Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1789/2007/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 14 tháng 05 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA NHÀ NƯỚC

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998 và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ - CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 121/2006/NĐ - CP ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ - CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 10/2004/TT - BNV ngày 19 tháng 12 năm 2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ - CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thuộc tỉnh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1068/2005/QĐ - UBND ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành quy định tạm thời về thi tuyển viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Quyết định số 2437/2005/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc sửa đổi, bổ sung điểm 1 điều 12 Quy định tạm thời về thi tuyển viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 1068/2005/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phan Nhật Bình

 

QUY ĐỊNH

VỀ TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2007/QĐ–UBND Ngày14 tháng 05 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thuộc tỉnh, tuyển dụng viên chức bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển.

Điều 2. Nguyên tắc tuyển dụng viên chức

Việc tuyển dụng viên chức phải đảm bảo nguyên tắc công khai, công bằng, chất lượng, mọi công dân có đủ điều kiện theo quy định đều được đăng ký dự tuyển viên chức.

Điều 3. Căn cứ xác định chỉ tiêu cần tuyển

1. Chỉ tiêu biên chế của đơn vị:

- Chỉ tiêu biên chế Ủy ban nhân dân tỉnh giao đối với đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu;

- Chỉ tiêu biên chế Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với đơn vị sự nghiệp có nguồn thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên;

- Chỉ tiêu kế hoạch biên chế do đơn vị đã xây dựng đầu năm đối với đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

2. Nhu cầu công việc, vị trí công tác và nguồn tài chính của đơn vị.

Điều 4. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức

1. Đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân;

2. Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp không có tư cách pháp nhân.

Điều 5. Xây dựng và phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức

1. Xây dựng kế hoạch tuyển dụng

- Đơn vị có tư cách pháp nhân xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức gửi về Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý;

- Các sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức để tuyển dụng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp không có tư cách pháp nhân;

- Sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định và xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức của các đơn vị trực thuộc gửi Sở Nội vụ;

Trong kế hoạch tuyển dụng phải ghi rõ tuyển dụng viên chức bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển.

2. Phê duyệt kế hoạch tuyển dụng

Sở Nội vụ phê duyệt kế hoạch thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức của sở, Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Điều 6. Thành phần Hội đồng:

Tuyển dụng viên chức bằng hình thức xét tuyển thành lập Hội đồng xét tuyển viên chức; tuyển dụng viên chức bằng hình thức thi tuyển thành lập Hội đồng thi tuyển viên chức.

Thành phần Hội đồng có 5 hoặc 7 thành viên.

1. Đối với đơn vị có tư cách pháp nhân do Thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập:

- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hay cấp phó của người đứng đầu;

- Các uỷ viên Hội đồng là đại diện các bộ phận chuyên môn có liên quan của đơn vị;

- Uỷ viên kiêm thư ký Hội đồng là cán bộ, viên chức của đơn vị.

* Trường hợp đơn vị không đủ điều kiện để thành lập Hội đồng thì mời cán bộ, công chức của sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý tham gia Hội đồng.

2. Đối với các đơn vị không có tư cách pháp nhân do Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập:

- Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc sở hoặc Phó Giám đốc sở, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

- Các uỷ viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo phòng, ban chuyên môn của sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện và lãnh đạo của đơn vị tuyển dụng viên chức;

- Phân công 1 uỷ viên kiêm thư ký Hội đồng.

Những người có người thân (vợ, chồng, con, anh chị em ruột theo quy định của pháp luật) dự tuyển không được tham gia vào Hội đồng thi tuyển hoặc xét tuyển, làm đề thi, coi thi, chấm thi và phục vụ kỳ thi.

Điều 7. Điều kiện và hồ sơ dự tuyển viên chức

1. Những người dự tuyển vào viên chức phải có đủ các điều kiện sau:

- Là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hải Dương (các trường hợp khác phải được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý bằng văn bản);

- Tuổi dự tuyển: từ đủ 18 tuổi đến dưới 45 tuổi. Đối với ngành nghề đặc biệt, tuổi dự tuyển có thể từ đủ 15 tuổi trở lên đến 50 tuổi;

- Có đơn xin dự tuyển, có lý lịch rõ ràng;

- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch viên chức cần tuyển theo quy định hiện hành của Bộ, ngành Trung ương và của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

- Có đủ sức khoẻ để đảm nhận nhiệm vụ được giao;

- Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chấp hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ, quản chế; đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển gồm:

- Đơn xin dự tuyển;

- Bản khai sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan nơi đang công tác);

- Bản sao giấy khai sinh;

- Bản sao: các văn bằng chứng chỉ theo yêu cầu tiêu chuẩn của chức danh chuyên môn dự tuyển; học bạ hoặc sổ học tập hoặc phiếu kết quả học tập toàn khoá, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có). Khi trúng tuyển xuất trình bản chính để kiểm tra;

- Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp có giá trị trong 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

- 03 phong bì dán tem ghi rõ họ tên và địa chỉ người nhận, 01 ảnh cỡ 4x6, hồ sơ của từng cá nhân được bỏ vào bì hồ sơ cỡ 24 cm x 34 cm.

Điều 8. Đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng:

1. Người dân tộc thiểu số, người tình nguyện phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19.8.1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, con anh hùng lực lượng vũ trang, con anh hùng lao động được cộng 30 điểm.

2. Những người có học vị tiến sỹ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng được cộng 20 điểm.

3. Những người có học vị thạc sỹ đúng chuyên ngành đào tạo, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, những người tốt nghiệp đạt loại giỏi và xuất sắc ở các bậc đào tạo chuyên môn phù hợp với nhu cầu tuyển dụng; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên thanh niên xung phong; đội viên trí thức trẻ tình nguyện phục vụ nông thôn, miền núi từ 2 năm trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; cán bộ, công chức cấp xã có thời gian làm việc liên tục tại cơ quan, tổ chức cấp xã từ 3 năm trở lên được cộng 10 điểm.

Nếu người dự tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm thuộc diện ưu tiên cao nhất.

Điều 9. Công nhận kết quả tuyển dụng, danh sách trúng tuyển, ký hợp đồng làm việc và nhận việc:

1. Chậm nhất 30 ngày sau khi tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển, Hội đồng thi tuyển hoặc Hội đồng xét tuyển báo cáo Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để quyết định công nhận kết quả tuyển dụng; phê duyệt danh sách trúng tuyển.

2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt danh sách trúng tuyển, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân hoặc Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo cho người trúng tuyển đến ký hợp đồng làm việc theo quy định tại Thông tư số 10/2004/TT - BNV ngày 19 tháng 2 năm 2004 của Bộ Nội vụ.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo (theo dấu bưu điện) nếu người trúng tuyển không đến ký hợp đồng làm việc thì cơ quan tuyển dụng viên chức từ chối việc tuyển dụng. Trường hợp người trúng tuyển có lý do chính đáng mà không thể đến ký hợp đồng làm việc theo quy định thì phải làm đơn xin gia hạn và được cơ quan tuyển dụng viên chức đồng ý. Thời gian được gia hạn không quá 30 ngày.

Chương II

TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC BẰNG HÌNH THỨC XÉT TUYỂN

Điều 10. Nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng xét tuyển viên chức:

Hội đồng xét tuyển làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thông báo công khai chỉ tiêu tuyển, cơ cấu ngành nghề và trình độ chuyên chuyên môn cần tuyển; tiêu chuẩn và điều kiện dự tuyển; hồ sơ đăng ký dự tuyển, thời gian và địa điểm tiếp nhận hồ sơ; lệ phí dự tuyển; số điện thoại liên hệ trên một trong ba phương tiện thông tin đại chúng: Báo Hải Dương, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh huyện, thành phố và tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ trước ngày xét tuyển 30 ngày. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh phải sau thời gian thông báo ít nhất là 15 ngày. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của thi sinh ít nhất là 10 ngày. Thời gian xét tuyển sau thời gian hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển ít nhất là 15 ngày.

2. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ dự tuyển, thông báo danh sách những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển và những người không đủ điều kiện dự tuyển.

3. Tổ chức xét tuyển theo quy định tại điều 11 của Quy định này.

4. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tuyển dụng (nếu có).

5. Báo cáo kết quả xét tuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).

Điều 11. Nội dung xét tuyển và cách xác định người trúng tuyển:

1. Nội dung xét tuyển bao gồm:

a. Yêu cầu, tiờu chuẩn nghiệp vụ của ngạch tuyển dụng.

b. Kết quả học tập trung bình toàn khoá của người dự tuyển.

c. Đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng theo quy định tại Điều 8 của Quyết định này.

2. Cách xác định người trúng tuyển:

a. Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển là người đạt yêu cầu, tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch dự tuyển và có kết quả học tập trung bỡnh toàn khoỏ (được tính theo thang điểm 100) cộng với điểm ưu tiên theo quy định tính từ người có kết quả xét cao nhất cho đến hết chỉ tiêu được tuyển dụng.

b. Trường hợp nhiều người có kết quả xét bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thỡ Hội đồng xét tuyển bổ sung nội dung phỏng vấn để lựa chọn người có kết quả cao nhất trúng tuyển. Việc tổ chức phỏng vấn được tiến hành như sau:

- Chủ tịch Hội đồng xét tuyển:

+ Quy định nội dung phỏng vấn và thông báo cho thí sinh trước ngày phỏng vấn là 10 ngày;

+ Thành lập ban chuyờn mụn để tiến hành phỏng vấn. Mỗi ban chuyờn mụn ớt nhất 2 người cùng trình độ chuyên môn của ngạch tuyển dụng hoặc ở ngạch cao hơn trực tiếp phỏng vấn.

- Điểm phỏng vấn tính theo thang điểm 100;

- Điểm phỏng vấn của thí sinh là điểm bình quân của các thành viên ban chuyên môn.

c. Niêm yết kết quả xét tuyển của từng thí sinh và danh sách người trúng tuyển (họ tên, năm sinh, hộ khẩu thường trú, trình độ chuyên môn đào tạo, điểm trung bình chung toàn khoá học tính theo thang điểm 100, điểm ưu tiên và điểm phỏng vấn (nếu có)) tại nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ít nhất là 10 ngày quyết định công nhận kết quả xét tuyển và phê duyệt danh sách người trúng tuyển.

Chương III

TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC BẰNG HÌNH THỨC THI TUYỂN

Mục 1: Nội dung thi, hình thức thi, nguyên tắc xác định người trúng tuyển

Điều 12. Nội dung thi, hình thức thi

1. Nội dung thi: theo quy định hiện hành của các Bộ quản lý ngạch chuyên ngành.

2. Hình thức thi

Người tham gia dự thi tuyển đều phải thi thông qua 2 hình thức bắt buộc là thi viết; thi vấn đáp hoặc trắc nghiệm hoặc thực hành.

Điều 13. Cách tính điểm trong kỳ thi tuyển và nguyên tắc xác định người trúng tuyển:

1. Mỗi bài thi được chấm theo thang điểm 100.

2. Người trúng tuyển trong kỳ thi phải là người thi đủ các môn thi, có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên cộng với điểm ưu tiên theo quy định tính từ người có tổng số điểm cao nhất cho đến hết chỉ tiêu được tuyển.

3. Trường hợp nhiều người có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng được tuyển thì người nào có điểm thi viết cao hơn sẽ được chọn là người trúng tuyển. Nếu điểm bài thi viết bằng nhau thì người nào có trình độ đào tạo cao hơn là người trúng tuyển. Nếu những người đó có trình độ đào tạo như nhau thì người nào có điểm bình quân khi tốt nghiệp cao hơn sẽ là người trúng tuyển.

