THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 183-TTg | Hà Nội , ngày 16 tháng 4 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG QUỐC GIA XÉT CHỌN ĐƠN VỊ TRÚNG THẦU CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ LỚN
(GỌI TẮT LÀ HỘI ĐẤU THẦU QUỐC GIA)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) số 385-HĐBT ngày 7-11-1990;
Căn cứ Nghị quyết phiên họp Chính phủ ngày 5 và 6 tháng 1 năm 1994 về các vấn đề kinh tế đối ngoại;
Căn cứ Nghị định số 20-CP ngày 5-3-1994 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban kế Hoạch Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Thành lập Hội đồng quốc gia xét chọn đơn vị trúng thầu các dự án đầu tư lớn (gọi tắt là Hội đồng xét thầu quốc gia) làm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ thẩm định kết quả đấu thầu các dự án dùng vốn của Nhà nước có vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng Việt Nam trở lên (tương đương 10 triệu đô la Mỹ) hoặc các dự án có giá trị thấp hơn khi có quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án dùng vốn của Nhà nước bao gồm dự án dùng vốn ngân sách, vốn vay, vốn viện trợ nước ngoài và vốn của Nhà nước ở các doanh nghiệp. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước quy định những dự án, kể cả dự án của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải qua đấu thầu và trình lên Hội đồng xét thầu quốc gia.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng xét thầu quốc gia:
1. Tổ chức thẩm tra và đánh giá kết quả đấu thầu các dự án của các Bộ và địa phương hoặc doanh nghiệp để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ lựa chọn đơn vị trúng thầu. Thời gian thẩm định dự án không quá 15 ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ về kết quả đấu thầu.
2. Được quyền yêu cầu Hội đồng đấu thầu cấp Bộ, địa phương hoặc doanh nghiệp, các chủ dự án cung cấp đủ hồ sơ có liên quan đến việc xét thầu và được quyền mời chuyên gia có kinh nghiệm về các lĩnh vực chuyên môn sâu thực hiện chức năng phản biện trong trường hợp cần thiết.
Điều 3. Thành phần của Hội đồng xét thầu quốc gia:
Chủ tịch Hội đồng: Giáo sư Đỗ Quốc Sam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước (trường hợp Hội đồng cần họp mà chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch nhà nước vắng mặt thì uỷ nhiệm một Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì phiên họp)
Các Uỷ viên thường trực Hội đồng: Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng của các Bộ tài chính, xây dựng, khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thương mại, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổ trưởng tổ Thư ký Hội đồng.
Các uỷ viên khác (được mời tham gia theo từng dự án): Thủ trưởng và chuyên gia các cơ quan có liên quan tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng dự án, do chủ tịch Hội đồng mời.
Hội đồng có Tổ thư ký giúp việc, các cơ quan là thành viên thường trực của Hội đồng cử cán bộ tham gia Tổ thư ký theo yêu cầu của Hội đồng; tổ trưởng Tổ thư ký thuộc Uỷ ban kế hoạch Nhà nước do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước bổ nhiệm.
Điều 4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng xét thầu quốc gia được tính trong chi phí quản lý dự án theo quy định thống nhất của Bộ Tài chính.
Điều 5. Đối với những dự án đầu tư không thuộc phạm vi quy định ở Điều 1, Hội đồng đấu thầu cấp Bộ, địa phương hoặc doanh nghiệp thực hiện cả nhiệm vụ xét thầu để kiến nghị cấp quyết định đầu tư chọn lựa đơn vị trúng thầu.
Điều 6. Bộ trưởng các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các doanh nghiệp nói ở điều 1 có trách nhiệm thi hành quyết định này. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
| Phan Văn Khải (Đã Ký) |
- 1 Công văn 2470/BKHĐT-QLĐT năm 2019 về đánh giá tính hợp lệ của đơn dự thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2 Nghị định 20-CP năm 1994 ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
- 3 Nghị định 385-HĐBT năm 1990 sửa đổi thay thế Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản kèm theo Nghị định 232-CP năm 1981