Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1867/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN NƯỚC THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 28/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2019;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 478/TTr-STNMT ngày 10/5/2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa (có Phụ lục kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường dự thảo Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính của UBND tỉnh kèm theo phương án đơn giản hóa đã được thông qua tại Quyết định này, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 Quyết định;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (để b/c);
- Cục Kiểm soát TTHC-VPCP (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, KSTTHCNC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Thìn

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN NƯỚC THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1867/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

I. Thủ tục: Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm.

1. Nội dung đơn giản hóa:

a) Về cách thức thực hiện: Bổ sung cách thức nộp qua bưu chính và mạng điện tử.

Lý do: Tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan chưa quy định cách thức thực hiện của TTHC này. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ thì cách thức thực hiện là 1 trong 8 bộ phận bắt buộc của thủ tục hành chính. Đồng thời, xét thấy thủ tục này có thể thực hiện được qua dịch vụ bưu chính và mạng điện tử (có thể đạt được mức độ 4). Vì:

- Thành phần hồ sơ đơn giản và được mẫu hóa thành mẫu đơn.

- Việc quy định đa dạng cách thức thực hiện để cá nhân, tổ chức có thể tự do lựa chọn, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại khi thực hiện TTHC.

- Phù hợp với lộ trình, mục tiêu triển khai cổng dịch vụ công quốc gia, cấp tỉnh, cấp bộ tại Bộ phận một cửa phục vụ cho việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.

b) Về thành phần hồ sơ: Bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao giấy phép đã được cấp”.

Lý do: Tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính Phủ quy định thành phần hồ sơ gồm 03 loại giấy tờ trong đó có “Bản sao giấy phép đã được cấp” là không cần thiết, không phù hợp vì:

- Việc cấp lần đầu, cấp gia hạn điều chỉnh Giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm được thực hiện tại cùng một cơ quan là Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh. Các dữ liệu thông tin cấp phép đều được lưu trữ tại Trung tâm thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường. Do đó, khi nhận hồ sơ gia hạn, điều chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn có thể tra cứu từ kho dữ liệu của cơ quan mà tổ chức, cá nhân không phải nộp lại giấy phép đã cấp.

c) Về số lượng hồ sơ: Sửa đổi nộp 02 bộ hồ sơ thành 01 bộ hồ sơ.

Lý do: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính Phủ, số bộ hồ sơ phải nộp là 02 bộ. Tuy nhiên, TTHC này không cần thiết phải nộp 02 bộ hồ sơ, vì:

Cơ quan nhà nước chỉ cần lưu trữ 01 bộ hồ sơ gốc là đủ. Trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm photo gửi cho thành viên hội đồng thẩm định, cơ quan khác liên quan do tổ chức, cá nhân đã nộp phí thẩm định. Đồng thời, trong trình tự thực hiện không có quy định Cơ quan nhà nước phải xác nhận (đóng dấu) vào thành phần hồ sơ để trả lại cho tổ chức, cá nhân nên không cần phải nộp thêm 01 bộ hồ sơ.

2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Điều, Khoản, Điểm tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính Phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Cụ thể:

- Bãi bỏ Điểm c Khoản 2 Điều 30;

- Bổ sung cách thức thực hiện tại Điều 36, như sau: “Cách thức thực hiện: Trực tiếp, qua bưu chính hoặc qua mạng điện tử”

- Sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 36, như sau: “a) Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) nộp một (01) bộ hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp thuộc thẩm quyền cáp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân còn phải nộp thêm một (01) bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương dự định đặt công trình”.

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 230.114.880 đồng/năm;

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 181.927.260 đồng/năm;

- Tổng tiết kiệm chi phí: 48.187.620 đồng/năm;

- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 20,94%.

II. Thủ tục: Gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm.

1. Nội dung đơn giản hóa:

a) Về cách thức thực hiện: Bổ sung cách thức nộp qua bưu chính và mạng điện tử.

Lý do: Tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan chưa quy định cách thức thực hiện của TTHC này. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ thì cách thức thực hiện là 1 trong 8 bộ phận bắt buộc của thủ tục hành chính. Đồng thời, xét thấy thủ tục này có thể thực hiện được qua dịch vụ bưu chính và mạng điện tử (có thể đạt được mức độ 4). Vì;

- Thành phần hồ sơ đơn giản và được mẫu hóa thành mẫu đơn.

- Việc quy định đa dạng cách thức thực hiện để cá nhân, tổ chức có thể tự do lựa chọn, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại khi thực hiện TTHC,

- Phù hợp với lộ trình, mục tiêu triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, cấp tỉnh, cấp bộ tại Bộ phận một cửa phục vụ cho việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ.

b) Về thành phần hồ sơ: Bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao giấy phép đã được cấp” và “Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ”.

Lý do: Tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính Phủ quy định thành phần hồ sơ gồm 04 loại giấy tờ, trong đó có “Bản sao giấy phép đã được cấp” và “Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ” là không cần thiết, không phù hợp, vì:

- Việc cấp lần đầu, cấp gia hạn điều chỉnh Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm được thực hiện tại cùng một cơ quan là Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh. Các dữ liệu thông tin cấp phép đều được lưu trữ tại Trung tâm thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường, Do đó, khi nhận hồ sơ gia hạn, điều chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn có thể tra cứu từ kho dữ liệu của cơ quan mà tổ chức, cá nhân không phải nộp lại giấy phép đã cấp.

- Chất lượng nguồn nước có thể bị ô nhiễm, không đảm bảo chất lượng bất cứ lúc nào. Do đó, việc nộp kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không có giá trị lâu dài, chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu phân tích và có thể tại thời điểm nộp hồ sơ nguồn nước đã bị ô nhiễm. Nên thay vì nộp kết quả phân tích thì cơ quan nhà nước đi kiểm tra thực tế chất lượng nguồn nước khi cấp phép và sau cấp phép sẽ đảm bảo hơn. Đồng thời, cơ quan nhà nước có đủ điều kiện máy móc, thiết bị để thực hiện việc kiểm tra chất lượng nguồn nước.

c) Về số lượng hồ sơ: Sửa đổi nộp 02 bộ hồ sơ thành 01 bộ hồ sơ.

Lý do: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013của Chính Phủ, số bộ hồ sơ phải nộp là 02 bộ. Tuy nhiên, TTHC không cần thiết phải nộp 02 bộ hồ sơ, vì:

Cơ quan nhà nước chỉ cần lưu trữ 01 bộ hồ sơ gốc là đủ. Trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm photo gửi cho thành viên hội đồng thẩm định, cơ quan khác liên quan do tổ chức, cá nhân đã nộp phí thẩm định. Đồng thời, trong trình tự thực hiện không có quy định Cơ quan nhà nước phải xác nhận (đóng dấu) vào thành phần hồ sơ để trả lại cho tổ chức, cá nhân nên không cần phải nộp thêm 01 bộ hồ sơ.

2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Điều, Khoản, Điểm tại Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính Phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Cụ thể:

- Bãi bỏ Điểm c, d Khoản 2 Điều 31;

- Bổ sung cách thức thực hiện tại Điều 36, như sau: “Cách thức thực hiện: Trực tiếp, qua bưu chính hoặc qua mạng điện tử”

- Sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 36, như sau: “a) Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) nộp một (01) bộ hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân còn phải nộp thêm một (01) bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương dự định đặt công trình”.

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa:

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 271.578.720 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 190.806.240 đồng/năm

- Tổng tiết kiệm chi phí: 80.772.480 đồng/năm

- Tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa: 29,74%./.