ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1832/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 04 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Chương trình hành động số 13-CTrHĐ/TU ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 5927/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3101/STNMT-CTR ngày 31 tháng 3 năm 2017; Công văn số 2646/STNMT-CTR ngày 21 tháng 3 năm 2017; Tờ trình số 2102/TNMT-CTR ngày 07 tháng 3 năm 2017 về ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020.
Điều 2. Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể, thiết thực nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 11 hàng năm.
Điều 3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, điều phối Chương trình, có trách nhiệm tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm về kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và đề xuất điều chỉnh, bổ sung những nội dung, chỉ tiêu, giải pháp thiết thực, cụ thể trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở - Ban - Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1832/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)
I. Đặc điểm tình hình chung
Trong thời gian qua, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được quan tâm, thành phố đã và đang triển khai thí điểm tại các quận 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh,...Qua thực hiện Chương trình thí điểm, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định như: thành lập Ban chỉ đạo Chương trình cấp thành phố và cấp quận; có sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể quận, phường, ban vận động khu phố, lực lượng nòng cốt,.. trong việc thường xuyên, nhắc nhở, kiểm tra đôn đốc các hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; có sự hỗ trợ nhiệt tình của các lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân phân loại chất thải rắn sinh hoạt đúng quy định; mô hình thí điểm nhỏ, tỷ lệ phân loại cao; tại các mô hình thí điểm có Công ty dịch vụ công ích quận thu gom thì việc tổ chức thu gom riêng biệt 2 loại chất thải sau phân loại được duy trì; đồng thời đã tổ chức vận chuyển riêng chất thải thực phẩm sau phân loại từ các mô hình thí điểm đến các Khu xử lý...
Tuy nhiên, Chương trình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả chương trình chưa cao do việc triển khai chưa được đồng bộ, chính quyền địa phương chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân chấp hành phân loại; hệ thống thu gom tại nguồn còn nhiều bất cập như: tổ chức hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập, phương tiện thu gom chưa đảm bảo theo quy định, chưa có phương án tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại phù hợp,..
Do đó để thống nhất tổ chức và đồng hộ trong việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020.
II. Cơ sở pháp lý
Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ vê quản lý chất thải và phế liệu.
Chương trình hành động số 13-CTrHĐ/TU ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Thành ủy thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020.
Quyết định số 5927/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 20162020.
Công văn số 1141/VP-ĐT ngày 03 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố vê việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố.
III. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích:
- Chất thải rắn sinh hoạt (gọi tắt là CTRSH) phải được phân loại ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp CTRSH trên địa bàn thành phố.
- Mỗi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại CTRSH khi có phát sinh.
- Phấn đấu đến năm 2020 thành phố hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 24 quận, huyện.
2. Yêu cầu:
- Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ; hình thành thói quen phân loại CTRSH ở từng cá nhân, hộ dân và ngoài hộ dân; tạo ý thức tự giác chấp hành phân loại CTRSH tại nguồn ngay khi có phát sinh.
- Các đơn vị hành chính- sự nghiệp, các trường học tại các cấp, các khu vực vui chơi giải trí (như: Thảo Cầm viên Sài Gòn tại quận 1, Công viên văn hóa Đầm Sen tại quận 11, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên tại quận 9, các khu vực công cộng, Bến xe, Trung tâm Thương mại - siêu thị,...) ưu tiên triển khai thực hiện trong năm 2017.
- Cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội gương mẫu chấp hành, thực hiện.
- Ban chỉ đạo, lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên tại hộ dân và ngoài hộ dân. Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động tuyên truyền, vận động, nhắc nhở với công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
- CTRSH được phân loại thành 03 loại, gồm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu); chất thải còn lại.
- Chất thải nguy hại phát sinh tại các hộ dân được phân loại, lưu giữ riêng trong các bao bì (túi, thùng) chứa phù hợp và được tổ chức thu gom, xử lý theo hướng dẫn của Kế hoạch này.
IV. Nội dung thực hiện
1. Lộ trình thực hiện:
a) Giai đoạn 2017 - 2018:
Năm 2017:
- Tập trung tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn đến từng người dân, hộ dân và ngoài hộ dân trên địa bàn 24 quận, huyện.
- Tiếp tục nâng chất và đẩy mạnh triển khai phân loại CTRSH tại nguồn cho các đối tượng và phạm vi thực hiện như sau:
+ Đối tượng ngoài hộ dân: cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, bệnh viện, các khu vui chơi, giải trí công cộng, khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, chung cư, khu dân cư mới, chợ,....
