Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1777/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH GIAI ĐOẠN 1

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi ngày 21 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội: Số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; số 38/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần; số 53/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 vê Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; số 95/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 102/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; số 131/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2015 hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia; số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và số 42/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 về sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP; số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 về ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ; số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 vê quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1;

Căn cứ các Quyết định: Số 909/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành; số 236/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; số 1487/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành;

Căn cứ Tờ trình số 6525/TTr-BGTVT ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các tài liệu có liên quan;

Theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước (TĐNN) tại Báo cáo số 6359/BC-HĐTĐNN ngày 25 tháng 9 năm 2020 về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 7066/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 26 tháng 10 năm 2020 về việc làm rõ thêm một số nội dung thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi (NCKT) Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

2. Phân chia dự án thành phần: Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được phân chia thành 04 dự án thành phần bao gồm: (1) Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; (2) Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay; (3) Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; (4) Dự án thành phần 4 - Các công trình khác.

3. Chủ đầu tư:

Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: Giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế (động vật/thực vật)) bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm tiến độ. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP (Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL) hoặc Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT);

Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư;

Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ đầu tư;

Dự án thành phần 4 - Các công trình khác: Nhà đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức lựa chọn.

4. Mục tiêu đầu tư xây dựng:

Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với 01 đường cất hạ cánh; 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

5. Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng giai đoạn 1:

Hạ tầng khu bay: Xây dựng đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m (Bm= 45 m, blề= 2x15 m) và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/ năm.

Nhà ga hành khách: Xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2.

Các công trình phục vụ quản lý bay: Xây dựng Đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m và các hạng mục phụ trợ.

Các công trình phụ trợ: Xây dựng nhà để xe; các nhà ga hàng hóa có tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; khu cung cấp suất ăn hàng không; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh tàu bay, trạm cung cấp nhiên liệu, thoát và xử lý nước thải,...

Các công trình của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hoạt động trong Cảng: Hải quan; Công an cửa khẩu; Công an địa phương; kiểm dịch y tế (động vật/thực vật); cảng vụ hàng không; đơn vị quản lý khai thác cảng; đơn vị điều hành bay; các hãng hàng không; các đơn vị cung ứng dịch vụ hàng không...

Giao thông kết nối trực tiếp với Cảng: Tuyến số 1 nối Cảng với Quốc lộ 51, quy mô 06 làn xe, tuyến số 2 nối Cảng với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, quy mô 04 làn xe và các nút giao.

6. Tổ chức tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi:

Liên danh Nhật - Pháp - Việt Nam (JFV JV) gồm các thành viên: Japan Airport Consultants, Inc. (JAC), ADP Ingeniere (ADPi), Nippon Koei Co., Ltd (NK), Oriental Consultants Global., Ltd (OCG), Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

7. Chủ nhiệm lập Báo cáo nghiên cứu khả thi: Ong Ryohei Yamada.

8. Tổ chức tư vấn thẩm tra:

Liên danh Công ty cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (Coninco); Công ty Netherlands Airport Consultants (Naco); Công ty ARUP International Limited (ARUP); Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không (AEC).

9. Địa điểm xây dựng: Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

10. Diện tích sử dụng đất:

Nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 1: Diện tích sử dụng đất, nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 1 là khoảng 2.668 ha gồm: 1.810 ha đất để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; khoảng 136 ha đất cho hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2 (ngoài phạm vi 5.000 ha); 722 ha tập kết đất dư thừa xây dựng giai đoạn 1 để dự trữ phục vụ xây dựng cho các giai đoạn tiếp theo (thuộc phạm vi 5.000 ha).

11. Phương án xây dựng: Xây dựng các hạng mục công trình thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đồng bộ bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, bảo đảm mục tiêu, quy mô, công suất, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt và các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

12. Thiết bị công nghệ:

Áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác Cảng hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương các Cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm khai thác hiệu quả, chính xác, độ tin cậy cao với đầy đủ chức năng dự phòng, tiết kiệm năng lượng.

13. Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư:

Thực hiện theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2018 vê Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với ACV và các cơ quan liên quan thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư 02 tuyến giao thông kết nối theo quy định của pháp luật hiện hành.

14. Tổng mức đầu tư:

Tổng mức đầu tư Dự án là 109.111,742 tỷ đồng, tương đương 4.664,89 triệu USD (tỷ giá 1 USD = 23.390VND công bố tại Vietcombank ngày 25 tháng 5 năm 2020). (Chi tiết như Phụ lục kèm theo).

15. Nguồn vốn:

- Dự án thành phần 1: Sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của các cơ quan chủ quản công trình hoặc huy động vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hình thức BTL hoặc BLT) trong trường hợp các cơ quan chủ quản công trình không bố trí được vốn.

- Các Dự án thành phần (2), (3), (4): Sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

16. Hình thức đầu tư:

- Dự án thành phần 1: Đầu tư công hoặc đối tác công tư (PPP) (hình thức BTL hoặc BLT) trong trường hợp các cơ quan chủ quản công trình không bố trí được vốn.

- Các Dự án thành phần (2), (3), (4): Đầu tư trực tiếp theo quy định của pháp luật.

17. Hình thức quản lý dự án:

Chủ đầu tư tổ chức quản lý dự án tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm chất lượng và tiến độ triển khai Dự án.

18. Thời gian thực hiện dự án: 2020 - 2025.

19. Các nội dung khác:

a) Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng được lựa chọn: Áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế, các tiêu chuẩn trong nước phù hợp với tính chất, quy mô công trình. Tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng và quy định pháp luật có liên quan bảo đảm chất lượng công trình và mục tiêu, quy mô đầu tư Dự án.

b) Về cơ chế bàn giao đất: Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, ACV và các cơ quan có liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm tiên độ thực hiện đầu tư Dự án.

c) Yêu cầu về nguồn nhân lực: Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao để quản lý, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trẻ tại địa phương. Chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan quản lý hàng không trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình đầu tư, quản lý khai thác sau này.

d) Phương án bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Triển khai thực hiện các dự án thành phần:

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Dự án tổng thể, các chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo thực hiện quyết định đầu tư các dự án thành phần theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư Dự án.

Giao thẩm quyền của Người quyết định đầu tư cho các đơn vị chủ quản các cơ quan quản lý nhà nước đối với Dự án thành phần 1, VATM đối với Dự án thành phần 2, ACV đối với Dự án thành phần 3, các chủ đầu tư do Bộ Giao thông vận tải lựa chọn đối với Dự án thành phần 4 và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Trách nhiệm của Chủ đầu tư các dự án thành phần:

- Tiếp thu ý kiến của Hội đồng TĐNN tại Báo cáo kết quả thẩm định Dự án trong quá trình triển khai thực hiện.

- Tuân thủ đầy đủ các quy định, thủ tục đầu tư xây dựng, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật. Quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng Dự án, bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đầu tư tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định và không vượt tổng mức đầu tư Dự án đã được phê duyệt.

- Chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo quy định, bảo đảm Dự án được thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành, tránh tiêu cực, thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Tổ chức triển khai Dự án theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Chịu trách nhiệm thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư Dự án theo quy định pháp luật.

- Xây dựng phương án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đủ trình độ tổ chức quản lý vận hành, khai thác Dự án có hiệu quả.

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

3. Giao Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm:

- Chịu trách nhiệm cùng với ACV về chất lượng hồ sơ Báo cáo NCKT Dự án và tính chính xác của hồ sơ trình thẩm định theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo các chủ đầu tư dự án thành phần tổ chức lập thiết kế cơ sở các hạng mục chưa có thiết kế cơ sở, hoàn thiện Báo cáo NCKT, phê duyệt các dự án thành phần và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Chịu trách nhiệm cùng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp việc đề xuất với Hội đồng TĐNN về nội dung giao ACV, VATM làm chủ đầu tư thực hiện Dự án bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện đầu tư các hạng mục khác, bảo đảm đầu tư Dự án đồng bộ, đúng chất lượng, tiến độ khai thác theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với VATM đầu tư hạng mục công trình thuộc Dự án.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan lựa chọn nhà đầu tư hoặc giao ACV thực hiện đầu tư dự án thành phần 1 theo hình thức PPP theo quy định của pháp luật và Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội.

- Phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án và khẩn trương triển khai bước thiết kế tiếp theo, bảo đảm đầy đủ các điều kiện triển khai Dự án và hiệu quả đầu tư Dự án.

- Tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với Dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, sử dụng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc xác định ranh giới khu vực sử dụng riêng cho hoạt động dân dụng và khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý theo quy định.

- Chủ trì nghiên cứu, xây dựng nhiệm vụ và đề xuất thành lập Tổ công tác liên ngành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giúp Chính phủ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong quá trình triển khai Dự án bảo đảm đúng kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư Dự án.

4. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Hỗ trợ, hướng dẫn ACV trong việc thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường của Dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện tuân thủ các quy định về bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong quá trình triển khai Dự án.

5. Giao Bộ Quốc phòng:

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, ACV và các cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục bàn giao đất thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, ACV thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn bay, an ninh hàng không theo quy định của pháp luật về hàng không.

6. Giao Bộ Công an: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phối hợp với Bộ Quốc phòng, ACV và các cơ quan liên quan thực hiện tốt quản lý việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động hàng không theo quy định của pháp luật.

7. Giao Bộ Xây dựng:

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ ACV và các chủ đầu tư có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Dự án ở bước tiếp theo theo quy định của pháp luật về xây dựng.

8. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai:

- Chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích xây dựng 02 tuyến giao thông kết nối (khoảng 136 ha) theo quy định của pháp luật bảo đảm tiến độ triển khai các hạng mục theo yêu cầu của chủ đầu tư.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan thực hiện bàn giao đất xây dựng Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định pháp luật hiện hành có liên quan theo tiến độ triển khai Dự án, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh việc lãng phí tài nguyên trong khi chưa thực hiện Dự án.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo ACV và các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường của Dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm việc triển khai thực hiện Dự án tuân thủ các quy định của pháp luật vê bảo vệ môi trường.

- Phối hợp với Bộ Tài chính và chỉ đạo các đơn vị liên quan và hướng dẫn ACV thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành; phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

- Xây dựng phương án quy hoạch đồng bộ, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan tổ chức đầu tư các công trình giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

- Phối hợp với ACV nghiên cứu quy hoạch tuyến đường ống dẫn nhiên liệu từ cảng đầu nguồn tới ranh giới Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

9. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:

- Xây dựng phương án quy hoạch đồng bộ, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các địa phương liên quan tổ chức đầu tư các công trình giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

- Nghiên cứu, xây dựng các phương án vận tải công cộng nối Thành phố Hồ Chí Minh (đặc biệt là khu vực trung tâm, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để phục vụ nhu cầu đi lại khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác.

10. Giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Yêu cầu Người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV:

- Tổ chức thực hiện đầu tư Dự án thành phần 3 và các nội dung có liên quan theo đúng quy định của pháp luật, quản lý Dự án, bảo đảm tiến độ triển khai Dự án và hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm soát kỹ kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư từng thời kỳ để xây dựng phương án tài chính thực hiện Dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước và quản lý khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật và báo cáo kịp thời về các sai phạm (nếu có).

11. Giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV):

- Hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả đầu tư và không được vượt tổng mức đầu tư của các Dự án thành phần.

- Bố trí đầy đủ nguồn vốn để thực hiện đầu tư các công trình thiết yếu tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ yêu cầu, bảo toàn vốn và hiệu quả đầu tư các công trình.

- Chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, hiệu quả đầu tư Dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Tiếp thu các ý kiến của Hội đồng thẩm định và ý kiến các cơ quan liên quan tại Báo cáo thẩm định. Tổ chức triển khai thực hiện và quản lý Dự án theo đúng quy định hiện hành.

- Bố trí đầy đủ kinh phí cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để thực hiện giải phóng mặt bằng 02 tuyến giao thông kết nối.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; bảo đảm phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

12. Giao Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM):

- Hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án thành phần 2 theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả đầu tư và không được vượt tổng mức đầu tư của Dự án.

- Bố trí đày đủ nguồn vốn để thực hiện đầu tư các công trình phục vụ quản lý bay bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ yêu cầu, bảo toàn vốn và hiệu quả đầu tư các công trình.

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn phương thức bay, tổ chức vùng trời và phương án khai thác trong quá trình vận hành Dự án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh;
- HĐND, UBND tỉnh Đồng Nai;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, QHĐP, QHQT, PL, NN, TKBT, V.I, TH, Công báo;
- Lưu: VT, CN(2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

PHỤ LỤC

TỔNG MỨC ĐẦU TƯ DỰ ÁN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH GIAI ĐOẠN 1
(Kèm theo Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)

Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 109.111,742 tỷ đồng, tương đương 4.664,89 triệu USD (tỷ giá 1USD= 23.390VND công bố tại Vietcombank ngày 25 tháng 5 năm 2020). Cụ thể như sau:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT

Nội dung chi phí

Phân chia theo các dự án thành phần

Tổng cộng

Dự án thành phần 1

Dự án thành phần 2

Dự án thành phần 3

Dự án thành phần 4

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

1

Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

 

 

1.604,154

 

1.604,154

2

Chi phí xây dựng

175,695

1.239,969

52.497,637

2.358,353

56.271,654

3

Chi phí thiết bị

32,396

1.159,851

19.454,261

2.236,387

22.882,896

4

Chi phí quản lý dự án

4,222

53,492

646,291

96,337

800,342

5

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

31,311

181,184

4.038,269

288,759

4.539,524

6

Chi phí khác

4,151

49,001

659,297

31,936

744,386

7

Chi phí dự phòng

45,482

492,581

14.188,347

919,957

15.646,366

8

Chi phí lãi vay

 

259,173

5.931,004

432,245

6.622,421

9

Tổng mức đầu tư

293,257

3.435,251

99.019,261

6.363,973

109.111,742

Ghi chú:

- Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm: Hải quan; Công an cửa khẩu; Công an địa phương; Kiểm dịch y tế (động vật/ thực vật); Cảng vụ hàng không.

- Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay, bao gồm: Đài kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ; các công trình kỹ thuật thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát và khí tượng; văn phòng quản lý bay.

- Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu của cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện, bao gồm: hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ô tô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông...); công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME...); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hoá số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.

- Dự án thành phần 4 - Các công trình khác, bao gồm:

+ Nhóm các hạng mục công trình 4a: Nhà ga hàng hoá số 2; nhà ga hàng hoá chuyển phát nhanh; kho giao nhận hàng hoá số 1; khu xử lý vệ sinh tàu bay số 1; khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất số 1; khu cung cấp suất ăn hàng không số 1; hệ thống điện năng lượng mặt trời.

+ Nhóm các hạng mục công trình 4b (không nằm trong tổng mức đầu tư Dự án): Hệ thống ống dẫn nhiên liệu cho tàu bay từ cảng đầu nguồn tới ranh giới Cảng hàng không quốc tế Long Thành; khu xử lý vệ sinh tàu bay số 2; khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất số 2; kho giao nhận hàng hóa số 2 đến số 8; khu cung cấp suất ăn hàng không số 2; trung tâm điều hành các hãng hàng không; khu bảo trì tàu bay (hangar); thành phố cảng hàng không; khu công nghiệp hàng không; khu logistics hàng không.