ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 183/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 07 năm 1988 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH VỀ QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG TƯ THƯƠNG TRONG TỔ CHỨC KINH DOANH XHCN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983 ;
- Căn cứ quyết định số 211/QĐ-UB ngày 3-10-1987 và Quyết định 223/QĐ-UB ngày 29-10-1987 tổ chức kiểm tra các đơn vị kinh doanh XHCN có sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh ;
- Theo báo cáo tổng kết kiểm tra các đơn vị kinh doanh XHCN có sử dụng tư thương và đề nghị của Ban Cải tạo công thương nghiệp thành phố ;
- Tiếp theo Chỉ thị 13/CT-UB ngày -5-1988 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc khắc phục khuyết điểm trong sử dụng tư thương của các đơn vị sản xuất – kinh doanh.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Ban hành quy định về sử dụng tư thương trong tổ chúc kinh doanh XHCN ở thành phố kèm theo quyết định này.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ tất cả những quy định trước đây về sử dụng tư thương.
Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Giám đốc Công ty dịch vụ tổng hợp, Giám đốc Tổng Công ty xuất nhập khẩu, Trưởng Ban cải tạo công thương nghiệp thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra các đơn vị kinh tế trực thuộc tổ chức thực hiện quyết định này.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ SỬ DỤNG TƯ THƯƠNG TRONG TỔ CHỨC KINH DOANH XHCN Ở THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo quyết định số 183/QĐ-UB ngày 6-7-1988 của UBND Thành phố)
I. - QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. - Mục đích sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh XHCN phải nắm vững mục đích sau đây:
1. Sử dụng tay nghề, kinh nghiệm kinh doanh và thu hút tiền vốn, các mối nguồn hàng của tư thương để bổ sung vào kế hoạch phát triển kinh doanh của thương nghiệp XHCN.
2. Quá trình sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh phải là quá trình quản lý được tiền vốn, doanh số mua bán, hàng hóa lưu thông đưa vào hạch toán kinh doanh XHCN, tạo điều kiện cho thương nghiệp XHCN nắm được các mối quan hệ kinh doanh và phương thức kinh doanh của tư thương để xây dựng phát triển ngành hàng, đồng thời phải là quá trình tuyên truyền giáo dục nâng cao giác ngộ cho người tư thương thực hiện cải tạo và xóa bỏ thương nghiệp tư bản tư doanh.
Điều 2. - Đơn vị sử dụng.
1. Các Công ty kinh doanh thương nghiệp quốc doanh và Hợp tác xã, các Công ty dịch vụ, các Công ty Cung ứng xuất khẩu cấp thành phố và quận, huyện được phép sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh.
2. Các đơn vị không có chức năng kinh doanh trong thương nghiệp ; các xí nghiệp và các cơ sở sản xuất kể cả những cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm của các cơ sở sản xuất bất cứ loại hình tổ chức nào ; các cấp phường, xã, đều không được sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh.
Điều 3. - Đối tượng sử dụng.
Các đơn vị được phép sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh (theo điều 2, điểm 1) chỉ được lựa chọn sử dụng những đối tượng sau đây:
1. Những người mua buôn bán buôn, vừa bán buôn vừa bán lẻ hoặc bán lẻ, có doanh số lớn, có nhiều mối nguồn hàng và mối tiêu thụ, có vốn lớn, có tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh, trực tiếp kinh doanh theo giấy phép đăng ký kinh doanh, có hộ khẩu thường trú tại thành phố. Người được sử dụng phải trả giấy phép đăng ký kinh doanh và có giấy chứng nhận không thiếu thuế và vượt cấp có thẩm quyền duyệt.
2. Những thương lái buôn chuyến đường dài có khả năng nắm hàng và đưa hàng nông sản thực phẩm từ các tỉnh về thành phố hoặc nắm hàng và đưa hàng công nghệ phẩm, hàng TCN.TCN từ thành phố đi các tỉnh. Việc sử dụng thương lái cư trú ở các tỉnh phải trao đổi và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc huyện sở tại.
Điều 4. - Phạm vi sử dụng.
Các đơn vị nói ở điều 2, điểm 1 được sử dụng tư thương theo phương án kinh doanh của mình, trừ những trường ngành hàng mặt hàng Nhà nước có quy chế cấm kinh doanh.
II. - QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ.
Điều 5. – Cách sử dụng và quản lý .
1. Sử dụng phải đúng đối tượng (theo điều 3) phải có hợp đồng và hồ sơ lý lịch. Không được sử dụng những người chỉ có vốn mà không có tay nghề. Không sử dụng những người mối lái mua đi bán lại tại chỗ, những người bán lẻ, những người mua bán chợ trời, những loại đầu nậu, gian thương đầu cơ buôn lậu, những người có tiền án về kinh tế và chính trị.
Không sử dụng tư thương trái ngành nghề.
Không được lôi kéo người của các đơn vị khác đang sử dụng.
2. Nội dung sử dụng phải đồng bộ cả vốn, tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh, các mối nguồn hàng và mối tiêu thụ của tư thương.
3. Sử dụng phải theo đúng mục đích (theo điều 1). Đơn vị sử dụng nhất thiết phải nắm các khâu chủ yếu về tổ chức, kế toán, kho vận, quản lý điều hành kinh doanh, quản lý nguồn hàng mua và bán, quản lý giá mua giá bán, quản lý doanh số, quản lý việc bảo quản và chế biến hàng hóa, quản lý hạch toán kinh doanh, chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh.
4. Không được cấp giấy giới thiệu cho tư thương đi giao dịch với danh nghĩa đại diện cho đơn vị.
5. Phải bố trí cán bộ tốt, có năng lực và trình độ nghiệp vụ đủ sức quản lý, kiểm tra, giáo dục, cải tạo số người được sử dụng.
6. Giám đốc các công ty và cơ sở có sử dụng tư thương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hoạt động của tư thương mình sử dụng.
Điều 6. – Hình thức sử dụng.
Các công ty sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh được phép vận dụng những hình thức sau đây :
1. Sử dụng tay nghề kỹ thuật và vay vốn tổ chức kinh doanh. Người được sử dụng được hưởng tiền công lao động tương xứng với công sức và hiệu quả kinh doanh, được hưởng lãi xuất trên vốn cho vay. Tiền công không hạn chế mức tối đa. Lãi suất trên vốn cho vay được thỏa thuận theo hợp đồng trong khung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Sử dụng làm đại lý ủy thác mua. Người được sử dụng được hưởng tiền huê hồng theo số lượng chất lượng hàng hoặc theo doanh số mua, cộng với lãi suất trên vốn cho vay.
Điều 7. – Quyền lợi, nghĩa vụ người được sử dụng.
1. Người được sử dụng không bị giới hạn mức thu nhập, được bảo đảm quyền lợi kinh tế, được hưởng các chế độ khen thưởng và phúc lợi, được tham gia sinh hoạt chính trị, được tổ chức vào đoàn thể.
2. Người được sử dụng phải tích cực đóng góp vào việc xây dựng đơn vị kinh tế nơi mình công tác và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước.
III. – ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
Điều 8. – Quy định có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ tất cả những quy định trước đây về sử dụng tư thương.
Điều 9. – Các Công ty kinh doanh hiện đang sử dụng tư thương trong tổ chức kinh doanh phải tự tổ chức kiểm tra việc sử dụng, chiếu theo quy định này để sửa chữa ngay những việc làm sai.
Những đơn vị không có chức năng kinh doanh thương nghiệp (theo điều 2, điểm 2) phải giải thể ngay tổ chức sử dụng tư thương.
Điều 10. – Sở Thương nghiệp, Công ty dịch vụ tổng hợp, Tổng Công ty xuất nhập khẩu, Ban Cải tạo công thương nghiệp thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra kiểm soát thường xuyên việc thi hành quy định này.
Điều 11. – Trong quá trình thi hành quy định này, có điều khoản nào thấy không phù hợp thì những đơn vị thực hiện kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét bổ sung.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh