Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1831/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 08 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ''TỔ CHỨC LẠI NGÀNH SẢN XUẤT GẠCH, GỐM TỈNH VĨNH LONG''

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015;

Căn cứ Công văn số 1847/NHPT-TĐ ngày 12/6/2009 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm;

Căn cứ Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng về việc phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án: ''Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020'';

Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020;

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung;

Thực hiện Công văn số 896/BXD-VLXD ngày 01/6/2012 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung theo Chỉ thị số 10/CT-TTg , ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và Thông tư số 46/2012/TT-BCT , ngày 28/12/2012 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012;

Theo Quyết định số 1282/QĐ-UBND ngày 14/8/2012 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2015;

Theo Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND ngày 20/12/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản (TNKS) sét của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;

Theo Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1191/TTr-SCT ngày 28/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công thương chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung của Đề án này triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho phép, Sở Công thương phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu, đề xuất trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ

 

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC LẠI NGÀNH SẢN XUẤT GẠCH, GỐM TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1831/QĐ-UBND, ngày 08/11/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN:

Ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, ở khu vực Nam sông Cổ Chiên. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung, lao động làm gạch ngói tại thời điểm đó có khoảng 600 - 800 người. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.284 miệng lò.

Riêng ngành sản xuất gốm ra đời vào năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997 trở lại đây, với hàng nghìn mẫu mã khác nhau, các sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt ở khắp các châu lục và quốc gia trên thế giới như EU, Mỹ, Châu Úc, Đài Loan, HongKong, Hàn Quốc, Nhật Bản,…, với sản lượng sản xuất tăng lên gần 50 triệu sản phẩm/năm và dần trở thành thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, nổi tiếng với thương hiệu “Gốm đỏ Vĩnh Long”, sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

Tuy nhiên, ngành gạch, gốm của tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều hạn chế như: Công nghệ nung bằng lò thủ công, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường; chi phí đầu vào cao; mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu; thị trường tiêu thụ còn bị động; quy mô nhỏ, trình độ quản lý, kinh doanh, tiếp thị của doanh nghiệp còn yếu kém. Vì vậy, những năm gần đây, mà đặc biệt là năm 2012, ngành gạch gốm Vĩnh Long bị tác động bởi sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường; đồng thời đứng trước thách thức không nhỏ trước yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo chủ trương của Nhà nước. Cụ thể, là việc triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ chủ trương khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường.

Qua đó, việc tổ chức sắp xếp lại sản xuất ngành gạch - gốm trên địa bàn tỉnh là cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất kinh doanh; áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất giúp tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu, nâng cao năng suất, đảm bảo môi trường, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm gạch gốm trên địa bàn tỉnh; từng bước chuyển dần sang sản xuất vật liệu xây không nung.

II. THỰC TRẠNG NGÀNH SẢN XUẤT GẠCH, GỐM GIAI ĐOẠN 2007 - 2012:

1. Thực trạng về nguồn nguyên, nhiên liệu, công nghệ kỹ thuật sản xuất gạch ngói, gốm tại tỉnh Vĩnh Long:

- Về nguồn nguyên liệu: Vĩnh Long có nguồn tài nguyên khoáng sản cho sản xuất vật liệu xây dựng, chủ yếu là đất sét và cát sông. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu sét phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các cơ sở sản xuất gạch ngói, gốm được đánh giá là có tiềm năng khai thác với trữ lượng lớn và chất lượng sét tốt. Do vùng đất Vĩnh Long có phù sa bồi lắng hình thành nên các lớp trầm tích. Bề mặt đất 40 - 50 cm phù sa bồi lắng dùng để trồng trọt phát triển nông nghiệp; lớp kế tiếp là lớp sét, thân sét nằm dưới lớp đất canh tác với chiều dày tầng sét từ 0,4 - 1,2 m phân tán hầu hết các huyện thị trong tỉnh. Khai thác chủ yếu là tận thu kết hợp với hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp để sản xuất 3 vụ lúa. Qua khảo sát, đánh giá trên địa bàn tỉnh có 124 thân sét phân bố tại 6 huyện, thị xã với diện tích 296,61 km2. Tổng tiềm năng tài nguyên khoáng sản sét được đánh giá 278,88 triệu m3. Trong đó: Tổng trữ lượng TNKS sét toàn tỉnh được quy hoạch khai thác 129,4 triệu m3, chiếm 46,40% tổng tiềm năng TNKS sét được tìm thấy. Đây là loại nguyên liệu sẵn có, mang tính đặc trưng riêng của Vĩnh Long.

- Về nguồn nhiên liệu: Sử dụng cho sản xuất gạch ngói, gốm là trấu, đây là loại phụ phẩm từ nông nghiệp nên có thể cung ứng ổn định cho các cơ sở sản xuất với số lượng lớn và giá thành phù hợp.

- Về kỹ thuật và công nghệ sản xuất: Chủ yếu là thủ công, truyền thống gồm các giai đoạn: Nhào đất, ép gạch (sử dụng máy), hoặc tạo hình sản phẩm gốm bằng phương pháp thủ công sau đó vận chuyển ra phơi, vận chuyển xếp vào lò, đốt lò và chuyển gạch gốm ra thành phẩm. Thời gian đốt lò khoảng 1 tháng ra thành phẩm.

