Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1831/2009/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 08 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 31 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan liên quan và các tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm căn cứ quyết định thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Kim Hải

 

QUY ĐỊNH

VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1831/2009/QĐ-UBND  ngày 08 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Dạy thêm, học thêm trong Quy định này là hoạt động dạy học ngoài giờ học quy định trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhưng nội dung dạy học thêm thuộc phạm vi chương trình giáo dục phổ thông.

2. Quy định này quy định việc dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường; trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện dạy thêm, học thêm của thủ trưởng cơ sở giáo dục; trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp, của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ và các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị, thành.

3. Quy định này áp dụng đối với các nhà trường, cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Nội dung và phương pháp dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách học sinh; phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, đặc điểm tâm lý và điều kiện của người học.

Điều 3. Hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm

1. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

a) Dạy thêm, học thêm không thu tiền: Là hoạt động dạy học để phụ đạo học sinh yếu, kém hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi (thuộc trách nhiệm của nhà trường).

b) Dạy thêm, học thêm có thu tiền: Là hoạt động dạy học nhằm củng cố, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành; ôn luyện thi tốt nghiệp; ôn luyện thi đại học, cao đẳng, chuyển cấp.

2. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền: Là hoạt động dạy học do tổ chức, cá nhân thực hiện, bao gồm: Bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi.

Điều 4. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm

1. Việc dạy thêm, học thêm phải đảm bảo mục đích, nội dung, phương pháp, đối tượng và các điều kiện, tiêu chuẩn về dạy thêm, học thêm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đối tượng học thêm có nhu cầu và tự nguyện đăng ký học thêm.

2. Hoạt động dạy thêm, học thêm có thu tiền trong hoặc ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện nêu tại Quy định này; phải đăng ký mở lớp và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, cấp giấy chứng nhận.

3. Các tổ chức, cá nhân không ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức để thu tiền; các nhà trường, cơ sở giáo dục không tổ chức dạy thêm, học thêm đồng loạt đối với học sinh ở các lớp học.

Điều 5. Những trường hợp không tổ chức dạy thêm, học thêm

1. Các nhà trường dạy học 02 (hai) buổi trong 01 (một) ngày;

2. Học sinh tiểu học (trừ các trường hợp: Tổ chức phụ đạo học sinh yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao; luyện tập kỹ năng đọc, viết; quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của cha, mẹ học sinh và cũng chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện nêu tại Quy định này; phải đăng ký mở lớp và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, cấp giấy chứng nhận).

3. Các trường: Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông cho người học không phải là học sinh, sinh viên của cơ sở đào tạo đó.

Chương II

ĐIỀU KIỆN ĐỂ MỞ LỚP DẠY THÊM, HỌC THÊM

Điều 6. Tiêu chuẩn giáo viên dạy thêm

Giáo viên dạy thêm phải đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo quy định của cấp học tương ứng; không trong thời gian bị kỷ luật; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt và được tập thể giáo viên, cha, mẹ học sinh và học sinh tín nhiệm.

Điều 7. Cơ sở vật chất lớp học thêm

Lớp học thêm phải đảm bảo diện tích trung bình 1,2m2/học sinh và có đủ bàn, ghế, bảng; đảm bảo độ chiếu sáng đồng đều không dưới 100 lux và đảm bảo các quy định về vệ sinh học đường nêu tại Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 8. Thời gian dạy thêm, học thêm

1. Thời gian dạy thêm, học thêm trong 01 (một) tuần:

a) Đối với cấp tiểu học: Không quá 02 (hai) buổi/tuần, mỗi buổi không quá 03 (ba) tiết;

b) Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông: Không quá 03 (ba) buổi/tuần, mỗi buổi không quá 03 (ba) tiết;

c) Đối với các lớp ôn luyện thi tốt nghiệp; ôn luyện thi đại học, cao đẳng, chuyển cấp, bồi dưỡng thi học sinh giỏi: Thời gian học thêm mỗi môn không quá 06 (sáu) tiết/tuần.

2. Thời gian dạy thêm, học thêm trong ngày: Buổi sáng: Từ 07 giờ 00 đến 11 giờ 00; buổi chiều: Từ 13 giờ 00 đến 17 giờ 00; buổi tối: Từ 18 giờ 00 đến 20 giờ 30.

3. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong những ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước.

Điều 9. Sỹ số học sinh lớp học thêm

1. Đối với lớp học thêm trong nhà trường: Mỗi lớp không quá 30 (ba mươi) học sinh.

2. Đối với lớp học thêm ngoài nhà trường:

a) Cấp tiểu học: Mỗi lớp không quá 15 (mười lăm) học sinh;

b) Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông: Mỗi lớp không quá 25 (hai mươi lăm) học sinh.

Chương III

THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN DẠY THÊM

Điều 10. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dạy thêm

1. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận dạy thêm cho tổ chức, cá nhân mở lớp dạy thêm có thu tiền trong và ngoài nhà trường đối với cấp trung học phổ thông.

2. Phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị, thành cấp giấy chứng nhận dạy thêm cho tổ chức, cá nhân mở lớp dạy thêm có thu tiền trong và ngoài nhà trường đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Điều 11. Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận dạy thêm

1. Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận dạy thêm có thu tiền trong nhà trường.

Đầu năm học, Hiệu trưởng, Thủ trưởng cơ sở giáo dục làm hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dạy thêm. Hồ sơ gồm:

a) Tờ trình của Hiệu trưởng, Thủ trưởng cơ sở giáo dục về kế hoạch tổ chức và quản lý việc dạy thêm;

b) Danh sách giáo viên dạy thêm;

c) Số lượng học sinh, số lớp, sỹ số học sinh/lớp;

d) Mức thu học phí.

2. Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận dạy thêm có thu tiền ngoài nhà trường.

Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận dạy thêm. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận dạy thêm (theo mẫu thống nhất do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành) có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt địa điểm lớp dạy thêm. Nếu cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận dạy thêm là giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập thì phải có thêm xác nhận của Hiệu trưởng, Thủ trưởng cơ sở giáo dục nơi đang công tác;

b) Báo cáo tình hình cơ sở vật chất, phòng học;

c) Danh sách giáo viên, chuẩn đào tạo của từng giáo viên, bản sao văn bằng, chứng chỉ (có công chứng);

d) Giấy khám sức khỏe của người dạy thêm;

e) Kế hoạch dạy học (bao gồm: Nội dung, chương trình, thời gian dạy, số buổi dạy và địa điểm của từng lớp).

Điều 12. Thời hạn cấp giấy chứng nhận dạy thêm

a) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận dạy thêm, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dạy thêm nêu tại Điều 10, Quy định này, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận dạy thêm cho tổ chức, cá nhân.

b) Giấy chứng nhận dạy thêm có giá trị trong vòng 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày cấp.

Điều 13. Thu hồi giấy chứng nhận dạy thêm

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dạy thêm thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận dạy thêm của tổ chức, cá nhân trong trường hợp tổ chức, cá nhân đó vi phạm nghiêm trọng các quy định về dạy thêm, học thêm hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC DẠY THÊM, HỌC THÊM

Điều 14. Tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường

Học sinh có nguyện vọng học thêm viết đơn xin học thêm (có ý kiến của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp); nhà trường, cơ sở giáo dục có đủ điều kiện theo quy định thì Hiệu trưởng, Thủ trưởng cơ sở giáo dục làm hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dạy thêm theo quy định tại điểm 1, Điều 11, Quy định này.

Điều 15. Tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường

Học sinh có nguyện vọng học thêm viết đơn xin học thêm gửi giáo viên mình muốn học; giáo viên đảm bảo các điều kiện để dạy thêm nêu tại Quy định này thì làm hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dạy thêm theo quy định tại điểm 2, Điều 11, Quy định này.

Điều 16. Quản lý nội dung dạy thêm, học thêm

Việc quản lý nội dung dạy thêm, học thêm được thực hiện thông qua giáo án của giáo viên và sổ đầu bài theo dõi thực hiện nội dung chương trình dạy thêm của các lớp dạy thêm.

Điều 17. Mức thu, chi tiền học thêm

1. Đối với dạy thêm, học thêm có thu tiền trong nhà trường.

1.1. Mức thu:

a) Cấp tiểu học: Thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa cha, mẹ học sinh với nhà trường nhưng mức thu tối đa không quá 36.000 (Ba mươi sáu nghìn) đồng/học sinh/tháng;

b) Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông: Thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh với nhà trường nhưng mức thu tối đa không quá 10.000 (Mười nghìn) đồng/học sinh/tháng/môn học.

1.2. Mức chi: Thực hiện theo Thông tư liên bộ số 16/TTLB ngày 13 tháng 9 năm 1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính (có tính đến sự hợp lý giữa mức thu, giá cả thực tế và sự thỏa thuận của giáo viên với nhà trường), trong đó:

a) 75 (bảy mươi lăm) % chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy;

b) 10 (mười) % chi mua sắm tài liệu phục vụ dạy thêm;

c) 08 (tám) % chi cho các cơ quan quản lý giáo dục để tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận dạy thêm và tổ chức thanh tra, kiểm tra các quy định về dạy thêm, học thêm;

d) 07 (bảy) % chi trả điện, nước, khấu hao tài sản.

2. Đối với dạy thêm ngoài nhà trường

2.1. Mức thu:

a) Đối với cấp tiểu học: Thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh với người dạy nhưng mức thu tối đa không quá 48.000 (Bốn mươi tám nghìn) đồng/học sinh/tháng;

b) Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông: Thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh với người dạy nhưng mức thu tối đa không quá 12.000 (Mười hai nghìn) đồng/học sinh/tháng/môn học.

2.2. Mức chi:

a) 92 (chín mươi hai) % chi cho giáo viên dạy thêm;

b) 08 (tám) % chi cho các cơ quan quản lý giáo dục để tổ chức thẩm định, cấp giấy chứng nhận dạy thêm và tổ chức thanh tra, kiểm tra các quy định về dạy thêm, học thêm.

Điều 18. Nhiệm vụ và quyền của người học

1. Nhiệm vụ của người học.

a) Thực hiện nhiệm vụ học tập theo kế hoạch của nhà trường, cơ sở mở lớp;

b) Kính trọng giáo viên;

c) Giữ gìn và bảo vệ tài sản của nhà trường, cơ sở mở lớp.

2. Quyền của người học:

a) Được chọn trường, cơ sở mở lớp, lớp học, môn học và giáo viên dạy thêm;

b) Được nhà trường, giáo viên cơ sở mở lớp tôn trọng, được cung cấp đầy đủ kiến thức, thông tin về học tập của mình.

c) Được sử dụng trang, thiết bị, phương tiện phục vụ học tập của nhà trường, cơ sở mở lớp;

d) Thông qua người đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường, cơ sở mở lớp những nội dung chưa đảm bảo các yêu cầu về dạy thêm, học thêm nêu tại Quy định này và kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những vi phạm của nhà trường, cơ sở giáo dục và cá nhân trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm.

Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm có thu tiền trong và ngoài nhà trường trên địa bàn tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn địa phương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định này.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này và các điều kiện đảm bảo an ninh, trật tự của các lớp dạy thêm trên địa bàn.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo và phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị, thành.

1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định này; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quy định về dạy thêm, học thêm.

2. Thông báo nơi tiếp dân và số điện thoại thường trực tiếp nhận các ý kiến của nhân dân phản ánh về tình hình dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân.

Điều 21. Trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng cơ sở giáo dục

1. Tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm theo Quy định này; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường của cán bộ, giáo viên trực tiếp quản lý.

2. Thường xuyên nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điều 22. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm

1. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy định này và các văn bản có liên quan về dạy thêm, học thêm. Tôn trọng quyền lợi của người học, đề cao trách nhiệm của người dạy.

2. Thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận dạy thêm và chỉ thực hiện việc dạy thêm khi đã được cấp giấy chứng nhận dạy thêm. Nếu tạm dừng hoặc chấm dứt việc dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp giấy chứng nhận dạy thêm (bằng văn bản) và thông báo cho người học biết trước 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày tạm dừng hoặc chấm dứt việc dạy thêm và phải hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm chưa thực hiện.

Điều 23. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

2. Các nhà trường, cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về dạy thêm, học thêm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.