Mục 2: Nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng thi tuyển

Điều 14. Nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng thi tuyển:

Hội đồng thi tuyển làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số, có nhiệm vụ quyền hạn sau đây:

1. Thông báo công khai chỉ tiêu tuyển, cơ cấu ngành nghể và trình độ chuyên môn cần tuyển; tiêu chuẩn và điều kiện dự tuyển; hồ sơ đăng ký dự thi, thời gian và địa điểm tiếp nhận hồ sơ; môn thi, hình thức thi, thời gian và địa điểm thi; lệ phí dự thi; số điện thoại liên hệ trên một trong ba phương tiện thông tin đại chúng: Báo Hải Dương, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh huyện, thành phố và tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ trước ngày thi 30 ngày. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh phải sau thời gian thông báo ít nhất là 15 ngày. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh ít nhất là 10 ngày. Thời gian thi tuyển sau thời gian hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển ít nhất là 15 ngày.

2. Hội đồng thi tuyển phải niêm yết danh sách thí sinh dự thi tại các phòng thi trước ngày thi một ngày và tổ chức lễ khai mạc kỳ thi.

3. Thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi, làm đề thi, tổ chức chấm phúc khảo bài thi viết (nếu có).

4. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ dự tuyển, thông báo danh sách những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi và những người không đủ điều kiện dự thi.

5. Tổ chức hướng dẫn ôn thi cho thí sinh trước ngày thi ít nhất là 10 ngày.

6. Tổ chức thi tuyển theo Quy định.

7. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tuyển dụng (nếu có).

8. Báo cáo kết quả thi tuyển, tuyển dụng về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ).

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng thi tuyển

1. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển:

- Chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng thi tuyển quy định ở Điều 14 của Quy định này và chỉ đạo quá trình thi;

- Quyết định thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi; Ban đề thi, Ban phách, Ban chấm phúc khảo bài thi viết (nếu có);

- Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Hội đồng;

- Bảo quản đề thi, bài thi theo quy định;

- Chỉ đạo, tổ chức việc đánh mã phách, dọc phách bài thi, trực tiếp quản lý mã phách, phách bài thi theo quy định.

2. Các Uỷ viên Hội đồng thi tuyển: thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển phân công.

3. Thư ký Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng:

- Tiếp nhận hồ sơ của người xin dự tuyển;

- Tập hợp các tài liệu và ghi biên bản các phiên họp hội đồng;

- Thu nhận bài thi và tài liệu có liên quan, lập biên bản bàn giao bài thi cho Ban chấm thi;

- Thu nhận các bài chấm thi và tài liệu chấm thi.

Mục 3: Ban coi thi

Điều 16. Ban coi thi do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức quyết định thành lập.

1. Thành phần Ban coi thi :

- Trưởng ban coi thi: do Chủ tịch hoặc một Uỷ viên của Hội đồng thi tuyển đảm nhiệm;

- Thư ký Ban coi thi do thư ký Hội đồng thi tuyển đảm nhiệm;

- Cán bộ coi thi: Giám thị trong phòng thi và Giám thị biên;

- Cán bộ phục vụ kỳ thi: Bảo vệ kỳ thi, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ;

Cán bộ trong Ban coi thi khi làm nhiệm vụ phải có phù hiệu ghi rõ họ tên.

2. Nhiệm vụ quyền hạn của Ban coi thi:

- Tổ chức sắp xếp và phân công giám thị tại các phòng thi;

- Tổ chức và sắp xếp người bảo vệ ở bên ngoài các phòng thi và khu vực thi (có sự phối hợp của lực lượng công an địa phương);

- Thực hiện đúng nội quy phòng thi;

- Kiểm tra Thẻ dự thi và các điều kiện để đảm bảo tốt kỳ thi;

- Phát Đề thi, thu bài thi;

- Giải quyết các trường hợp vi phạm nội quy thi, lập biên bản và báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi tuyển xem xét giải quyết.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban coi thi

1. Trưởng ban coi thi:

- Tổ chức, chỉ đạo Ban coi thi thực hiện tốt nhiệm vụ của Ban theo quy định tại Điều 16 của Quy định này;

- Phân công Giám thị tại các phòng thi, đảm bảo mỗi phòng thi có 02 cán bộ coi thi và Giám thi biên;

- Nhận và bảo quản Đề thi theo đúng Quy định;

- Tạm đình chỉ việc coi thi của Giám thị hoặc tạm đình chỉ việc thi của thí sinh nếu thấy có căn cứ vi phạm nội quy thi và báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng để xem xét, quyết định;

- Nhận bài thi của các phòng thi, niêm phong và bàn giao cho thư ký Hội đồng theo quy định.

2. Giám thị trong phòng thi:

- Đánh số báo danh theo quy định;

- Kiểm tra Thẻ dự thi (hoặc Giấy chứng minh nhân dân) của thí sinh khi vào phòng thi và hướng dẫn thí sinh ngồi đúng nơi quy định theo Số báo danh;

- Phổ biến nội quy thi cho thí sinh;

- Phát Giấy thi và ký vào giấy thi theo quy định;

- Nhận Đề thi, phát đề thi hoặc đọc và chép chính xác đề thi lên bảng. Không được giải thích đề thi hoặc trao đổi với bất kỳ thí sinh nào trong phòng thi;

- Thực hiện nhiệm vụ coi thi trong phòng thi theo đúng quy định;

- Thu nhận bài thi và các văn bản khác có liên quan nộp cho Trưởng ban coi thi;

3. Giám thị biên:

- Giám thị biên có thể được giao nhiệm vụ giám sát cả 2 phòng thi liền kề;

- Giữ gìn trật tự và bảo đảm an toàn bên ngoài phòng thi;

- Phát hiện, nhắc nhở, phê bình, lập biên bản những giám thị trong phòng thi hoặc thí sinh vi phạm quy chế khi ở ngoài phòng thi và báo cáo ngay với Trưởng ban coi thi để giải quyết;

- Không được vào trong phòng thi.

4. Cán bộ phục vụ kỳ thi:

Chỉ được thực hiện nhiệm vụ ở khu vực quy định, không tự ý đi lại trong khu vực thi.

Mục 4: Ban chấm thi

Điều 18. Ban chấm thi do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức quyết định thành lập.

1. Thành phần Ban chấm thi:

- Trưởng ban: Do Chủ tịch hoặc một Uỷ viên Hội đồng thi tuyển đảm nhiệm;

- Thư ký Ban chấm thi: Do Thư ký Hội đồng thi tuyển đảm nhiệm;

- Cán bộ chấm thi:

+ Đối với đơn vị có tư cách pháp nhân là cán bộ, viên chức có cùng trình độ chuyên môn của ngạch tuyển dụng của đơn vị; trường hợp đơn vị không đủ điều kiện để thành lập Ban chấm thi thì mời cán bộ, công chức của sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện có cùng trình độ chuyên môn của ngạch tuyển dụng chấm thi.

+ Đối với đơn vị không có tư cách pháp nhân là cán bộ, công chức của sở, UBND cấp huyện hoặc viên chức của đơn vị có cùng trình độ chuyên môn của ngạch tuyển dụng chấm thi.

- Cán bộ giám sát chấm thi là cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hoặc của sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấm thi:

- Tổ chức trao đổi, thảo luận đáp án, thang điểm trước khi chấm thi và chấm bài thi mẫu để thống nhất;

- Nhận bài thi của Hội đồng và tổ chức cho cán bộ chấm thi bốc thăm bài thi để chấm;

- Phân công cán bộ chấm thi viết, vấn đáp, đảm bảo nguyên tắc mỗi bài thi, mỗi bàn thi vấn đáp phải có 02 người chấm thi. Đối với chấm thi viết: nếu có từ 02 cặp chấm trở lên thì sau mỗi buổi chấm phải tổ chức bốc thăm lại bài thi để chấm. Đối với chấm thi vấn đáp: nếu có từ 02 bàn chấm trở lên thì sau mỗi buổi phải tổ chức bốc thăm lại bàn chấm. Bài chấm, bàn chấm lần sau không trùng với bài chấm, bàn chấm thi lần trước;

