ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1790/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 12 năm 1977 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ SỬ DỤNG VÀ TIẾT KIỆM VẬT TƯ GỖ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ nghị định số 10-CP ngày 26-4-1960 của Hội đồng Chánh phủ quy định chế độ tiết kiệm gỗ và thông tư số 181/TTg ngày 25-7-1960 của Thủ tướng Chánh phủ thi hành nghị định đó ;
- Căn cứ chỉ thị Phủ Thủ tướng số 422/TTg ngày 1-11-1961 về việc đẩy mạnh thi hành chế độ tiết kiệm gỗ ;
- Căn cứ quyết định số 17-CP ngày 3-2-1972 của Hội đồng Chính phủ về quản lý thống nhất việc khai thác, thu mua, phân phối gỗ và các cơ sở cưa xẻ gỗ ;
- Xét tình hình quản lý, sử dụng, bảo quản và tiết kiệm vật tư gỗ hiện nay, nhất là việc sử dụng gỗ còn nhiều điều bất hợp lý gây lãng phí nghiêm trọng. Để tăng cường thống nhất quản lý về việc sử dụng và tiết kiệm vật tư gỗ,
- Theo đề nghị của đồng chí Trưởng ty Lâm nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Nay đặt chế độ tiết kiệm gỗ thành một kỷ luật của Nhà nước mà các cấp, các ngành phải nghêm chỉnh chấp hành để :
- Chấm dứt tình trạng lãng phí gỗ,
- Bảo vệ tài nguyên rừng,
- Bảo đảm nhu cầu về gỗ ngày càng tăng của Thành phố và nhân dân.
Chế độ tiết kiệm gỗ bao gồm các mặt : cung cấp, sử dụng và bảo quản gỗ.
Điều 2. - Nay ban hành Bản quy định tạm thời việc thống nhất quản lý sử dụng và tiết kiệm vật tư gỗ ở Thành phố Hồ Chí Minh (đính kèm theo).
Điều 3.- Quyết định này được thi hành kể từ ngày ban hành.
Điều 4. - Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở, ban, ngành, Trưởng ty Lâm nghiệp, các Ủy ban nhân dân các cấp trong Thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ SỬ DỤNG VÀ TIẾT KIỆM VẬT TƯ GỖ
(Ban hành kèm theo quyết định số 1790/QĐ-UB ngày 29-12-1977)
Từ ngày hòa bình đến nay, yêu cầu về gỗ để góp phần xây dựng Thành phố và cải thiện đời sống nhân dân đòi hỏi ngày càng nhiều, nhưng khả năng về gỗ của ta rất hạn chế và bị động ; việc tiếp nhận vận chuyển gỗ có nhiều khó khăn ; việc chế biến sử dụng, bảo quản gỗ có nhiều điều bất hợp lý, gây nên sự lãng phí về gỗ rất nghiêm trọng, biểu hiện trên các mặt :
- Chế biến : các mặt hàng sản xuất ra thường vi phạm các tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa bảo đảm tỷ lệ gỗ thành khí theo quy định ; chưa triệt để lợi dụng tổng hợp để chế biến, sử dụng lại các vật liệu phế thải, mùn cưa, bìa bắp, v.v...
- Sử dụng : rất nhiều nơi còn dùng gỗ tốt vào những việc không cần thiết hoặc tạm thời, cần gỗ ngắn, gỗ nhỏ thì lại lấy gỗ lớn, gỗ dài, cắt ngắn, xẻ nhỏ, số thừa vứt đi hoặc làm củi, ở nhiều công trường, gỗ “cốp pha” chỉ dùng một hoặc hai lần rồi bỏ đi.
- Bảo quản : hàng ngàn thước khối gỗ không đưa về được để trong rừng hoặc ở ven đường, ở bãi ; gỗ để lâu ngày bị mục không dùng được ; trong nhiều công trường, nhà máy, gỗ bỏ ngoài trời không bảo quản nên mất mát và làm giảm phẩm chất gỗ.
Sở dĩ có tình trạng trên là do từ trước đến nay các ngành, các cấp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề lãnh đạo, giáo dục việc sử dụng và tiết kiệm gỗ, chưa tích cực chấp hành các nghị quyết, quy định đã ban hành ; việc thiết kế, quy định khối lượng gỗ, chất lượng gỗ cho công trình kiến thiết chưa sát, thường khi còn án chừng, trừ hao, hoặc không có thiết kế, v.v.., sự phối hợp giữa các ngành để bảo đảm vận chuyển, cung cấp bảo quản, cưa xẻ, chế biến gỗ còn nhiều thiếu sót.
Nếu không chấm dứt tình trạng lãng phí gỗ, không giải quyết những điều bất hợp lý về vận chuyển, cung cấp, sử dụng, bảo quản gỗ như hiện nay thì không tránh khỏi gặp khó khăn lớn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch xây dựng và phát triển nền kinh tế trong Thành phố, đồng thời cũng không đáp ứng được nhu cầu cải thiện đời sống nhân dân.
Để chấm dứt tình trạng lãng phí gỗ, đồng thời bảo đảm nhu cầu về gỗ ngày càng tăng của thành phố và nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố quy định về chế độ sử dụng và tiết kiệm vật tư gỗ thành một kỷ luật của Nhà nước. Các cấp, các ngành nghiên cứu kỹ và có kế hoạch cụ thể để nghêm chỉnh chấp hành.
Chương I
CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM
Điều 1.- Đối tượng chủ yếu của việc thực hiện chế độ sử dụng và tiết kiệm gỗ hiện nay là các cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội, công an, xí nghiệp và hợp tác xã. Nhưng cũng cần phải tuyên truyền phổ biến sâu rộng, giáo dục tư tưởng, nâng cao ý thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thấy rõ tình hình, hiểu rõ yêu cầu về chế độ sử dụng và tiết kiệm gỗ.
Điều 2.- Từ nay giao cho ngành Lâm nghiệp Thành phố quản lý thống nhất việc phân phối gỗ theo kế hoạch Nhà nước ; kiểm tra việc sử dụng và vận chuyển gỗ. Thống nhất quản lý các cơ sở cưa xẻ gỗ (trừ các cơ sở chuyên dùng của ngành công nghiệp nhẹ..) nhằm mục đích lợi dụng tổng hợp toàn bộ cây, gỗ, bảo đảm thực hiện tỷ lệ bình quân gỗ thành khí theo quy định của Nhà nước, đồng thời tận dụng công suất của màng lưới cưa xẻ, mộc hiện nay và từng buớc quy định điều chỉnh, sắp xếp lại cho hợp lý (qua tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh).
Điều 3.- Mọi ngành, mọi tổ chức đều có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng tiết kiệm gỗ, kịp thời phát hiện những trường hợp bất hợp lý về phân phối, lãng phí gỗ.
Điều 4.- Những việc đã có thỉ thị, có kế hoạch, có phương tiện mà không thi hành, để gặp thiên tai, gây nên thiệt hại, lãng phí, gỗ bị mất mát, hư hỏng thì cá nhân hoặc đơn vị trực tiếp phụ trách phải chịu trách nhiệm.
Chương II
SỬ DỤNG VÀ CUNG CẤP GỖ
Điều 5.- Sử dụng gỗ phải hợp lý theo đúng nguyên tắc gỗ nào dùng vào việc ấy. Ngành lâm nghiệp phối hợp với Ban Khoa học và kỹ thuật nghiên cứu sắp xếp các loại gỗ hiện có vào từng nhóm và xác định sức chịu đựng của từng loại để hướng việc sử dụng gỗ cho đúng, vừa bảo đảm được chất lượng của công trình kiến thiết vừa không bó hẹp vào một số gỗ quen dùng gây khó khăn cho việc cung cấp gỗ. Cơ quan thiết kế các công trình xây dựng , các cơ sở sản xuất dùng gỗ làm nguyên liệu phải theo đúng các điều quy định mà lựa chọn loại gỗ cần tihết.