2. Thực trạng ngành sản xuất gạch, gốm:

Hiện nay, tỉnh đã công nhận 7 làng nghề sản xuất gạch ngói gốm mỹ nghệ, riêng huyện Mang Thít có 6 làng nghề, trong đó có 2 làng nghề gạch gốm truyền thống.

Sản phẩm gạch ngói của các làng nghề nói riêng và của tỉnh nói chung, ngoài việc đáp ứng vật liệu xây cho nhu cầu xây dựng trong tỉnh còn phục vụ cho nhu cầu xây dựng ở địa phương lân cận và khu vực. Nghề sản xuất gạch ngói của tỉnh gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất nông nghiệp đã giải quyết tốt việc làm cho lao động lúc nông nhàn, tăng thu nhập và góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo số liệu thống kê giai đoạn 2005 - 2010, giá trị sản lượng của ngành nghề sản xuất gạch ngói chiếm 37,19% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn của tỉnh và chiếm 56,88% giá trị sản lượng nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, qua đó cho thấy nghề sản xuất gạch ngói là một trong những thế mạnh của tỉnh.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây thị trường tiêu thụ có dấu hiệu suy giảm so với trước do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ. Đồng thời, xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp từ các tỉnh Đông Nam Bộ. Riêng hoạt động sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhất là khu vực Châu Âu, vì đây là thị trường chính của ngành gốm Vĩnh Long.

Theo thống kê, năm 2009, số cơ sở sản xuất gạch ngói là 1.393 cơ sở, gốm là 99 cơ sở. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Mang Thít với 1.326 cơ sở sản xuất gạch ngói và 48 cơ sở sản xuất gốm; thu hút trên 16.000 lao động, trong đó: 13.328 lao động sản xuất gạch ngói và 3.446 lao động sản xuất gốm, chiếm 34,72% lao động tham gia ngành nghề nông thôn. Tính đến tháng 3 năm 2013, tổng số cơ sở sản xuất gạch gốm của tỉnh là 1.113 cơ sở. Trong đó, số cơ sở sản xuất gạch giảm còn 1.064 cơ sở; sản xuất gốm giảm còn 49 cơ sở, số cơ sở đang hoạt động sản xuất là 702 cơ sở, ngưng hoạt động 411 cơ sở, số lao động tham gia là 8.806 lao động.

Tình hình hoạt động các doanh nghiệp sản xuất gạch gốm hiện nay: (Theo số liệu báo cáo của Sở Xây dựng đến tháng 6/2012).

- Tổng số cơ sở sản xuất gạch ngói: 1082 cơ sở với 2.284 miệng lò.

Gốm: 45 cơ sở với 380 miệng lò.

Đang hoạt động:

+ Gạch ngói: 334 cơ sở, chiếm tỷ lệ 30,9%.

+ Gốm: 34 cơ sở, chiếm 76%.

Tạm ngưng hoạt động:

+ Gạch ngói: 748 cơ sở, chiếm tỷ lệ 69,1%.

+ Gốm: 11 cơ sở, chiếm tỷ lệ 24%.

Những lò nung nêu trên đều là lò thủ công (lò tròn); ngoài ra hiện còn có 01 lò Tuynel, công suất 5 - 7 triệu viên/năm và 04 lò vòng (lò Hoffman) sử dụng nhiên liệu trấu.

* Điểm mạnh:

- Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch gốm theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản (TNKS) sét của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong thời gian tới. Nguyên liệu đất sét có thành phần đặc biệt, cho phép tạo ra những sản phẩm gốm có màu sắc độc đáo, phù hợp thị hiếu của thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Người tiêu dùng nhiều nước đã biết đến gốm Vĩnh Long với sự kết tinh từ nét thẩm mỹ - văn hoá truyền thống ĐBSCL với sắc màu đặc trưng của gốm đất phèn vân trắng.

- Doanh nghiệp ngành gạch gốm đã tích luỹ kinh nghiệm và trình độ tay nghề sản xuất khá tốt, được duy trì và bảo tồn; năng động, thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường và thị hiếu tiêu dùng.

- Nhãn hiệu tập thể “Gốm đỏ Vĩnh Long” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng, quảng bá thị trường mới.

- Làng nghề sản xuất gạch gốm được UBND tỉnh công nhận là những làng nghề - làng nghề truyền thống, và quy hoạch phát triển để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong tỉnh cũng như bảo tồn các làng nghề, làng nghề truyền thống.

* Điểm yếu:

- Năng lực quản lý, điều hành các cơ sở gạch - gốm còn kém, phần lớn các cơ sở thiếu cán bộ có chuyên môn, đặc biệt là về quản trị, marketing, luật pháp; nhiều chủ cơ sở còn tư tưởng sản xuất nhỏ, ngại va chạm trên thương trường.

- Về công nghệ, mặc dù đã có một số cơ sở gốm tiến hành cải tiến công nghệ, nhưng nhìn chung công nghệ sản xuất của ngành gạch - gốm còn lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, hầu hết sản xuất bằng lò tròn gây ô nhiễm, phải xoá bỏ theo lộ trình quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng của Chính phủ.

- Chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã chưa hấp dẫn, còn đơn điệu, chưa khai thác được tiềm năng thị trường. Sản phẩm gốm xuất khẩu được là nhờ giá rẻ và màu sắc độc đáo (do nguyên liệu).

- Quy mô của doanh nghiệp, cơ sở còn nhỏ, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư cải tiến qui trình công nghệ sản xuất gạch gốm.

Tóm lại, một trong những tồn tại lớn của các cơ sở sản xuất gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long là tình trạng gây ô nhiễm môi trường (khói, bụi,…) do hầu hết các cơ sở sản xuất gạch, gốm của tỉnh vẫn sản xuất bằng công nghệ truyền thống (lò tròn), lạc hậu, thủ công nên gây ô nhiễm môi trường và thời gian nung mỗi chu kỳ kéo dài làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh so với các lò cải tiến.

III. DỰ BÁO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH GẠCH GỐM VÀ VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG (VLXKN) TRONG THỜI GIAN TỚI:

1. Thời cơ:

- Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch, gốm được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong việc tổ chức, sắp xếp lại ngành sản xuất gạch gốm, đề ra những giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất.

- Ngành sản xuất gạch gốm là ngành nghề truyền thống, được bảo tồn, duy trì và phát triển qua nhiều năm. Vĩnh Long là địa phương có truyền thống sản xuất gạch, gốm lâu đời ở khu vực ĐBSCL nên đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng, dự báo khi nền kinh tế thế giới phục hồi lại sau suy thoái nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gốm sẽ tăng trở lại.

- Sự ra đời của nhiều kiểu lò nung mới, tiên tiến đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tiết kiệm tiêu hao nguyên - nhiên liệu và thời gian, tăng hiệu quả cạnh tranh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng, chuyển đổi công nghệ sản xuất là bước đi vững chắc nhằm đảm bảo cho ngành phát triển bền vững và phù hợp với các quy định của Nhà nước, đặc biệt là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

- Tổng nhu cầu gạch vùng đồng bằng sông Cửu Long dự báo đến năm 2015 khoảng 6,5 tỷ viên (theo số liệu của Bộ Xây dựng). Vì vậy cần phải duy trì sản xuất gạch nung và phát triển sản xuất gạch không nung để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh và của khu vực ĐBSCL. Đã hình thành thị trường truyền thống đối với sản phẩm gạch nung là nội tỉnh và vùng ĐBSCL; thị trường Châu Âu ưa chuộng sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long.

- Thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Vĩnh Long với loại tài nguyên đất sét khi nung tạo nên màu gốm đỏ đặc trưng được thị trường Châu Âu ưa chuộng. Tài nguyên khoáng sản sét được quy hoạch khai thác cho sản xuất gạch - ngói - gốm trên toàn tỉnh đến năm 2020 là 14,14 triệu m3, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất gạch gốm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015: Bình quân 868,28 triệu viên/năm và 28,09 triệu sản phẩm gốm/năm và giai đoạn 2016 - 2020: Bình quân 978,81 triệu viên/năm và 29,55 triệu sản phẩm gốm/năm.

- Lao động ngành gạch gốm có kinh nghiệm, khéo léo đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về mỹ thuật đối với ngành sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu.

- Tỉnh Vĩnh Long với vị trí ở vùng ĐBSCL nên thuận lợi về nguồn cung cấp chất đốt (trấu). Tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản là cát sông, cung cấp nguyên liệu chế biến vật liệu xây không nung.

2. Thách thức:

- Nguồn vốn đầu tư để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất tiên tiến theo hướng hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu là khá lớn, nằm ngoài khả năng tài chính của đa số doanh nghiệp. Phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch gốm có quy mô sản xuất nhỏ, ít vốn nên khả năng đầu tư chuyển đổi công nghệ là hạn chế.

- Việc khai thác nguyên liệu ngày càng khó khăn, do vùng khai thác nằm ở vị trí không thuận lợi để vận chuyển, nguyên liệu có lúc khan hiếm, giá tăng cao đột biến làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

- Thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành, giữa các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thiếu kinh nghiệm quản lý sản xuất kinh doanh, chưa có chiến lược thâm nhập thị trường, chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn.

- Thiếu lao động có tay nghề khi có mùa vụ sản xuất. Sản xuất gạch gốm mang tính mùa vụ, hết mùa vụ sản xuất thì người lao động phải kiếm việc làm khác để đảm bảo cuộc sống và khi có việc làm thích hợp thì họ không trở về với nghề gạch gốm nữa.

- Thị trường tiêu thụ sẽ là một thách thức lớn đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch, gốm chậm chuyển đổi công nghệ vì giảm khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm. Đặc biệt là phải cạnh tranh với các cơ sở, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới ở nội tỉnh, điển hình là Công ty TNHH Tân Mai và các cơ sở, doanh nghiệp ở miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai,…

- Tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi chậm sau suy thoái cũng gây ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Dự báo giai đoạn từ nay đến hết năm 2014 các cơ sở, doanh nghiệp gốm vẫn còn tiếp tục gặp khó khăn do thị trường chưa hồi phục kịp.

3. Dự báo sản lượng vật liệu xây dựng đến năm 2020:

3.1. Dự báo sản lượng và nhu cầu sử dụng vật liệu xây đến năm 2020: (Theo số liệu Sở Xây dựng).

3.1.1. Dự kiến sản lượng vật liệu xây trên địa bàn tỉnh đến năm 2020:

Đến năm 2015 là 850 triệu viên (QTC); đến năm 2020 là 950 triệu viên (QTC).

3.1.2. Dự kiến nhu cầu vật liệu xây trên địa bàn tỉnh đến năm 2020:

Đến năm 2015 là 450 triệu viên (QTC); đến năm 2020 là 500 triệu viên (QTC).

3.1.3. Dự báo sản lượng vật liệu xây không nung cần thiết đến năm 2020:

(Theo tỷ lệ yêu cầu so với nhu cầu vật liệu xây tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020):

- Đến năm 2015 là 90 - 120 triệu viên (QTC);

- Đến năm 2020 là 150 - 200 triệu viên (QTC).

3.1.4. Dự báo sản lượng gạch nung đến năm 2020:

- Đến năm 2015 là 730 - 760 triệu viên.

- Đến năm 2020 là 750 - 800 triệu viên.

* Ghi chú: QTC (Quy tiêu chuẩn).

3.2. Sản phẩm gốm:

Căn cứ Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND , ngày 20/12/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản (TNKS) sét của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, dự báo sản lượng sản phẩm gốm trên địa bàn tỉnh như sau:

- Giai đoạn 2011 - 2015: Sản lượng gốm của cả giai đoạn 140,45 triệu sản phẩm, bình quân 28,09 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến cuối năm 2015 ước đạt 29,09 triệu sản phẩm.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Sản lượng gốm của cả giai đoạn 147,77 triệu sản phẩm, bình quân 29,55 triệu sản phẩm/năm. Dự kiến cuối năm 2020 ước đạt 30,01 triệu sản phẩm.

Theo quy hoạch ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến đến năm 2020, định hướng phát triển ngành gốm xác định:

- Thời kì 2011 - 2015: Đầu tư phát triển theo chiều sâu về yếu tố văn hoá các sản phẩm gốm mỹ nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

- Thời kì 2016 - 2020: Duy trì, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gốm mỹ nghệ trên địa bàn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 45 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm với 380 miệng lò, do đó theo quy hoạch ngành công nghiệp số cơ sở sản xuất gốm với số lượng miệng lò tương ứng cần phải được duy trì.

IV. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC LẠI NGÀNH SẢN XUẤT GẠCH GỐM VÀ PHÁT TRIỂN VLXKN TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2013 - 2020:

1. Mục tiêu, đối tượng của đề án:

1.1. Mục tiêu chung:

- Tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm và phát triển VLXKN phù hợp với tình hình, điều kiện sản xuất của địa phương và phù hợp với quy định của Nhà nước.

- Đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng của tỉnh Vĩnh Long phù hợp với chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 theo Quyết định 567/QĐ-TTg , ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

- Hỗ trợ 98 doanh nghiệp, cơ sở duy trì sản xuất gạch, gốm có đủ điều kiện thực hiện xong việc chuyển đổi sang công nghệ nung mới theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm gạch, gốm.

- Hỗ trợ 20 doanh nghiệp, cơ sở có đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi sang ngành nghề sản xuất VLXKN.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển sang làm dịch vụ vệ tinh cho ngành sản xuất gạch gốm hoặc chuyển sang ngành nghề khác.

- Chấm dứt hoạt động các lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

1.3. Đối tượng:

- Những doanh nghiệp, cơ sở thuộc diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa (theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP) đã và đang sản xuất gạch gốm nung theo công nghệ truyền thống và những tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung phù hợp quy hoạch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Những doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại các khu, cụm, tuyến công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long không thuộc đối tượng của Đề án này, hưởng những ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành.

2. Nhiệm vụ:

2.1. Chuyển đổi sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN).

2.1.1. Những ưu điểm và nhược điểm khi chuyển sang sản xuất VLX không nung:

Ưu điểm:

- Đón đầu sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ loại VLXKN trong thời điểm sớm nhất.

- Có tiềm năng phát triển lâu dài, phù hợp với quy hoạch, quy định của Nhà nước và xu thế phát triển chung của ngành.

- Được nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước cho sản xuất VLXKN.

Nhược điểm:

- Thị hiếu tiêu dùng VLXKN chưa rộng rãi.

- Nguyên liệu phục vụ cho sản xuất VLXKN tại địa phương có phần hạn chế.

- Chi phí đầu tư ban đầu khá cao, đòi hỏi vốn đối ứng lớn từ doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp chưa có được kinh nghiệm về sản xuất, sản phẩm VLXD KN.

2.1.2. Xác định số lượng dây chuyền sản xuất VLXKN cần thiết:

- Giai đoạn 2013 - 2015: Cần 9 - 12 dây chuyền sản xuất VLXKN công suất 10 triệu viên/năm để đáp ứng sản lượng 90 - 120 triệu viên vào cuối năm 2015.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Cần đầu tư mới 6 - 8 dây chuyền sản xuất VLXKN công suất 10 triệu viên/năm để đáp ứng sản lượng 150 - 200 triệu viên vào cuối năm 2020.

Như vậy đến năm 2020 cần 20 dây chuyền công suất 10 triệu viên/năm để đáp ứng sản lượng 200 triệu viên.

2.1.3. Vốn đầu tư dự kiến cho dây chuyền sản xuất VLXKN:

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dây chuyền sản xuất gạch không nung, từ loại nhập khẩu đến sản xuất trong nước, đáp ứng đa dạng nhu cầu và khả năng tài chính của doanh nghiệp. (Xem phụ lục 1).

2.1.4. Lộ trình hỗ trợ chuyển đổi:

+ Giai đoạn 2013 - 2015: Hỗ trợ 12 doanh nghiệp chuyển đổi 12 dây chuyền sản xuất VLXKN công suất 10 triệu viên/năm.

+ Giai đoạn 2016 - 2020: Hỗ trợ 8 doanh nghiệp chuyển đổi 8 dây chuyền sản xuất VLXKN công suất 10 triệu viên/năm.

2.1.5. Nội dung hỗ trợ:

- Năm 2014: Tổ chức 01 cuộc hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm, công nghệ sản xuất VLXKN cho các doanh nghiệp ngành gạch gốm để doanh nghiệp định hướng lựa chọn công nghệ sản xuất phù hợp.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất VLXKN phù hợp quy hoạch tối đa 70% giá trị dây chuyền sản xuất gạch không nung.

- Hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất VLXKN 50% lãi suất vốn vay đầu tư của doanh nghiệp.

- Thời gian hỗ trợ lãi suất 03 năm, kể từ ngày đầu tư xây dựng nhà máy.

- Mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ vay vốn, lãi suất để đầu tư 01 dây chuyền sản xuất VLXKN.

- Hỗ trợ chi phí tháo dỡ để xoá bỏ lò tròn thủ công truyền thống là 01 triệu đồng/1 miệng lò x số lượng lò, khi doanh nghiệp tháo dỡ lò và có đơn yêu cầu xin hỗ trợ.

2.2. Chuyển đổi sang công nghệ nung mới:

Ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất gạch gốm cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường” là mô hình lò nung gạch mới, được gọi là lò nung liên hoàn Vĩnh Long để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ.

Mô hình lò nung liên hoàn Vĩnh Long đáp ứng được yêu cầu xử lý khói bụi đạt tiêu chuẩn môi trường quy định, phù hợp với điều kiện tại Vĩnh Long về nguyên liệu đất sét, sử dụng nguyên liệu trấu, qui mô vừa phải và có thể sản xuất công nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Hiện tại việc thử nghiệm kiểu lò này cho sản xuất gạch đã thành công tại Công ty TNHH Tân Mai. Giao Sở Công thương tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm kiểu lò này vào sản xuất gốm hoàn thành vào năm 2014.

2.2.1. Những ưu và nhược điểm khi chuyển sang công nghệ nung mới:

* Ưu điểm:

Mô hình chuyển đổi công nghệ nung mới đáp ứng quy chuẩn về môi trường, đảm bảo lộ trình xoá bỏ lò nung thủ công gây ô nhiễm môi trường, phù hợp quy hoạch cũng như điều kiện sản xuất tự nhiên của địa phương về các mặt như nhu cầu tiêu thụ, nguồn nguyên nhiên liệu, nguồn lao động, kinh nghiệm sản xuất hiện có...

Tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng gạch nung và các sản phẩm gốm trong thời điểm hiện tại và trong thời gian sắp tới góp phần duy trì nền sản xuất gạch, gốm đặc trưng của tỉnh phù hợp với quy hoạch.

Củng cố niềm tin của doanh nghiệp về vai trò quản lý nhà nước trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế địa phương.

* Nhược điểm:

Chi phí đầu tư ban đầu khá cao, đòi hỏi khả năng đối ứng vốn tương đối lớn từ doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tín dụng, lãi suất cho các cơ sở sản xuất.

Theo lộ trình quy hoạch, các sản phẩm VLXKN sẽ thay thế một phần sản phẩm gạch nung sẽ thu hẹp qui mô thị trường trong tương lai đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực, tối ưu hoá sản xuất, tiếp tục mở rộng thị trường, cải tiến công nghệ sản xuất liên tục giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và tăng khả năng cạnh tranh trong quỹ thời gian hiện có.

2.2.2. Xác định số lò nung liên hoàn Vĩnh Long cần thiết:

Giai đoạn 2013 - 2020: Cần 53 lò nung liên hoàn Vĩnh Long với công suất 15 triệu viên/năm, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất 800 triệu viên vào năm 2020.

2.2.3. Vốn đầu tư dự kiến của lò nung liên hoàn Vĩnh Long:

Vốn đầu tư từ 2 - 2,5 tỷ đồng tuỳ theo công suất lò.

2.2.4. Lộ trình hỗ trợ chuyển đổi:

- Giai đoạn 2013 - 2015:

+ Hỗ trợ chuyển đổi 20 lò nung liên hoàn Vĩnh Long vào sản xuất gạch với công suất 15 triệu viên/năm. Trong đó, chú ý xét duyệt hỗ trợ những doanh nghiệp, cơ sở gạch gốm đã đăng ký chuyển giao công nghệ khi đầu tư lò nung liên hoàn Vĩnh Long trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài. (Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch sẽ thực hiện ngay; riêng đối với doanh nghiệp sản xuất gốm sẽ thực hiện hỗ trợ sau khi nghiên cứu ứng dụng thành công lò nung liên hoàn Vĩnh Long vào sản xuất gốm).

+ Năm 2015 hỗ trợ 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm xây dựng 10 lò nung liên hoàn Vĩnh Long vào sản xuất gốm.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Hỗ trợ chuyển đổi 33 lò nung liên hoàn Vĩnh Long vào sản xuất gạch nung với công suất 15 triệu viên/năm.

+ Hỗ trợ 35 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gốm xây dựng 35 lò nung liên hoàn Vĩnh Long vào sản xuất gốm.

