ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1792/QĐ-UBND | Nam Định, ngày 20 tháng 8 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025;
Căn cứ Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế tổ chức hoạt động của các Trung tâm ngoại ngữ, tin học;
Căn cứ Chỉ thị số 3575/CT-BGDĐT ngày 10/9/2014 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân;
Thực hiện Kế hoạch 93/KH-UBND ngày 03/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1130/TTr-SGDĐT ngày 03/8/2021 về việc phê duyệt Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026 gồm những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu chung
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định, đặc biệt là các kỹ năng Nghe và Nói tiếng Anh; trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh; đổi mới kiểm tra, đánh giá; xây dựng môi trường học ngoại ngữ, tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, kỹ năng thực hành và giao tiếp bằng tiếng Anh của giáo viên và học sinh, góp phần thực hiện thành công Đề án ngoại ngữ quốc gia và năng lực hội nhập quốc tế của học sinh Nam Định.
2. Mục tiêu cụ thể
- Góp phần thực hiện chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các nhà trường thông qua việc dạy tiếng Anh tăng cường và dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh;
- Giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và tham gia vào các hoạt động giao lưu, học tập, trải nghiệm, hội nhập quốc tế, tham dự các cuộc thi Toán và khoa học bằng tiếng Anh trong nước và quốc tế đạt kết quả tốt;
- Tạo môi trường giao lưu, trao đổi, học hỏi cho giáo viên tiếng Anh để tăng cường năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm;
- Phấn đấu đến năm 2026 có khoảng 40% số trường phổ thông trong tỉnh triển khai liên kết dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài; khoảng 10 trường tiểu học, 20 trường THCS và 25 trường THPT triển khai dạy Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh;
- Phấn đấu khoảng 10.000 học sinh được tham gia đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế; khuyến khích 30 trường phổ thông triển khai dạy tiếng Anh với các phần mềm có bản quyền, 20 trường có giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh trực tuyến và 25 trường dạy tiếng Anh với tình nguyện viên nước ngoài.
3. Phạm vi triển khai thực hiện
- Việc tăng cường dạy và học tiếng Anh được triển khai ở những trường tiểu học, THCS và THPT có nhu cầu và đáp ứng cơ sở vật chất tối thiểu phục vụ dạy và học ngoại ngữ theo quy định;
- Các cơ sở giáo dục triển khai phải dựa trên cơ sở tự nguyện và đồng thuận của học sinh và phụ huynh học sinh.
1. Tăng cường dạy, học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (đến từ những nước ngôn ngữ hành chính là tiếng Anh)
- Hình thức tổ chức: Dạy tăng cường tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (có trợ giảng người Việt Nam nếu cần).
- Nội dung: Dạy tăng cường, bổ trợ theo chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chương trình, nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm duyệt.
2. Dạy môn Toán, các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh
- Hình thức tổ chức: Dạy tăng cường với giáo viên nước ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn hoặc giáo viên Việt Nam đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ kết hợp với phần mềm.
- Nội dung: Dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc dạy theo chương trình của đơn vị liên kết xây dựng được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm duyệt, đảm bảo các yêu cầu theo quy định về chương trình.
3. Kiểm tra, đánh giá năng lực tiếng Anh cho học sinh
- Hình thức tổ chức: Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp đơn vị đánh giá năng lực tiếng Anh, tổ chức cho học sinh toàn tỉnh có nhu cầu kiểm tra, đánh giá trên tinh thần xã hội hóa và hoàn toàn tự nguyện.
- Nội dung: Đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) hoặc theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc của Châu Âu (CEFR) theo chuẩn IELTS, TOEEFL, Cambridge...
4. Tổ chức cho giáo viên nước ngoài dạy học trực tuyến tiếng Anh
- Hình thức tổ chức: Dạy học trực tuyến theo nhu cầu và nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.
- Nội dung: Dạy theo nội dung, chương trình đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, học sinh (dạy nghe nói, ôn luyện IELTS...) được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm duyệt.
5. Dạy, học tiếng Anh theo phần mềm có bản quyền
- Hình thức tổ chức: Dạy tăng cường tiếng Anh với giáo viên nước ngoài hoặc Việt Nam có phần mềm hỗ trợ; khuyến khích học sinh mua phần mềm tự học.
- Nội dung: Dạy tăng cường, bổ trợ theo chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chương trình, nội dung được Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm duyệt.
6. Dạy, học tiếng Anh với tình nguyện viên nước ngoài
- Hình thức tổ chức: Dạy tăng cường tiếng Anh và tổ chức các hoạt động hỗ trợ dạy và học tiếng Anh có thời gian và thời lượng phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường theo hình thức miễn phí cho các trường có điều kiện khó khăn, đặc biệt tại các vùng nông thôn.
- Nội dung: Dạy tăng cường, bổ trợ theo chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo kế hoạch của nhà trường.
1. Lộ trình thực hiện
a) Giai đoạn 2021-2023:
- Phấn đấu 25% số trường phổ thông trong tỉnh liên kết triển khai dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài;
- Khuyến khích khoảng 05 trường tiểu học, 10 trường THCS và 15 trường THPT triển khai dạy Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh;
- Khuyến khích khoảng 4.000 học sinh được tham gia đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc;
- Khuyến khích khoảng 20 trường triển khai dạy tiếng Anh với các phần mềm có bản quyền; 10 trường dạy tiếng Anh trực tuyến với giáo viên nước ngoài và 15 trường dạy tiếng Anh với tình nguyện viên người nước ngoài.
b) Giai đoạn 2023-2026:
- Phấn đấu 40% số trường phổ thông trong tỉnh liên kết triển khai dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài;
- Khuyến khích mở rộng khoảng 10 trường tiểu học, 20 trường THCS và 25 trường THPT triển khai dạy Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh;
- Khuyến khích khoảng 6.000 học sinh được tham gia đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc;
- Khuyến khích mở rộng khoảng 30 trường phổ thông triển khai dạy tiếng Anh với các phần mềm có bản quyền; khoảng 20 trường dạy tiếng Anh trực tuyến với giáo viên nước ngoài và khoảng 25 trường dạy tiếng Anh với tình nguyện viên người nước ngoài.
2. Kinh phí
- Các nguồn kinh phí hợp pháp;
- Đóng góp của người học: Các đơn vị liên kết và nhà trường xây dựng Đề án học phí cụ thể phù hợp với chương trình giảng dạy và thực tế của địa phương, có sự đồng thuận của người học.
3. Trách nhiệm của các cơ quan
3.1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Theo dõi, đánh giá, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất các biện pháp để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đảm bảo hiệu quả của Đề án.
- Hướng dẫn các nhà trường lựa chọn các đơn vị, trung tâm ngoại ngữ có đủ năng lực, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo để liên kết giảng dạy tiếng Anh.
- Lựa chọn các trường Đại học hoặc các đơn vị, tổ chức trong nước, quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, có đủ năng lực và đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý tổ chức kiểm tra đánh giá độc lập chất lượng tiếng Anh cho học sinh theo đúng quy định; có giải pháp kịp thời, đảm bảo chất lượng giảng dạy;
- Lựa chọn các tổ chức, đơn vị cung cấp tình nguyện viên có uy tín, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh tại các trường có điều kiện khó khăn, đặc biệt là khu vực nông thôn.
- Hằng năm hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai Đề án; kiểm duyệt chương trình, thẩm định kế hoạch, nội dung hợp tác giữa nhà trường và đơn vị phối hợp trước khi triển khai, thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của ngành.
- Thường xuyên theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát về chuyên môn đối với các việc tổ chức tăng cường giảng dạy tiếng Anh tại các nhà trường; kịp thời chấn chỉnh những vi phạm của đơn vị liên quan và nhà trường; tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường và đơn vị tổ chức triển khai về chuyên môn nghiệp vụ và các văn bản theo quy định.
3.2. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị thực hiện thu, chi đúng quy định.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố kiểm tra việc quản lý sử dụng học phí của các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình dạy và học, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
3.3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc cấp giấy phép lao động đối với giáo viên nước ngoài; giám sát việc thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác đối với giáo viên nước ngoài.
3.4. Công An tỉnh
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ban, ngành liên quan trong việc quản lý, đảm bảo công tác an ninh cho tình nguyện viên, giáo viên nước ngoài theo nghiệp vụ quy định.
3.5. UBND các huyện thành phố
- Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch và khuyến khích các trường có đủ điều kiện, khả năng triển khai thực hiện kế hoạch; thẩm tra, xác nhận kế hoạch tăng cường dạy tiếng Anh của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định trước khi triển khai.
- Chỉ đạo đảm bảo an ninh, trật tự cho tình nguyện viên, giáo viên nước ngoài về làm việc tại địa phương.
3.6. Trách nhiệm của trường phổ thông triển khai Đề án
- Xây dựng kế hoạch chi tiết báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định đối với các trường THPT, báo cáo phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm tra, xác nhận và Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định đối với các trường tiểu học và THCS trước khi triển khai thực hiện Đề án.
- Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và phòng Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức thực hiện chương trình liên kết có thu học phí phải trên cơ sở đồng thuận của học sinh và phụ huynh học sinh và phải phối hợp đơn vị liên kết xây dựng đề án học phí chi tiết, phù hợp thực tiễn địa phương.
3.7. Trách nhiệm của các đơn vị tổ chức thực hiện Đề án
- Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, địa phương và nhà trường trong quá trình triển khai Đề án.
- Đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, tài liệu, phần mềm phục vụ dạy học và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch đã ký kết với các cơ sở giáo dục.
- Chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với Tiểu học và THCS) và các Sở, ban, ngành liên quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các: Sở Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |