤC 08.

PHÂN KỲ KINH PHÍ NGÂN SÁCH HỖ TRỢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỀ ÁN TỔ CHỨC KẾT NỐI NÔNG NGHIỆP VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN VÀ CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2022- 2025

Đơn vị tính: Triệu đồng

STT

Nội dung

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng kinh phí

1

Phát triển kênh tiêu thụ nông sản trong nước

1.670

2.270

3.470

1.470

8.880

2

Hỗ trợ xây dựng dữ liệu phục vụ hoạt động xuất khẩu

300

300

300

300

1.200

3

Hình thành chuỗi phân phối

200

200

200

200

800

4

Hỗ trợ xúc tiến thương mại

150

150

150

150

600

5

Thúc đẩy xuất khẩu qua thương mại điện tử

130

130

130

130

520

Tổng kinh phí

2.450

3.050

4.250

2.250

12.000