Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2015/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 01 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật Tố cáo ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;

Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo;

Căn cứ Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân;

Thực hiện Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 02/5/2015 của Tỉnh uỷ Sơn La về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số: 22/TTr-TTr ngày 01 tháng 6 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định một số nội dung về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh; Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực UBND tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Như Điều 3;
- LĐVPUBND tỉnh;
- Các Phòng khối nội dung - VPUBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, NC, 250b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cầm Ngọc Minh

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
(Ban hành theo Quyết định số 18 /2015/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2015 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định một số nội dung về công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân; xử lý đơn; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 3. Về chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nêu cao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại với người dân, kịp thời giải quyết những khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị, gắn với công tác phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Điều 4. Về công tác ban hành văn bản

Thủ trưởng hoặc người được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị uỷ nhiệm phải chỉ đạo công tác soạn thảo, thẩm định, tiếp thu ý kiến phản biện vào dự thảo văn bản trước khi ban hành bảo đảm đúng quy định, không để xảy ra sai hoặc chậm ban hành. Nếu người ký văn bản ban hành để xảy ra sai sót hoặc chậm ban hành để thực hiện làm phát sinh đơn thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các đơn đó theo thẩm quyền.

Chương II

TIẾP CÔNG DÂN

Điều 5. Nguyên tắc tiếp công dân

1. Việc tiếp công dân phải được thực hiện tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân;

3. Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm tiếp công dân

Các cơ quan có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh;

2. Các sở, ngành;

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

4. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thành phố, bao gồm: Thanh tra, Nội vụ, Lao động Thương binh và xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kinh tế hạ tầng;

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Chương III

XỬ LÝ ĐƠN

Điều 7. Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

1. Về quy trình xử lý đơn: Tất cả các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thực hiện theo Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

2. Xử lý đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đủ điều kiện xử lý theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ;

2.1. Đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện.

Đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện thì chuyển đến Văn phòng UBND cùng cấp để tập trung phân loại, xử lý (đồng thời thông báo cho người có đơn biết). Chánh Văn phòng UBND tham mưu với Chủ tịch UBND cùng cấp giao đơn đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tham mưu trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước để tổ chức kiểm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết;

2.2. Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện.

Các sở, ngành; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện thì chuyển đến Văn phòng UBND cùng cấp để tập trung phân loại, xử lý (đồng thời thông báo cho người có đơn biết). Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tham mưu với Chủ tịch UBND cùng cấp giao đơn đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tham mưu trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước để tổ chức kiểm tra, xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết;

2.3. Các cơ quan, đơn vị khác nhận được đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trả lại đơn và hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, việc hướng dẫn chỉ được thực hiện một lần đối với một vụ việc.

2.4. Đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến UBND xã, phường, thị trấn giao Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo xử lý, giải quyết;

2.5. Đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến nhiều nơi thì cơ quan nhận được đơn gửi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thông báo cho người gửi đơn biết và yêu cầu không gửi đơn đến nhiều nơi.

2.6. Đối với đơn tố cáo có họ tên, địa chỉ rõ ràng thì quá trình tiếp nhận, giải quyết phải giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và các thông tin khác có liên quan đến danh tính của người tố cáo theo quy định hiện hành;

2.7. Các đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chỉ đạo tập trung giải quyết kịp thời và báo cáo kết quả giải quyết về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp;

2.8. Các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến lĩnh vực khác (không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước) thì chuyển đơn và các tài liệu kèm theo (nếu có) đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật;

2.9. Đối với đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố cáo thì không thụ lý giải quyết.

3. Không xử lý đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không ghi tên, địa chỉ, không có chữ ký của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

4. Đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự.

Điều 8. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân các cấp tham mưu với Chủ tịch UBND cùng cấp giao Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tham mưu trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước để tham mưu kiểm tra, rà soát, giải quyết:

1. Các vụ việc đã ban hành Quyết định giải quyết lần hai của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện mà công dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại;

2. Các vụ việc đã có Quyết định giải quyết lần hai của Giám đốc các sở, ngành mà công dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại;

3. Các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện, ngành, xã nhưng thấy phức tạp, đông người, có dấu hiệu gây mất trật tự, an ninh cần xin ý kiến chỉ đạo, định hướng giải quyết của UBND tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương;

4. Các vụ việc tố cáo đã được giải quyết tiếp đúng thẩm quyền theo quy định nhưng công dân không chấp nhận kết quả giải quyết.

Điều 9. Xem xét trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chủ động rà soát lại quyết định hành chính, văn bản hành chính, quyết định kỷ luật đã ký ban hành; nếu trái pháp luật thì phải kịp thời khắc phục không để phát sinh khiếu nại. Nếu cơ quan cấp trên phải giải quyết mà xác định các văn bản bị khiếu nại là trái pháp luật thì người ký ban hành văn bản để xảy ra sai sót làm phát sinh khiếu nại phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức;

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (chậm giải quyết; đùn đẩy, không giải quyết; chậm hoặc không thi hành các Quyết định giải quyết khiếu nại, Quyết định xử lý tố cáo hoặc vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm về giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Điều 6 Luật Khiếu nại, Điều 8 Luật Tố cáo) thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Điều 67 Luật Khiếu nại, Điều 46 Luật Tố cáo.

Điều 10. Chế độ báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo định kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm theo đề cương và biểu mẫu của Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng về Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo.

2. Ủy quyền cho Chánh Thanh tra tỉnh ký báo cáo kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn toàn tỉnh định kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm báo cáo Thanh tra Chính phủ (đồng gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy).

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Giao Chánh Thanh tra tỉnh

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật;

2. Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo đúng quy định.

Điều 12. Ban tiếp công dân tỉnh, huyện; các sở, ngành; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Thanh tra, Nội vụ, Lao động Thương binh và xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp công dân theo quy định.

Điều 13. Các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, UBND xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Quy định này ./.