Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 179/2004/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ “VỀ VIỆC ĐỔI TÊN VÀ XÁC ĐỊNH LẠI CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ, CƠ CẤU TỔ CHỨC VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI"

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 156/HĐBT ngày 17 tháng 12 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ và quan hệ công tác của Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh và thành phố;
Căn cứ Nghị quyết số 416/NQ-UBTVQH11 ngày 25/9/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Văn phòng Đòan Đại biểu Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 133/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về việc Thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Đổi tên và xác định lại chức năng nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

- Tên gọi mới: VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, có t­ư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành.

- Trụ sở đặt tại 79 phố Đinh Tiên Hoàng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điều 2: Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Văn phòng Ủy ban nhân  Thành phố Hà Nội.

A- Vị trí, chức năng

Văn phòng UBND Thành phố là cơ quan trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội, có chức năng tham mưu tổng hợp, tổ chức, phục vụ trực tiếp mọi họat động, quản lý, chỉ đạo và điều hành của UBND Thành phố.

B- Nhiệm vụ và quyền hạn.

1. Xây dựng và quản lý chương trình, kế hoạch công tác (bao gồm chương trình kế hoạch công tác năm, quý, tháng, tuần) của UBND Thành phố; Theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện thực hiện chương trình, kế hoạch được thông qua.

2. Giúp Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, giải quyết các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố đảm bảo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật.

3. Phối hợp, theo dõi và đôn đốc các cơ quan chuyên môn, UBND các quận huyện trong việc chuẩn bị các đề án, dự án được phân công; chịu trách nhiệm kiểm tra về quy trình, hồ sơ, thủ tục hành chính trước khi trình HĐND Thành phố phê chuẩn hoặc trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

4. Tổ chức, phục vụ các phiên họp, kỳ họp và làm việc của UBND Thành phố bao gồm: chuẩn bị nội dung, tài liệu, biên tập văn bản, quản lý hồ sơ, điều kiện vật chất, ban hành văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

5. Tổ chức thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin, đảm bảo phản ánh được thường xuyên, kịp thời, chính xác tình hình các mặt công tác, các diễn biến, họat động kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố, phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo và chỉ đạo của UBND thành phố. Giúp UBND Thành phố chuẩn bị các báo cáo định kỳ và đột xuất trình cấp trên theo sự phân công của UBND Thành phố.

6. Giúp UBND Thành phố tổ chức truyền đạt các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Trung ương, HĐND và UBND Thành phố cho các ngành, các cấp. Theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.

7. Điều hòa, phối hợp giải quyết và trình UBND Thành phố quyết định những vấn đề có tính liên ngành mà các ngành thuộc thành phố còn có ý kiến khác nhau.

8. Tổ chức tiếp dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trình UBND Thành phố xem xét, giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố và chuyển các cơ quan khác giải quyết những đơn thư khiếu nại tố cáo theo đúng thẩm quyền.

9. Giúp UBND Thành phố đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các đoàn thể nhân dân trong thành phố, Đại biểu Quốc hội Hà Nội và Đại biểu HĐND Thành phố.

10. Giúp UBND Thành phố quản lý thống nhất việc ban hành các văn bản của UBND Thành phố đảm bảo đúng pháp luật. Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ, văn phòng cho các sở, ngành, quận, huyện. Quản lý công tác văn thư, hành chính, lưu trữ hồ sơ tài liệu của UBND Thành phố.

11. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực quản lý chuyên môn của Văn phòng UBND Thành phố.

12. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ công chức, tài chính, tài sản trụ sở UBND Thành phố theo quy định hiện hành.

13. Tổ chức hậu cần, đảm bảo các điều kiện vật chất, phương tiện làm việc cho họat động của UBND Thành phố.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND Thành phố giao.

C- Cơ cấu tổ chức và biên chế:

I. Lãnh đạo văn phòng:

Văn phòng UBND Thành phố có Chánh Văn phòng và một số Phó Văn phòng. Chánh Văn phòng là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về tòan bộ họat động của Văn phòng. Phó Văn phòng giúp việc cho Chánh văn phòng, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Chánh Văn phòng phân công và chịu trách nhiệm trước Chánh Văn phòng về lĩnh vực công tác được phân công.

Chánh Văn phòng và các Phó Văn phòng do Chủ tịch UBND Thành phố bổ nhiệm và miễn nhiệm theo quy định hiện hành.

II/ Các bộ phận công tác trong Văn phòng:

1. Bộ phận nghiên cứu tổng hợp: Gồm các tổ chuyên viên trực tiếp giúp việc cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND Thành phố như sau:

- Tổ Nội chính

- Tổ Công nghiệp

- Tổ Kinh tế

- Tổ Xây dựng-Đô thị

- Tổ Nông nghiệp - Địa chính

- Tổ Văn xã

2. Các Phòng chuyên môn:

- Phòng Tổng hợp-Kiểm tra

- Phòng Hành chính-Tổ chức

- Phòng Quản trị - Tài vụ

- Phòng Tiếp dân;

- Trung tâm lưu trữ

3. Các đơn vị trực thuộc khác

- Trung tâm tin học

- Ban Quản lý dự án

- Nhà khách UBND Thành phố

III/ Biên chế:

Biên chế của Văn phòng UBND Thành phố nằm trong tổng biên chế quản lý hành chính nhà nước của thành phố, được phân bổ hàng năm theo quy định.

Điều 3: Giao Chánh Văn phòng UBND Thành phố phối hợp với Sở Nội vụ Thành phố xây dựng quy chế hoạt động của Văn phòng trình UBND Thành phố phê duyệt.

Điều 4: Quyết định này thay thế Quyết định số 1010/QĐ-UB ngày 04/6/1991 của UBND Thành phố và có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2004.

Điều 5: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

  

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH
 
 


NGUYỄN QUỐC TRIỆU