Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 182/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 10 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG  CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÁT TRIỂN  KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM” GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”;

Căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 546/QĐ-UBDT ngày 09/8/2019 của Ủy ban Dân tộc về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”;

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 32/TTr-BDT ngày 14/01/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ

VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM” GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu của Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số với các địa bàn trong cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; chủ động phòng chống các tình huống gây mất an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ; các thông tin về bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, an ninh trật tự… Từng bước kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào DTTS.

2. Yêu cầu

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phải đảm bảo tính khả thi, bám sát nội dung, nhiệm vụ của Đề án và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Triển khai lồng ghép, kết hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan đã, đang được triển khai trên địa bàn tỉnh bảo đảm không chồng chéo, tiết kiệm, hiệu quả; tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sẵn có trong triển khai thực hiện Đề án; ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo hình thức thuê dịch vụ CNTT, đối tác công tư, giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và phân công nhiệm vụ cụ thể.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến hết năm 2023

Thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin khoa học công nghệ; phòng, chống thiên tai và an ninh trật tự. Từng bước kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho đồng bào DTTS.

Đến hết năm 2023, 100% người có uy tín, 90% đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 80% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và thị trường; 90% đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về pháp luật, nắm bắt thông tin về an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống vùng DTTS.

Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS: Đảm bảo 80% các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện (Multi-media) và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước.

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin.

Tăng cường ứng dụng CNTT để đồng bào DTTS chủ động, không bị bất ngờ trong mọi tình huống gây mất an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS.

2. Mục tiêu đến hết năm 2025

Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc và các ứng dụng hỗ trợ đồng bào DTTS. Phấn đấu 100% đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về khoa học công nghệ, thị trường. Hoàn thiện bộ dữ liệu về DTTS; các thông tin về lễ hội, phong tục tập quán, sản phẩm, vật phẩm tiêu biểu của các DTTS Việt Nam được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước. Thúc đẩy đồng bào dân tộc ứng dụng CNTT góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự vùng DTTS.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc

- Nội dung: Xây dựng hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu thống kê về thực trạng kinh tế, văn hóa - xã hội của các DTTS trên địa bàn tỉnh phục vụ quản lý, lưu trữ, khai thác và xử lý dữ liệu thu thập từ các cấp, đảm bảo khả năng tích hợp, đồng bộ, truy xuất, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin liên quan đến công tác dân tộc.

- Đơn vị chủ trì: Ban Dân tộc tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

2. Xây dựng Cổng Thông tin văn hóa truyền thống và diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc

- Nội dung: Xây dựng Cổng Thông tin văn hóa truyền thống và diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc để cung cấp các thông tin về lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các DTTS, các sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS, thông tin địa lý vùng DTTS; cung cấp, phổ biến, trao đổi thông tin hai chiều nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc gây mất an ninh trật tự.

- Đơn vị chủ trì: Ban Dân tộc tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

3. Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT, an toàn thông tin và an ninh mạng cho đồng bào DTTS

- Nội dung: Xây dựng hệ thống đào tạo từ xa theo hình thức trực tuyến và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin (ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất; ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền; ứng dụng thương mại điện tử; hỗ trợ triển khai hoạt động thương mại điện tử trên sàn giao dịch điện tử; hỗ trợ tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 do các cơ quan nhà nước cung cấp...); an toàn, an ninh mạng; dạy tiếng dân tộc; trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất và đào tạo nghề…

- Hình thức: Tổ chức hội nghị tập huấn; tổ chức đào tạo từ xa theo hình thức trực tuyến.

- Đối tượng: Cán bộ, công chức phụ trách công tác dân tộc, người có uy tín và người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

- Đơn vị chủ trì: Ban Dân tộc tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2023 đến năm 2025.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các đơn vị thuộc đối tượng tham gia Đề án; nguồn kinh phí huy động từ vốn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nguồn xã hội hóa và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Tổng kinh phí thực hiện Đề án từ năm 2022 đến năm 2025 dự kiến là: 7.600 triệu đồng (có phụ lục kinh phí kèm theo).

2. Nhiệm vụ của cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh

- Chủ trì triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch này.

- Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch này; đột xuất hoặc định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự toán kinh phí giai đoạn và hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt theo quy định.

- Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao trong kế hoạch chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán theo đúng quy định.

2. Sở Tài chính

- Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm của các cơ quan, đơn vị liên quan; phối hợp các cơ quan, đơn vị tham mưu lồng ghép nguồn kinh phí thực hiện với các chương trình, kế hoạch, đề án có cùng mục tiêu, đối tượng.

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương lập dự toán, kiểm tra việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan xem xét, bố trí kinh phí tổ chức thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Đưa nội dung xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Bắc Kạn vào Đề án chung của tỉnh; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nội dung về ứng dụng CNTT, dịch vụ CNTT, phát triển nhân lực CNTT, giám sát, bảo đảm an toàn thông tin, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho vùng DTTS theo nội dung của Đề án.

5. Các cơ quan, đơn vị liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành; tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án liên quan của sở, ngành, đơn vị đã và đang triển khai thực hiện.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo thiết thực và hiệu quả; tổ chức lồng ghép với các chương trình, đề án đã và đang triển khai tại địa phương; chủ động cân đối, bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch trong dự toán chi thường xuyên hằng năm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

- Định kỳ hằng năm trước ngày 30/11 tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc.

Đề nghị các sở, ban, ngành bám sát nội dung Kế hoạch, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.

 

PHỤ LỤC

NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÁT TRIỀN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO AN NINH TRẬT TỰ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM” GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Kế hoạch Thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam” giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung hoạt động chính

 

Tổng tiền

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc phục vụ công tác quản lý nhà nước

2.500

100

100

100

2.800

2

Xây dựng Cổng Thông tin văn hóa truyền thống - diễn đàn đối thoại trực tiếp về công tác dân tộc

 

1.800

500

500

2.800

3

Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số

 

1.400

300

300

2.000

 

Tổng

2.500

3.300

900

900

7.600