ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1818/QĐ-UB-QLĐT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 06 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LÒNG LỀ ĐƯỜNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 06 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989;
Căn cứ Nghị định 141/HĐBT ngày 25-04-1991 của Hội đồng Bộ trưởng Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự;
Căn cứ Nghị định 203/HĐBT ngày 6-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về điều lệ bảo vệ đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 14-4-1994 của Hội đồng nhân dân thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy định về quản lý và sử dụng lòng, lề đường tại thành phố Hồ Chí Minh”.
Điều 2.- Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-1994. Bãi bỏ các Quyết định, Chỉ thị, Quy định sau đây của Ủy ban nhân dân thành phố:
- Quyết định 652/QĐ-UB ngày 02-12-1982 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định tạm thời về quản lý sử dụng lề đường ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Quyết định 229/QĐ-UB ngày 25-4-1989 ban hành quy định về phạt vi cảnh đối với các vi phạm trật tự, an toàn xã hội, nếp sống văn minh và vệ sinh ở thành phố Hồ Chí Minh.
- Quyết định 329/QĐ-UB ngày 28-10-1988 ban hành bản qui tắc vệ sinh thành phố.
- Chỉ thị 03/CT-UB ngày 13-2-1989 về việc tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội.
- Điều 8, 9 Quyết định 676/QĐ-UB ngày 30-9-1991 về việc làm sạch rác trong thành phố.
- Chương III Bản Quy định về kinh doanh than củi và vật liệu xây dựng, ban hành kèm theo Quyết định 470/QĐ-UB ngày 24 tháng 10 năm 1989.
- Điểm 7, 8 điều 18 và đoạn đầu điều 19 Bản quy định về tổ chức quản lý xe 2 bánh theo Quyết định 22/QĐ-UB ngày 5-2-1990.
- Khoản 2 Điều 4; điểm b, khoản 2 điều 5 Quyết định 648/QĐ-UB ngày 20-4-1992 về sử dụng chữ viết trên biển hiệu và pano quảng cáo.
- Điểu 1, 2 mục D bản Quy định bổ sung về quảng cáo, ban hành kèm theo Quyết định 106/QĐ-UB ngày 7-4-1990.
- Điều 6, Điều 7 Quyết định 117/QĐ-UB ngày 16-01-1993 về xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông.
- Điểm G Điều 1 và điều 2 Quyết định 285/QĐ-UB ngày 8 tháng 6 năm 1989 về nâng mức phạt tiền vi cảnh đối với các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
- Điểm b Điều 6 và các Quy định phạt theo m2 vi phạm tại điều 10 Quy định tạm thời ngày 29-6-1989 về phạt vi cảnh đối với các vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (ban hành kèm theo Quyết định 143/QĐ-UB ngày 25-5-1988 và Quyết định 285/QĐ-UB ngày 8-6-1989).
Điều 3.- Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành có trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LÒNG LỀ ĐƯỜNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 1818/QĐ-UB- QLĐT ngày 13-6-1994 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Lề đường (vỉa hè) là không gian được giới hạn bởi lòng đường và các công trình xây dựng hợp pháp, dùng cho sự đi lại của người đi bộ và bố trí một số công trình đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, thoát nước, điện thoại, biển hiệu giao thông, thảm cỏ cây xanh phục vụ công đồng đô thị…). Bề rộng lề đường tính từ đường biên bộ vỉa hè đến đường biên các công trình xây dựng hợp pháp (gọi tắt là lộ giới).
- Lòng đường (gồm mặt cầu, mặt đường) là phần đất và không gian nằm giữa 2 lề đường giành cho các phương tiện giao thông đi lại và bố trí một số công trình đô thị.
Điều 2.- Lòng đường, lề đường do Nhà nước quản lý. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm hoặc gây hư hại đến lòng đường, lề đường. Mọi tổ chức, cá nhân trong trường hợp cần thiết phải sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường đều phải xin phép cơ quan có thẩm quyền (quy định tại điều 4) và phải nộp lệ phí sử dụng.
Điều 3.- Tổ chức, cá nhân, sau khi hết thời hạn đựơc phép sử dụng tạm thời lòng, lề đường, phải tự giải tỏa chướng ngại vật, phải sửa chữa, khôi phục ngay nguyên trạng phần hư hại (nếu có).
Điều 4.- Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Giao thông công chánh cấp giấy phép sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường để làm rào chắn, phá dỡ, xây dựng, sửa chữa công trình, đào lòng, lề đường để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, điện, điện thoại…).
- Ủy ban nhân dân Quận, Huyện cấp giấy phép sử dụng tạm thời lề đường để tổ chức một số dịch vụ kinh doanh nhỏ (giữ xe, sửa xe 2 bánh…) tại một số khu vực, tuyến đường theo quy hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
- Việc cấp giấy phép tạm thời sử dụng lề đường theo qui hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, phải đảm bảo chừa lại một khoảng cách nhất định dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m. Nghiêm cấm việc cấp phép sử dụng lề đường đối với lề đường có chiều rộng dưới 1,5m.
Chương II.
HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT.
Điều 5.- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000 đến 20.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng phạt 50.000 đồng, đối với một trong các hành vi xâm phạm nếp sống văn minh và giữ gìn vệ sinh trật tự lòng đường, lề đường như sau:
1/ Vứt rác, xác súc vật chết, đồ bẩn, giấy vụn, hộp, thùng, bao, kiện, phóng uế, thả súc vật hoặc bất cứ vật gì gây ô uế, gây chướng ngại lòng, lề đường.
2/ Đổ chất lỏng độc hại, nước thải chứa hóa chất, các chất không hòa tan, hôi thối, dầu mỡ, đổ nước bẩn, hoặc để nước bẩn chảy ra hè phố, đun nấu, đốt rát trong lòng lề đường.
3/ Phơi quần áo trên trụ điện, gốc cây, tường rào.
4/ Căn bạt, võng, dựng lều để ăn, ngủ, đánh bài và các hoạt động khác trên lề đường.
5/ Để tồn đọng rác hữu cơ trong ngày hoặc xà bần, bùn đất, tràn ra lòng lề đường.
6/ Quét đường phố vào những giờ cao điểm có đông người và phương tiện đi lại.
7/ Vận chuyển rác, than, đất, đá, vôi, cát, gạch, các chất thải và đồ vật khác làm rơi vãi trên đường đi.
8/ Để đất, vật liệu xây dựng và các đồ vật khác làm ứ tắc cống rãnh.
9/ Làm sai lệch nắp cống để câu cá hoặc sử dụng vào các mục đích khác; không tháo gỡ hoặc tháo gỡ những công trình công cộng không còn tác dụng nhưng vẫn để lại vật cản thuộc trách nhiệm các ngành chức năng quản lý.
Điều 6.- Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng phạt 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sử dụng lòng lề đường bất hợp pháp như sau:
1/ Để hàng hóa, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng trên lòng lề đường.
2/ Bày hàng hóa đồ đạt, buôn bán, cho thuê mặt bằng ngoài phạm vi của mỗi nhà hoặc chiếm dụng lề đường để làm nơi buôn bán, sản xuất và làm các dịch vụ khác.
3/ Trưng bày bàn ghế hoặc bất cứ vật gì ra lòng lề đường.
4/ Sử dụng lòng lề đường làm bãi đậu xe, giữ xe, rửa xe, sửa chữa xe trái phép.
5/ Lắp đặt, treo biển, băng rôn, pano đèn, quảng cáo trên gốc cây, tường rào, các công trình xây dựng căng ngang đường trái phép, làm che khuất không gian lòng, lề đường.
6/ Tự ý làm rào chắn lấn chiếm lòng lề đường.
7/ Để tồn đọng đồ phế thải hoặc các đồ vật khác trên lòng, lề đường quá khối lượng và thời gian quy định của giấy phép.
8/ Tự ý ngăn lòng, lề đường hoặc lối đi công cộng.
9/ Xây bậc tạo dốc từ lề đường xuống lòng đường hoặc từ lề đường lên nền nhà.
10/ Chặt hạ cây để quá nửa ngày hoặc để chắn ngang trên lòng lề đường gây trở ngại cho việc đi lại. Trồng cây trên lề đường nhưng không đồng thời xây ô ngăn đất và bảo vệ gốc.
Điều 7.- Phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng, nếu có tình tiết tăng nặng phạt 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gây hư hại, làm thay đổi nguyên trạng lòng lề đường dưới đây:
1/ Tự ý đào, tháo gỡ hoặc làm bất cứ điều gì gây hư hại đến lòng, lề đường và các vật kiến trúc phục vụ công cộng.
2/ Tự ý đào lòng, lề đường đề làm cống rảnh, đặt cáp điện thọai, ống nước.
3/ Tự lát, vá lề đường trước nhà cao hoặc thấp hơn độ cao đường hiện có.
4/ Sau khi kết thúc các công trình, không phục hồi hoặc phục hồi không đúng thời gian quy định, không đúng nguyên trạng phần lòng lề đường được phép tạm thời sử dụng.
5/ Không bố trí đủ phương tiện và biện pháp đề phòng tai nạn khi sửa chữa đường, cầu cống hoặc các công trình công cộng khác.
6/ Chặt cành, hạ cây mà không có biện pháp đề phòng tai nạn.
Điều 8.- Phạt tiền từ 20.000 đến 100.000 đồng và buộc truy nộp lệ phí sử dụng lòng lề đường đối với các hành vi :
1/ Sử dụng giấy phép quá hạn.
2/ Sử dụng quá diện tích cho phép.
3/ Vi phạm có tình tiết tăng nặng có thể bị thu hồi giấy phép sử dụng lòng, lề đường nếu vi phạm quy định tại điểm 2 điều này.
Điều 9.- Ngoài các biện pháp phạt tiền trên đây, tùy theo hành vi vi phạm, người vi phạm còn bị xử lý theo các hình thức sau:
1/ Buộc phải tháo gỡ, hủy bỏ, giải tỏa những chướng ngại vật và công trình đã lấn chiếm họăc chịu mọi phí tổn thu hồi, giải tỏa.
2/ Buộc phải sửa chữa, khôi phục lại nguyên trạng như trứơc khi có vi phạm.
3/ Bồi thường thiệt hại đã gây ra.
4/ Phải khắc phục các hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định của pháp luật.
Điều 10.- Thẩm quyền sử phạt.
1/ Chiến sĩ cảnh sát đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000 đồng, đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật.
2/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường; Trưởng Công an phường, Đội trưởng, Đội phó cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự phạt tiền đến 50.000 đồng.
3/ Thanh tra viên lực lượng Thanh Tra Giao thông công chánh đang thi hành công vụ có quyền:
- Phạt cảnh cáo. Phạt tiền đến 100.000 đồng.
- Lập biên bản, đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật.
4/ Trưởng phòng, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, Trưởng, phó Công an quận, huyện phạt tiền đến 200.000 đồng và áp dụng tất cả những biện pháp hành chánh khác quy định tại điều 9 quyết định này.
5/ Giám đốc và Phó Giám đốc Công an thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện được phạt tiền đến 2.000.000 đồng và áp dụng tất cả các hình thức phạt và biện pháp hành chính khác theo quy định của pháp lệnh xử phạt hành chánh.
Chương III.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11.-
1/ Giám đốc Sở Giao thông công chánh có trách nhiệm phối hợp với Kiến trúc sư Trưởng, Sở Thương mại, Công an thành phố qui hoạch các tuyến đường được sử dụng tạm thời lề đường trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
2/ Giám đốc Sở Giao thông công chánh phối hợp với Giám đốc Sở Tài chánh và Trưởng Ban vật giá thành phố quy định lệ phí sử dụng lề đường và điều chỉnh lệ phí khi có biến động giá trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
Điều 12.- Cán bộ có thẩm quyền cấp phép sử dụng lòng lề đường, nếu cấp phép sai thẩm quyền hoặc có vi phạm pháp luật, không thực hiện chức trách thì tùy mức độ và tính chất vi phạm có thể bị thi hành kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc phải thôi việc hoặc bị truy tố trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại vật chất đã gây ra.
Điều 13.- Giám đốc Sở Giao thông công chánh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về trật tự lòng, lề đường trên địa bàn quận huyện, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, sắp xếp cho người buôn bán nhỏ theo quy định do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.-
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1 Quyết định 100/2001/QĐ-UB bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ năm 1976 đến năm 1996 đã hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 100/2001/QĐ-UB bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ năm 1976 đến năm 1996 đã hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1 Quyết định 03/2013/QĐ-UBND điều chỉnh Quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng, lề đường - hè phố trong đô thị không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa kèm theo Quyết định 01/2011/QĐ-UBND
- 2 Nghị định 141-HĐBT năm 1991 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành
- 4 Nghị định 203-HĐBT năm 1982 về Điều lệ bảo vệ đường bộ do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1 Quyết định 100/2001/QĐ-UB bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ năm 1976 đến năm 1996 đã hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 03/2013/QĐ-UBND điều chỉnh Quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng, lề đường - hè phố trong đô thị không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa kèm theo Quyết định 01/2011/QĐ-UBND