Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 182/1999/QĐ-CTN

Hà Nội , ngày 18 tháng 6 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC SỐ 182/1999/QĐ-CTN NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 2000 VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN CÔNG ƯỚC 182  CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 24/8/1998;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Công văn số 1042/CP-QHQT ngày 13 tháng 11 năm 2000;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê chuẩn Công ước 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về "Cấm và hành động tức thời để loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất".

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm làm thủ tục đối ngoại về việc Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia Công ước này và thông báo cho các cơ quan hữu quan ngày có hiệu lực của Công ước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

CÔNG ƯỚC SỐ 182

CÔNG ƯỚC VỀ VIỆC CẤM VÀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG TỨC THỜI ĐỂ LOẠI BỎ NHỮNG HÌNH THỨC LAO ĐỘNG TRẺ EM TỒI TỆ NHẤT

Hội nghị toàn thể của Tổ chức lao động quốc tế.

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơnevơ, ngày 1 tháng 6 năm 1999 trong khoá họp lần thứ 87.

Xem xét nhu cầu thông qua những văn kiện mới để cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất là một ưu tiên chính trong hành động quốc gia và quốc tế , bao gồm cả hợp tác và trợ giúp quốc tế để bổ sung cho Công ước và khuyến nghị về tuổi tối thiểu được chấp nhận làm việc, năm 1973, hiện vẫn là văn kiện cơ bản về lao động trẻ em,

Thấy rằng việc loại bỏ có hiệu quả những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đòi hỏi phải hành động tức thời và toàn diện có xem xét đến ý nghĩa của việc giáo dục cơ bản miễn phí và sự cần thiết đưa những trẻ em có liên quan ra khỏi tất cả những công việc như vậy và giúp các em phục hồi và hoà nhập xã hội trong khi đáp ứng những nhu cầu của gia đình các em,

Nhắc lại Nghị quyết về việc loại bỏ lao động trẻ em được Hội nghị lao động quốc tế thông qua ở khoá họp lần thứ 83 năm 1996,

Nhận thấy rằng sự nghèo khó ở một mức độ lớn là nguyên nhân của lao động trẻ em, và thấy rằng những giải pháp lâu dài cho vấn đề này là sự tăng trưởng kinh tế bền vững dẫn đến những tiến bộ xã hội đặc biệt là xoá bỏ nghèo khổ và giáo dục phổ cập,

Nhắc lại Công ước về quyền trẻ em được Đại hội đồng liên hiệp quốc thông qua vào ngày 20 tháng 11 năm 1989,

Nhắc lại Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế về những nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc và những biện pháp tiếp theo, được Hội nghị Lao động quốc tế thông qua ở khoá họp lần thứ 86 năm 1998,

Nhắc lại rằng, một số hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đã được những văn kiện quốc tế khác đề cập đến, đặc biệt là Công ước về Lao động cưỡng bức năm 1930, và Công ước bổ sung của Liên hiệp quốc về loại bỏ nô lệ, buôn bán nô lệ, các thể chế và tập tục giống như nô lệ năm 1956,

Quyết định thông qua một số đề nghị về lao động trẻ em, đề mục thứ tư trong chương trình nghị sự của khoá họp này,

Quyết định rằng, những đề nghị đó sẽ được thông qua dưới hình thức của một Công ước quốc tế thông qua ngày 17/6/1999. Công ước dưới đây, gọi là Công ước về những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999.

Điều 1.

Mỗi một nước thành viên phê chuẩn công ước này sẽ áp dụng những biện pháp tức thời và hữu hiệu để đảm bảo việc cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như một vấn đề khẩn cấp.

Điều 2.

Vì mục đích của Công ước này, thuật ngữ "trẻ em" sẽ được áp dụng cho tất cả những ai dưới 18 tuổi.

Điều 3.

