BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1839/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2020 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
Theo đề nghị của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk họp ngày 07/9/2020;
Xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã được chỉnh sửa, bổ sung gửi kèm Công văn số 826/BQLDAGTNN-KTTĐ ngày 15/9/2020 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi là Dự án) của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi là Chủ dự án) thực hiện tại tỉnh Đắk Lắk với các nội dung chính tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm:
1. Niêm yết công khai quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện nghiêm túc nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại
Điều 3. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án.
Vụ Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra sự tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với dự án theo quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ; Vụ trưởng Vụ Môi trường; Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
CÁC NỘI DUNG YÊU CẦU VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐOẠN TRÁNH PHÍA ĐÔNG THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐẮK LẮK
(Kèm theo Quyết định số 1839/QĐ-BGTVT ngày 25/9/2020 của Bộ GTVT)
1.1. Thông tin chung
a) Tên dự án
Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
b) Chủ dự án
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.
Địa chỉ liên hệ: Số 25 đường Ngô Quyền, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Điện thoại: 02623.854.357; Fax: 02623.856.381
c) Địa điểm thực hiện
Xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar; xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc; xã Ea Ktur và xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin; xã Ea Kao, xã Hòa Khánh và xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
1.2. Phạm vi, quy mô thực hiện; các hạng mục công trình
a) Công trình đường
- Tuyến chính đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk:
+ Điểm đầu: Km0+000 thuộc địa phận xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk (ngã ba giao giữa QL14 và đường nối QL14 - QL26).
+ Điểm cuối: Km39+606,77 thuộc địa phận xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (ngã ba giao giữa QL14 và đường liên xã Hòa Khánh - Hòa Xuân - Ea Nuôl).
+ Quy mô: Đường cấp III đồng bằng tiêu chuẩn TCVN 4054:2005; tổng chiều dài 39,07km; 2 làn xe; vận tốc thiết kế Vtk = 80km/h; bề rộng nền đường Bnền = 12,0 m (trong đó: bề rộng mặt đường xe chạy Bmặt = 2 x 3,5 m = 7,0 m, bề rộng lề gia cố Blgc = 2 x 2,0 m = 4,0 m, bề rộng lề đất Blề = 2 x 0,5m = 1,0m).
- 06 nút giao bằng, bao gồm: nút giao đầu tuyến Km0 với QL14; nút giao với QL26 tại Km8+100; nút giao QL27 tại Km 17+772,27; nút giao với đường vào hồ Ea Kao tại Km27+256,71; nút giao với đường tỉnh 698 tại Km34+210,19; nút giao cuối tuyến với QL14 tại Km39+606,77.
- 08 hầm chui dân sinh khẩu độ 5,0 x 3,5 (m) và 6,5 x 4,5(m) tại: Km3+795,00; Km12+100,00; Km16+310,00; Km18+790,00; Km21+923,77; Km25+056,41; Km28+997,03; Km31+100,00.
- Đường hoàn trả và kết nối dân sinh: Đường giao thông nông thôn loại B theo tiêu chuẩn TCVN 10380:2014; tổng số 13 đoạn, dài khoảng 9,75 km; bề rộng nền đường Bnền = 5,0 m; bề rộng mặt đường Bmặt = 3,5 m; bề rộng lề đất Blề = 2 x 0,75 m = 1,5 m.
b) Công trình cầu
06 cầu vĩnh cửu bằng BTCT thường và BTCT dự ứng lực thiết kế theo các tiêu chuẩn TCVN 11823-1:2017 đến TCVN 11823-14:2017, trong đó:
+ 05 cầu vượt dòng chảy với bề rộng cầu 12,0 m, bao gồm: cầu Ea Tiêu 1 tại Km22+550 dài 33,1 m; cầu Ea Tiêu 2 tại Km23+115,57 dài 44,1 m; cầu Ea Kao 1 tại Km26+641,99 dài 63,15 m; cầu Ea Kao 2 tại Km28+131,79 dài 77,15 m; cầu Hòa Khánh tại Km35+423,5 dài 41,1 m.
+ 01 cầu vượt đường liên thôn tại Km14+622,36, dài 55,8 m, bề rộng cầu 7,5 m.
c) Công trình phụ trợ
- Công trình thoát nước:
+ Thoát nước ngang: Thiết kế cống theo TCVN 9113:2012 đối với cống tròn và TCVN 9116:2012 đối với cống hộp, bảo đảm tần suất thủy văn tính toán, phù hợp với hệ thống thủy lợi của địa phương và bề rộng nền đường.
+ Thoát nước dọc: Thiết kế rãnh dọc, rãnh cơ, rãnh đỉnh, bậc nước để thoát nước mặt đường, mái dốc ta luy; rãnh được gia cố bằng tấm bê tông lắp ghép và đổ tại chỗ.
Mương dẫn, cửa xả: Tại hạ lưu các cống có ảnh hưởng đến phạm vi nhà dân, vườn trồng cây,... thiết kế hệ thống mương dẫn dòng để dẫn nước đến các sông suối tự nhiên; khẩu độ phù hợp với lưu lượng tính toán thủy văn.
- An toàn giao thông: Hệ thống biển báo, vạch sơn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN41:2019/BGTVT trên toàn bộ chiều dài tuyến; chiếu sáng tại các vị trí nút giao; bố trí hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại vị trí nút giao với đường vào hồ Ea Kao (Km27+256,71) và nút giao với đường tỉnh 698 (Km34+210,19).
d) Giải phóng mặt bằng
Phạm vi GPMB được cắm tính từ mép ngoài công trình (mép chân ta luy đường đắp, mép đỉnh ta luy đường đào hoặc mép ngoài công trình khác thuộc đường) là 2,0 m, riêng đối với đường hoàn trả, đường kết nối dân sinh là 1,0m.
Dự án chiếm dụng vĩnh viễn khoảng 119,29 ha đất với chủ yếu là đất trồng cây công nghiệp (trồng cây lâu năm) 96,72ha; đất thổ cư 5,4ha; đất lúa 5,02ha; đất trồng cây hàng năm khác 5,43ha; đất giao thông 3,7ha; đất ao mương 3,03ha.
đ) Bãi chứa đất đá thải loại
07 bãi chứa đất đá loại đã có văn bản xác nhận của UBND cấp xã hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan; khả năng tiếp nhận 939.500 m3, tại: xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’ga (01 bãi); xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk (02 bãi); xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (01 bãi); xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuật (03 bãi).
1.3. Biện pháp thi công chính
a) Biện pháp thi công đối với công trình đường
- Chuẩn bị mặt bằng công trường: Phát quang, chuẩn bị mặt bằng thi công; san ủi mặt bằng công trường; thi công nhà công vụ, nhà ở công nhân, nhà điều hành, kho bãi lán trại.
- Thi công nền đường:
+ Nền đường đào: Lên ga, cắm cọc theo mặt cắt ngang thiết kế, phát cây dọn mặt bằng thi công và tiến hành đào đến cao độ thiết kế;
+ Nền đường đắp: Phát cây, dãy cỏ, vét lớp hữu cơ, xử lý nền đất yếu,... Tiến hành đắp từng lớp và lu lèn theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Tất cả các vật liệu đất, đá thải loại được vận chuyển đi đổ thải tại bãi thải.
- Thi công lớp móng, mặt đường: Thi công lớp móng cấp phối đá dăm theo quy trình thi công và nghiệm thu TCVN 8859:2011. Thi công lớp mặt đường bê tông nhựa tuân thủ quy trình thi công và nghiệm thu TCVN 8819:2011. Trong quá trình thi công cân phải bảo đảm an toàn giao thông, không để tai nạn xảy ra.
- Thi công cống, hầm chui dân sinh: Định vị tim cống, hầm chui; đào hố móng, đổ bê tông móng tại chỗ; lắp dựng ống cống, đà giáo, ván khuôn, cốt thép đổ bê tông các bộ phận còn lại của cống, hầm chui dân sinh.
- Thi công nút giao: cắm cọc tim tuyến, tổ chức lại giao thông, phát cây, dãy cỏ, vét lớp hữu cơ,... Tiến hành đắp từng lớp và lu lèn theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đất, đá thải loại được vận chuyển đi đổ tại bãi chứa đất đá loại.
b) Biện pháp thi công đối với công trình cầu
- Chuẩn bị mặt bằng công trường: Phát quang, chuẩn bị mặt bằng thi công; san ủi mặt bằng công trường; thi công nhà công vụ, nhà ở công nhân, nhà điều hành, kho bãi lán trại; thi công bãi gia công vật liệu.
- Thi công mố, trụ: Định vị tim mố trụ, tim cọc; thi công cọc khoan nhồi (hoặc đào trần hố móng); đào hố móng, đổ bê tông bệ móng mo, trụ tại chỗ; lắp dựng đà giáo, ván khuôn, cốt thép đổ bê tông các bộ phận còn lại của mố, trụ.
- Thi công kết cấu nhịp: Dầm được đúc trên nền đường đầu cầu và lao kéo dọc vào vị trí trên dầm dẫn hoặc lao kéo bằng xe lao chuyên dụng; thi công dầm ngang, mối nối dọc đổ bê tông tại chỗ; đổ bê tông lan can, lớp mặt cầu, hoàn thiện cầu; thanh thải mặt bằng công trường, bàn giao cầu đưa vào sử dụng.
2. Các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh từ dự án
2.1. Các tác động môi trường chính của dự án
TT | Giai đoạn của dự án | Các tác động môi trường chính |
1 | Thi công | Việc chiếm dụng đất gây ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống của các hộ dân bị ảnh hưởng; hoạt động phá dỡ nhà cửa, công trình hạ tầng, ...khu vực dự án tạo mặt bằng thi công phát sinh bụi, khí thải, chất thải rắn thông thường và nguy cơ sự cố tai nạn lao động, tai nạn giao thông đường bộ, sự cố bom mìn, ... Hoạt động thi công đường, cầu, nút giao, hầm chui, đường gom dân sinh, hoạt động thi công các hạng mục công trình phụ trợ trên tuyến và hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, đất, phế thải gây phát sinh bụi, khí thải, nước thải sinh hoạt, nước thải thi công xây dựng, rác thải sinh hoạt, chất thải rắn thông thường (đất thải, phế thải thi công), chất thải nguy hại, rung chấn, tiếng ồn; ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ, hoạt động nông nghiệp, hoạt động giao thông đường bộ và tiềm ẩn nguy cơ sự cố tai nạn lao động, ngập úng, gián đoạn nguồn nước tưới, tai nạn giao thông đường bộ, cháy nổ, nút công trình dân dụng. |
2 | Vận hành | Hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông phát sinh bụi, khí thải và tiếng ồn, rung chấn và nguy cơ sự cố an toàn giao thông, sụt lún công trình. |
2.2. Quy mô, tính chất của nước thải
a) Nước thải sinh hoạt
Nước thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực lán trại trong 06 công trường thi công với tổng lượng khoảng 18 m3/ngày (3 m3/ngày/công trường). Thành phần của nước thải sinh hoạt chủ yếu là các chất cặn bã, các chất lơ lửng (SS), các hợp chất hữu cơ (BOD/COD) và các chất dinh dưỡng (N, P), vi sinh,...
b) Nước thải xây dựng
Hoạt động đúc cấu kiện bê tông và rửa phương tiện, thiết bị tại công trường thi công phát sinh nước thải xây dựng với khối lượng khoảng 03 m3/ngàyđêm. Thành phần chủ yếu là chất rắn lơ lửng, dầu mỡ, đất, cát.
2.3. Quy mô, tính chất của bụi, khí thải
- Bụi, khí thải phát sinh chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị và thi công của dự án từ hoạt động chuẩn bị mặt bằng, thi công đường, nút giao, đường gom, hầm chui, cầu, các hạng mục công trình phụ trợ trên tuyến và hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, đất, phế thải với khối lượng khoảng 161,3 kg/ngày. Thành phần chủ yếu gồm: bụi, CO, NOx, SO2, VOCs,...
- Trong giai đoạn vận hành, hoạt động dòng xe trên đường phát sinh bụi, khí thải từ phương tiện giao thông và bụi cuốn từ đường. Thành phần chủ yếu gồm: bụi, CO, NOx, SO2, VOCs,...
2.4. Quy mô, tính chất của chất thải rắn thông thường và chất thải sinh hoạt
- Hoạt động phát quang, dọn dẹp mặt bằng phát sinh khối lượng sinh khối khoảng 45.723 m3. Thành phần chủ yếu gồm: chất thải thực bì, cây cỏ, đất cát bám theo rễ cây.
- Hoạt động phá dỡ nhà cửa, các công trình hạ tầng phục vụ thi công phát sinh phế thải với khối lượng khoảng 7.580 m3. Thành phần chủ yếu gồm: đất đá, gạch ngói, bê tông, phế liệu.
- Hoạt động đào, đắp, thi công các hạng mục đường, nút giao, hầm chui, đường gom, cầu và các công trình phụ trợ phát sinh bao bì, sắt, thép, gỗ,... với tổng khối lượng khoảng 450 kg/ngày và đất thải, đất lẫn bentonite với tổng khối lượng khoảng 182.478 m3.
- Hoạt động của cán bộ, công nhân viên dự án tại 06 công trường thi công phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng khoảng 90 kg/ngày (15 kg/công trường). Thành phần chủ yếu gồm: bao bì giấy, vỏ chai lọ, hộp đựng thức ăn, thức ăn thừa.
- Về cơ bản không phát sinh trong giai đoạn vận hành.
2.5. Quy mô, tính chất của chất thải nguy hại
- Hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa, thay dầu đối với phương tiện thi công phát sinh chất thải nguy hại với khối lượng khoảng 25 kg/tháng. Thành phần chủ yếu là dầu mỡ thải, giẻ lau có dính dầu, bóng đèn huỳnh quang, ắc quy, pin, hộp mực in thải.
- Không phát sinh trong giai đoạn vận hành.
3. Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án
3.1. Về thu gom và xử lý nước thải
a) Nước thải sinh hoạt
- Giai đoạn thi công:
+ Bố trí khu nhà vệ sinh với bể tự hoại (thể tích 03 m3) tại mỗi công trường thi công; hợp đồng với đơn vị có chức năng hút, vận chuyển, xử lý khi đầy bể tự hoại.
+ Nước thải từ quá trình tắm giặt, rửa tay, ăn uống: thu gom, lọc tách rác, lắng tại hố cát (thể tích 3 m3) trước khi xả vào nguồn tiếp nhận; rác sau khi tách phải được thu gom, lưu giữ, xử lý theo yêu cầu tại mục 3.3 Phụ lục này.
+ Quy định cán bộ, công nhân tham gia thi công không phóng uế bừa bãi, không thải trực tiếp nước thải ra môi trường xung quanh.
- Giai đoạn vận hành: Không phát sinh.
b) Nước thải xây dựng
- Giai đoạn thi công:
Xây dựng hệ thống cầu rửa, rãnh để thu gom toàn bộ nước thải từ hoạt động đúc cấu kiện bê tông và rửa phương tiện, thiết bị thi công tại mỗi công trường thi công vào 01 bể lắng (dung tích 3 m3, cấu tạo gồm 3 ngăn).
Nước sau khi lắng tại bể lắng được sử dụng để phun làm ẩm vật liệu đất thải khi vận chuyển và tưới nước dập bụi trên công trường thi công; váng dầu được thu gom, lưu trữ, hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý cùng với chất thải nguy hại theo yêu cầu tại mục 3.4 Phụ lục này; đất, cát, cặn tại bể lắng được thu gom và vận chuyển đến vị trí đổ thải phế thải xây dựng.
- Giai đoạn vận hành: Không phát sinh.
3.2. Về xử lý bụi, khí thải
- Giai đoạn thi công:
+ Lập rào chắn bằng bạt xung quanh khu vực bãi chứa đất tạm có thể tích lớn hơn 20 m3; che chắn bằng bạt lưới đoạn qua khu trồng cây công nghiệp.
+ Phương tiện và xe, máy sử dụng trong thi công đúng số lượng, chủng loại, công suất được duyệt và được kiểm tra, chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
+ Phương tiện vận chuyển chở đúng trọng tải quy định; che phủ bạt đối với tất cả các phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, đất thải, phế thải.
+ Phun nước giảm bụi trên công trường; rửa tất cả các xe vận chuyển trước khi ra khỏi công trường.
+ Thường xuyên thu dọn đất, cát, vật liệu rơi vãi trên các tuyến đường khu vực tiếp cận công trường thi công tại các vị trí giao cắt với QL14, QL26, QL27, TL2 và đường vào hồ Ea Kao.
- Giai đoạn vận hành:
+ Định kỳ duy tu, bảo dưỡng mặt đường nhằm hạn chế tối đa lớp bê tông bị lão hóa; phun nước làm ẩm khu vực bảo dưỡng trước khi tiến hành duy tu, bảo dưỡng.
+ Lắp đặt biển báo hướng dẫn giao thông, quy định tốc độ xe tham gia giao thông tương ứng với cấp đường thiết kế phần tuyến tại các đoạn phù hợp.
3.3. Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, quản lý, xử lý chất thải rắn thông thường
- Giai đoạn thi công:
+ Thu gom toàn bộ khối lượng chất thải thực bì, cây cỏ phát sinh từ hoạt động dọn dẹp mặt bằng khoảng 45.723 m3; đất đá, gạch ngói, bê tông từ hoạt động phá dỡ nhà cửa, các công trình không thể tận dụng khoảng 7.580 m3 và 182.478 m3 đất, đất lẫn bentonite phát sinh từ hoạt động thi công các hạng mục công trình được vận chuyển, đổ tại bãi chứa đất đá loại được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương chấp thuận.
+ Bố trí 02 thùng rác loại 240 lít bằng nhựa, màu xanh, có nắp đậy tại mỗi công trường thi công; lưu giữ tạm thời chất thải sinh hoạt tại công trường và thực hiện chuyển giao, lập biên bản bàn giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng trên địa bàn thi công để thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp với quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.
+ Quy định cán bộ, công nhân tham gia thi công có trách nhiệm bỏ chất thải rắn sinh hoạt vào thùng rác trên công trường; không thải chất thải rắn sinh hoạt ra môi trường xung quanh.
- Giai đoạn vận hành: Không có.
3.4. Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, quản lý, xử lý chất thải nguy hại
- Giai đoạn thi công:
+ Bố trí 02 thùng chứa chuyên dụng loại 200 lít, màu đen hoặc màu vàng, có nắp đậy kín; dán nhãn cảnh báo tiêu chuẩn theo quy định và bố trí thùng chứa tại vị trí có mái che.
+ Quy định cán bộ, công nhân tham gia thi công có trách nhiệm lưu giữ chất thải nguy hại trong thùng chứa; không thải chất thải nguy hại ra môi trường xung quanh.
+ Lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại và thực hiện chuyển giao, lập chứng từ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với tổ chức có chức năng theo đúng quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Thông tư 36/2015/TT-BTNMT.
- Giai đoạn vận hành: Không có.
3.5. Công trình, biện pháp lưu giữ, quản lý, xử lý chất thải khác
Không có.
