Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ  MÔI TRƯỜNG
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

 

Số: 19/2004/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY VẬT TƯ KỸ THUẬT KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài Nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 127/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường giai đoạn 2003 - 2005;
Theo đề nghị của Giám đốc Công ty Vật tư kỹ thuật khí tượng thuỷ văn , Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Công ty Vật tư  kỹ thuật khí tượng thuỷ văn kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Giám đốc Công ty Vật tư  kỹ thuật khí tượng thuỷ văn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận: 
- Như điều 2
- Cục Kiểm tra văn bản quy
phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)
- Lưu: VT, TCCB

BỘ TRƯỞNG




Mai Ái Trực

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY VẬT TƯ KỸ THUẬT KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số19 /2004 /QĐ-BTNMT ngày 04 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công ty Vật tư kỹ thuật khí tượng thuỷ văn (Sau đây gọi tắt là Công ty) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tư vấn, dịch vụ trong lĩnh vực khí tượng, thuỷ văn, hải văn, môi trường, địa chất khoáng sản, đo lường, khoa học kỹ thuật.

 Công ty có:

- Tên giao dịch quốc tế: Hydro-Meteorological Technical Material Company, viết tắt là HYMETCO;

-  Tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam;

-  Con dấu riêng, tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ tại kho bạc nhà nước, các ngân hàng trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Trụ sở chính tại ngõ 62, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội;

Điện thoại: 04 8356944,  04 8343582       · Fax: 04 8355699

Điều 2. Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các quy định của pháp luật.

Công ty được Nhà nước giao vốn, tài sản, đất đai và các nguồn lực khác để thực hiện nhiệm vụ của mình. Công ty có trách nhiệm bảo toàn vốn, tài sản được giao không ngừng tích luỹ vốn để đầu tư phát triển, làm tròn nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; thường xuyên cải tiến thiết bị, công nghệ và công tác quản lý để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG TY

Điều 3. Nhiệm vụ của Công ty

1. Kinh doanh, xuất nhập khẩu các loại máy móc, vật tư, thiết bị, hoá chất để phục vụ cho đo đạc điều tra cơ bản các yếu tố: khí tượng, thuỷ văn, hải văn, môi trường, chất lượng nước, địa chất và khoáng sản, đo lường, nghiên cứu khoa học và các mặt hàng thông dụng kim khí, điện máy, điện tử, vật liệu xây dựng;

2. Dịch vụ tư vấn chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật chuyên ngành;

3. Thiết kế, xây dựng các công trình chuyên ngành công nghiệp dân dụng, trạm bơm, trạm điện, điện nước, điện tử viễn thông, san ủi mặt bằng, làm đường, trang trí nội thất;

4. Sản xuất, gia công, sửa chữa, lắp đặt, bảo dưỡng các thiết bị chuyên ngành;

5. Khoan thăm dò khai thác và xử lý nước sạch phục vụ công nghiệp và dân dụng;

6. Sản xuất đồ gỗ phục vụ chuyên ngành và dân dụng;

7. Dịch vụ nhà nghỉ;

8. Dịch vụ đo đạc khảo sát khí tượng, thuỷ văn, hải văn, môi trường.

Điều 4. Quyền hạn của Công ty

1. Quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài sản và các nguồn lực khác do Nhà nước giao để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cho thuê, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản thuộc quyền quản lý của Công ty theo quy định của pháp luật;

2. Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ những ngành, nghề phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ. Mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo khả năng của Công ty;

3. Tự quyết định giá mua, giá bán sản phẩm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trừ những sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, đặt hàng và định giá;

4. Xây dựng, áp dụng định mức lao động, vật tư, đơn giá tiền lương và các chi phí khác cho đơn vị sản phẩm, dịch vụ trong khuôn khổ các định mức của Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường;

5. Tuyển chọn, thuê mướn, bố trí, sử dụng, đào tạo, kỷ luật, cho thôi việc đối với lao động; lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng và các quyền khác của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và các quy định khác của pháp luật;

6. Hợp tác với các đối tác trong nước, nước ngoài về lĩnh vực vật tư, thiết bị để phục vụ đo đạc điều tra cơ bản khí tượng, thuỷ văn, hải văn, môi trường, chất lượng nước, địa chất và khoáng sản. Cho phép cán bộ, nhân viên, người lao động của Công ty ra nước ngoài theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

7. Vay vốn của tổ chức ngân hàng, tín dụng và các tổ chức tài chính, của cá nhân, tổ chức ngoài Công ty, người lao động và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật;

8. Chủ động sử dụng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, sử dụng và quản lý các quỹ của Công ty theo đúng quy định của pháp luật;

9. Quyết định trích khấu hao tài sản cố định theo nguyên tắc mức trích khấu hao tối thiểu đảm bảo bù đắp hao mòn hữu hình, vô hình của tài sản cố định và không thấp hơn tỷ lệ trích khấu hao tối thiểu do Chính phủ quy định;

10. Được hưởng chế độ trợ cấp, trợ giá và các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ công ích, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo chính sách giá của Nhà nước, không đủ bù đắp chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ này của Công ty;

11. Được chi thưởng sáng kiến đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý và công nghệ, thưởng tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm vật tư và chi phí. Các khoản tiền thưởng được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trên cơ sở đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty do các sáng kiến, đổi mới, cải tiến kỹ thuật, quản lý, công nghệ, tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư, chi phí đem lại;

12. Được hưởng các chế độ ưu đãi đầu tư, tái đầu tư theo quy định của pháp luật;

13. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chuyển lỗ theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, trích lập quỹ dự phòng tài chính, phần lợi nhuận thực hiện còn lại được phân chia theo nguồn vốn nhà nước đầu tư và nguồn vốn Công ty huy động như sau:

a) Phần lợi nhuận chia theo nguồn vốn nhà nước đầu tư được dùng để tái đầu tư tăng vốn nhà nước tại Công ty hoặc hình thành quỹ tập trung để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước khác thuộc lĩnh vực Nhà nước cần phát triển hoặc chi phối theo quy định của Chính phủ;

b) Phần lợi nhuận phân chia theo nguồn vốn Công ty tự huy động được trích lập quỹ đầu tư phát triển theo quy định của Chính phủ, phần còn lại do Công ty tự quyết định việc phân phối vào quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.

Trường hợp còn nợ đến hạn phải trả mà chưa trả hết, Công ty chỉ được tăng lương, trích thưởng cho công nhân viên của Công ty, kể cả người quản lý sau khi đã trả hết nợ đến hạn.

Điều 5. Trách nhiệm của Công ty

1. Đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng ngành nghề đã được quy định. Chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty, trước khách hàng và pháp luật về sản phẩm, dịch vụ do Công ty thực hiện;

2. Sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước giao, sử dụng có hiệu quả tài sản, đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao cho Công ty để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh;

3. Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao, chiến lược phát triển của ngành và nhu cầu của thị trường. Đối với chiến lược phát triển của Công ty, phải trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trư­ờng phê duyệt trước khi thực hiện;

4. Thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Bảo đảm để người lao động được tham gia quản lý Công ty;

5. Thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường, quốc phòng, an ninh, văn hoá, trật tự an toàn xã hội;

6. Thống kê báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình hoạt động của Công ty theo quy định của Nhà nước và của Bộ Tài nguyên và Môi trư­ờng;

7. Thực hiện các quy định về quản lý vốn, tài sản, các quỹ; kế toán, hạch toán; chế độ kiểm toán và các chế độ khác do pháp luật quy định;

8. Công bố công khai báo cáo tài chính hàng năm, các thông tin để đánh giá đúng, khách quan về hoạt động của Công ty theo quy định của Nhà nước;

9. Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định;

10. Chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

11. Chịu trách nhiệm trước người đầu tư vốn về việc sử dụng vốn để đầu tư thành lập doanh nghiệp khác.

Chương 3:

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÔNG TY

Điều 6. Người đứng đầu Công ty là Giám đốc. Nghĩa vụ và trách nhiệm của Giám đốc Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 27, Luật Doanh nghiệp nhà nước. Giám đốc là đại diện pháp nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về mọi hoạt động của Công ty.

Giám đốc Công ty có nhiệm vụ về quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Nhận vốn, đất đai, tài sản và các nguồn lực khác do Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường giao để quản lý, sử dụng theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao và định bảo toàn và phát triển vốn;

2. Quyết định các dự án đầu tư, các hợp đồng bán tài sản có giá trị đến 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên sổ sách kế toán của Công ty;

3. Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, hàng năm, phương án đầu tư, liên doanh, đề án tổ chức quản lý của Công ty trình Bộ trưởng và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

4. Ban hành các định mức kinh tế – kỹ thuật tiêu chuẩn sản phẩm, đơn giá tiền lương để áp dụng trong nội bộ Công ty và những văn bản khác phù hợp với quy định của pháp luật; quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị trực thuộc trên cơ sở Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Công ty;

5. Trình Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Phó Giám đốc, Kế toán trưởng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

6. Quyết định tuyển chọn ký hợp đồng tiếp nhận, thuyên chuyển, chấm dứt hợp đồng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; cử đi học trong nước, cho phép cán bộ, nhân viên, người lao động ra nước ngoài theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

7. Quyết định giá mua, giá bán sản phẩm, dịch vụ phù hợp với những quy định của Nhà nước.

8. Báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của Công ty theo quy định của pháp luật;

9. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Giúp việc Giám đốc có một số Phó Giám đốc, Kế toán trưởng. Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm.

Phó Giám đốc được Giám đốc phân công phụ trách một hoặc một số mặt công tác cụ thể của Công ty và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Kế toán trưởng giúp Giám đốc chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán, tài chính của Công ty và có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Tổ chức bộ máy giúp việc Giám đốc

1. Phòng Hành chính - Tổng hợp;

2. Phòng Tài chính - Kế toán.

Các phòng chuyên môn nghiệp vụ có chức năng tham mưu giúp Giám đốc trong quản lý, điều hành công việc theo từng lĩnh vực hoạt động của Công ty.

Điều 8. Các tổ chức kinh doanh trực thuộc Công ty

1. Phòng Kinh doanh;

2. Phòng Xây dựng cơ bản;

3. Xưởng Máy;

Trưởng phòng, Quản đốc xưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công ty về toàn bộ hoạt động của đơn vị do mình phụ trách. Phó Trưởng phòng, Phó Quản đốc xưởng chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, Quản đốc về những công việc được phân công, uỷ quyền.

 Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có chức năng sản xuất, kinh doanh theo từng lĩnh vực đạt hiệu quả cao.

Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm các Phòng, Xưởng do Giám đốc Công ty quy định cụ thể.

Chương 4

TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY

Điều 9. Công ty là đơn vị hạch toán độc lập, tự chủ về tài chính trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với Luật Doanh nghiệp nhà nước và các quy định khác của pháp luật.

Điều 10. Vốn của Công ty

Vốn của Công ty gồm  có: 

1. Vốn Điều lệ: 7.000.000.000 đ (bảy tỷ đồng);

2. Vốn kinh doanh tại thời điểm 01tháng 01 năm 2004: 3.212.473.000 đ (ba tỷ hai trăm mười hai triệu bốn trăm bảy ba nghìn đồng), trong đó:

- Vốn cố định: 1.248.481.000 đ (một tỷ hai trăm bốn mươi tám triệu bốn trăm tám mốt nghìn đồng);

- Vốn lưu động: 1.963.992.000 đ (một tỷ chín trăm sáu mươi ba triệu chín trăm chín hai nghìn đồng);

3. Vốn đầu tư bổ sung cho Công ty;

4. Phần lợi nhuận sau thuế được trích bổ sung theo quy định hiện hành.

Khi tăng, giảm Vốn Điều lệ, Công ty phải điều chỉnh kịp thời trong bảng cân đối tài sản và công bố Vốn Điều lệ của Công ty được điều chỉnh.

Điều 11. Công ty có trách nhiệm thực hiện Luật Kế toán, Luật Thống kê và quy chế quản lý tài chính, hạch toán kinh doanh theo đúng quy định của Nhà nước.

Chương 5:

TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÔNG TY

Điều 12. Đại hội công nhân viên chức là hình thức trực tiếp để người lao động tham gia quản lý Công ty. Đại hội công nhân viên chức thực hiện các quyền sau đây:

1. Tham gia thảo luận xây dựng thoả ước lao động tập thể để đại diện người lao động thương lượng và ký kết với Giám đốc Công ty;

2. Thảo luận và thông qua các quy chế, quy định có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người lao động trong Công ty;

3. Thảo luận và góp ý về quy hoạch, kế hoạch, đánh giá hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh; đề xuất các biện pháp bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện lao động làm việc, đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; các vấn đề về vệ sinh môi trường, đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại người lao động của Công ty.

Tổ chức và hoạt động của Đại hội công nhân viên chức trong Công ty thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chương 6:

MỐI QUAN HỆ CỦA CÔNG TY

Điều 13. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Chấp hành, thực hiện nghiêm túc chỉ thị, quyết định của Bộ trưởng liên quan đến Công ty; tuân thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra của các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

2. Thực hiện nghiêm túc quy hoạch, chiến lược phát triển Công ty trong tổng thể quy hoạch chiến lược phát triển của ngành;

3. Chấp hành các quy định của Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác tổ chức cán bộ, chế độ tài chính, tín dụng và chế độ kế toán, thống kê;        

4. Chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện pháp luật, chủ trương, chính sách, chế độ, định mức kinh tế – kỹ thuật, quy trình, quy phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Đối với địa phương

Công ty chịu sự quản lý nhà nước và chấp hành các quy định hành chính, các nghĩa vụ đối với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn lãnh thổ theo quy định của pháp luật.

 Điều 15. Đối với tổ chức Đảng, đoàn thể trong Công ty

 Công ty chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tổ chức cơ sở Đảng tại Công ty.

 Công ty tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức đảng, đoàn thể taị Công ty hoạt động.

Các tổ chức đảng, đoàn thể tại Công ty hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của các tổ chức đó.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Điều lệ này được áp dụng cho Công ty Vật tư kỹ thuật khí tượng thuỷ văn. Tất cả các đơn vị trực thuộc Công ty phải tuân thủ Điều lệ này.

Điều 17. Các đơn vị trực thuộc Công ty căn cứ vào Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Công ty để xây dựng Quy chế Tổ chức và Hoạt động của đơn vị, trình Giám đốc Công ty phê duyệt. Quy chế Tổ chức và Hoạt động của đơn vị không được trái với Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Công ty.

Điều 18. Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi Điều lệ, Giám đốc Công ty trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt./.