Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ:18/2002/DDQ-UB

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUI HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI QUẬN THANH XUÂN GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23/09/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010.
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận, huyện của Thành phố về kết quả thẩm định qui hoạch kinh tế - xã hội quận Thanh Xuân giai đoạn 2001 - 2010 tại thông báo số 197/TB-KH&ĐT ngày 19/9/2001.
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân tại tờ trình số 117/TTr-UB ngày 29/10/2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 143/TTr-KH&ĐT ngày 08 tháng 2 năm 2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Thanh Xuân giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây :

1. Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội quận Thanh Xuân giai đoạn 2001 - 2010.

 Phấn đấu xây dựng quận Thanh Xuân trở thành quận phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội, đóng vai trò động lực phát triển ở cửa ngõ phía Tây Nam Thành phố; có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý đô thị theo qui hoạch và bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác có hiệu quả tiềm năng dịch vụ - du lịch, giữ gìn bản sắc lịch sử văn hoá của địa phương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

2. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu .

2.1. Kinh tế.

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2010 : 12,5 - 13,5%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 13,5%/năm và giai đoạn 2006 - 2010 là 12,5%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn.

+ Năm 2005 : Công nghiệp mở rộng chiếm 74,99%; Dịch vụ 24,95%; Nông nghiệp 0,06%

+ Năm 2010 : Công nghiệp mở rộng 66,95%; Dịch vụ 33,03%; Nông nghiệp 0,02%.

- Thu nhập bình quân đầu người của Quận năm 2010 tăng gấp 2,2 - 2,5 lần so với năm 2000.

2.2. Văn hoá - xã hội :

- Phấn đấu đến năm 2005 hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và tương đương.

- Đến năm 2010, toàn bộ trẻ em 5 tuổi được hưởng chương trình giáo dục mầm non trước khi vào tiểu học. Đến năm 2005 có 80% và năm 2010 có 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Năm 2005 có 20% và năm 2010 có 40% số trường đạt chuẩn quốc gia.

- Đến năm 2010, toàn bộ các phường trên địa bàn có trạm y tế đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 11% năm 2005 và dưới 5% năm 2010.

- Giảm tốc độ tăng dân số tự nhiên xuống dưới 1,03% vào năm 2005 và dưới 1% vào năm 2010. Đến năm 2005, dân số Quận khoảng 195.900 người; năm 2010 khoảng 221.700 người. Kiểm soát chặt chẽ dòng di dân cơ học vào địa bàn Quận.

- Trong thời kỳ 2005 - 2010, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 2500 - 3000 lao động. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 70 - 75%.

- Đến năm 2005 có 90% và năm 2010 có 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; trên địa bàn Quận không còn hộ nghèo.

2.3. Đô thị :

- Phấn đấu đến năm 2010, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông trên địa bàn; tỷ lệ diện tích đất giao thông bình quân khoảng 9 - 10m2/người; đất cây xanh khoảng 4 - 5m2/người.

- Đến năm 2005, xây dựng xong các tuyến giao thông chính, bê tông hoá 100% đường ngõ xóm. Năm 2010 có 100% số hộ gia đình được cấp nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn 170 lít/người/ngày - đêm; cung cấp đủ nhu cầu nước cho khu vực sản xuất và dịch vụ; giảm tỷ lệ thất thoát xuống dưới 25 - 35%.

3. Nhiệm vụ và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

3.1. Phát triển kinh tế :

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Quận theo hướng công nghiệp - Dịch vụ. Trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sách của Quận, định hướng chung của Thành phố, xây dựng quận Thanh Xuân thành một trong những khu vực kinh tế trọng điểm, đồng thời là khu vực đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thủ đô và cả nước.

a. Công nghiệp :

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2001 - 2010 bình quân khoảng 12 - 13%/năm.

- Tập trung phát triển một số ngành mũi nhọn như sản xuất thiết bị điện, điện tử, tin học; cơ khí, cơ khí chế tạo máy, lắp ráp ô tô, hoá chất, dược phẩm, chế biến nông sản, dệt - may , da - giày, công nghiệp vật liệu xây dựng. Chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; hình thành cơ cấu công nghiệp nhiều tầng liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất.

b. Dịch vụ :

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ giai đoạn 2001 - 2010 khoảng 17 - 18%/năm.

- Tập trung phát triển, đa dạng hoá các hình thức kinh doanh thương mại - dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Đầu tư xây dựng, cải tạo một số chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn. Xây dựng Quận thành trung tâm dịch vụ thương mại, hình thành khu vực bán buôn, phát luồng ở phía Tây Nam Thành phố.

- Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển một số loại hình dịch vụ cao cấp : ngân hàng - tài chính, bảo hiểm du lịch, thông tin liên lạc; đẩy mạnh phát triển dịch vụ đào tạo nghề và tư vấn.

c. Nông nghiệp

Trong giai đoạn 2001 - 2005, khai thác triệt để quĩ đất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp sinh thái : hồ điều hoà, cây xanh bóng mát và cây cảnh. Giai đoạn 2006 - 2010, chú trọng nâng cao chất lượng các dải cây canh ở các khu qui hoạch điều hoà khí hậu, công viên ...; kết hợp cải tạo các hồ chứa nước với phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

3.2. Phát triển văn hoá - xã hội :

a. Giáo dục - Đào tạo

- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ giáo viên có chất lượng cao, tăng cường công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng quận Thanh Xuân thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của Thành phố và cả nước.

- Hoàn thành việc tách các cấp học ở các trường công lập và ngoài công lập trước năm 2005; điều chỉnh lại qui mô, cơ cấu bậc học và tăng cường quản lý Nhà nước đối với hệ ngoài công lập.

- Đến năm 2005, phấn đấu có 20% số trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và tương đương. Đến năm 2005 có 80% và năm 2010 có 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Xây dựng và phát triển trung tâm dạy nghề có chất lượng cao.

- Phấn đấu đến năm 2010, có 40% số trường đạt chuẩn quốc gia; 100% trẻ em dưới 5 tuổi được hưởng chương trình giáo dục mầm non; tiếp tục duy trì phổ cập trung học phổ thông và tương đương.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phấn đấu đến năm 2010 có 100% số giáo viên đạt chuẩn.

b. Văn hoá - Thông tin.

Tăng cường đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hoá - thông tin trên địa bàn; xây dựng trung tâm văn hoá quận, nâng cấp các cơ sở sinh hoạt văn hoá tại các phường và một số cơ quan, trường học; phát triển hệ thống công viên, các điểm vui chơi trên địa bàn, bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá; đẩy mạnh sự nghiệp văn hoá thông tin tuyên truyền; phấn đấu đến năm 2005 có 90% và năm 2010 có 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

c. Y tế :

- Nâng cao chất lượng hoạt động y tế, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

- Tiếp tục đầu tư, nâng cấp trung tâm y tế Quận, các trạm y tế phường; đào tạo bồi dưỡng bổ sung đội ngũ cán bộ y tế.

- Duy trì tiêm chủng mở rộng cho 100% trẻ em trong độ tuổi; thực hiện tốt các chương trình y tế phòng chống các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm; phấn đấu đến năm 2005 thanh toán các bệnh do thiếu i ốt, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 11 % vào năm 2005 và dưới 5% vào năm 2010; thực hiện tốt công tác kế hoạch gia đình.

d. Thể dục thể thao.

- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, tập thể và các cá nhân đầu tư phát triển các cơ sở thể dục thể thao.

- Đầu tư xây dựng trung tâm thể dục thể thao cấp Quận, nâng cấp các sân vận động hiện có và hệ thống sân chơi ở các cụm dân cư.

- Phát huy phong trào thể dục thể thao quần chúng và một số môn thể thao mũi nhọn; đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ thê dục thể thao bảo đảm về số lượng và chất lượng. Phấn đấu đến năm 2005 có 12,25% và năm 2010 có 14% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

3.3. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Trong thời kỳ 2001 - 2005, tập trung cải tạo, nâng cấp mạng lưới đường chính Thành phố trên địa bàn Quận với tổng chiều dài 7,703 km; đường vành đai 3, đường Nguyễn Trãi, đường Trường Chinh, đường Giải Phóng và 2 nút giao thông (Vọng và Ngã Tư Sở); xây dựng, mở rộng mạng lưới đường khu vực, phân khu vực và hệ thống đường nhánh.

- Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ diện tích đất giao thông bình quân khoảng 9 - 10 m2/người; đất cây xanh khoảng 4 - 5m2/người.

- Bảo đảm đủ nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn; cải tạo mạng lưới điện trung thế và hạ thế theo qui hoạch.

- Phấn đấu đến năm 2010 đảm bảo 100% dân số được cấp nước sạch sinh hoạt với mức 170 lít/người/ngày - đêm, cung cấp đủ nhu cầu nước cho khu vực sản xuất và dịch vụ; giảm tỷ lệ thất thoát xuống dưới 25 -35%; 100% khách hàng được lắp đồng hồ đo nước.

3.4. Bảo vệ môi trường sinh thái.

- Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Quận, đặc biệt ở khu công nghiệp Thượng Đình, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

- Tiến hành nạo vét, chỉnh trang và xây kè dọc các sông chính trên địa bàn Quận; cải tạo hệ thống thoát nuớc trên trục quốc lộ 6, đường vành đai 2 và đường phân khu vực; xây dựng mới tuyến thoát nước theo hệ thống các đường giao thông.

4. Các trọng điểm đầu tư và danh mục những dự án đầu tư lớn trên địa bàn.

Giai đoạn 2001 - 2005. Cơ bản hoàn thành cải tạo, nâng cấp đường vành đai 3, xây dựng 2 nút giao thông (Vọng và Ngã Tư Sở) , nâng cấp hạ tầng đô thị ở 3 xã mới chuyển thành phường; hoàn chỉnh 2 khu đô thị mới Nhân Chính, khu làng sinh viên; xây dựng nhà văn hoá trung tâm, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm dạy nghề và các trường học theo qui hoạch; hoàn chỉnh công viên Đầm Hồng, Nhân Chính; cải tạo các chợ Thanh Xuân Bắc, Khương Đình, Kim giang, Thượng Đình; nâng cấp mạng lưới điện, cấp, thoát nước, thông tin liên lạc.

Giai đoạn 2006 - 2010. Tiếp tục hoàn chỉnh đường vành đai 3; hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội; xây dựng chợ đầu mới ở khu vực phía Tây Nam Hà Nội

Điều 2 : Tổ chức thực hiện qui hoạch

* UBND Quận Thanh Xuân có nhiệm vụ :

- Công bố công khai qui hoạch để các cơ quan tổ chức, cá nhân và nhân dân biết và thực hiện nghiêm chỉnh.

- Chủ trì, có sự giúp đỡ của các Sở, Ngành liên quan của Thành phố, căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của qui hoạch này tổ chức xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của Quận và Thành phố.

- Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị với Thành phố ban hành các cơ chế, qui chế phù hợp các quy định của Nhà nước để thực hiện qui hoạch.

- Thực hiện đổi mới tổ chức quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ động khai thác các tiềm năng, đặc biệt là đất đai, lao động, vốn và các nguồn lực khác để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và các định hướng của qui hoạch này.

- Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà Quận có thế mạnh.

- Theo dõi, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, đình tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội cụ thể của Quận và Thành phố

* Các ngành chức năng của Thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn quận Thanh Xuân trong quá trình thực hiện qui hoạch này để đạt được mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn Quận có trách nhiệm cùng Quận thực hiện tốt mục tiêu của qui hoạch.

Điều 3 : Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

TM ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phan Văn Vượng