Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1860/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 31 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2016-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2035

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 2426/QĐ-TTg ngày 28/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Khóa XVIII, kỳ họp thứ 3 về việc Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 239/TTr-SKH ngày 31/12/2016 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

1.1. Quy hoạch phát triển thủy sản phải đáp ứng được mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hàng hóa; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, định hướng phát triển ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển thủy sản của cả nước.

1.2. Phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước, phát huy các lợi thế, nhất là lợi thế về nuôi các loài cá đặc sản; đẩy mạnh phát triển sản xuất cá đặc sản hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tạo bước đột phá trong phát triển thủy sản, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, đồng thời phát triển sản xuất cá truyền thống đáp ứng nhu cầu an ninh thực phẩm tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

1.3. Khuyến khích các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa tập trung, trong đó phát huy vai trò của các thành phần kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp, các hợp tác xã và nông dân tham gia đầu tư phát triển thủy sản. Đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị.

1.4. Phát triển thủy sản gắn với du lịch sinh thái, phát triển kinh tế xã hội, chương trình giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và giữ vững an ninh quốc phòng trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Mục tiêu chung

Phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh và tiến tới xuất khẩu. Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao trình độ sản xuất, đời sống vật chất của người dân trên địa bàn.

3. Mục tiêu cụ thể

3.1. Giai đoạn 2016 - 2020

- Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 12.234 ha: Diện tích ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản 2.023 ha; diện tích ruộng kết hợp nuôi cá 50 ha; diện tích hồ thủy lợi tận dụng nuôi cá 775 ha; diện tích nuôi eo ngách 50 ha; diện tích hồ thủy điện tận dụng nuôi cá 9.336 ha.

- Tổng số lồng nuôi cá là 1.869 lồng, trong đó: trên hồ 1.225 lồng; trên sông là 644 lồng.

- Sản lượng thủy sản đạt 8.018 tấn/năm (sản lượng nuôi trồng 7.347 tấn/năm, sản lượng khai thác 671 tấn/năm), trong đó cá đặc sản 785 tấn/năm, cá truyền thống 7.233 tấn/năm.

- Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá cố định 2010) đạt trên 254 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,74%/năm.

3.2. Giai đoạn 2021 - 2025

- Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt 12.061 ha: Diện tích ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản 1.950 ha; diện tích hồ thủy lợi tận dụng nuôi cá 775 ha; diện tích hồ thủy điện tận dụng nuôi cá 9.336 ha.

- Tổng số lồng nuôi cá 2.233 lồng, trong đó: nuôi trên sông 663 lồng; nuôi trên hồ thủy điện 1.570 lồng.

- Sản lượng thủy sản đạt 9.714 tấn/năm (sản lượng nuôi trồng 9.064 tấn/năm, sản lượng khai thác 650 tấn/năm), trong đó cá đặc sản 1.144 tấn, cá truyền thống 8.570 tấn.

- Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá cố định 2010) đạt trên 304 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 3,6%/năm.

3.3. Định hướng đến năm 2035

- Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 14.000 ha: Diện tích ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản 2.000 ha; diện tích hồ thủy lợi tận dụng nuôi cá 800 ha; diện tích hồ thủy điện tận dụng nuôi cá 11.200 ha.

- Tổng số lồng nuôi cá 2.500 lồng.

- Sản lượng thủy sản đạt từ 11.000 tấn đến 12.000 tấn.

- Giá trị sản xuất thủy sản (theo giá cố định 2010) đạt trên 379 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 2,22%/năm.

4. Nhiệm vụ quy hoạch

4.1. Quy hoạch nuôi trồng thủy sản

a) Quy hoạch ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản

- Đến năm 2020: Diện tích ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản 2.023 ha; năng suất nuôi bình quân toàn tỉnh đạt 2,5 tấn/ha; sản lượng đạt 5.114,2 tấn.

- Đến năm 2025: Diện tích ao, hồ nhỏ nuôi chuyên thủy sản 1.950 ha; năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 2,9 tấn/ha; sản lượng 5.703,9 tấn.

b) Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy lợi

- Đến năm 2020: Nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy lợi 775 ha (nuôi thâm canh và bán thâm canh 567 ha; nuôi quảng canh cải tiến 208 ha); sản lượng thủy sản đạt 1.214,9 tấn.

- Đến năm 2025: Nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy lợi 775 ha (nuôi thâm canh và bán thâm canh 627 ha; nuôi quảng canh cải tiến 148 ha); sản lượng thủy sản đạt 1.537 tấn.

c) Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện

- Đến năm 2020: Nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện 9.336 ha; nuôi lồng trên hồ thủy điện 1.225 lồng, năng suất 0,49 tấn/lồng, sản lượng đạt 603 tấn. Tập trung tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình nuôi cá nước lạnh tại Na Hang, Chiêm Hóa.

- Đến năm 2025: Nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện 9.336 ha. Nuôi lồng trên hồ thủy điện 1.570 lồng, năng suất đạt 0,81 tấn/lồng, sản lượng 1.277 tấn.

d) Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông

- Đến năm 2020: Tổng số lồng nuôi cá trên sông 644 lồng, tại thành phố Tuyên Quang và các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương; năng suất trung bình 0,27 tấn/lồng; sản lượng 177 tấn.

- Đến năm 2025: Tổng số lồng nuôi cá trên sông 663 lồng, tại thành phố Tuyên Quang và các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương; năng suất trung bình 0,33 tấn/lồng; sản lượng 217,64 tấn.

4.2. Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung

- Quy hoạch nuôi cá lồng tập trung tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang đến năm 2020 đạt 1.460 lồng, sản lượng 871 tấn; đến năm 2035 đạt 1.910 lồng, sản lượng 1.654 tấn, chủ yếu nuôi các loài đặc sản giá trị kinh tế cao.

- Quy hoạch vùng nuôi cá rô phi tập trung: Diện tích nuôi 158 ha, khối lượng lồng nuôi 2.000m3, sản lượng đạt 751 tấn vào năm 2020; diện tích nuôi 200 ha, khối lượng lồng nuôi 3.000m3, sản lượng đạt 1.183 tấn vào năm 2025.

4.3. Quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Đến năm 2020: Sản lượng khai thác thủy sản trên sông, suối và hồ chứa mặt nước lớn 671 tấn.

- Đến năm 2025: Sản lượng khai thác thủy sản trên sông, suối và hồ chứa mặt nước lớn 650 tấn.

- Bảo vệ các vùng bãi sinh sản của cá trên sông Lô và sông Gâm

+ Sông Gâm: Từ chân đập thủy điện Tuyên Quang đến ngã ba sông Gâm chảy vào sông Lô trên địa bàn huyện Yên Sơn.

+ Sông Lô: Từ ngã ba sông Gâm chảy vào sông Lô trên địa bàn huyện Yên Sơn đến hết địa phận tỉnh Tuyên Quang; khu vực từ Bến Đền thuộc xã Bạch Xa đến cửa Ngòi Tèo chảy vào sông Lô thuộc xã Minh Dân, huyện Hàm Yên.

- Bảo vệ các vùng bãi sinh sản của cá trên hồ thủy điện Tuyên Quang:

+ Khu vực eo Thác Mơ, thị trấn Na Hang phạm vi 300 m tính từ chân thác ra phía lòng hồ.

+ Vùng hồ triền sông Năng và các suối thuộc lưu vực sông Năng trên địa bàn các xã Sơn Phú, xã Đà Vị, xã Yên Hoa, xã Khâu Tinh; suối Nặm Vàng thuộc địa bàn các xã Sinh Long, Côn Lôn, Khâu Tinh thuộc huyện Na Hang; Ngòi Chang và các suối thuộc lưu vực Ngòi Chang trên địa bàn xã Phúc Yên và Lăng Can; suối Nà Khiềng, suối Bản Loà thuộc xã Phúc Yên thuộc huyện Lâm Bình.

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

5.1. Về giống thủy sản

- Tổ chức quản lý nguồn gốc đặc biệt là giống bố mẹ, nâng cao chất lượng con giống, đảm bảo 100% con giống đưa vào nuôi trồng sạch bệnh, đủ tiêu chuẩn chất lượng làm giống.

- Tập trung nghiên cứu, tăng cường liết kết với các cơ quan, các Viện, các Trung tâm, doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ sản xuất giống nuôi cho các đối tượng nuôi chủ lực, cá đặc sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế.

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất giống tại Trung tâm thủy sản, các Trại thủy sản trên địa bàn tỉnh. Mở rộng quy mô sản xuất giống cá bản địa đặc sản bằng phương pháp sinh sản nhân tạo. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống gốc, thay thế đàn bố mẹ dòng thuần cho các trại sản xuất giống.

- Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ cung ứng giống thủy sản. Liên kết sản xuất giống, hình thành các điểm nuôi cá giống tại các cụm xã thuộc huyện Chiêm Hóa, huyện Sơn Dương, huyện Lâm Bình. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Trại sản xuất giống thủy sản tại huyện Na Hang để cung cấp con giống cho hồ thủy điện Tuyên Quang và nhu cầu nuôi thương phẩm của nhân dân trong huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa.

5.2. Về sản xuất và cung ứng thức ăn

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thuỷ sản có chất lượng tốt. Khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản sử dụng máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.

- Nghiên cứu chế biến thức ăn cho cá nhằm giảm hệ số tiêu tốn thức ăn, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hạ giá thành sản phẩm trên cơ sở sử dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương.

5.3. Về khoa học công nghệ và khuyến ngư

- Tăng cường và mở rộng hợp tác trong và ngoài nước để nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất giống cá đặc sản. Nghiên cứu và áp dụng công nghệ lọc tuần hoàn nước trong sản xuất con giống thủy sản tại Trung tâm giống thủy sản Tuyên Quang.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhập khẩu công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, sản xuất giống sạch bệnh, các giống có giá trị kinh tế cao, giống đặc sản, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng; công nghệ sản xuất và chế biến thức ăn hỗn hợp; phòng trừ bệnh; giải pháp kỹ thuật trong sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi cá.

- Khuyến khích việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi cá đặc sản thâm canh, hỗ trợ các khu nuôi trồng tập trung, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm an toàn.

5.4. Về tổ chức quản lý sản xuất

- Nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thủy sản để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh.

- Đổi mới hình thức tổ chức, liên kết sản xuất tại các Trại thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, trang trại. Khuyến khích, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản gắn với xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị, kênh phân phối sản phẩm.

- Xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Chi hội nghề cá, Chi hội sản xuất giống…), để bảo vệ quyền lợi và giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

5.5. Về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt, sử dụng các ngư cụ cấm khai thác. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, ký cam kết trong hoạt động khai thác thủy sản. Khuyến khích hoạt động thả cá nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.

- Phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và các loài sinh vật thủy sinh, nhất là các loài thủy sản bản địa, quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học ở các thủy vực tự nhiên.

- Xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học để bảo vệ bãi đẻ tự nhiên của các loài thủy sản. Ứng dụng kỹ thuật sinh sản nhân tạo các loài cá bản địa, quý hiếm để bảo tồn nguồn gen, phát triển nguồn lợi thủy sản.

5.6. Về cơ chế, chính sách

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển giống thủy sản theo quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đầu tư phát triển thủy sản; chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hoá đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND; chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trên hồ thủy lợi nhằm tận dụng mặt nước, phối hợp với các Ban quản lý hồ để nuôi thả thủy sản có hiệu quả.

5.7. Giải pháp về quản lý môi trường

- Tăng cường hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường nước nuôi trồng thủy sản nhất là tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Khuyến khích và tạo điều kiện các hộ nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, tập trung, trang trại.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các hộ nuôi trồng thủy sản, tuyên truyền thể chế, pháp luật, chính sách và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản. Tăng cường áp dụng các chương trình kiểm soát và phòng ngừa dư lượng phân bón, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường.

5.8. Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm thủy sản

- Tập trung xây dựng thương hiệu cho các loài cá đặc sản của tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lễ hội lớn của địa phương, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thủy sản của tỉnh.

- Đa dạng hóa các loại sản phẩm cá truyền thống cung cấp cho thị trường như cá tươi, cá khô, cá sấy,… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cung ứng đến tận thôn bản vùng sâu vùng xa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trực tiếp từ người sản xuất. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thủy sản ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận với thông tin thị trường, thương mại thủy sản cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý và người sản xuất.

5.9. Giải pháp về vốn

Tổng nhu cầu vốn: 725 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách 206,5 tỷ đồng (chiếm 28,5%); vốn huy động ngoài nhà nước 518,5 tỷ đồng (chiếm 71,5%).

- Giai đoạn 2016-2020: 283 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2020-2025: 442 tỷ đồng.

6. Danh mục các dự án, đề tài ưu tiên

6.1. Các dự án

- Dự án đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, công nghệ cho trung tâm giống thủy sản tỉnh Tuyên Quang, các trại giống trực thuộc nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất giống, đặc biệt là con giống đặc sản có giá trị kinh tế cao.

- Dự án phát triển các khu vực sản xuất nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh (nuôi lồng bè) gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ (giao thông, điện, cảng cá, nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh công suất 1000 tấn/năm, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản công suất 10.000 tấn/năm).

- Dự án đầu tư xây dựng công nghệ lọc tuần hoàn nước áp dụng cho sản xuất giống tại trung tâm giống thủy sản tỉnh Tuyên Quang

- Dự án phát triển nuôi cá lồng bằng vật liệu mới đảm bảo an toàn với sóng gió và thân thiện với môi trường.

- Dự án phát triển sản xuất thủy sản hàng hóa theo chuỗi khép kín gắn với loại hình tổ chức sản xuất tiên tiến từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

- Dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn (VietGAP)

- Dự án tăng cường công tác truyền thông pháp luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Dự án thả cá giống xuống các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh

6.2. Các đề tài nghiên cứu

- Đề tài nghiên cứu, ứng dụng nuôi cá nước lạnh ở hồ thủy điện Chiêm Hóa.

- Đề tài nghiên cứu sử dụng thức ăn hỗn hợp dần thay thế thức ăn tươi sống góp phần kiểm soát về dịch bệnh, chủ động về nguồn cung cấp trong nuôi trồng các loài cá đặc sản tại địa phương.

- Đề tài nghiên cứu và ứng dụng sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm một số loài cá bản địa đặc sản để bảo tồn quỹ gen quý hiếm của quốc gia.

- Đề tài nghiên cứu phương pháp điều trị một số bệnh thường gặp ở động vật thủy sản tại Tuyên Quang.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa các nội dung Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035 vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả; chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản; hướng dẫn, theo dõi, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển thuỷ sản; báo cáo, đề xuất kịp thời các biện pháp chỉ đạo với Uỷ ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối và đề xuất bố trí vốn từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác hàng năm để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch phát triển thuỷ sản.

3. Các sở, ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Các sở, Ban, ngành cấp tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng Tin học Công báo;
- Trưởng phòng KTCNLN;
- Lưu: VT, CVNLN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Quang