Vì mục đích của Công ước này, thuật ngữ "những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất" bao gồm:

a) Tất cả những hình thức nô lệ hay những tập tục giống như nô lệ, như buôn bán trẻ em, giam cầm thế nợ, lao động khổ sai, lao động cưỡng ép hay bắt buộc để sử dụng trong các cuộc xung đột có vũ trang;

b) Việc sử dụng, mua bán hay chào mời trẻ em cho mục đích mại dâm, cho việc sản xuất sách báo hay các chương trình khiêu dâm;

c) Việc sử dụng mua bán hay chào mời trẻ em cho các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt cho việc sản xuất và buôn lậu ma tuý như đã được định nghĩa trong các hiệp ước quốc tế liên quan.

d) Những công việc có khả năng làm hại đến sức khoẻ, sự an toàn hay đạo đức của trẻ em, do bản chất của công việc hay do hoàn cảnh, điều kiện tiến hành công việc.

Điều 4.

1. Những loại công việc được đề cập ở Điều 3 (d) sẽ do các luật lệ của quốc gia hay cơ quan có thẩm quyền của quốc gia quy định, sau khi tham khảo ý kiến với tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có liên quan và xem xét những chuẩn mực quốc tế tương ứng, đặc biệt đoạn 3 và 4 của Khuyến nghị về những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999.

2. Cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định những nơi có tồn tại những loại công việc nói trên sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức người lao động và người sử dụng lao động có liên quan.

3. Danh sách những loại công việc được xác định theo đoạn 1 của điều này sẽ được xem xét và chỉnh sửa lại theo định kỳ cần thiết có sự tham khảo ý kiến của Tổ chức người sử dụng lao động và người lao động có liên quan.

Điều 5.

Sau khi tham khảo ý kiến của Tổ chức người sử dụng lao động và người lao động, mỗi nước thành viên sẽ thiết lập hay chỉ định những cơ chế thích hợp để giám sát việc thực hiện những quy định trong Công ước, làm cho Công ước này có hiệu lực.

Điều 6.

1. Mỗi nước thành viên sẽ xây dựng và thực hiện những chương trình hành động nhằm loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như một hành động ưu tiên.

2. Những chương trình hành động này sẽ được xây dựng và thực hiện với sự tham khảo ý kiến của các cơ quan Chính phủ có liên quan và Tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, có xét đến quan điểm của các nhóm liên quan khác nếu thích hợp.

Điều 7.

1. Mỗi nước thành viên sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện và thi hành có hiệu quả những quy định khiến cho Công ước này có hiệu lực, bao gồm quy định và áp dụng các hình thức trừng phạt về mặt pháp luật và các biện pháp trừng phạt thích hợp khác.

2. Xét tầm quan trọng của giáo dục trong việc loại bỏ lao động trẻ em, mỗi nước thành viên sẽ áp dụng những biện pháp hữu hiệu trong một khoảng thời gian nhất định để:

a) Ngăn chặn việc đưa trẻ em tham gia vào những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

b) Có những hỗ trợ trực tiếp cần thiết và thích hợp để đưa trẻ em ra khỏi những hình thức lao động tồi tệ nhất, giúp các em phục hồi và hoà nhập với xã hội.

c) Đảm bảo để tất cả trẻ em đã được đưa ra khỏi những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất được hưởng giáo dục cơ bản miễn phí, ở những nơi có thể và thích hợp thì được đào tạo nghề.

d) Xác định và tiếp cận những trẻ em có rủi ro đặc biệt và chú ý tới hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em gái.

3- Mỗi nước thành viên sẽ chỉ định một cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc thực hiện những quy định cuả Công ước này.

Điều 8

Các nước thành viên sẽ tiến hành những bước thích hợp để hỗ trợ nhau thực hiện những quy định của Công ước này thông qua việc tăng cường hợp tác và/hoặc trợ giúp quốc tế bao gồm sự hỗ trợ cho các chương trình phát triển kinh tế và xã hội xoá bỏ nghèo nàn và giáo dục phổ cập.

Điều 9

Việc chính thức phê chuẩn Công ước này sẽ được thông báo cho Tổng giám đốc Văn phòng Lao động để đăng ký.

Điều 10

1. Công ước này chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với những thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế đã đăng ký phê chuẩn với Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.

2. Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có hai nước thành viên đăng ký phê chuẩn với Tổng giám đốc.

3. Sau đó, Công ước này sẽ có hiệu lực với bất kỳ nước thành viên nào sau 12 tháng kể từ khi việc phê chuẩn Công ước của nước đó được đăng ký.

Điều 11

1. Một nước thành viên đã phê chuẩn Công ước có thể bãi ước sau 10 năm kể từ ngày Công ước bắt đầu có hiệu lực bằng cách thông báo cho Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế để đăng ký bãi ước. Việc bãi ước này sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày đăng ký bãi ước.

2. Mỗi nước thành viên đã phê chuẩn Công ước này và trong vòng một năm sau khi Công ước có hiệu lực được 10 năm như nêu ở đoạn trên mà không thực hiện quyền bãi ước nêu tại điều này thì sẽ chịu ràng buộc thêm một giai đoạn 10 năm nữa và sau đó có thể tuyên bố bãi ước sau mỗi giai đoạn theo như quy định trong điều khoản này.

Điều 12

1. Tổng giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế sẽ thông báo cho tất cả các nước thành viên của tổ chức lao động quốc tế về tất cả các đăng ký phê chuẩn và đăng ký bãi ước của các nước thành viên.

2. Khi thông báo cho các nước thành viên về việc đăng ký phê chuẩn của nước thứ hai, Tổng giám đốc sẽ lưu ý các thành viên về ngày mà công ước sẽ có hiệu lực.

Điều 13

Tổng giám đốc Văn phòng lao động quốc tế sẽ thông báo cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc để đăng ký theo Điều 102 của Hiến chương Liên hiệp quốc, toàn bộ đặc điểm của tất cả đăng ký phê chuẩn và đăng ký bãi ước gửi tới Tổng giám đốc theo quy định của các điều khoản trên.

Điều 14

Khi cần thiết, Hội đồng quản trị của Văn phòng lao động quốc tế sẽ trình lên Hội nghị toàn thể một bản báo cáo về hoạt động của Công ước này và sẽ xem xét sự cần thiết đưa vấn đề sửa đổi toàn bộ hoặc một phần của Công ước vào chương trình nghị sự của Hội nghị.

Điều 15

1. Nếu Hội nghị Thông qua một công ước mới sửa đổi toàn bộ hay một phần của Công ước này, khi đó trừ khi Công ước mới có những quy định khác.

a) Việc phê chuẩn công ước mới sửa đổi của một nước thành viên cũng có nghĩa là nước đó huỷ bỏ việc tham gia Công ước này ngay khi đó, mặc dù có những quy định ở Điều 11 nói trên, nếu và khi công ước mới có hiệu lực.

b) Kể từ ngày công ước mới sửa đổi có hiệu lực, Công ước này sẽ không mở cho các nước thành viên phê chuẩn nữa.

2. Trong bất kỳ trường hợp nào, Công ước này vẫn có hiệu lực cả về hình thức và nội dung thực tại của nó đối với những nước thành viên đã phê chuẩn Công ước này nhưng chưa phê chuẩn công ước sửa đổi.

Điều 16

Cả hai bản Tiếng Anh và tiếng Pháp của công ước này có giá trị như nhau.

Trên đây là văn bản xác thực của Công ước được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế nhất trí thông qua trong khoá họp lần thứ tám mươi bảy được tổ chức tại Giơnevơ và tuyên bố bế mạc ngày 17 tháng 6 năm 1999.

Để xác nhận điều này, chúng tôi đã ký tên vào ngày 18 tháng 6 năm 1999.

KHUYẾN NGHỊ SỐ 190

KHUYẾN NGHỊ VỀ VIỆC CẤM VÀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG TỨC THỜI ĐỂ LOẠI BỎ NHỮNG HÌNH THỨC LAO ĐỘNG TRẺ EM TỒI TỆ NHẤT

Hội nghị toàn thể của Tổ chức lao động quốc tế.

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng lao động quốc tế triệu tập tại Giơnevơ, khóa họp lần thứ 87 khai mạc vào ngày 1 tháng 6 năm 1999;

Đã thông qua Công ước về những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 và đã quyết định Thông qua một số đề nghị về lao động trẻ em là đề mục thứ tư trong chương trình nghị sự của khoá họp,

và quyết định rằng những đề nghị này sẽ mang hình thức một Khuyến nghị bổ sung công ước về những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999.

Thông qua ngày 17/6/1999 khuyến nghị sáu có thể gọi là khuyến nghị về hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999.

1- Những quy định của khuyến nghị này bổ sung những quy định của Công ước về những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 (sau đây sẽ gọi là "Công ước") và nên được áp dụng cùng với công ước.

1- Chương trình hành động

2- Chương trình hành động được đề cập đến ở điều 6 của công ước nên được xây dựng và thực hiện như một vấn đề khẩn cấp, có sự tham khảo ý kiến của các cơ quan Chính phủ liên quan và tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, có xét đến ý kiến của những trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, ý kiến của gia đình các em và nếu thích hợp, ý kiến của các nhóm liên quan khác cam kết thực hiện mục đích của Công ước và Khuyến nghị này. Ngoài những điểm khác, những chương trình như vậy nên nhằm vào:

a) Xác định huỷ bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất

b) Ngăn chặn việc đưa trẻ em tham gia vào hoặc đưa trẻ em ra khỏi những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, bảo vệ các em khỏi những hành động trả thù và giúp các em phục hồi và hoà nhập xã hội thông qua các biện pháp đáp ứng được các nhu cầu về giáo dục thể chất và tâm lý cho các em.

c) Đặc biệt chú ý tới

i) Những em ở lứa tuổi nhỏ hơn

ii) Những em gái

iii) Những nơi làm việc được giấu kín mà trẻ em gái đặc biệt gặp nguy cơ cao

iv) Những trẻ em khác có nguy cơ bị tổn thương cao hoặc có nhu cầu đặc biệt

d) Xác định, vươn tới và làm việc với các cộng đồng mà ở đó trẻ em có rủi ro

e) Cung cấp thông tin, làm tăng độ nhạy cảm huy động công luận và các nhóm liên quan khác bao gồm trẻ em và gia đình của các em.

2- Công việc độc hại :

3- Khi xác định các loại công việc được đề cập đến ở Điều 3 (d) của Công ước và xác định những nơi có các loại công việc đó; ngoài những vấn đề khác, những điểm sau đây cần được xem xét:

a) Công việc khiến trẻ em lâm vào tình trạng dễ bị lạm dụng về mặt thể chất tâm lý hay tình dục.

b) Công việc dưới mặt đất, dưới nước, ở các độ cao nguy hiểm hay trong các khoảng không gian bị tù hãm.

c) Công việc với các loại máy móc thiết bị và dụng cụ nguy hiểm hoặc công việc đòi hỏi phải dùng sức để xử lý hoặc vận chuyển những khối hàng nặng;

d) Công việc trong môi trường có hại cho sức khoẻ ví dụ như có thể khiến trẻ em phải tiếp xúc với các chất những tác nhân hay những chu trình độc hại hoặc với tiếng ồn, nhiệt độ hay độ rung làm tổn hại đến sức khoẻ của trẻ em;

e) Công việc trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ví dụ làm việc trong nhiều giờ liền hay công việc vào ban đêm hay công việc khiến trẻ em bị giam hãm vô lý tại địa điểm của người sử dụng lao động.

4- Với những loại công việc được đề cập đến ở Điều 3 (d) của Công ước và đoạn 3 trên đây, sau khi tham khảo ý kiến của Tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, luật lệ quốc gia hay cơ quan có thẩm quyền có thể cho phép tuyển lao động từ 16 tuổi trở lên với điều kiện là sức khoẻ, sự an toàn và đạo đức của những trẻ em có liên quan phải được bảo vệ đầy đủ, và những trẻ em này đã được hướng dẫn đầy đủ cụ thể hay đã được đào tạo nghề trong lĩnh vực tương ứng.

3- Thực hiện :

5- 1) Những thông tin chi tiết và số liệu thống kê về bản chất và mức độ của lao động trẻ em cần được thu lượm và cập nhật, để làm căn cứ cho việc xác định những ưu tiên hành động quốc gia để xoá bỏ lao động trẻ em đặc biệt cho việc cấm và loại bỏ những hình thức lao động tồi tệ nhất như một vấn đề cấp thiết.

2) Ở mức độ chi tiết có thể được, những thông tin và số liệu thống kê này cần bao gồm số liệu được chia theo giới tính, nhóm tuổi và nghề nghiệp ngành kinh tế tình trạng việc làm, tình hình đi học và vị trí địa lý. Cũng nên chú ý đến tầm quan trọng của một hệ thống đăng ký khai sinh có hiệu quả, bao gồm cả việc cấp giấy khai sinh.

3) Những số liệu thích hợp có liên quan đến việc vi phạm những quy định quốc gia về việc cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất nên được thu lượm và cập nhật.

6- Việc thu lượm xử lý thông tin và số liệu được đề cập đến ở đoạn 5 nói trên nên được tiến hành có xét đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân.

7- Những thông tin thu lượm được theo Điều 5 ở trên nên được thông báo định kỳ cho Văn phòng lao động quốc tế.

8- Những nước thành viên nên thành lập hay chỉ định những cơ chế cấp quốc gia thích hợp để giám sát và thực hiện những quy định quốc gia về việc cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất sau khi tham khảo ý kiến của Tổ chức người sử dụng lao động và người lao động.

9- Các nước thành viên nên đảm bảo rằng, các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm thực hiện những quy định quốc gia về việc cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất hợp tác với nhau và điều phối hoạt động của họ.

10- Pháp luật quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền nên xác định người chịu trách nhiệm trong trường hợp các quy định quốc gia về việc cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất không được tuân thủ.

11- Ở mức độ phù hợp với luật pháp quốc gia các nước thành viên nên hợp tác với những nỗ lực quốc tế nhằm cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như là một vấn đề khẩn cấp bằng cách:

a) Thu thập và trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động tội phạm bao gồm những hoạt động có liên quan đến những đường dây quốc tế.

b) Phát hiện và truy tố những kẻ có liên quan những kẻ buôn bán trẻ em hoặc những kẻ có liên quan đến việc sử dụng, mua hay dụ dỗ trẻ em vào những hoạt động bất hợp pháp, mại dâm, sản xuất sách báo hoặc những cuộc biểu diễn khiêu dâm;

c) Lưu hồ sơ những kẻ phạm tội.

12- Các nước thành viên nên quy định những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất sau đây là tội phạm:

a) Tất cả các hình thức nô lệ hay những tập tục tương tự như nô lệ, ví dụ như việc buôn bán trẻ em, giam giữ thế nợ, lao động khổ sai, lao động cưỡng ép hay bắt buộc để sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang.

b) Việc sử dụng, mua bán hay dụ dỗ trẻ em cho mục đích mại dâm sản xuất sách báo đồi truỵ hay các cuộc biểu diễn khiêu dâm.

c) Sử dụng mua bán hay dụ dỗ trẻ em cho các hoạt động bất hợp pháp đặc biệt cho việc sản xuất và buôn lậu ma tuý như đã được định nghĩa trong các Hiệp ước quốc tế có liên quan, hay cho các hoạt động có liên quan đến việc mang hay sử dụng súng trường hay các loại vũ khí khác một cách bất hợp pháp.

13- Các nước thành viên nên đảm bảo rằng, các hình phạt sẽ được áp dụng cho việc vi phạm những quy định quốc gia về việc cấm và loại bỏ bất kỳ một loại công việc nào được đề cập ở điều 3 (d) của Công ước bao gồm cả hình phạt hình sự nếu thích hợp.

14- Để đảm bảo việc thi hành có hiệu quả những quy định quốc gia về việc cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, các nước thành viên cũng nên quy định ngay những biện pháp hành chính dân sự hay hình sự, ví dụ như một hệ thống giám sát đặc biệt đối với những doanh nghiệp đã sử dụng những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, và trong trường hợp thường xuyên vi phạm có thể xem xét việc tạm thời hay vĩnh viễn rút giấy phép hoạt động.

15- Những biện pháp khác nhằm mục đích cấm và loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất có thể bao gồm những biện pháp sau đây:

a) Thông báo, gây xúc động và vận động quần chúng nói chung kể cả những nhà lãnh đạo chính trị địa phương và quốc gia, các đại biểu Quốc hội và các luật sư;

b) Lôi kéo sự tham gia của các Tổ chức người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức dân sự khác và đào tạo cho các tổ chức này;

c) Tổ chức các khoá đào tạo thích hợp cho các cán bộ Chính phủ có liên quan, đặc biệt là thanh tra viên và các cán bộ thi hành luật và cán bộ chuyên môn thích hợp khác;

d) Quy định việc khởi tố tại các nước thành viên những công dân phạm tội theo luật quốc gia về việc cấm và loại bỏ tức thời những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất thậm chí ngay cả khi những tội này được thực hiện ở nước khác.

e) Đơn giản hoá các thủ tục pháp lý và hành chính và đảm bảo rằng các thủ tục này là hợp lý và kịp thời;

f) Khuyến khích xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy mục đích của Công ước này;

g) Theo dõi và công bố rộng rãi những gương tốt về việc loại bỏ lao động trẻ em;

h) Công bố rộng rãi những quy định pháp luật và những quy định khác về lao động trẻ em bằng những ngôn ngữ khác nhau hay bằng tiếng địa phương;

i) Thiết lập những thủ tục khiếu nại đặc biệt và đưa ra những điều luật để bảo vệ những người đã tố cáo hợp pháp việc vi phạm những quy định của công ước khỏi bị phân biệt đối xử và bị trả thù, thiết lập những đường dây trợ giúp hay những điểm liên lạc và những thẩm tra viên;

j) Áp dụng những biện pháp thích hợp để nâng cao cơ sở hạ tầng về giáo dục và đào tạo giáo viên để đáp ứng được yêu cầu của các trẻ em trai và trẻ em gái.

k) Ở một chừng mực có thể, xem xét các yếu tố sau trong chương trình hành động quốc gia:

i) Tạo việc làm và đào tạo nghề cho cha mẹ và những người lớn trong gia đình của trẻ em đang làm việc trong những điều kiện được nêu ra trong công ước;

ii) Và cần làm cho các bậc cha mẹ nhậy cảm với vấn đề trẻ em làm việc trong những điều kiện như vậy.

16- Hợp tác và/hoặc trợ giúp quốc tế giữa các nước thành viên nhằm cấm và loại bỏ có hiệu quả những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất nên hỗ trợ cho những nỗ lực của các quốc gia và nên được xây dựng và thực hiện có sự tham khảo ý kiến của Tổ chức người sử dụng lao động và người lao động một cách hợp lý. Sự hợp tác và/hoặc trợ giúp quốc tế như vậy nên bao gồm:

a) Huy động các nguồn lực cho các chương trình quốc gia hay quốc tế;

b) Tương trợ về mặt pháp lý.

c) Hỗ trợ về mặt chuyên môn bao gồm cả việc trao đổi thông tin.

d) Hỗ trợ các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xoá bỏ nghèo nàn và giáo dục phổ cập.