3.6. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của tiếng ồn, độ rung và ô nhiễm khác
a) Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm của tiếng ồn
Sử dụng các thiết bị thi công đạt tiêu chuẩn, đã được đăng kiểm theo quy định; không sử dụng cùng một thời điểm nhiều thiết bị phát sinh tiếng ồn lớn; các thiết bị thi công được lắp thiết bị giảm thanh và được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thường xuyên.
b) Biện pháp giảm thiểu độ rung
Các phương tiện vận chuyển không chở quá tải trọng; sử dụng các thiết bị có mức rung nguồn thấp; ghi nhận hiện trạng các công trình trước khi thi công.
c) Biện pháp giảm thiểu tác động của nước mưa chảy tràn
Hạn chế thi công vào mùa mưa lũ; đào rãnh dọc, hố gom (khoảng cách 10 m/hố, dung tích 1 m3), cửa xả để thu gom, lắng đọng bùn, đất trước khi xả nước mưa chảy tràn dọc tuyến thi công dự án ra môi trường; đảm bảo lưu thông dòng chảy, không gây ngập úng cục bộ.
3.7. Nội dung cải tạo, phục hồi môi trường
Không có.
3.8. Công trình, biện pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường
- Thực hiện công tác rà phá bom mìn tồn lưu trong toàn bộ khu vực dự án trước khi triển khai thi công xây dựng.
- Xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố cháy, nổ, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Hoạt động nổ mìn tuân thủ QCVN 01:2019/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, nghiệm thu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và bảo quản tiền chất thuốc nổ.
- Cắm các biển hiệu, biển cảnh báo giao thông tại các vị trí nút giao, vị trí thi công và các vị trí có nguy cơ tai nạn; bố trí người điều tiết, cảnh báo, phân luồng giao thông đường bộ.
- Thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật đảm bảo phòng ngừa, ứng phó sự cố sụt lún, sạt lở các hạng mục công trình và tại các vị trí đổ thải.
3.9. Các biện pháp bảo vệ môi trường khác
a) Biện pháp giảm thiểu tác động của việc chiếm dụng đất
Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; đền bù đất và hoa màu theo đơn giá vào thời điểm kiểm đếm chi tiết; đảm bảo đủ và kịp thời ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư; thực hiện các biện pháp hỗ trợ ổn định sản xuất và hỗ trợ đào tạo nghề đề xuất trong phương án bồi dưỡng hỗ trợ và tái định cư.
b) Biện pháp giảm thiểu tác động đến kinh tế - xã hội
- Ưu tiên sử dụng lao động địa phương; tuyên truyền nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân viên; phối hợp với cơ quan chức năng, đảm bảo an ninh trật tự; di dời các hệ thống cơ sở hạ tầng (cột điện, cột thông tin và mương tưới tiêu cũ) trước khi thực hiện thi công.
- Trong thời gian xây dựng hạ tầng kỹ thuật thay thế, duy trì sử dụng các công trình điện, thông tin, mương tưới tiêu cũ để đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
4. Danh mục công trình bảo vệ môi trường chính của dự án
Dự án không có công trình bảo vệ môi trường thuộc đối tượng phải được kiểm tra trước khi cho phép vận hành thử nghiệm và xác nhận hoàn thành để đi vào vận hành theo quy định.
5. Chương trình quản lý và giám sát môi trường của Chủ dự án
5.1. Chương trình quản lý môi trường của Chủ dự án
Chủ dự án thực hiện công tác bảo vệ môi trường của dự án thông qua:
a) Quy định trách nhiệm của nhà thầu thi công tuân thủ thực hiện các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường nêu tại mục 3 Phụ lục này trong hợp đồng thi công dự án.
b) Thuê tổ chức tư vấn độc lập hoặc chuyên gia môi trường giám sát, đôn đốc nhà thầu thi công thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong suốt thời gian thi công dự án.
c) Thuê tổ chức quan trắc môi trường độc lập định kỳ thực hiện quan trắc, lấy mẫu và phân tích trong phòng thí nghiệm các chỉ tiêu chất lượng môi trường liên quan trong suốt thời gian thi công dự án.
d) Tổ chức bộ máy chuyên trách hướng dẫn, phổ biến công tác bảo vệ môi trường của dự án tới toàn bộ cán bộ, công nhân tham gia thi công; hàng tuần kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ môi trường của nhà thầu thi công và lập, lưu trữ biên bản đánh giá theo quy định của Thông tư số 32/2015/TT-BGTVT.
Chi tiết chương trình quản lý môi trường của Chủ dự án tại mục 5.1 Chương 5 Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được duyệt.
5.2. Chương trình giám sát môi trường của Chủ dự án
a) Giám sát môi trường không khí
- Vị trí giám sát: Trường mầm non Hoa PơLang (Km0+360); nút giao QL26; nút giao QL27; nút giao TL2; nút giao cuối tuyến (QL14).
- Thông số giám sát: Tổng bụi lơ lửng (TSP).
- Tần suất giám sát: 03 tháng/lần trong giai đoạn thi công.
- Quy chuẩn so sánh: QCVN 05:2013/BTNMT.
b) Giám sát tiếng ồn, độ rung
- Vị trí giám sát: Trường mầm non Hoa PơLang (Km0+360); nút giao QL26; nút giao QL27; nút giao TL2; nút giao cuối tuyến (QL14).
- Thông số giám sát: độ ồn (Leq), độ rung (Laeq).
- Tần suất giám sát: 03 tháng/lần trong giai đoạn thi công.
- Quy chuẩn so sánh: QCVN 26:2010/BTNMT và QCVN 27:2010/BTNMT.
c) Giám sát nước thải
- Nước thải sinh hoạt
+ Vị trí giám sát: Tại đầu ra của các hố cát.
+ Chỉ tiêu giám sát: TSS, BOD5, tổng Coliform.
+ Tần suất giám sát: 03 tháng/lần trong giai đoạn thi công.
+ Quy chuẩn so sánh: QCVN 14:2008/BTNMT.
- Nước thải xây dựng
+ Vị trí giám sát: Tại đầu ra của các bể lắng nước thải thi công xây dựng.
+ Chỉ tiêu giám sát: pH, TSS, Dầu mỡ.
+ Tần suất giám sát: 03 tháng/lần trong giai đoạn thi công.
+ Quy chuẩn so sánh: QCVN 40:2011/BTNMT.
d) Giám sát chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại
- Nội dung giám sát: Giám sát khối lượng chất thải phát sinh và việc tuân thủ thực hiện các công trình, biện pháp thu gom, xử lý nêu tại mục 3.3 và 3.4 Phụ lục này.
- Vị trí giám sát: Tại các công trường thi công, bãi chứa tạm dọc tuyến dự án, bãi chứa đất đá loại.
- Tần suất: Hàng ngày trong suốt thời gian thi công công trình.
đ) Giám sát khác
- Nội dung giám sát: Giám sát thoát nước dọc tuyến dự án; tình trạng ngập úng, xói lở; lún, nứt công trình; hoàn nguyên môi trường.
- Vị trí giám sát: Dọc tuyến dự án và khu vực bãi chứa đất đá loại.
- Tần suất: Hàng ngày trong suốt thời gian thi công công trình./.
- 1 Công văn 9975/VPCP-NN năm 2020 ban hành Nghị định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 25/2019/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 3 Công văn 1627/BXD-KTXD năm 2019 về tính chi phí cho công việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Xây dựng ban hành
- 4 Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường
- 5 Công văn 12003/VPCP-CN năm 2018 về đánh giá tác động môi trường dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6 Thông tư 56/2018/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 7 Nghị định 12/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 8 Thông tư 32/2015/TT-BGTVT về Quy định bảo vệ môi trường trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 9 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu
- 11 Nghị định 18/2015/NĐ-CP Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
- 12 Luật bảo vệ môi trường 2014
- 1 Thông tư 56/2018/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Công văn 12003/VPCP-CN năm 2018 về đánh giá tác động môi trường dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 1627/BXD-KTXD năm 2019 về tính chi phí cho công việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Xây dựng ban hành
- 4 Công văn 9975/VPCP-NN năm 2020 ban hành Nghị định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5 Công văn 383/VPCP-NN năm 2021 dự thảo Nghị định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường do Văn phòng Chính phủ ban hành