- Bàn giao kết quả chấm thi viết, chấm thi vấn đáp cho Thư ký Hội đồng thi tuyển;

- Trong khi chấm thi phát hiện bài thi của thí sinh vi phạm quy chế, lập biên bản bài thi đó và báo cáo với Hội đồng thi tuyển để xem xét, giải quyết;

- Không được tiết lộ kết quả thi khi chưa được công bố.

Điều 19. Nhiệm vụ của các thành viên Ban chấm thi:

1. Trưởng Ban chấm thi:

- Tổ chức chỉ đạo, phân công các thành viên của Ban chấm thi;

- Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của Ban chấm thi quy định tại Điều 18 của Quy định này;

- Quyết định điểm thi khi 2 cán bộ chấm thi của cặp chấm cho điểm chênh lệch;

- Tổng hợp kết quả chấm thi, bàn giao cho Thư ký Hội đồng thi tuyển.

2. Cán bộ chấm thi:

- Chấm điểm các bài thi viết, thi vấn đáp đảm bảo nghiêm túc, chính xác theo đúng thang điểm, đáp án;

- Báo cáo các dấu hiệu vi phạm trong các bài thi với Trưởng ban chấm thi và đề nghị hình thức xử lý;

- Chấm thi vấn đáp: 02 Giám khảo chấm độc lập và cho điểm. Sau mỗi buổi chấm thống nhất để ghi điểm vào biểu quy định. Trường hợp điểm của 02 giám khảo chênh lệch nhau từ 10 điểm trở xuống thì cộng vào chia đôi, lấy điểm đó là điểm cuối cùng của thí sinh. Trường hợp chênh lệch nhau trên 10 điểm thì trao đổi lại để thống nhất, nếu không thống nhất thì báo cáo với Trưởng ban chấm thi quyết định;

- Chấm bài thi viết: 02 Giám khảo chấm độc lập ở mỗi bài thi bằng Phiếu chấm thi, không cho điểm thành phần vào bài làm của thí sinh, sau đó thống nhất điểm. Trường hợp điểm bài thi của 02 giám khảo chênh lệch nhau từ 10 điểm trở xuống thì cộng vào chia đôi, lấy điểm đó là điểm cuối cùng của bài thi. Trường hợp chênh lệch nhau trên 10 điểm thì trao đổi lại để thống nhất, nếu không thống nhất thì báo cáo với Trưởng ban chấm thi để chấm lần thứ ba. Lấy điểm trung bình của ba lần chấm làm điểm chính thức bài thi.

3. Cán bộ giám sát chấm thi :

- Gọi thí sinh vào phòng thi, giữ gìn trật tự trong phòng thi và giám sát thí sinh làm bài (đối với chấm thi vấn đáp);

- Giám sát việc chấm thi của cán bộ chấm thi;

- Nếu phát hiện có điều gì nghi vấn báo cáo Trưởng ban chấm thi xem xét, giải quyết.

Mục 5: Chấm phúc khảo bài thi viết

Điều 20. Ban chấm phúc khảo bài thi viết do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức quyết định thành lập.

1. Thành phần ban chấm phúc khảo.

- Trưởng ban: do Chủ tịch hoặc một Uỷ viên Hội đồng thi tuyển đảm nhiệm;

- Cán bộ chấm thi:

+ Đối với đơn vị có tư cách pháp nhân là cán bộ, viên chức có cùng trình độ chuyên môn của ngạch tuyển dụng của đơn vị hoặc mời cán bộ, công chức của sở, UBND cấp huyện có cùng trình độ chuyên của ngạch tuyển dụng chấm thi.

+ Đối với đơn vị không có tư cách pháp nhân là cán bộ, công chức của sở, UBND cấp huyện hoặc viên chức của đơn vị có cùng trình độ chuyên môn của ngạch tuyển dụng chấm thi.

* Cán bộ chấm phúc khảo không phải là người chấm thi lần 1.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấm phúc khảo:

- Nhận và kiểm tra các bài thi của thí sinh;

- Tổ chức chấm lại bài thi viết của thí sinh xin phúc khảo;

- Quyết định điểm chấm phúc khảo và báo cáo kết quả chấm phúc khảo theo quy định.

Điều 21. Quy định việc chấm phúc khảo bài thi viết.

1. Hội đồng thi tuyển:

- Nhận Đơn xin phúc khảo trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết quả thi tuyển;

- Khi nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh tiến hành rút bài thi, kiểm tra lại số tờ giấy thi của thí sinh. Sau đó đánh lại phách, che điểm chấm thi lần một và niêm phong bài thi;

- Đầu phách do Hội đồng thi tuyển quản lý;

- Trả lời kết quả chấm phúc khảo cho thí sinh chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo.

2. Trưởng ban chấm phúc khảo nhận bài thi phúc khảo và phân công cán bộ chấm thi.

3. Cán bộ chấm phúc khảo thực hiện quy trình chấm thi như quy trình chấm bài thi viết quy định tại Điều 20 của Quy định này; bàn giao lại kết quả chấm thi, bài thi cho Trưởng Ban chấm phúc khảo.

4. Xử lý điểm chấm phúc khảo như sau:

- Nếu điểm của 2 cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch nhau từ 10 điểm trở xuống thì cộng vào chia đôi và lấy điểm đó là điểm phúc khảo của thí sinh. Trường hợp chênh lệch nhau trên 10 điểm thì trao đổi lại để thống nhất, nếu không thống nhất thì báo cáo với Trưởng ban chấm phúc khảo để chấm lần thứ ba. Lấy điểm trung bình của ba lần chấm là điểm của bài chấm phúc khảo;

- Trưởng ban chấm phúc khảo ký xác nhận vào các bài thi đã chấm phúc khảo.

5. Nếu điểm chấm phúc khảo chênh lệch với điểm chấm lần đầu từ 5 điểm trở lên thì mới được điều chỉnh điểm bài thi. Nếu chênh lệch trên 10 điểm và từ không trúng tuyển thành trúng tuyển thì Hội đồng thi tuyển tổ chức đối thoại trực tiếp giữa cán bộ chấm thi lần đầu và cán bộ chấm thi phúc khảo để thống nhất, nếu không thống nhất thì chủ tịch Hội đồng thi tuyển quyết định điểm cuối cùng và báo cáo Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Mục 6: Đề thi tuyển viên chức

Điều 22. Quy định về làm đề thi tuyển:

1. Việc tổ chức làm đề thi tuyển viên chức do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đảm nhiệm.

2. Yêu cầu của việc làm đề thi:

- Đề thi phải phù hợp với nội dung thi và tiêu chuẩn chức danh chuyên môn cần tuyển;

- Đề thi viết để cho thí sinh làm bài 120 phút; đề thi vấn đáp để thí sinh làm bài 20 phút; đề thi thực hành hoặc trắc nghiệm để cho thí sinh làm bài 45 phút. Đề thi phải có đáp án, thang điểm có thể chi tiết tới 1 điểm (Theo thang điểm 100);

- Phải đảm bảo tính chính xác, khoa học của đề thi và quy trình bảo mật đề thi.

3. Quy trình làm đề thi:

a. Đối với cán bộ được phân công giới thiệu đề thi.

- Người giới thiệu đề thi phải căn cứ vào yêu cầu của việc ra đề thi để biên soạn và giới thiệu đề thi;

- Người giới thiệu đề thi phải nộp bản gốc viết tay cho Chủ tịch Hội đồng thi tuyển. Không đánh máy, sao chép thành nhiều bản, không lưu trữ riêng và không được để lộ đề thi đã giới thiệu dưới bất kỳ hình thức nào;

- Nộp đề thi đúng thời gian quy định.

b. Chọn đề thi.

- Trong thời hạn từ 3 đến 5 ngày trước khi thi, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chọn đề thi chính thức và dự trữ;

- Toàn bộ đề thi được giới thiệu, đề thi chính thức, đề thi dự trữ, các đáp án, thang điểm và tài liệu liên quan được cất giữ theo chế độ bảo mật.

4. Đánh máy, in đóng gói bảo quản phân phối sử dụng đề thi:

a. Đánh máy, in đề thi:

- Đề thi phải được đánh máy, in rõ ràng, chính xác, sạch đẹp, đúng quy cách, đúng số lượng ấn định. Những giấy tờ đánh máy hoặc in hỏng đều phải nộp lại cho Giám đốc sở, ngành;

- Người đánh máy, in đề thi được lưu giữ cho đến khi thi xong từng ngạch viên chức;

b. Đóng gói đề thi:

- Căn cứ vào số lượng thí sinh dự thi, số lượng phòng thi để đóng đủ số lượng đề thi và bì đựng đề thi. Bì đựng đề thi dán nhãn niêm phong và đóng dấu; ngoài bìa đựng đề thi phải ghi rõ đề thi vào ngạch, địa điểm thi và số lượng đề thi;

- Đối với đề thi vấn đáp, in đủ số lượng đề thi cho từng bàn hỏi thi theo quy định. Đáp án, thang điểm của đề thi vấn đáp được đánh máy in đủ cho số lượng bàn hỏi thi, mỗi bàn 02 cán bộ chấm thi. Quy trình đánh máy, in thực hiện như làm đề thi viết;

Việc đóng gói đề thi do Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đảm nhận hoặc cũng có thể chỉ định một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện.

c. Bảo quản và phân phối đề thi.

Đề thi phải được bảo quản trong hòm, tủ có khoá chắc chắn, niêm phong. Khi giao nhận đề thi phải có biên bản.

d. Sử dụng đề thi chính thức và đề thi dự trữ.

Đề thi chính thức chỉ được mở để sử dụng tại phòng thi theo đúng ngày, giờ quy định;

Đề thi dự trữ (áp dụng cho thi viết) chỉ sử dụng trong trường hợp đề thi chính thức bị lộ hoặc buổi thi viết đang thi phải dừng lại vì các lý do đột xuất ngoài chủ định;

Trong trường hợp bị lộ đề thi Chủ tịch Hội đồng thi tuyển tạm đình chỉ thi và báo cáo ngay với Thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân, Giám đốc sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện để có phương án xử lý.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC

Điều 23. Về khen thưởng:

1. Những người có nhiều đóng góp, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển dụng viên chức, tuỳ theo thành tích cụ thể được Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị Thủ trưởng đơn vị có tư cách pháp nhân, Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện biểu dương, khen thưởng.

2. Quỹ khen thưởng lấy trong kinh phí tuyển dụng viên chức.

Điều 24. Về kỷ luật:

Người tham gia công tác tuyển dụng viên chức vi phạm quy chế tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ sẽ bị xỷ lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Trách nhiệm của sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

1. Các sở căn cứ vào quy định hiện hành của Bộ, ngành Trung ương về nội dung thi tuyển, nội dung phỏng vấn các ngạch viên chức để hướng dẫn các đơn vị thực hiện.

2. Các sở, Ủy ban nhân dân cấp huyện giám sát, kiểm tra việc thực hiện tuyển dụng viên chức của Hội đồng thi tuyển hoặc Hội đồng xét tuyển viên chức ở các đơn vị thuộc quyền quản lý.

Điều 26.

1. Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện quy định này.

2. Giao cho Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tổng hợp việc thực hiện quy định tuyển dụng viên chức ở các đơn vị và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp vi phạm quy trình, quy định về thi tuyển, xét tuyển Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh huỷ bỏ kết quả tuyển dụng.

Trong quá trình thực hiện quy định về tuyển dụng viên chức có gì vướng mắc phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết.