Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/1998/QĐ-NHNN7

Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRẠNG THÁI NGOẠI TỆ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH NGOẠI HỐI

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước công bố theo Lệnh số 37-LCT/HĐNN8 ngày 24-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02-03-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về trạng thái ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 204/QĐ-NH7 ngày 20-9-1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế tạm thời về trạng thái ngoại hối đối với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối.

Điều 3: Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ, Cục có liên quan ở Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Thành phố, Tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Lê Đức Thuý

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRẠNG THÁI NGOẠI TỆ ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH NGOẠI HỐI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/1998/QĐ-NHNN7 ngày 10 tháng 01 năm 1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1: Mục đích

Quy định về trạng thái ngoại tệ nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có hoạt động ngoại tệ, góp phần từng bước hoàn chỉnh thị trường hối đoái và đưa hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các tổ chức tín dụng hoà nhập vào thị trường tài chính quốc tế.

Điều 2: Đối tượng áp dụng:

Quy định về trạng thái ngoại tệ áp dụng đối với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối bao gồm: Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh và các Công ty tài chính.

Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

Điều 3: Trong Quy định này các thuật ngữ dưới đây sẽ được hiểu như sau:

1. "Ngoại tệ" là các đồng tiền được tổ chức tín dụng sử dụng trong kinh doanh, trừ đồng Việt Nam.

2. "Trạng thái ngoại tệ" của mỗi ngoại tệ là chênh lệch giữa tổng tài sản Có và tổng tài sản Nợ của ngoại tệ đó, bao gồm cả các tài khoản ngoại bảng tương ứng.

Trường hợp tổng tài sản Có lớn hơn tổng tài sản Nợ, sẽ phát sinh trạng thái ngoại tệ dư thừa.

Trường hợp tổng tài sản Có nhỏ hơn tổng tài sản Nợ, sẽ phát sinh trạng thái ngoại tệ dư thiếu.

Trường hợp tổng tài sản Có bằng tổng tài sản Nợ, trạng thái ngoại tệ cân bằng.

3. "Tổng trạng thái ngoại tệ dư thừa" là tổng các trạng thái ngoại tệ dư thừa của các ngoại tệ có trạng thái dư thừa. "Tổng trạng thái ngoại tệ dư thiếu" là tổng các trạng thái ngoại tệ dư thiếu của các ngoại tệ có trạng thái dư thiếu.

4. "Trạng thái ngoại tệ cuối ngày" là trạng thái ngoại tệ tại thời điểm đóng cửa của ngày giao dịch.

5. "Tổng trạng thái ngoại tệ cuối ngày" là Tổng trạng thái ngoại tệ tại thời điểm đóng cửa của ngày giao dịch.

6. "Giới hạn trạng thái ngoại tệ" là mức trạng thái ngoại tệ dư thừa, dư thiếu tối đa mà tổ chức tín dụng được phép duy trì.

Điều 4: Các giao dịch phát sinh trạng thái ngoại tệ bao gồm: các giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay (spot), kỳ hạn (forward).

II. CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

Điều 5: Các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ (trừ chi nhanh Ngân hàng nước ngoài), phải tuân thủ các quy định về giới hạn trạng thái ngoại tệ sau đây:

1. Tổng trạng thái ngoại tệ dư thừa cuối ngày không được vượt quá 30% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

2. Tổng trạng thái ngoại tệ dư thiếu cuối ngày không được vượt quá 30% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

3. Trạng thái dư thừa, hoặc dư thiếu của đồng đô la Mỹ cuối ngày của các Tổ chức tín dụng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng.

Điều 6: Các Tổ chức tín dụng phải tiến hành mua hoặc bán ngoại tệ để cuối ngày đảm bảo trạng thái ngoại tệ trong mức giới hạn quy định tại điều 5 của quy định này.

Điều 7: Vốn tự có sử dụng trong tính toán trạng thái ngoại tệ được tính toán theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 8: Nguyên tắc tính trạng thái ngoại tệ:

1. Nguyên tắc tính trạng thái của từng ngoại tệ: lấy tổng tài sản Có của một ngoại tệ trừ đi tổng tài sản Nợ của ngoại tệ đó, bao gồm cả các tài khoản ngoại bảng tương ứng, các khoản mua, bán ngoại tệ có kỳ hạn.

2. Nguyên tắc tính Tổng trạng thái ngoại tệ: Quy đổi trạng thái ngoại tệ của từng ngoại tệ sang đồng Việt Nam. Sau đó cộng tất cả các trạng thái ngoại tệ dư thừa với nhau để tính Tổng trạng thái ngoại tệ dư thừa, cộng tất cả các trạng thái ngoại tệ dư thiếu với nhau để tính Tổng trạng thái ngoại tệ dư thiếu. Tính tỷ lệ phần trăm của từng Tổng trạng thái ngoại tệ so với vốn tự có.

3. Tỷ giá quy đổi để tính tổng trạng thái ngoại tệ áp dụng tỷ giá giao dịch giao ngay cuối ngày của Tổ chức tín dụng.

III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO:

Điều 9: Hàng ngày, trước 10 giờ sáng, các Tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ phải gửi báo cáo doanh số mua bán ngoại tệ của ngày hôm trước về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý Ngoại hối) theo mẫu báo cáo doanh số mua bán (mẫu đính kèm quy định này).

Hàng tháng, vào các ngày 15 và ngày cuối tháng, Tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ (trừ chi nhánh Ngân hàng nước ngoài), báo cáo trạng thái ngoại tệ tại thời điểm báo cáo của toàn hệ thống, theo mẫu đính kèm cho Ngân hàng Trung ương (Vụ Quản lý Ngoại hối). Báo cáo gửi về chậm nhất sau 3 ngày kể từ ngày báo cáo.

IV. XỬ LÝ VI PHẠM:

Điều 10: Những vi phạm về chế độ báo cáo sẽ bị xử lý hoặc theo pháp luật, hoặc theo các hình thức sau:

1. Cảnh cáo đối với trường hợp gửi báo cáo chậm.

2. Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động mua bán ngoại tệ đối với trường hợp thường xuyên gửi báo cáo chậm hoặc không gửi báo cáo.

Điều 11: Những vi phạm giới hạn trạng thái ngoại hối sẽ bị xử lý hoặc theo pháp luật hoặc theo các hình thức sau:

1. Cảnh cáo đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và trong ngày làm việc tiếp theo, tổ chức tín dụng phải mua hoặc bán ngoại tệ để đưa trạng thái ngoại tệ về mức giới hạn cho phép.

2. Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động mua bán ngoại tệ đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 cho đến khi Tổ chức tín dụng đưa trạng thái ngoại tệ về mức giới hạn cho phép.

3. Vi phạm lần thứ 3 sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh ngoại tệ.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Điều 12: Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối chịu trách nhiệm phối hợp với các Vụ, Cục, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước có liên quan để phổ biến, tổ chức thực hiện Quy định này. Hàng tháng tổng hợp và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tình hình hoạt động kinh doanh ngoại tệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ, đồng thời gửi cho các Vụ, Cục, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước có liên quan để phối hợp chỉ đạo và giám sát.

Điều 13: Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chế độ báo cáo, chấp hành quy định về giới hạn trạng thái ngoại tệ và hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ.

Điều 14: Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chế độ báo cáo, chấp hành quy định về giới hạn trạng thái ngoại tệ và hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ trên địa bàn.

Điều 15: Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ đã nói ở Điều 2 chịu trách nhiệm thực hiện các quy định của quy định này.

Điều 16: Mọi sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.