+ Đối tượng hộ dân: quận 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi phân loại CTRSH tại nguồn với qui mô ít nhất 02 phường. Các quận, huyện còn lại tùy điều kiện của địa phương, có thể triển khai phân loại CTRSH tại nguồn ít nhất 01 phường, xã.
Việc lựa chọn đối tượng, phạm vi thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đảm bảo kết nối đồng bộ trong khâu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sau khi phân loại.
Hạn chế việc chọn phạm vi, đối tượng triển khai không liên tục gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển 02 loại chất thải sau phân loại.
Năm 2018:
Đúc kết kinh nghiệm, kết quả thực hiện trong năm 2017; quận, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và mở rộng đối tượng, phạm vi triển khai như sau:
- Tiếp tục mở rộng đối tượng ngoài hộ dân.
- Đối với hộ dân: quận 1, 2, 3, 5, 6, 7, 12, Bình Thạnh triển khai ít nhất 05 phường. Các quận, huyện còn lại triển khai ít nhất 03 phường, xã.
- Đạt tỷ lệ phân loại trên 50% đối tượng hộ dân và ngoài hộ dân tại các phường, xã đang triển khai thực hiện đúng phân loại CTRSH tại nguồn.
b) Giai đoạn 2019 - 2020:
Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp tục nâng chất và đẩy mạnh đối tượng, phạm vi triển khai phân loại CTRSH tại nguồn, đảm bảo đến hết năm 2020 quận, huyện hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nội dung, tiến độ:
2.1 Xây dựng nguồn nhân lực cho Chương trình:
a) Kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình cấp thành phố, tổ giúp việc:
- Thành phần của Ban chỉ đạo cấp thành phố gồm:
+ Trưởng ban là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố;
+ Hai (02) Phó ban, gồm: Phó Ban thường trực là Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Lãnh đạo Sở Tài chính.
+ Các thành viên gồm, Lãnh đạo các Sở: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao và Lãnh đạo của Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện.
- Thành phần Tổ giúp việc, gồm:
+ Tổ trưởng là Lãnh đạo của Phòng Quản lý Chất thải rắn- Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Tổ Phó: đại diện các Sở-ban-ngành.
+ Các thành viên: đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường 24 quận, huyện.
Ban chỉ đạo Chương trình cấp thành phố, tổ giúp việc do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động.
- Thời gian thực hiện: từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2017.
b) Thành lập Ban chỉ đạo quận, huyện:
- Thành phần Ban chỉ đạo Chương trình cấp quận, huyện gồm:
+ Trưởng ban là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố;
+ Phó Trưởng ban thường trực: Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện và các Phó ban (các Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ Công ích quận, huyện, tùy theo quận, huyện có thể bổ sung thêm).
+ Các thành viên: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, xã, Trưởng Ban Dân vận quận, huyện, Lãnh đạo các Hội (như: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên), Phòng Giáo dục, Phòng Tài chính, Trung tâm văn hóa quận, huyện,....
- Mỗi quận, huyện thành lập Ban chỉ đạo Chương trình cấp quận, huyện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và ban hành quy chế hoạt động cụ thể.
- Thời gian thực hiện: từ tháng 4 năm 2017 đến tháng 5 năm 2017.
c) Xây dựng lực lượng tuyên truyền viên:
- Lực lượng tuyên truyền viên cấp quận, huyện: Mỗi quận, huyện tổ chức xây dựng lực lượng tuyên truyền viên cấp quận, huyện dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình cấp quận, huyện. Thành phần gồm đại diện: Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, Phòng Văn hóa thông tin quận, huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, huyện, Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, Đoàn thanh niên, thanh niên xung kích,...
- Lực lượng tuyên truyền viên cấp phường, xã: Mỗi phường, xã trong phạm vi triển khai Chương trình xây dựng lực lượng tuyên truyền viên dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình cấp quận, huyện. Thành phần gồm đại diện: các Trưởng khu phố, Tổ trưởng tổ dân phố, Ban Văn hóa Thông tin phường, xã, Hội Phụ nữ phường, xã, Mặt trận Tổ quốc phường, xã, Đoàn Thanh niên phường, xã, Cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường phường, xã, Đội dân phòng của các tổ dân phố, khu phố,...
- Nhiệm vụ của Lực lượng tuyên truyền viên:
+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân phường, xã phát tài liệu, tập huấn, hướng dẫn, phân loại CTRSH tại nguồn đến các đối tượng nguồn thải.
+ Ghi nhận những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai phân loại CTRSH tại địa phương và phản hồi kịp thời cho Ủy ban nhân dân phường, xã.
+ Được hưởng mức hỗ trợ cho lực lượng tuyên truyền viên là 200.000 đồng/người/tháng.
d) Củng cố lực lượng thu gom tại nguồn:
-Tổ chức sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn quận, huyện: về thời gian thu gom, phương tiện thu gom.
- Tuyên truyền cụ thể về Chương trình, đảm bảo quyền lợi và lợi ích khi tham gia Chương trình (nếu có phát sinh thêm nhân, các hoạt động thu gom có thay đổi so với trước đây, .để lực lượng rác dân lập hiểu, biết và an tâm tham gia Chương trình.
- Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã làm việc cụ thể với lực lượng thu gom rác dân lập và yêu cầu lực lượng thu gom rác dân lập có cam kết cùng tham gia thực hiện.Trong trường hợp lực lượng thu gom rác dân lập không thực hiện theo quy định mặc dù chính quyền địa phương đã tổ vận động, nhắc nhỡ nhiều lần (03 lần trở lên và có lập biên bản). Khi đó,Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ động sử dụng lực lượng công ích quận, huyện để tổ chức thu gom những tuyến đường lực lượng dân lập không thực hiện. Phối hợp với công an phường, xã, tổ dân phố thông báo người dân, Chủ nguồn thải về việc thay đổi lực lượng thu gom này, đồng thời phối hợp với lực lượng công an quận, huyện kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi phá rối, phá hoại tài sản, đe dọa tính mạng công nhân của lực lượng rác dân lập chống đối.
Trong quá trình thực hiện, Ủy ban nhân dân quận, huyện vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, xây dựng kế hoạch cụ thể bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho lực lượng công ích.
đ) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:
- Kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ thực hiện trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đảm bảo về số lượng, tiêu chuẩn thực hiện; ưu tiên cán bộ cấp phường, xã để có thể tiếp nhận, triển khai Chương trình hiệu quả.
- Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn cho cán bộ tham gia quản lý môi trường tại địa phương từ quận, huyện đến phường, xã.
- Tăng cường trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm từ các nước, các tổ chức quốc tế về triển khai phân loại CTRSH tại nguồn để rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp phù hợp cho việc triển khai Chương trình tại địa phương.
2.2 Xây dựng cơ chế chính sách:
- Ban hành quy định triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có quy định chế tài về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm tăng hiệu quả phân loại của Chương trình. Thời gian thực hiện: tháng 6 năm 2017.
- Điều chỉnh Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2008 về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sang giá dịch vụ theo quy định.
- Ban hành quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Quyết định số 5424/QĐ-UB-QLĐT ngày 15 tháng 10 năm 1998 quy định về tổ chức và hoạt động lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập của Ủy ban nhân dân thành phố).
- Cấp phát nhãn dán trên túi chứa chất thải hữu cơ dễ phân hủy và nhãn dán trên thùng chứa chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại cho hộ dân và ngoài hộ dân trong 6 tháng đầu triển khai Chương trình. Sau đó, hộ dân và ngoài hộ dân tự trang bị.
- Chính sách "An sinh xã hội" cho lực lượng trực tiếp thu gom rác khi tham gia Chương trình theo quy định.
- Chi trả chi phí cho phần nhân công tăng thêm cho người trực tiếp thu gom rác, lực lượng thu gom rác dân lập để đảm bảo tổ chức thu gom riêng biệt chất thải sau phân loại (nếu có).
- Chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom tại nguồn chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH phù hợp theo quy định như: tham gia Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc chính sách hỗ trợ tài chính, cho vay với lãi suất của Quỹ bảo vệ môi trường.
- Chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cùng thực hiện
Chương trình. Tùy theo điều kiện của địa phương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có thể xem xét áp dụng phương thức đấu thầu để thực hiện Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm.
2.3 Tổ chức tuyên truyền vận động:
a) Nội dung thực hiện:
- Tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về phân loại CTRSH tại nguồn; các văn bản chỉ đạo, chủ trương, kế hoạch tổng thể triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn; trách nhiệm và nghĩa vụ của người và chủ nguồn thải về thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức, từng bước hình thành thói quen của người dân, chủ nguồn thải, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
- Xây dựng chương trình giáo dục về môi trường với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi tại các cấp học.
- Kịp thời biểu dương những tổ chức, cá nhân, tổ dân phố, khu phố, khu dân cư thực hiện tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn; nhân rộng những mô hình triển khai hiệu quả và cách làm hay.
b) Hình thức thực hiện:
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung: Báo, đài (đài phát thanh, đài truyền hình); Loa - Trạm truyền thanh tại các địa phương; Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân thành phố, quận, huyện, phường, xã và các Sở ngành như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công Thương, Ban quản lý các Khu công nghiệp - Khu chế xuất, Khu công nghệ cao,..
- Tuyên truyền thông qua các buổi họp tổ dân phố; các buổi nói chuyện tại nhà văn hóa;
- Tổ chức các ngày hội, sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến Chương trình.
- Đưa nội dung phân loại CTRSH tại nguồn vào trong trường học: các giờ giảng trên lớp, các hoạt động ngoại khóa, các hội thi,...
- Tuyên truyền qua các ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp,...
- Vận động sự tham gia cộng đồng trong việc phân loại CTRSH tại nguồn.
Tùy theo tình hình thực tế, Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.
c) Thời gian thực hiện:
- Tuyên truyền thường xuyên liên tục trong năm và những năm tiếp theo.
- Loa - Trạm truyền thanh tại địa phương phải được phát ít nhất 01 lần/tuần để cộng đồng, cá nhân, tổ chức hiểu, biết để thực hiện.
- Đúc kết kinh nghiệm, kết quả triển khai năm 2017, Sở -ban - ngành, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện xác định, điều chỉnh, bổ sung phương thức, tần suất tuyên truyền phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm.
2.4 Tổ chức thu gom, vận chuyển, tiếp nhận xử lý CTRSH sau phân loại:
a) Phân loại chất thải:
- CTRSH được phân loại thành 03 loại, gồm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (hay còn gọi là phế liệu); chất thải còn lại theo danh mục nhóm chất thải do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành, hướng dẫn chung cho 24 quận, huyện để triển khai chương trình.
- Rà soát đối tượng, phạm vi thực hiện Ủy ban nhân dân các quận, huyện xem xét bố trí thêm các thùng rác công cộng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hộ dân thải bỏ rác sinh hoạt phân loại theo quy định.
b) Thiết bị lưu chứa, phương tiện thu gom:
* Túi:
- Màu sắc túi chứa chất thải hữu cơ: sử dụng các màu sáng để chứa chất thải hữu cơ như: màu trắng, màu xanh. Khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện môi trường.
- Màu sắc túi chứa chất thải còn lại, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Không quy định màu sắc túi chứa chất thải còn lại. Khuyến khích Chủ nguồn thải sử dụng các loại túi có thể tái sử dụng nhiều lần.
* Thùng chứa chất thải:
- Không quy định màu sắc thùng chứa, người dân có thể sử dụng các loại thùng để chứa phân loại chất thải.Khuyến khích chủ nguồn thải sử dụng các mẫu thùng chứa chất thải chuyên dùng màu xanh, xám (màu sắc bên ngoài thùng).
- Thùng chứa rác được dán nhãn bên ngoài trên và thân thùng, để phân biệt nhóm chất thải phân loại (nhãn dán theo quy định). Khuyến khích hộ dân và người hộ dân sử dụng thùng màu xanh chứa chất thải hữu cơ, thùng màu xám để chứa chất thải còn lại và chứa trực tiếp chất thải.
* Phương tiện thu gom tại nguồn (xe thu gom tại nguồn):
Loại xe thu gom có dung tích 660 lít bằng nhựa hoặc composite: có thân và đáy thùng kín, có bánh xe để di chuyển bằng tay. Màu sắc và chữ gắn trên thân thùng như sau:
- Thùng chứa chất thải hữu cơ: bên ngoài thùng được sơn màu xanh. Hai bên thân thùng được dán nhãn hoặc sơn dòng chữ "CHẢT THẢI HỮU CƠ". Chữ màu vàng và chiều cao chữ 15cm. Phía trước và sau thùng có dán nhãn phản quang màu vàng hình tam giác đều.
- Thùng chứa chất còn lại: bên ngoài thùng được sơn màu xám. Hai bên thân thùng được dán nhãn hoặc sơn dòng chữ "CHẢT THẢI CÒN LẠI". Chữ màu vàng và chiều cao chữ 15cm. Phía trước và sau thùng có dán nhãn phản quang màu vàng hình tam giác đều.
Loại xe ép rác:tải trọng nhỏ hơn hoặc bằng 05 tấn đối với xe thu gom về trạm trung chuyển và trên 05 tấn trở lên đối với xe thu gom vận chuyển trực tiếp lên nhà máy xử lý chất thải tập trung của thành phố.Quy cách xe ép rác: có máng nạp rác, cẩu - nâng được thùng 660 lít. Thùng xe có thiết kín, có hệ thống thu gom và lưu giữ nước rỉ rác. Có bạt nhựa (tháo lắp được) để che phủ máng nạp rác khi di chuyển. Gắn nhãn dán phản quang màu vàng hình tam giác đều sau đuôi xe.Màu sắc và chữ gắn trên xe:
- Xe thu gom chất thải hữu cơ: Bên ngoài thùng xe được sơn màu xanh. Hai bên thân thùng xe có nhãn dán hoặc sơn dòng chữ "CHẢT THẢI HỮU CƠ". Chữ màu vàng và chiều cao chữ 15cm.
- Xe thu gom chất thải còn lại: Bên ngoài thùng xe được sơn màu xám, hai bên thân thùng xe có nhãn dán hoặc sơn dòng chữ "CHẢT THẢI CÒN LẠI". Chữ màu vàng và chiều cao chữ 15cm.
c) Phương án thu gom:
- Hoàn thành việc nghiên cứu, đưa vào vận hành các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý gắn kết với Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức thu gom riêng Chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại. Trường hợp chưa có phương tiện, thiết bị thu gom cùng lúc 02 loại chất thải; quận, huyện nghiên cứu áp dụng phương án thu gom cách ngày nhằm hạn chế việc tăng kinh phí để tổ chức thu gom tại nguồn. Việc quy định phương tiện thu gom, dấu hiệu nhận biết phương tiện thu gom 02 loại chất thải là chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thống nhất áp dụng trên toàn thành phố.
- Phế liệu trong phân loại CTRSH tại nguồn khuyến khích hộ dân và ngoài hộ dân bán, cho các cá nhân, tổ chức thu gom có chức năng hoặc cho lực lượng thu gom tại nguồn.
- Chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt hàng ngày của hộ dân (hộ gia đình) được tổ chức thu gom như sau: trên địa bàn phường, xã của quận, huyện bố trí ít nhất 01 điểm thu gom, tuy nhiên để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân thải bỏ chất thải nguy hại đúng theo quy định khuyến khích tại mỗi khu phố của phường, xã nên bố trí 01 điểm thu gom; thiết bị để lưu chứa chất thải nguy hại là thùng nhựa có dung tích 240 lít, số lượng thùng bố trí tại điểm thu gom tùy thuộc vào khối lượng, thành phần chất thải nguy hại phát sinh tại địa phương và tuần suất thu gom trong năm. Kinh phí thực hiện từ ngân sách quận, huyện.
- Đối với chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thực hiện phân loại, lưu chứa, chuyển giao theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
* Về phương án thu gom:Tùy điều kiện địa phương, các quận, huyện cân nhắc lựa chọn một trong các phương án thu gom phù hợp để thực hiện đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả:
STT | LOẠI CHẤT THẢI | THỜI GIAN THU GOM |
a. Phương án 1 | ||
1 | Chất thải hữu cơ | Thu gom cùng lúc 02 loại chất thải, thu gom hàng ngày |
2 | Chất thải còn lại | |
b. Phương án 2 | ||
1 | Chất thải hữu cơ | Thu gom hàng ngày |
2 | Chất thải còn lại | Thu gom cách ngày (thứ 3, 5, 7 trong tuần) |
c. Phương án 3 | ||
1 | Chất thải hữu cơ | Thu gom 05 ngày trong tuần (thứ 2, 4, 6, 7, chủ nhật) |
2 | Chất thải còn lại | Thu gom 02 ngày trong tuần (thứ 3 và thứ 5). |
Lưu ý:
- Đối với phương án 3 tùy theo số lượng từng loại CTRSH phát sinh thực tiễn tại địa phương, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện có thể điều chỉnh tăng, giảm số ngày thu gom chất thải hữu cơ và chất thải còn lại cho phù hợp.
- Trong quá trình thực hiện Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện tổ chức đánh giá bất cập, hiệu quả của phương án thu gom đã thực hiện, Từ đó, chủ động điều chỉnh phương án thu gom cho phù hợp với thực tế.
- Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện chịu trách nhiệm về hiệu quả tổ chức thu gom CTRSH sau khi phân loại tại địa phương.
d) Thời gian, địa điểm thu gom:
- Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo thông báo thường xuyên về thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại đến hộ dân và ngoài hộ dân trong phạm vi triển khai phân loại để biết và chuyển giao chất thải đúng theo quy định.
- Tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác trên địa bàn quận, huyện, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao sắp xếp, bố trí khu vực tiếp nhận, lưu chứa riêng biệt chất thải hữu cơ dễ phân hủy và chất thải còn lại sau khi phân loại để vận chuyển đến các Khu xử lý.
đ) Phương án vận chuyển:
- Tại trạm trung chuyển, chất thải rắn sinh hoạt từ chương trình phân loại CTRSH tại nguồn được tiếp nhận và lưu giữ riêng theo từng loại chất thải với trang thiết bị có đặc điểm kỹ thuật phù hợp với chất thải cần lưu giữ.
Năm 2017, trước mắt giữ nguyên hiện trạng phương tiện vận chuyển CTRSH như hiện nay cho đến khi thành phố ban hành mẫu phương tiện thu gom, vận chuyển áp dụng trên địa bàn thành phố.
- Màu sắc và chữ gắn trên xe:
+ Xe thu gom chất thải hữu cơ: Bên ngoài thùng xe được sơn màu xanh. Hai bên thùng xe có nhãn dán hoặc sơn dòng chữ"CHẤT THẢI HỮU CƠ". Chữ màu vàng và chiều cao chữ 15 cm.
+ Xe thu gom chất thải còn lại: Bên ngoài thùng xe được sơn màu xám. Hai bên thùng xe có nhãn dán hoặc sơn dòng chữ "CHẤT THẢI CÒN LẠI". Chữ màu vàng và chiều cao chữ 15 cm.
- Màu sắc và chữ gắn trên container (áp dụng cho công nghệ hooklift):
+ Container chứa chất thải hữu cơ: Bên ngoài thùng được sơn màu xanh, hai bên thân thùng có dán nhãn hoặc sơn dòng chữ "CHẤT THẢI HỮU CƠ". Chữ màu vàng có chiều cao 15cm.
+ Container chứa chất thải còn lại: Bên ngoài thùng được sơn màu xám, hai bên thân thùng có dán nhãn hoặc sơn dòng chữ "CHẤT THẢI CÒN LẠI". Chữ màu vàng có chiều cao 15cm.
e) Tiếp nhận xử lý CTRSH sau phân loại:
- Chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được vận chuyển đến 02 Khu Liên hợp xử lý chất thải của thành phố, gồm: Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi và Khu Liên hợp nghĩa trang - Đa Phước, huyện Bình Chánh. Việc phân bổ khối lượng CTRSH sau khi phân loại cho các Công ty xử lý như: Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa theo điều phối của Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Các Công ty xử lý phải đảm bảo tiếp nhận, xử lý riêng các nhóm CTRSH sau khi phân loại theo công nghệ xử lý đã cam kết với thành phố.
V. Phân công nhiệm vụ
1. Trưởng Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc Chương trình cấp thành phố:
a) Trưởng Ban chỉ đạo:
- Chủ trì họp định kỳ 03 tháng/lần để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của quận, huyện về tổ chức thực hiện phân loại.
- Phân công từng thành viên chịu trách nhiệm giám sát từng quận, huyện về tiến độ, hiệu quả chương trình.
b) Tổ giúp việc:
- Tổng hợp các vấn đề khó khăn, vướng mắc và tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo để giải quyết.
- Tham gia kiểm tra, giám sát quá trình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn quận, huyện.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Là cơ quan thường trực, điều phối hoạt động chung của kế hoạch này; theo dõi tiến độ, khó khăn, bất cập của địa phương; tổng hợp và báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời xem xét, giải quyết.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Chương trình cấp thành phố và quy chế tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc.
- Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành và cung cấp nội dung tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn đến Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện để tổ chức tuyên truyền rộng rãi.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị truyền thông xây dựng Kế hoạch phổ biến, tuyên truyền các nội dung liên quan để thực hiện chương trình trên toàn địa bàn thành phố với kinh phí được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt hàng năm.
- Ban hành khung hướng dẫn cho các quận, huyện để lập dự toán kinh phí triển khai phân loại CTRSH tại nguồn; hướng dẫn kiểm tra, giám sát chương trình phân loại CTRSH tại nguồn; phối hợp với Sở Tài chính góp ý chuyên ngành về nội dung Đề án phân loại CTRSH tại nguồn của các quận-huyện (nếu có).
- Rà soát các quy định hiện hành, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Bộ, ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung các quy định còn thiếu để triển khai thực hiện phân loại VTRSH tại nguồn; Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định phân loại CTRSH; quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; điều chỉnh Quyết định 88/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2008 về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sang giá dịch vụ theo quy định.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố sử dụng phương tiện thu gom, vận chuyển phù hợp để tổ chức thu gom, vận chuyển CTRSH tại nguồn sau khi phân loại và hướng dẫn quận, huyện về kỹ thuật phân loại, lưu giữ, vận chuyển CTRSH sau khi phân loại.
- Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom tại nguồn về chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH phù hợp theo quy định từ Chương trình hỗ trợ tài chính, cho vay với lãi suất của Quỹ bảo vệ môi trường; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ có liên quan.
- Chủ trì, làm việc với các đơn vị xử lý chất thải tại các Khu Liên hợp xử lý chất thải của thành phố để xác định rõ trách nhiệm và phối hợp thực hiện Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn của thành phố.
- Tiếp tục thực hiện trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm từ các nước, các tổ chức quốc tế về triển khai phân loại CTRSH tại nguồn để rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp phù hợp cho việc triển khai Chương trình tại địa phương.
- Hỗ trợ báo cáo viên khi quận, huyện, Sở ban ngành có yêu cầu; hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện về xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển đối CTRSH sau khi phân loại.
- Hàng năm xây dựng Kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn quận, huyện.
3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
a) Xây dựng kế hoạch, đề án triển khai phân loại CTRSH tại nguồn:
- Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng hệ thống thu gom tại nguồn; xác định điểm hẹn, tuyến thu gom; phương tiện của lực lượng thu gom rác dân lập theo quy cách của Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn; xây dựng kế hoạch, lộ trình, phương án thực hiện; lấy ý kiến đóng góp của các hộ dân; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế tại địa phương.
- Xây dựng phương án, dự toán kinh phí triển khai phân loại CTRSH tại nguồn năm 2017 gửi Sở Tài chính và Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2017.
- Khẩn trương hoàn tất việc thành lập lực lượng tuyên truyền viên tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn đến người dân, hộ dân và ngoài hộ dân trên địa bàn quận, huyện; đảm bảo người dân, hộ dân vào ngoài hộ dân biết và được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến Chương trình.
Thời gian thực hiện: từ tháng 4 năm 2017 đến tháng 5 năm 2017.
- Phê duyệt Đề án tổng thể triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên toàn địa bàn quận, huyện giai đoạn 2017 - 2020 và gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp góp ý (nếu có).
Thời gian thực hiện: từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 7 năm 2017.
b) Triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn:
- Đến tháng 6 năm 2017: Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện đồng loạt triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo mục tiêu đã nêu trong năm 2017 của kế hoạch này.
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện lập hệ thống thu gom, vận chuyển đảm bảo thu gom riêng 02 loại chất thải sau phân loại. Yêu cầu các Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận, huyện cân đối các phương tiện vận chuyển hiện có hoặc đầu tư thêm để đảm bảo vận chuyển riêng 02 loại chất thải sau khi phân loại đến các Khu xử lý theo điều phối của Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Quản lý tốt lực lượng thu gom dân lập trên địa bàn quận, huyện; vận động, kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của lực lượng thu gom dân lập đối với các quy định về thu gom CTRSH sau khi phân loại; phổ biến đến lực lượng thu gom này phối hợp cùng chính quyền địa phương ghi nhận, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện phân loại chất thải rắn của các chủ nguồn thải.
- Có biện pháp chế tài lực lượng thu gom rác dân lập đảm bảo sử dụng các phương tiện thu gom theo quy định chung để tổ chức thu gom CTRSH sau khi phân.
Kiên quyết xử lý lực lượng dân lập không đáp ứng thời gian thu gom, phương tiện thu gom theo quy định của chương trình. Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân quận, huyện yêu cầu lực lượng công ích thay thế lực lượng rác dân lập để tổ chức thu gom chất thải sau phân loại của chương trình.
c) Giải quyết các vấn đề phát sinh:
- Xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn quận, huyện.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hàng ngày: thông qua lực lượng thu gom rác sinh hoạt tại địa phương (công ích, dân lập); ghi nhận, phản ánh kết quả phân loại tại hộ gia đình, chủ nguồn thải cho tổ dân phố 01 tuần/lần.
- Chịu trách nhiệm về hiệu quả phân loại, lộ trình mở rộng phạm vi thực hiện, đảm bảo đến năm 2020 triển khai phân loại CTRSH cho toàn địa bàn quận, huyện; định kỳ 03 tháng/lần báo cáo tình hình triển khai, kết quả phân loại tại địa phương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
4. Sở Tài chính:
Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trên toàn địa bàn thành phố.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, phê duyệt đề án, dự toán kinh phí thực hiện của Ủy ban nhân dân quận, huyện.
Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí kịp thời cho từng quận, huyện để thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt; khi nhận được đề án, dự toán kinh phí thực hiện từ quận, huyện, Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định ngay (không đợi các quận, huyện còn lại). Tránh trường hợp 01 (một) quận hoặc 01 (một) huyện thực hiện chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến các quận, huyện còn lại.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan báo chí, đài truyền thanh-truyền hình:
Hàng năm xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn toàn thành phố.
Các cơ quan báo chí, Đài truyền thanh - truyền hình thành phố tăng cường chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng thông tin các vấn đề liên quan đến công tác phân loại CTRSH tại nguồn để hình thành nhận thức, thói quen phân loại CTRSH tại nguồn trong tổ chức, cơ quan, trường học, hộ gia đình, cá nhân, các khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tin bài về công tác bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn thành phố, ít nhất 01 bài/quý.
Kịp thời phản ánh, tuyên truyền các mô hình, điển hình, tổ chức, cá nhân, tổ dân phố, khu phố, khu dân cư thực hiện tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn; nhân rộng những mô hình triển khai hiệu quả và cách làm hay.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện:lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường, phân loại CTRSH tại nguồn vào các hoạt động giáo dục và truyền thông tại các cấp học.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ về "An sinh xã hội" cho lực lượng thu gom tại nguồn theo đúng quy định hiện hành.
8. Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện tham mưu kiện toàn, bổ sung đội ngũ cán bộ thực hiện trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đảm bảo về số lượng, tiêu chuẩn thực hiện; ưu tiên cán bộ cấp phường, xã để có thể tiếp nhận, triển khai Chương trình hiệu quả.
Phối hợp với Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn cho cán bộ tham gia quản lý môi trường tại địa phương từ quận, huyện đến phường, xã.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện và các Sở, ban, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom tại nguồn được tham gia vào Chương trình kích cầu đầu tư Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố.
10. Các Sở, ngành có liên quan:
Các Sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về các nội dung có liên quan đến Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình;phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai phân loại trong phạm vi quản lý.
11. Công an thành phố:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện: tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không chấp hành việc phân loại CTRSH tại nguồn và không chuyển giao cho các đơn vị có chức năng theo thẩm quyền.
12. Ban quản lý các Khu (Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao):
Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn của các chủ nguồn thải trong khu thuộc phạm vi quản lý; Kiểm tra, đánh giá kết quả phân loại CTRSH tại nguồn tại các chủ nguồn thải.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền, phát động các chủ nguồn thải trong khu thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo Kế hoạch. Các chủ nguồn thải trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao phải được triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trong năm 2017, chậm nhất đến tháng 6 năm 2017 hoàn tất việc triển khai phân loại.
Xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trong Khu.
Hàng năm kiểm tra, đánh giá kết quả phân loại CTRSH tại nguồn tại các chủ nguồn thải trong Khu; ghi nhận và đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các chủ nguồn thải không thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của thành phố tại Khoản 4, Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ.
- Hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai, phân loại CTRSH tại nguồn trong Khu gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
13. Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận, huyện, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa:
- Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ công ích quận, huyện, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện sắp xếp bố trí phương tiện đảm bảo thu gom, vận chuyển riêng 02 loại chất thải sau khi phân loại đến các khu vực/nhà máy xử lý theo quy định.
- Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa phải đảm bảo tiếp nhận, xử lý riêng các nhóm CTRSH sau khi phân loại theo công nghệ xử lý đã cam kết với thành phố.
14. Tổ chức chính trị - xã hội:
Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Câu lạc bộ hưu trí, . . .) hỗ trợ Ủy ban nhân dân quận, huyện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại.
VI. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các Sở, ngành, các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương để triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo Kế hoạch này, đảm bảo đạt yêu cầu đột phá, tạo chuyển biến rõ rệt ngay trong năm 2017; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết và gửi báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc cần thiết bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch này, các Sở ngành, địa phương chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định./.
- 1 Kế hoạch 151/KH-UBND triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn mở rộng năm 2019 do tỉnh Lào Cai ban hành
- 2 Quyết định 12/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu
- 5 Luật bảo vệ môi trường 2014
- 6 Quyết định 595/2013/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020
- 1 Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2010 về chấn chỉnh công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
- 2 Quyết định 595/2013/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020
- 3 Quyết định 12/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 4 Kế hoạch 151/KH-UBND triển khai Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn mở rộng năm 2019 do tỉnh Lào Cai ban hành
- 5 Kế hoạch 127/KH-UBND năm 2021 về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng