Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1802/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 99/NQ-CP NGÀY 30/8/2021 CỦA CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội 5 năm 2021-2025;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội 5 năm 2021-2025.

Điều 2. Các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải có trách nhiệm quán triệt nội dung Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KH&ĐT;
- Ban Cán sự Đảng - Bộ GTVT;
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- UB ATGT Quốc gia;
- Công đoàn GTVTVN;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Lưu VT, KHĐT (P.TH-TK).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thể

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 99/NQ-CP NGÀY 30/8/2021 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1802/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Căn cứ các mục tiêu, quan điểm, định hướng và nhiệm vụ cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh - tế xã hội 5 năm 2021-2025 ban hành kèm theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Chương trình hành động của Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Phát huy tối đa nội lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngành GTVT theo hướng hiện đại, giao thông thông suốt, thuận tiện; kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, kết nối các phương thức vận tải hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ số; phát triển các phương tiện giao thông vận tải hiện đại, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với các thỏa thuận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động giao thông vận tải; giải quyết triệt để các điểm nghẽn giao thông, điểm đen an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông; hoàn thiện tổ chức, bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đề cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của ngành linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh; quan tâm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên chức ngành GTVT, khơi gợi lòng yêu nghề, yêu đời, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành giai đoạn 2021-2026 đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm quán triệt và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ngành GTVT triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình hành động của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

2. Chương trình hành động cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng phát triển ngành GTVT giai đoạn 2021 -2025 thành các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhằm góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

3. Chương trình hành động này phải được triển khai thực hiện đồng bộ, nhất quán với Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ban hành tại Quyết định số 1454/QĐ-BGTVT ngày 05/8/2021.

III. MỤC TIÊU CỤ THỂ, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới cũng như trong nước, ngành GTVT gặp không ít khó khăn trong việc thích ứng để vận hành bộ máy linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt là phối kết hợp với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, điều hành hoạt động vận tải đảm bảo an toàn, thông suốt góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước và phục vụ đời sống của nhân dân các vùng phải thực hiện giãn cách, phong tỏa kiểm soát dịch bệnh.

Thời gian tới, dịch bệnh còn tiếp diễn và có thể phát sinh nhiều khó khăn, bất lợi hơn. Các cơ quan, đơn vị Ngành GTVT phải quán triệt Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ động, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh với phương châm đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên ưu tiên hàng đầu, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững... Với mục tiêu như trên, nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai thực hiện trong toàn Ngành và trên các lĩnh vực như sau:

1. Lĩnh vực đường bộ

Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực đường bộ; đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ; nghiên cứu để tiếp tục phân cấp, phân quyền hơn nữa trong lĩnh vực quản lý hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô từ trung ương cho cơ quan quản lý địa phương hoặc các thành phần khác của xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Trên cơ sở Quy hoạch mạng đường bộ được phê duyệt, xác định thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận đưa vào kế hoạch đầu tư công hàng năm hoặc đầu tư bằng các hình thức khác; trong đó ưu tiên những vùng động lực có sức lan tỏa lớn và nhũng vùng khó khăn, tập trung triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc vành đai đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 1.176 km cao tốc; đưa vào khai thác sử dụng 1.600 km đường bộ, 07 cầu lớn đường bộ (không bao gồm đường bộ địa phương quản lý).

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, các sản phẩm dịch vụ và các sáng kiến mới trong xây dựng công trình giao thông và công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sửa chữa hơn 4.100 km đường bộ, 1.960 chiếc cầu; xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ nhằm giảm thiểu TNGT về số vụ, số người chết và bị thương khoảng 8%/năm.

Đẩy mạnh ứng dụng chính phủ điện tử, khẩn trương xây dựng bổ sung, đưa vào thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong ngành đường bộ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân nộp phí, lệ phí đường bộ bằng hình thức không dùng tiền mặt. Thúc đẩy hoạt động thu phí không dừng, tăng cường minh bạch doanh thu của các trạm thu phí đường bộ. Phấn đấu tăng mức độ dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2 lên mức độ 3, mức độ 4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Tăng cường hội nhập quốc tế về vận tải đường bộ thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường bộ kết nối với các nước láng giềng và các tuyến đường bộ kết nối khu vực thuộc hệ thống Mạng lưới đường bộ ASEAN, đường bộ Xuyên Á; khuyến khích và thúc đẩy việc triển khai các điều ước quốc tế về tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải qua biên giới bằng phương tiện đường bộ mà Việt Nam tham gia ký kết.

Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải đường bộ, tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp vận tải, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải; phối hợp với các ban, ngành ứng dụng công nghệ thông tin thống nhất, thuận tiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lưu chuyên hàng hóa, hành khách, giúp giảm chi phí xã hội và kiểm soát tốt dịch bệnh đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết trong các Điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, ký kết; chú trọng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, xử lý phương tiện vi phạm tải trọng trên hệ thống quốc lộ; giám sát, xử phạt nghiêm các vi phạm về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phấn đấu giảm 10% hàng năm lượng xe vi phạm quy định về tải trọng, kích thước.

Đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các khuyến nghị của Tổ chức đăng kiểm ô tô quốc tế CITA, các hiệp định, hiệp ước và thông lệ quốc tế gồm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (cơ sở dữ liệu lớn, tập trung, thời gian thực); nghiên cứu áp dụng nội dung kiểm định mới liên quan đến xe cơ giới sử dụng công nghệ mới; siết chặt mức tiêu chuẩn và quy trình đo trong kiểm soát phát thải khí thải xe cơ giới; hiện đại hóa, tự động hóa hơn nữa các thiết bị kiểm định, tự động nhận dạng xe cơ giới và ghi nhận kết quả kiểm định; thử nghiệm về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, hệ thống tổng thành xe cơ giới; hài hòa 19 UNECE theo cam kết tại Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới (APMRA) liên quan đến các hệ thống, tổng thành, linh kiện như: Túi khí, đai an toàn, ghế, đệm tựa đầu,.... Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 02 trung tâm thử nghiệm nằm trong hệ thống thử nghiệm của Châu Á -Thái Bình Dương được công nhận.

Xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện GTVT, hệ thống GTVT công cộng thân thiện với môi trường trong đó có phương tiện giao thông điện trình Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện Phụ lục 2-B Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA liên quan đến Xe cơ giới và phụ tùng theo đúng cam kết; gia nhập Hiệp định UNECE 1958 của Liên Hiệp Quốc về hài hòa chứng nhận kiểu xe cơ giới; triển khai áp dụng quy chuẩn khí thải mức 5 đối với xe ô tô theo lộ trình quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg; triển khai kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy lưu hành theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

2. Lĩnh vực hàng hải

Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực hàng hải, bám sát tình hình thực tế, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp vận tải biển để đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi các quy định pháp luật nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống cảng biển, thu hút các tàu trọng tải lớn nhất trên thế giới vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa. Thực hiện đầy đủ các cam kết tại các điều ước quốc tế đặc biệt là các công ước quốc tế về hàng hải thuộc hệ thống Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp tục phát triển, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát chặt chẽ dịch Covid 19 đối với tàu thuyền ra vào cảng; tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, gộp các thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí cho chủ tàu, doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng do dịch bệnh; tăng cường thu phí, lệ phí bằng hình thức điện tử, không dùng tiền mặt nhằm giảm tiếp xúc giữa người với người, hạn chế lây lan dịch bệnh. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 ngành hàng hải có thêm 27 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đạt tối thiểu 50% hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ.

Nâng cao năng lực công tác dự báo, bám sát dự báo về tình hình dịch Covid 19 trên thế giới và trong nước để linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cảng biển nhằm giảm thiểu ách tách hàng hóa xuất nhập khẩu; xây dựng đội tàu biển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tăng cường năng lực của đội tàu chuyên dùng vận chuyển Container, chở lô hàng rời, rắn và hàng lỏng, có khả năng đảm nhận ngày càng cao nhu cầu vận chuyển trong nước và quốc tế, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam. Phấn đấu hàng thông qua cảng biển tăng trưởng bình quân từ 5%/năm đến 7,5%/năm trong giai đoạn 2021- 2030; thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển trong nước đến năm 2025 đạt 7,5%, đến năm 2030 đạt 10%.

Giai đoạn 2021-2025, triển khai thủ tục đầu tư xây dựng mới và hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án: Đóng mới 01 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ; Dự án thiết lập Đài vệ tinh Cospas Sarsat thế hệ mới MEOLUT; Dự án ĐTXD các đèn biển Đá Lát, Tư Chính A, Tư Chính B, ...; Dự án đầu tư 02 tàu tiếp tế, kiểm tra trên biển khu vực Trường Sa, các đảo xa bờ khu vực phía Nam và các đảo xa bờ khu vực phía Bắc; Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng Container Cái Mép; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; Dự án đầu tư xây dựng tuyến luồng vào khu bến cảng Thọ Quang - Đà Nẵng; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT...; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông sau bến số 3 đến bến số 6 thuộc Khu bến cảng Lạch Huyện, cảng biển Hải Phòng.

Tiếp tục thực hiện Công ước về TKCN (SAR 79); phổ biến kiến thức và hướng dẫn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn, TKCN trên biển theo quy định Công ước SAR79 cho tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển.

Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm tàu biển, công trình dầu khí biển đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của quốc gia và quốc tế về an toàn, an ninh hàng hải, điều kiện lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, cấp hồ sơ đăng kiểm điện tử và thực hiện chuyển đổi số trong công tác đăng kiểm tàu biển, công trình dầu khí biển. Tăng cường hợp tác với các tổ chức đăng kiểm quốc tế để tiếp thu, chuyển giao các công nghệ mới về đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng đối với tàu biển, công trình dầu khí biển.

Xây dựng đề án gia nhập Công ước quốc tế về quản lý nước dằn và cặn nước dằn tàu (BWM 2004), Công ước quốc tế Hong Kong (SR 2010 của IMO) về tái sinh tàu biển thân thiện môi trường; thực hiện hiệu quả chiến lược cắt giảm khí nhà kính trong vận tải biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

3. Lĩnh vực đường sắt

Xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Xây dựng Đường sắt tốc độ cao.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực đường sắt, tạo cơ chế thuận lợi phát triển dịch vụ vận tải đường sắt theo hướng ngày càng hấp dẫn về chất lượng dịch vụ, giá, cước vận chuyển có tính cạnh tranh cao, thu hút khách hàng từ khu vực đường bộ và hàng không; từng bước nghiên cứu việc tham gia các tuyến vận tải đường sắt xuyên Á và các tuyến đường sắt kết nối với một số nước ở khu vực Châu Âu.

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường sắt, xử lý dứt điểm các lối đi tự mở qua đường sắt, không để tái lấn chiếm; sớm hoàn thành dự án rào chắn, thu hẹp các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ. Phấn đấu, giai đoạn 2021-2025, xóa bỏ 100% các lối đi tự mở qua đường sắt, 100% các điểm giao cắt đường sắt - đường bộ có rào chắn, tín hiệu cảnh báo, không để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt với đường bộ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; cải cách tổ chức hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa thuận tiện gắn với kiểm soát dịch bệnh Covid hiệu quả đảm bảo an toàn. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 ngành đường sắt có 100% thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng, bảo trì, vận hành, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt tương ứng với mục tiêu tái cơ cấu các ngành vận tải. Giai đoạn 2021-2025, tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; các tuyến đường sắt còn lại tập trung công tác bảo dưỡng thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu. Triển khai nghiên cứu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phấn đấu khởi công các đoạn Hà Nội - Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư; làm công tác chuẩn bị cho dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng,...; đưa vào khai thác các dự án Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bến thành - Suối Tiên.

Bên cạnh việc đầu tư sản xuất đóng mới đầu máy, toa xe thay thế cho các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng, cần tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và đang khai thác trên hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia. Xây dựng hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phương tiện đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

4. Lĩnh vực đường thủy nội địa

Xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về lĩnh vực đường thủy nội địa, nghiên cứu xây dựng chính sách lâu dài tạo thuận lợi phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, thay thế, giảm tải cho vận chuyển bằng đường bộ liên tỉnh nhằm giảm chi phí phát sinh xăng dầu, xét nghiệm kiểm soát dịch bệnh, hạn chế ách tắc, ùn ứ tại các cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố; phát triển phương tiện vận tải thủy đảm nhận vận chuyển khối lượng lớn thay thế một phần vận tải đường bộ nhằm giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Phối hợp với phía Campuchia trong việc khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp khai thác vận tải thủy nội địa qua lại giữa Việt Nam và Campuchia theo Hiệp định vận tải thủy ký giữa Chính phủ hai nước.

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng đường thủy; tiếp tục nghiên cứu cắt giảm, gộp các thủ tục hành chính, tăng cường thu phí, lệ phí bằng hình thức điện tử, không dùng tiền mặt. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tất cả các thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4. Tăng 15-20% số hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến hàng năm; số doanh nghiệp, người dân tham gia sử dụng phương thức trực tuyến tăng 15-20% hàng năm.

Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, hàng thông qua cảng, bến thủy nội địa tăng trưởng tối thiểu 12%/năm; đội tàu vận chuyển tăng trưởng về số lượng 15-20% và thị phần vận chuyển tăng 17%.

Giai đoạn 2021-2025, triển khai thủ tục đầu tư xây dựng mới các dự án: Nâng tĩnh không cầu Đuống, Kênh nối Đáy - Ninh Cơ, Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, Cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia - Giai đoạn 1 (khu vực phía Nam), Cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến ĐTNĐ quốc gia - Giai đoạn 1 (khu vực phía Bắc). Phấn đấu hoàn thành nạo vét 550 km luồng, nâng cấp, mở rộng 250 cảng, bến thủy nội địa.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; Đối với phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB: Đẩy nhanh việc nghiên cứu quy định của các quốc gia tiên tiến và các tổ chức đăng kiểm quốc tế để cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm tăng cường khả năng hoạt động an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của phương tiện, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam.

5. Lĩnh vực hàng không

Xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thành công tác điều chỉnh Quy hoạch các cảng hàng không, sân bay định hướng đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng, hoàn thành Đề án định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật ngành hàng không, bổ sung các quy định ứng phó linh hoạt dịch bệnh với tiêu chí an toàn và thuận tiện cho hành khách; nghiên cứu điều hành giá cước hợp lý tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các hãng hàng không, khuyến khích hàng không giá rẻ, dịch vụ tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng hành khách dự báo thông qua các cảng hàng không khoảng 276,5 triệu hành khách/năm. Tổng sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các cảng hàng không khoảng 4,1 triệu tấn/năm.

Giai đoạn 2021-2025, ưu tiên đầu tư đầu tư các dự án: Xây dựng giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành (công suất 25 triệu hành khách/năm); Xây dựng nhà ga T3 - CHKQT Tân Sơn Nhất (công suất 20 triệu hành khách/năm); Mở rộng nhà ga T2 - CHKQT Nội Bài (từ 10 triệu lên 15 triệu hành khách/năm); Xây dựng khu bay và khu hàng không dân dụng CHK Phan Thiết; Xây dựng khu bay và khu hàng không dân dụng CHK Sa Pa; Xây dựng khu bay và khu hàng không dân dụng CHK Quảng Trị; Mở rộng 4 CHK gồm: Điện Biên, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng; Cải tạo, nâng cấp CHK Côn Đảo. Hoàn thành đưa vào khai thác các dự án trọng điểm như: Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn - CHKQT Tân Sơn Nhất; Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn - CHKQT Nội Bài.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Chương trình hành động này và các nhiệm vụ đã được cụ thể hóa tại Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ban hành tại Quyết định số 1454/QĐ-BGTVT ngày 05/8/2021 nhằm đạt mục tiêu đề ra.

2. Hàng năm, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của đơn vị, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15 tháng 12 hàng năm và khi được yêu cầu.

3. Quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình hành động này, các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo Bộ xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIẾN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch 5 năm 2021- 2025

Cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá

Kỳ đánh giá

I

Lĩnh vực đường bộ

 

 

 

 

1

Duy tu, sửa chữa bằng vốn bảo trì

 

 

Tổng cục Đường bộ VN

Hàng năm

Đường bộ

km

4.141

 

 

Cầu đường bộ

chiếc

1.960

 

 

2

Đầu tư phát triển bằng vốn đầu tư công

 

 

 

Hàng năm

Vốn đầu tư công

tỷ đồng

270.684

 

 

Đường cao tốc đầu tư hoàn thành (Trung ương quản lý, bao gồm cả cầu trên cao tốc)

km

1.176

Các Vụ: Kế hoạch - Đầu tư, Kết cấu hạ tầng giao thông

 

Đường bộ đầu tư hoàn thành (Trung ương quản lý, bao gồm cả cầu đường bộ)

km

1.600

 

 

Cầu đường bộ Trung ương quản lý (cầu lớn) đầu tư hoàn thành

chiếc/m dài

7

 

 

3

An toàn giao thông

 

 

Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ VN

Hàng năm

 

Tốc độ giảm TNGT đường bộ

 

 

 

 

 

- Số vụ TNGT

%

8

 

 

 

- Số người chết do TNGT

%

8

 

 

 

- Số người bị thương do TNGT

%

8

 

 

4

Chỉ số cải cách hành chính

 

 

Văn phòng Bộ, Trung tâm CNTT

Hàng năm

 

Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng thêm (hoạt động đăng kiểm)

dịch vụ

29

Cục Đăng kiểm VN

 

Số dịch vụ công trực tuyến tăng mức độ (hoạt động đăng kiểm)

dịch vụ

29

 

 

Số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến mức độ 3, 4

%

50

 

II

Lĩnh vực hàng hải

 

 

 

 

1

Duy tu, sửa chữa bằng vốn bảo trì

 

 

Vụ Kết cấu hạ tầng, Cục Hàng hải VN

Hàng năm

 

- Bến cảng

Bến cảng

4

 

 

 

- Luồng

km

478

 

 

 

- Đê chắn sóng

km

34

 

 

2

Đầu tư phát triển bằng vốn đầu tư công

 

 

 

Hàng năm

 

Vốn đầu tư công

tỷ đồng

7.678

Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Hàng hải VN

 

 

- Luồng

km

57

 

3

Hoạt động vận chuyển hàng hóa

 

 

 

Hàng năm

 

Chỉ số tăng trưởng Hàng thông qua cảng biển

%

5%-7,5%/năm

Vụ Vận tải, Cục Hàng hải VN

 

 

Thị phần vận chuyển hàng hóa XNK của đội tàu biển trong nước

%

đạt 7,5%

Vụ Vận tải, Cục Hàng hải VN

 

4

Cải cách hành chính

 

 

Văn phòng Bộ, Trung tâm CNTT

Hàng năm

 

Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng thêm (hoạt động đăng kiểm)

dịch vụ

10

Cục Đăng kiểm VN

 

 

Số dịch vụ công trực tuyến tăng mức độ (hoạt động đăng kiểm)

dịch vụ

10

 

 

Số lượng thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến tăng thêm

thủ tục

27

Cục Hàng hải VN

 

 

Số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến mức độ 3, 4

%

50

Cục Hàng hải VN

 

III

Lĩnh vực đường thủy nội địa

 

 

 

 

1

Vốn đầu tư công

tỷ đồng

6.824

 

Hàng năm

 

Nạo vét luồng

km

550

Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Đường thủy nội địa VN

 

 

Nâng cấp, mở rộng

cảng, bến

250

Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Đường thủy nội địa VN

 

2

Về vận chuyển hàng hóa

 

 

 

Hàng năm

 

Tốc độ tăng trưởng hàng thông qua cảng, bến thủy nội địa

%

12%/năm

Vụ Vận tải, Cục Đường thủy nội địa VN

 

 

Tốc độ tăng trưởng về số lượng Đội tàu vận chuyển

%

15%-20%

Vụ Vận tải, Cục Đường thủy nội địa VN

 

 

Tốc độ tăng trưởng về thị phần vận chuyển hàng hóa

%

17

Vụ Vận tải, Cục Đường thủy nội địa VN

 

3

Chỉ số cải cách hành chính

 

 

Văn phòng Bộ, Trung tâm CNTT

Hàng năm

 

Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng thêm (hoạt động đăng kiểm)

dịch vụ

6

Cục Đăng kiểm Việt Nam

 

 

Số dịch vụ công trực tuyến tăng mức độ (hoạt động đăng kiểm)

dịch vụ

6

Cục Đăng kiểm Việt Nam

 

 

Thủ tục hành chính lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

%

100

Cục Đăng kiểm Việt Nam

 

 

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

%

100

Cục Đường thủy nội địa VN

 

 

Số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến tăng thêm

%

15%-20%/năm

Cục Đường thủy nội địa VN

 

 

Số doanh nghiệp, người dân tham gia sử dụng phương thức trực tuyến tăng thêm

%

15%-20%/năm

Cục Đường thủy nội địa VN

 

4

Chỉ tiêu khác

 

 

 

Hàng năm

 

Số phương tiện loại nhỏ (phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người) vào đăng kiểm.

%

70

Cục Đăng kiểm Việt Nam

 

IV

Lĩnh vực đường sắt

 

 

 

 

1

Vốn đầu tư công

tỷ đồng

14.217

Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Đường sắt VN

Hàng năm

2

Chỉ số cải cách hành chính

 

 

Văn phòng Bộ, Trung tâm CNTT

Hàng năm

 

Số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng thêm (hoạt động đăng kiểm)

dịch vụ

2

Cục Đăng kiểm VN

 

 

Số dịch vụ công trực tuyến tăng mức độ (hoạt động đăng kiểm)

dịch vụ

2

Cục Đăng kiểm VN

 

 

Số lượng thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến tăng thêm

dịch vụ

6

Cục Đường sắt VN

 

 

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

%

100

Cục Đường sắt VN

 

V

Lĩnh vực hàng không

 

 

 

 

1

Bảo trì công trình hàng không

 

 

 

Hàng năm

 

Vốn bảo trì

tỷ đồng

4.500

Vụ Kết cấu hạng tầng, Cục Hàng không VN

 

2

Đầu tư phát triển bằng vốn đầu tư công

 

 

 

Hàng năm

 

Vốn đầu tư công

tỷ đồng

3.689

Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Hàng không VN

 

3

Chỉ số cải cách hành chính

 

 

Văn phòng Bộ, Trung tâm CNTT

Hàng năm

 

Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

%

92

Cục Hàng không VN

 

4

Công tác quy hoạch/điều chỉnh quy hoạch các CHK, sân bay

 

 

 

Hàng năm

 

Hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch các CHK, sân bay định hướng đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành

%

100

Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Hàng không VN

 

VI

Chỉ số chính phủ điện tử, chính phủ số của Bộ GTVT

 

 

Văn phòng Bộ, Trung tâm CNTT

Hàng năm

 

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT được quản lý, theo dõi tiến độ trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử

%

1

Tổng cục ĐBVN, các Cục thuộc Bộ

 

 

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được nộp trực tuyến mức độ 3,4

%

Tối thiểu 50%

Tổng cục ĐBVN, các Cục thuộc Bộ

 

 

Tỷ lệ hồ sơ công việc xử lý trên môi trường mạng

%

1

Các đơn vị thuộc Bộ

 

 

Tỷ lệ cuộc họp thực hiện trực tuyến

%

1

Các đơn vị thuộc Bộ