2.2.5. Nội dung hỗ trợ:

- Miễn phí chuyển giao công nghệ lò nung đốt trấu liên hoàn Vĩnh Long cho các doanh nghiệp, cơ sở chuyển đổi công nghệ nung.

- Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở gạch gốm thực hiện chuyển giao công nghệ đầu tư lò nung liên hoàn Vĩnh Long từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của tỉnh.

- Hỗ trợ kinh phí đầu tư lò nung liên hoàn Vĩnh Long đối với 20 doanh nghiệp, cơ sở thực hiện chuyển đổi trong giai đoạn 2013 - 2015: Là 50 triệu đồng/doanh nghiệp, cơ sở.

- Chi hỗ trợ một lần cho doanh nghiệp, cơ sở khi hoàn thành đạt 60% khối lượng xây dựng lò, căn cứ vào biên bản thẩm định khối lượng hoàn thành.

- Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư tối đa 70% giá trị lò nung liên hoàn.

- Mỗi doanh nghiệp, cơ sở được hỗ trợ kinh phí đầu tư, vốn vay xây dựng 01 lò nung.

- Hỗ trợ chi phí tháo dỡ 1 lò tròn thủ công truyền thống là 01 triệu đồng/1 miệng lò x số lượng lò, khi doanh nghiệp tháo dỡ lò và có đơn yêu cầu xin hỗ trợ.

2.3. Sản xuất vệ tinh:

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm trước đây, sau khi xem xét không có khả năng thực hiện chuyển đổi cả 2 loại hình sản xuất trên có thể lựa chọn phương án sản xuất vệ tinh, gia công bán thành phẩm theo hợp đồng sản xuất, cung ứng sản phẩm thô chưa nung, cung ứng dịch vụ cho ngành sản xuất gạch gốm, VLXKN... trên cơ sở tận dụng nhà xưởng, nguồn nhân công, tay nghề và kinh nghiệm sản xuất, thiết bị sản xuất hiện có...

2.3.1. Những ưu và nhược điểm khi DN chuyển sang làm đơn vị sản xuất vệ tinh:

Ưu điểm:

- Chi phí chuyển đổi thấp có thể thực hiện ngay.

- Tận dụng được nhà xưởng, máy móc nguồn nhân công đã qua đào tạo, duy trì việc làm cho phần lớn lao động của địa phương.

Nhược điểm:

- Không chủ động, phụ thuộc phần lớn vào sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở chuyển đổi công nghệ nung mới. Khi các doanh nghiệp lớn này mở rộng đầu tư sản xuất sẽ đe doạ sự tồn tại của loại hình này.

- Với lộ trình của quy hoạch đối với sản phẩm gạch sét nung, loại hình doanh nghiệp, cơ sở làm vệ tinh cho sản xuất gạch nung này cũng khó có khả năng tồn tại lâu dài do đó cần xem xét khả năng làm vệ tinh hoặc nhà phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất VLXKN.

2.3.2. Lộ trình chuyển đổi:

Lộ trình thực hiện song song với lộ trình chuyển đổi sản xuất VLXDKN; chuyển đổi công nghệ nung.

Thời gian chuyển đổi: Giai đoạn 2013 - 2020.

2.3.3. Vốn cần thiết cho chuyển đổi:

Doanh nghiệp không cần vốn đầu tư cho máy móc thiết bị vì tận dụng những trang thiết bị hiện có.

2.3.4. Nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động.

+ Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm (đối với sản xuất VLXDKN) thông qua chương trình khuyến công hàng năm.

+ Hỗ trợ chi phí tháo dỡ 1 lò tròn thủ công truyền thống là 01 triệu đồng/1 miệng lò x số lượng lò, khi doanh nghiệp tháo dỡ lò và có đơn yêu cầu xin hỗ trợ.

2.4. Chuyển đổi ngành nghề khác từng bước xóa bỏ các lò sản xuất gạch thủ công truyền thống (lò tròn):

Những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm chuyển đổi sang những ngành nghề sản xuất kinh doanh khác khi không còn đủ khả năng tiếp tục sản xuất trong ngành gạch gốm hoặc muốn chuyển đổi hẳn sang ngành nghề khác.

2.4.1. Những ưu và nhược điểm khi DN chuyển sang ngành nghề khác:

Ưu điểm:

Nếu thành công sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, cơ sở thoát khỏi khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn vốn đầu tư tùy vào khả năng tự có của doanh nghiệp, cơ sở.

Nhược điểm:

Sản xuất kinh doanh có thể rời rạc, không tập trung và tự phát.

Khó khăn trong hỗ trợ vốn kinh doanh vì nợ cũ chưa giải quyết được.

Thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất mới.

2.4.2. Lộ trình chuyển đổi:

Lộ trình thực hiện song song với lộ trình chuyển đổi sản xuất VLXDKN; chuyển đổi công nghệ nung; chuyển sang sản xuất vệ tinh.

Thời gian chuyển đổi: Giai đoạn 2013 - 2020.

2.4.3 Vốn cần thiết cho chuyển đổi:

Nhu cầu vốn phụ thuộc vào ngành nghề mà doanh nghiệp chuyển đổi.

Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì thực hiện vay theo cơ chế thông thường.

2.4.4. Nội dung hỗ trợ:

Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm theo chương trình khuyến công hàng năm.

Hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp theo các chương trình khuyến nông, khuyến ngư hàng năm.

Hỗ trợ chi phí tháo dỡ 1 lò tròn thủ công truyền thống là 01 triệu đồng/1 miệng lò x số lượng lò, khi doanh nghiệp tháo dỡ lò và có đơn yêu cầu xin hỗ trợ.

2.4.5. Hỗ trợ lao động chuyển đổi ngành nghề:

2.4.5.1. Nhu cầu lao động cần được đào tạo lại:

Số lao động ngành gạch gốm: 16.000 LĐ.

Với mỗi DN chuyển đổi giải quyết việc làm cho 15 LĐ thì số lao động dôi ra cần được đào tạo lại là 13.660 LĐ.

Kinh phí dự kiến đào tạo lại 500 ngàn đồng/LĐ thì tổng mức kinh phí cho đào tạo lại LĐ là: 6,83 tỷ đồng.

Lộ trình hỗ trợ: Thực hiện giai đoạn 2013 - 2020.

2.4.5.2. Những đơn vị thực hiện hỗ trợ đào tạo lao động:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Công thương; Trung tâm đào tạo nghề tại các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long thực hiện công tác hỗ trợ đào tạo thông qua các chương trình khuyến công; đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo kế hoạch hàng năm.

2.4.5.3. Các bước thực hiện đào tạo:

Lao động tại các DN sản xuất gạch, gốm không còn hoạt động trong ngành đăng ký (có xác nhận của UBND địa phương) tại các trung tâm dạy nghề; Sở Công thương (Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp); phòng công thương, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long tổng hợp danh sách gửi Sở Công thương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Giải pháp:

3.1. Giải pháp kinh tế:

- Ngân sách tỉnh Vĩnh Long chi hỗ trợ lãi suất; chi hỗ trợ tham quan học tập kinh nghiệm, công nghệ sản xuất VLXKN, chi hỗ trợ đầu tư chuyển đổi công nghệ nung liên hoàn Vĩnh Long và chi hỗ trợ tháo dỡ lò nung thủ công.

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Vĩnh Long hỗ trợ cho vay vốn đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN.

- Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ cho vay vốn đầu tư lò nung liên hoàn Vĩnh Long.

- Thông qua chính sách khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chuyển sang sản xuất VLXKN chuyển sang làm đơn vị cung ứng dịch vụ vệ tinh cho ngành sản xuất gạch gốm; chuyển sang ngành nghề sản xuất kinh doanh khác từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.

+ Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

+ Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

+ Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở.

+ Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm áp dụng sản xuất sạch hơn:

Hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp;

Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao thực hiện theo Luật Chuyển giao công nghệ (số 80/2006/QH11) và các văn bản hướng dẫn về Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.

- Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ.

+ Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất.

+ Hỗ trợ đầu tư, tín dụng.

+ Xúc tiến thương mại.

+ Khoa học công nghệ.

+ Đào tạo nhân lực.

- Hỗ trợ làng nghề truyền thống gạch gốm tỉnh Vĩnh Long về hạ tầng làng nghề; truyền nghề… thông qua các chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề của tỉnh Vĩnh Long.

- Hỗ trợ những doanh nghiệp chuyển sang sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp thông qua các chính sách khuyến nông, khuyến ngư.

3.2. Giải pháp về khoa học - công nghệ:

* Chuyển đổi công nghệ nung gạch gốm:

Đề tài “Nghiên cứu hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất gạch gốm cải tiến đổi mới công nghệ nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường” sản phẩm là “lò nung liên hoàn Vĩnh Long” giải quyết được các vấn đề về chất lượng sản phẩm và quy chuẩn về môi trường. Vì vậy khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở áp dụng “lò nung liên hoàn Vĩnh Long” vào sản xuất gạch nung. Sở Công thương tiếp tục nghiên cứu ứng dụng kiểu lò này vào sản xuất gốm để chuyển đổi công nghệ nung gốm đảm bảo các quy chuẩn về môi trường.

* Chuyển đổi sang sản xuất VLXKN:

Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, do đó sản xuất VLXKN là cần thiết trong thời gian tới.

Tổ chức hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm, giới thiệu công nghệ để doanh nghiệp định hướng đầu tư công nghệ sản xuất phù hợp nguồn nguyên liệu tại địa phương; phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp, cơ sở với nhiều loại công nghệ đa dạng hiện nay trên thị trường từ thủ công đến tự động hoá hoàn toàn.

3.3. Giải pháp về nguồn nhân lực:

Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các chính sách khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương

Hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp.

3.4. Giải pháp về thị trường:

Tổ chức cho doanh nghiệp, cơ sở tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá và trưng bày sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới thông qua chính sách xúc tiến thương mại của tỉnh.

Thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, cơ sở để giúp doanh nghiệp, cơ sở chủ động trong sản xuất kinh doanh.

3.5. Hỗ trợ Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động:

Thực hiện hỗ trợ hiệp hội kiện toàn lại tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của hội, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong sản xuất kinh doanh gạch, gốm mỹ nghệ xuất khẩu.

Tăng cường công tác hỗ trợ Hội Nghề gốm sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể: “Gốm đỏ Vĩnh Long” đã được cấp chứng nhận.

3.6. Giải pháp về thông tin tuyên truyền:

Sở Công thương xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm trên địa bàn tỉnh.

Định kỳ hàng năm từ nay đến năm 2015, mỗi năm sẽ mở 02 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường, trong đó sẽ lồng ghép phổ biến tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm.

4. Các nguồn lực để thực hiện đề án:

4.1. Kinh phí thực hiện đề án:

- Dự toán tổng mức kinh phí thực hiện đề án: 338,344 tỷ đồng.

- Cơ cấu nguồn kinh phí:

* Nguồn tài chính của doanh nghiệp: 94,5 tỷ đồng.

* Hỗ trợ vốn vay có thu hồi: 220,5 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn quỹ đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ đầu tư lò nung liên hoàn Vĩnh Long: 171,5 tỷ đồng.

+ Nguồn vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Vĩnh Long hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN: 49 tỷ đồng.

* Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ không thu hồi: 19,344 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hỗ trợ lãi suất vay đầu tư: 8,82 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của tỉnh hỗ trợ chi phí tham quan học tập kinh nghiệm về sản xuất VLXKN: 0,03 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của tỉnh hỗ trợ đầu tư lò nung công nghệ nung: 1 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của tỉnh hỗ trợ tháo dỡ lò tròn thủ công: 2,664 tỷ đồng.

+ Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề theo chương trình khuyến công địa phương; Quyết định 1956/QĐ-TTg: 6,83 tỷ đồng.

* Nguồn trung ương: Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến 4 tỷ đồng.

4.2. Phân kỳ đầu tư:

- Giai đoạn 2013 - 2015: Tổng vốn đầu tư dự kiến 127,152 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tổng vốn đầu tư dự kiến 211,192 tỷ đồng.

(Chi tiết xem phụ lục 5a; 5b).

4.3. Cơ sở vật chất:

Doanh nghiệp tận dụng những cơ sở vật chất của doanh nghiệp hiện có để chuyển đổi công nghệ nung mới; chuyển sang sản xuất VLXKN; chuyển sang làm đơn vị cung ứng dịch vụ cho ngành sản xuất gạch gốm; chuyển đổi sang ngành nghề khác.

4.4. Nhân lực:

+ Nhân lực hiện có của các sở, ngành có liên quan trong việc thực hiện đề án.

+ Nhân lực hiện tại của các doanh nghiệp.

5. Thời gian thực hiện: Giai đoạn năm 2013 đến 2020.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Công thương:

- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long và tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt chuyển giao công nghệ nung liên hoàn Vĩnh Long.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án (trong đó có xây dựng trình tự thủ tục các bước tiến hành hỗ trợ) và phối hợp với các sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long thực hiện đề án để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gạch gốm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển.

- Tổng hợp dự toán hàng năm kinh phí thực hiện đề án theo phân kỳ đã xây dựng để các cơ quan chuyên môn tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối kinh phí từ nguồn sự nghiệp kinh tế phân bổ thực hiện.

- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm theo Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Triển khai và tổng hợp danh sách doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm đăng ký chuyển đổi công nghệ nung mới; chuyển sang làm đơn vị sản xuất vệ tinh và chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

- Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, các sở ngành chức năng có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Vĩnh Long thẩm định kế hoạch đầu tư chuyển đổi, quyết định hỗ trợ kinh phí đầu tư.

- Chi trả hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nung liên hoàn Vĩnh Long; chi trả hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung và chi trả hỗ trợ tháo dỡ lò nung theo quy định tại đề án.

- Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, công nghệ về sản xuất VLXKN cho doanh nghiệp sản xuất gạch gốm.

- Tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu ứng dụng lò nung liên hoàn Vĩnh Long vào sản xuất gốm trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trong năm 2014.

- Định kỳ hàng năm từ nay đến năm 2015 sẽ mở 02 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường, trong đó sẽ lồng ghép phổ biến tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp sản xuất gạch gốm.

- Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất thông qua các chính sách khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.

- Tổ chức cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá và trưng bày sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý doanh thông qua chính sách xúc tiến thương mại của tỉnh.

- Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 01 năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai, kết quả thực hiện hiện Đề án này.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối nguồn vốn để thực hiện đề án.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Quỹ Đầu tư phát triển và các sở ngành có liên quan chi trả hỗ trợ lãi suất và kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở.

4. Quỹ đầu tư phát triển: Phối hợp với Sở Công thương và các sở ngành có liên quan thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, cơ sở và cung cấp vốn vay theo quy định hiện hành.

5. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò gạch nung thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Phối hợp với Sở Công thương và các ngành, các đơn vị có liên quan trong việc thẩm định khối lượng xây dựng các lò nung liên hoàn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ngói, gốm làm căn cứ để chi hỗ trợ.

6. Sở Tài nguyên Môi trường:

- Triển khai quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản sét của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020.

- Chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long tiến hành các thủ tục giao cấp đất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch, gốm phù hợp với quy định của pháp luật.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Công thương thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

8. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp Sở Công thương tiếp tục nghiên cứu ứng dụng lò nung liên hoàn Vĩnh Long vào sản xuất gốm và hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở lựa chọn công nghệ sản xuất VLXKN phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án đến các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất gạch ngói, gốm trên địa bàn để biết, thực hiện.

- Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan trong việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí chuyển đổi công nghệ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói nung, gốm trên địa bàn, thông qua các ngành chuyên môn thẩm định, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Phối hợp với Sở Công thương và các sở ngành liên ngành thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch gốm trên địa bàn quản lý.

10. Các sở ngành, các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ nội dung, chức năng, nhiệm vụ được nêu tại đề án phối hợp với Sở Công thương để triển thực hiện có hiệu quả Đề án này./.