Điều 6.- Chỉ có các công trình đã ghi trong kế hoạch Nhà nuớc và có thiết kế được Ủy ban Kế hoạch Thành phố duyệt mới được cung cấp gỗ. Những công trình không ghi trong kế hoạch, hoặc những công trình chưa được duyệt thiết kế kỹ thuật của toàn bộ mà muốn được cung cấp ngay để chuẩn bị cho kịp thời thì phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép và chỉ đuợc cung cấp dần tùy theo sự cần thiết.
Điều 7.- Ngành Lâm nghiệp Thành phố phụ trách cung cấp gỗ theo kế hoạch, có trách nhiệm ký hợp đồng và cung cấp gỗ kịp thời. Khi ký hợp đồng, hai bên dựa trên cơ sở bản thiết kế và căn cứ vào quy định tạm thời này mà tính toán cụ thể, ký kết cho sát với yêu cầu.
Điều 8.- Từ nay, việc dùng gỗ xây dựng và cưa xẻ gỗ xây dựng nói chung đều có bản quy cách sử dụng kèm theo của từng hạng mục công trình.
Đối với các loại gỗ dùng thừa hoặc chưa dùng đến, gỗ bao bì và các loại gỗ cũ còn dùng được, nhất là gỗ ván khuôn, cơ quan dùng gỗ phải thu hồi và bảo quản kỹ để dùng lại.
Nghiêm cấm mọi hành vi làm hư hỏng các loại gỗ ván khuôn, gỗ bao bì, gỗ ván sàn, gỗ cấu kiện, v.v… hoặc để vương vãi các loại gỗ củi, gỗ thừa để cho người khác nhặt lấy làm của tư, làm củi đun.
Điều 9.- Khi cung cấp gỗ cần có sự kiểm tra trực tiếp để giải quyết hợp lý trên cơ sở thực tế đúng trình tự cung cấp : ưu tiên cho các công trình đang làm dở, ưu tiên cho công nghiệp, cho những công trình có kế hoạch.
Điều 10.- Các ngành và Ủy ban nhân dân các cấp nhất thiết không được làm sai kế hoạch cung cấp và phân phối gỗ. Không lấy gỗ kế hoạch đã phân phối cho chỗ này mà đem dùng vào chỗ khác.
Điều 11.- Nghiêm cấm việc tự tiện phân phối gỗ của Nhà nước kế hoạch hoặc không có lệnh của cấp có thẩm quyền, nghiêm cấm mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, đầu cơ, nâng giá, buôn bán gỗ trái phép như đã nêu trong quyết định số 1790/QĐ-UB ngày 29-12-1977.
Điều 12.- Sẽ quy định cụ thể số lượng gỗ (số cây hay số mét khối) đủ làm 1 hoặc 2, 3 loại ngôi nhà trung bình theo tập quán dân tộc từng vùng để làm mức cung ứng gỗ gia dụng.
Chương III
CHẾ ĐỘ TIẾT KIỆM GỖ
Từ nay các ngành sử dụng gỗ phải căn cứ vao nghị định số 10-CP ngày 26-4-1960 và bản quy định tạm thời này mà xây dựng chế độ tiết kiệm gỗ cho ngành mình tùy theo mục đích sử dụng và điều kiện nguyên liệu ở mỗi nơi.
Phải dựa trên cơ sở phát động tư tưởng công nhân, nông dân, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mà đặt chế độ cho thích hợp trên tinh thần triệt để tiết kiệm gỗ.
Điều 13.- Gỗ được cấp phát phải sử dụng đúng công dụng của từng loại theo chế độ đã quy định; gỗ tiết kiệm được hoặc do cấp phát vượt định mức mà dôi ra không được sử dụng bừa bãi hoặc mua đi bán lại.
Điều 14.- Sử dụng gỗ phải tiết kiệm, trường hợp có thể dùng tre hoặc các vật liệu khác thay gỗ có lợi hơn mà vẫn bảo đảm được chất lượng thì phải triệt để dùng các vật liệu đó thay gỗ.
Điều 15.- Trong chế biến và sử dụng phải thi hành đúng quy định gỗ nào dùng việc ấy, tận dụng phế phẩm, thế phẩm, nâng cao tỷ lệ thành khí.
Ngoài ra phải đẩy mạnh công tác bảo quản gỗ cho thật chu đáo, tránh mất mát, để mối mọt, mục hoặc đổi chác bất hợp lý.
Điều 16.- Đối với những cơ sở cưa xẻ gỗ, làm đồ mộc, trước mắt ngành lâm nghiệp quản lý chặt chẽ nguyên liệu và thành phẩm (gỗ tròn, gỗ thành khí, bìa bắp, dăm bào, mùn cưa, v.v…).
Điều 17.- Ngành lâm nghiệp cùng với ngành kiến trúc thành phố có trách nhiệm xây dựng chế độ sử dụng gỗ cho các công trình và, như tinh thần điều 12, để áp dụng chung cho tất cả các ngành, các địa phương trong thành phố.
Điều 18.- Các ngành xây dựng và công trình công cộng phải làm bản thiết kế chia ra từng mục, từng phần cụ thể như : gỗ xẻ làm mái nhà, làm cửa, cột kèo, gỗ làm đà giáo, ván cốp pha, v.v…
Trên cơ sở thiết kế rõ ràng, cụ thể, sẽ được cung cấp từng phần và theo từng loại kích, cỡ đã quy định. Công trình xây dựng nào bây giờ mới bắt đầu thiết kế thì phải thiết kế theo quy định mới về sử dụng và tiết kiệm gỗ.
Điều 19.- Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, ngành thương nghiệp đã được giao nhiệm vụ bán lẻ một phần các sản phẩm bằng gỗ và lâm sản cho các nhu cầu tiêu dùng, chất đốt của các cơ quan và nhân dân.
Do đó, ngành thương nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu các mẫu hàng như bàn, ghế, giường, tủ, v.v… có nhiều tác dụng tiết kiệm gỗ nhưng phải chắc, đẹp, rẻ tiền, lâu hỏng để phổ biến và áp dụng trong thành phố.
Điều 20.- Việc chế biến gỗ, ván sàn, đóng bao bì xuất khẩu phải theo đúng tỷ lệ cưa xẻ do Bộ Lâm nghiệp đã quy định trên cơ sở tiết kiệm gỗ, sử dụng tổng hợp gỗ phế thải không để lãng phí.
Điều 21.- Các công trường xây dựng, các xưởng cưa, xưởng đồ mộc, xưởng chế biến lâm sản khác không được đem bán ra ngoài, tùy tiện dùng hoặc hủy bỏ các loại gỗ đã dùng vào các công việc tạm thời như ván cốp pha, cột giàn giáo, cột chống cầu hoặc các loại gỗ thừa khác. Nếu không còn khả năng tận dụng được nữa thì ngành lâm nghiệp cùng với ngành thương nghiệp có trách nhiệm thống nhất thu mua và có kế hoạch chế biến, phân phối sử dụng hợp lý các loại gỗ đó.
Chương IV
THƯỞNG PHẠT
Điều 22.- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân gương mẫu trong việc chấp hành bản quy định tạm thời việc thống nhất quản lý sử dụng và tiết kiệm gỗ, có nhiều sáng kiến, thành tích sẽ được khen thưởng.
Điều 23.- Trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm những điều đã quy định, đều phải được cơ quan có trách nhiệm điều tra xử lý kịp thời. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải có kỷ luật hoặc truy tố, xử phạt theo pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa (sắc lệnh số 267/SL ngày 15-6-1956).
Điều 24.- Ngành Lâm nghiệp, Ủy ban Thanh tra Thành phố và các ban thanh tra các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành chế độ sử dụng và tiết kiệm gỗ. Riêng ngành Lâm nghiệp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra các tổ chức vận chuyển, cung cấp và sử dụng gỗ theo chức năng đã quy định.
Quy định này thi hành kể từ ngày ban hành.
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh