BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2003/QĐ-BNV | Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2003 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI) HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM – LÀO
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ);
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của bộ, cơ quan ngang bộ;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ (sửa đổi) của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào đã được Đại hội lần thứ II thông qua ngày 20 tháng 1 năm 2003.
Điều 2. Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Điều 1. Tên Hội: Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào.
Điều 2. Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào là một tổ chức xã hội, là thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ của Hội, phù hợp với luật pháp hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam và tôn chỉ mục đích của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Mục đích của Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào là góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đối tác chính của Hội là tổ chức hữu nghị Lào-Việt Nam, đồng thời Hội phát triển quan hệ rộng rãi với các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà doanh nghiệp ở Lào vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Điều 3. Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào là một tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài chính và tài khoản riêng để phục vụ cho các hoạt động của Hội.
Điều 4. Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào có những nhiệm vụ sau đây:
- Cùng với tổ chức hữu nghị Lào-Việt Nam giới thiệu, thông tin cho các tầng lớp nhân dân Lào về lịch sử, đất nước, con người, nền văn hóa và những thành tựu xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.
- Giới thiệu, thông tin cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ về lịch sử, đất nước, con người, nền văn hóa và những thành tựu xây dựng đất nước của nhân dân Lào cũng như về mối quan hệ gắn bó truyền thống đặc biệt, thủy chung giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào anh em.
- Làm cầu nối vận động và thúc đẩy các hoạt động hữu nghị và hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật một cách hiệu quả và thiết thực, góp phần vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào.
- Tổ chức trao đổi các đoàn hữu nghị, trao đổi thông tin, các cuộc gặp gỡ với tổ chức hữu nghị Lào-Việt Nam cũng như với các tổ chức xã hội, kinh tế, văn hóa của Lào nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác đặc biệt giữa nhân dân hai nước.
Điều 5. Những tổ chức, công dân Việt Nam tán thành Điều lệ của Hội, tự nguyện xin gia nhập Hội và được Ban Thường vụ của Ban Chấp hành Hội đồng ý, sẽ được gia nhập Hội. Các tổ chức sẽ trở thành các tổ chức thành viên và cá nhân sẽ trở thành hội viên của Hội.
Điều 6. Các tổ chức thành viên và hội viên có nhiệm vụ:
- Chấp hành Điều lệ, các nghị quyết và chủ trương của Hội.
- Tham gia đầy đủ các hoạt động và sinh hoạt của Hội.
- Đóng góp vào tài chính của Hội.
Điều 7. Các tổ chức thành viên và hội viên có quyền:
- Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng và biểu quyết thông qua các quyết định, chủ trương và chương trình hoạt động của Hội.
- Được Hội giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động nhằm mục đích góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Lào trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật phù hợp với mục tiêu của Hội.
- Được tham gia bầu cử, ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội.
- Hội viên được quyền xin ra khỏi Hội.
Điều 8. Xóa tên và khai trừ hội viên:
1. Hội viên muốn ra khỏi Hội phải có thư thông báo với cấp có thẩm quyền của Hội để xóa tên trong danh sách hội viên.
2. Hội viên hoạt động trái với Điều lệ và nghị quyết của Hội sẽ bị xóa tên trong danh sách hội viên.
Điều 9. Hội hữu nghị Việt Nam-Lào tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và hiệp thương thống nhất. Lãnh đạo Hội được bầu thông qua bầu cử dân chủ và biểu quyết theo đa số (lấy đa số là 2/3 trở lên). Trường hợp đặc biệt không bầu được thì Ban Chấp hành lâm thời của Hội sẽ được chỉ định, nhưng không quá thời hạn một nhiệm kỳ.
Điều 10. Tổ chức Hội gồm Hội Trung ương, các Hội ở địa phương tham gia làm thành viên của Hội Trung ương, các Câu lạc bộ và các Chi hội trực thuộc Trung ương Hội.
Ở địa phương theo yêu cầu và điều kiện cụ thể, nếu có nhu cầu lập Hội sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét và quyết định.
Hội Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức thành viên trực thuộc xây dựng Điều lệ, tổ chức và hoạt động, đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Điều 11. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu toàn quốc hoặc Đại hội toàn thể. Đại hội họp 5 năm một lần, có nhiệm vụ thảo luận báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội, thông qua các nghị quyết, xem xét sửa đổi Điều lệ, bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội.
1. Ban Chấp hành Trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo mọi hoạt động của Hội giữa hai kỳ Đại hội.
1.1. Ban Chấp hành Trung ương Hội bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, các ủy viên Thường vụ và các ủy viên Ban Chấp hành.
1.2. Ban Chấp hành Trung ương Hội quyết định các chủ trương, biện pháp thi hành những nghị quyết của Đại hội toàn thể đề ra; chỉ đạo các tổ chức Hội thành viên hoạt động, tham gia các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Hội họp một năm một lần.
2. Chủ tịch Hội có trách nhiệm:
2.1. Lãnh đạo, quản lý mọi hoạt động của Hội; cùng với Ban thường vụ điều hành các kỳ họp của Ban Chấp hành.
2.2. Thay mặt Ban Chấp hành phối hợp với các cơ quan quản lý ngành thực hiện các hoạt động trong quan hệ đối nội, đối ngoại của Hội. Tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Các Phó Chủ tịch Hội có trách nhiệm thay mặt Chủ tịch Hội chỉ đạo từng khối công việc của Hội và thay mặt Chủ tịch Hội khi Chủ tịch vắng.
3. Ban Thường vụ do Ban Chấp hành Trung ương Hội cử, bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban Thư ký (có thể có Tổng Thư ký hoặc thư ký) và các ủy viên Ban thường vụ. Ban thường vụ họp 6 tháng 1 lần và có trách nhiệm:
3.1. Chỉ đạo Ban Thư ký chuẩn bị nội dung các kỳ họp Ban Chấp hành và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội. Cùng với Chủ tịch Hội điều hành các kỳ họp của Ban Chấp hành.
3.2. Hướng dẫn các tổ chức Hội thành viên thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Hội.
3.3. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và tổ chức thành viên khi bị xâm phạm, giải quyết những vấn đề khó khăn của cá nhân hay tổ chức thành viên trong việc thực hiện Điều lệ này.
4. Ban Thư ký do Ban thường vụ cử, bao gồm Tổng thư ký và thư ký, có trách nhiệm:
4.1. Giúp Ban Thường vụ chuẩn bị nội dung các kỳ họp và triệu tập các kỳ họp.
4.2. Giúp Ban Thường vụ và Ban Chấp hành theo dõi, giúp đỡ các tổ chức thành viên thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương Hội.
4.3. Quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài liệu và tài chính của Hội.
5. Ban Chấp hành Hội ở các tỉnh, thành phố và các tổ chức thành viên căn cứ vào những điều khoản quy định trong Điều lệ này, căn cứ vào các Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Hội để làm cơ sở nội dung hoạt động của tổ chức mình.
Điều 12. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội và các Hội thành viên do Đại hội ở đó quyết định, trong đó bao gồm cả các Ban Thường vụ. Số người trong Ban Thường vụ không được quá 1/3 số Ủy viên Ban Chấp hành. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Hội là 5 năm. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành các Hội thành viên do Hội thành viên quyết định.
Điều 13. Chế độ phối hợp công tác trong nội bộ Hội:
1. Trung ương Hội phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các Hội thành viên ở các địa phương hoạt động.
2. Các Hội thành viên ở địa phương chủ động trong các hoạt động theo đúng Điều lệ Hội, không trái với nghị quyết của Trung ương Hội, hàng quý báo cáo công tác cho Trung ương Hội. Các Hội thành viên ở các địa phương phải phối hợp và chịu sự chỉ đạo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của địa phương mình.
Điều 14. Tài chính của Hội được xây dựng từ các nguồn sau đây:
- Đóng góp tự nguyện của các hội viên.
- Sự hỗ trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
- Sự ủng hộ tài chính của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo qui định của pháp luật.
- Nguồn thu từ hoạt động gây quỹ của Hội theo đúng pháp luật của Nhà nước.
Ban Thường vụ các cấp của Hội chịu trách nhiệm quản lý quỹ hoạt động của mình theo chế độ tài chính của Nhà nước.
Điều 15. Những hội viên, cán bộ hội và tổ chức Hội có thành tích hoạt động công tác hữu nghị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hàng năm và mỗi kỳ đại hội được các cấp của Hội xét khen thưởng.
Điều 16. Những hội viên, cán bộ hội và tổ chức cơ sở vi phạm Điều lệ của Hội, làm tổn thương đến danh dự của Hội, tùy theo mức độ sai lầm, có thể bị thi hành kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc khai trừ ra khỏi Hội.
Việc thi hành kỷ luật hội viên, tùy theo mức độ, sẽ do Ban Chấp hành Hội cấp địa phương hoặc Trung ương quyết định.
- Bản Điều lệ này có hiệu lực kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt./.
- 1 Quyết định 795/QĐ-BNV năm 2009 phê duyệt bản Điều lệ của Hiệp hội Gas Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2 Quyết định 74/QĐ-BNV phê duyệt bản Điều lệ của Hội Dạy nghề Việt Nam do Bộ Nội vụ ban hành
- 3 Nghị định 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
- 4 Nghị định 181-CP năm 1994 về chức năng,nhiệm vụ,quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban tổ chức cán bộ Chính Phủ
- 5 Luật về quyền lập hội 1957