Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1858/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 24 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ HỘI KIẾN TRÚC SƯ TỈNH QUẢNG NGÃI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 09/01/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý nhà nước đối với hội hoạt động trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Ngãi tại Công văn số 22/HKTS-CV ngày 21/9/2021; ý kiến của Sở Xây dựng tại Công văn số 2040/SXD-QHKT ngày 06/10/2021 và đề xuất của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 2592/SNV-TCBC ngày 15/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Ngãi đã được Đại hội lần IV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) thông qua ngày 12/12/2020 (có Điều lệ kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Xây dựng; Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Ngãi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VPUB: PVP, CNXD, CBTH;
- Lưu: VT, NCvi937.

CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

ĐIỀU LỆ

KIẾN TRÚC SƯ TỈNH QUẢNG NGÃI
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1858/QĐ-UBND ngày 24/11/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi, vị trí pháp lý của Hội

1. Tên gọi: Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Ngãi.

2. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ hội được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Trụ sở của Hội: Đặt tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Ngãi (gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện tham gia của những kiến trúc sư sinh sống và làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi, nhằm tập hợp, đoàn kết, động viên, khuyến khích hội viên và kiến trúc sư, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo để xây dựng, phát triển sự nghiệp kiến trúc tỉnh nhà, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và dân tộc.

Điều 3. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động

1. Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi, trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng, có quan hệ hợp tác, trao đổi nghề nghiệp với các tổ chức hội cơ sở thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các hội nghề nghiệp, các cơ quan có liên quan đến kiến trúc và liên quan đến hoạt động của hội.

2. Hội chịu sự quản lý nhà nước của Sở Xây dựng về ngành, lĩnh vực hoạt động, là thành viên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam; tự nguyện là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

Hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính, bình đẳng giữa các hội viên của hội, thực hiện chế độ dân chủ, công khai, minh bạch và không nhằm mục đích lợi nhuận. Tuân thủ theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 5. Nhiệm vụ của hội

1. Tập hợp, đoàn kết và động viên lực lượng kiến trúc sư tại địa phương đẩy mạnh hoạt động sáng tác, nâng cao năng lực chuyên môn, làm tốt các nhiệm vụ trên cương vị công tác, giúp đỡ nhau bồi dưỡng nghề nghiệp và nâng cao chất lượng chuyên môn trong công tác.

2. Tham mưu, tư vấn, giám định và phản biện xã hội về các vấn đề thuộc lĩnh vực kiến trúc - quy hoạch; đề xuất xét chọn và kiến nghị trao giải thưởng kiến trúc - quy hoạch thường kỳ hay đột xuất khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và theo quy định của pháp luật.

3. Tham gia bảo vệ các quyền lợi nghề nghiệp chính đáng cho hội viên.

4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, những kinh nghiệm và thành tựu về kiến trúc - xây dựng của nước ta và của nước ngoài cho hội viên; mở rộng hợp tác nghề nghiệp, trao đổi học hỏi đồng nghiệp trong nước và quốc tế.

5. Xây dựng và kiện toàn tổ chức hội để hoạt động hiệu quả và có tác động tích cực đến sự nghiệp kiến trúc - xây dựng trong tỉnh.

Điều 6. Quyền hạn của hội

1. Lập kế hoạch và tổ chức hoạt động nghề nghiệp của hội theo quy định của pháp luật.

2. Quản lý hội viên, các tổ chức cơ sở trực thuộc hội; quyết định những vấn đề về tài chính, tài sản của hội trên cơ sở quy định của pháp luật.

3. Tổ chức các hoạt động dịch vụ theo lĩnh vực nghề nghiệp của hội và quy định của pháp luật.

4. Được lập quỹ hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các Chi hội, các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động; được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 7. Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành hội viên

1. Các kiến trúc sư là công dân Việt Nam, công tác và cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, có 5 năm hành nghề (hoặc 3 năm nếu có thành tích xuất sắc trong sáng tác và đóng góp vào sự nghiệp kiến trúc); có thành tích tốt trong sáng tác, đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý xây dựng; tham gia các hoạt động của hội và tán thành Điều lệ Hội thì được kết nạp là hội viên của hội.

2. Công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chính trị, xã hội, khoa học và nghệ thuật, có những thành tích và hoạt động xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp kiến trúc Việt Nam đều có thể được Ban Chấp hành hội mời làm hội viên danh dự.

3. Thủ tục kết nạp hội viên do Ban Chấp hành hội quy định.

Điều 8. Nhiệm vụ của hội viên

1. Chấp hành Điều lệ hội, thực hiện tốt các chủ trương, kế hoạch công tác của hội; tham gia đầy đủ các hoạt động của hội.

2. Phấn đấu đạt hiệu quả và chất lượng cao trong các hoạt động sáng tác, nghiên cứu khoa học, đào tạo và quản lý xây dựng; đặc biệt là tìm hiểu bản sắc kiến trúc dân tộc để vận dụng phù hợp trong thực tiễn.

3. Nâng cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của kiến trúc sư trước sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và của đất nước. Không ngừng học tập để nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, chuyên môn và nghiệp vụ; tuyên truyền và phổ biến những kiến thức và thành tựu kiến trúc - xây dựng trong giới kiến trúc sư và nhân dân.

4. Giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ danh dự và phẩm chất hội viên của hội.

5. Đóng hội phí đầy đủ theo quy định của Ban Chấp hành hội.

Điều 9. Quyền hạn của hội viên

1. Tham gia các hoạt động do hội tổ chức.

2. Được ứng cử và bầu cử vào các vị trí lãnh đạo của hội, chất vấn hoặc kiến nghị lên các cấp hội những vấn đề xét thấy cần thiết. (hội viên danh dự không tham gia bầu cử, ứng cử).

3. Thảo luận dân chủ các mặt công tác của hội.

4. Được yêu cầu và được hội bảo vệ quyền hành nghề, quyền tác giả và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

5. Được sự hỗ trợ của hội về vật chất, tinh thần trong hoạt động nghề nghiệp của mình (theo khả năng của hội).

6. Hội viên khi chuyển công tác hoặc nơi cư trú được hội giới thiệu chuyển sinh hoạt hội.

7. Được rút tên khỏi danh sách hội viên.

Chương IV

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 10. Tổ chức của hội

1. Đại hội

2. Ban Chấp hành

3. Ban Thường trực

4. Ban Kiểm tra

5. Văn phòng

6. Các tổ chức khác trực thuộc hội được thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Đại hội

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là Đại hội, được tổ chức 5 (năm) năm một lần do Ban Chấp hành đương nhiệm của hội triệu tập. Trường hợp cần thiết Ban Chấp hành có thể triệu tập Đại hội bất thường nếu có yêu cầu của trên 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành.

2. Đại hội có nhiệm vụ

- Thông qua báo cáo công tác của nhiệm kỳ và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ đến.

- Thảo luận và biểu quyết việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ hội (nếu có).

- Quyết định những vấn đề quan trọng về tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của hội.

- Xác định cơ cấu, số lượng ủy viên và bầu Ban Chấp hành hội.

- Thảo luận và đóng góp vào các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương hội; bầu đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Kiến trúc sư Việt Nam; giới thiệu người tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương hội.

3. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội

- Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định.

- Việc thông qua các quyết định, nghị quyết của Đại hội phải được trên 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt biểu quyết tán thành.

Điều 12. Ban Chấp hành Hội

1. Ban Chấp hành hội là cơ quan lãnh đạo của hội giữa hai kỳ Đại hội, do Đại hội bầu. Ban Chấp hành có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên. Số lượng thành viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành:

- Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội; bầu Ban Kiểm tra hội.

- Lãnh đạo thực hiện Điều lệ hội và các Nghị quyết của Đại hội;

- Chỉ đạo, theo dõi hoạt động của các Chi hội và các đơn vị trực thuộc hội; phát triển các mối quan hệ của hội nhằm đẩy mạnh hoạt động của hội; chăm lo phát triển hội viên mới.

- Chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu trình Đại hội và quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường.

- Quyết định mức thu hội phí của hội viên và mức trích nộp hội phí của các Chi hội và các đơn vị trực thuộc hội.

- Phân công công tác cho các thành viên trong Ban Chấp hành.

- Quyết định bầu bổ sung hoặc miễn nhiệm ủy viên Ban Chấp hành hội.

- Xét kết nạp, khai trừ hội viên.

3. Chế độ hội họp của Ban Chấp hành

- Ban Chấp hành họp định kỳ 3 tháng một lần, ngoài ra có thể họp đột xuất khi có yêu cầu của Chủ tịch hội hoặc yêu cầu của trên 1/2 tổng số ủy viên Ban Chấp hành. Các phiên họp của Ban Chấp hành được coi là hợp lệ khi có mặt trên 2/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành.

- Hằng năm, Ban Chấp hành tổ chức hội nghị tổng kết công tác trong năm và đề ra chương trình công tác cho năm tới trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội.

Điều 13. Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội

1. Chủ tịch hội: Là người đại diện pháp nhân của hội trước pháp luật, chịu trách nhiệm chỉ đạo mọi mặt công tác của hội và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của hội. Chủ tịch hội là chủ tài khoản, quản lý tài chính và tài sản của hội; chủ trì các cuộc họp Ban Chấp hành, điều hành các hoạt động của hội và đại diện cho hội trong các quan hệ đối nội, đối ngoại.

2. Phó chủ tịch hội: Là người giúp Chủ tịch hội thực hiện các nhiệm vụ của hội, được Chủ tịch hội phân công trực tiếp phụ trách một số hoạt động của hội hoặc giải quyết một số vấn đề cụ thể của hội; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch hội và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Khi Chủ tịch hội vắng mặt phải ủy quyền điều hành công việc cho một Phó Chủ tịch hội.

Điều 14. Ban Kiểm tra

1. Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành bầu, gồm có Trưởng ban và các ủy viên. Trưởng Ban Kiểm tra phải là ủy viên Ban Chấp hành hội.

2. Nhiệm vụ của Ban Kiểm tra:

- Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ hội, các quy chế của hội.

- Kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết của Đại hội.

- Xem xét giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hội.

- Lập báo cáo những việc có liên quan trình Đại hội và Ban Chấp hành hội.

3. Ban kiểm tra họp thường kỳ 3 tháng một lần và có thể họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch hội hoặc của Trưởng ban Kiểm tra.

Điều 15. Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ

1. Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ do hội thành lập nhằm tập hợp rộng rãi kiến trúc sư dưới 40 tuổi cũng như người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc có cùng mong muốn trau dồi, phát triển nghề nghiệp.

2. Quy chế hoạt động của Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ do Ban Chấp hành hội quy định.

Chương V

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA HỘI

Điều 16. Nguồn thu của hội

1. Hội phí do hội viên đóng góp. Mức thu theo quy định của Ban Chấp hành hội.

2. Hỗ trợ của Nhà nước gắn với nhiệm vụ được giao.

3. Kinh phí đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức nghiên cứu, tư vấn, dịch vụ trực thuộc hội; các nguồn thu từ các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, ứng dụng khoa học nghệ thuật, các hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật.

4. Các khoản thu hợp pháp khác.

Điều 17. Các khoản chi của hội

1. Chi cho các hoạt động của hội

2. Chi thuê trụ sở làm việc, mua sắm phương tiện, trang thiết bị làm việc.

3. Đóng hội phí cho hội cấp trên mà hội là thành viên.

4. Trả lương, phụ cấp cho những người làm việc tại hội.

5. Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của Ban Chấp hành.

Điều 18. Quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của hội

1. Ban Chấp hành hội quy định việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của hội phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Khi hội giải thể thì tài sản, tài chính của hội phải được kiểm kê và xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 19. Khen thưởng

Hội viên tập thể, hội viên cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hội sẽ được hội xét khen thưởng. Ban Chấp hành hội hướng dẫn các quy định cụ thể về khen thưởng trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 20. Kỷ luật

Hội viên tập thể, hội viên cá nhân hoạt động trái với Điều lệ hội, Nghị quyết của hội hoặc làm tổn thương đến danh dự, uy tín, tài sản, tài chính của hội, tùy mức độ vi phạm có thể bị các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, bãi miễn chức vụ trong hội, xóa tên, khai trừ khỏi hội hoặc đề nghị tước quyền hành nghề. Các hình thức kỷ luật nêu trên phải được Ban Chấp hành hội biểu quyết thông qua.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ hội phải được Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên của Hội Kiến trúc sư thông qua và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.

Điều 22. Hiệu lực thi hành

1. Bản Điều lệ này có 07 (bảy) Chương, 22 (hai mươi hai) Điều đã được Đại hội toàn thể hội viên Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Ngãi lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

2. Căn cứ quy định pháp luật về hội và Điều lệ hội, Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./.