Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2010/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 02 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2012

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 03 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”;

Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2008 - 2012;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tại Tờ trình số 438/TTr-SGD&ĐT ngày 27 tháng 5 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2010 đến năm 2012.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Giao Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì triển khai thực hiện đề án và có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Kỳ

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012; Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”; Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2008 - 2012. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người làm công tác quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và sinh viên, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2010 đến năm 2012 như sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

- Tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học môn đạo đức, môn giáo dục công dân và môn pháp luật cho đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu đến năm 2012:

- 100% trường học trên địa bàn tỉnh giảng dạy kiến thức pháp luật trong chương trình chính khóa phù hợp với mục tiêu yêu cầu của từng cấp học.

- 90% - 100% trường học có đủ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, môn pháp luật đúng chuyên môn được đào tạo.

- 95% - 100% trường học, cơ sở giáo dục có thư viện, tủ sách pháp luật, thiết bị phục vụ công tác dạy và học môn giáo dục công dân, môn pháp luật của giáo viên và học sinh

- 100% học sinh, sinh viên trong nhà trường được tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Yêu cầu:

- Kế thừa và phát huy kết quả và kinh nghiệm công tác giảng dạy, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua, bảo đảm tính liên tục và tính hệ thống của công tác giáo dục và đào tạo.

- Lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với lứa tuổi, bậc học, cấp học, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, học đi đôi với hành.

- Kết hợp giáo dục chính khóa với giáo dục ngoại khóa, lồng ghép nội dung pháp luật một cách hợp lý trong môn học đạo đức, giáo dục công dân và các bộ môn khác ở từng cấp học.

- Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức và việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua của trường, lớp.

- Chủ động phối hợp các lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong và ngoài ngành giáo dục (như công an, giao thông vận tải,...)

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Nâng cao chất lượng các hình thức giáo dục ngoại khóa, các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp.

2. Tổ chức thường xuyên các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa thông qua các hình thức như: tuyên truyền miệng, phát hành tài liệu, xây dựng tủ sách pháp luật, thi tìm hiểu, tư vấn pháp luật, lồng ghép và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các đợt sinh hoạt chính trị, ngoại khóa.

3. Tuyên truyền, phổ biến thông qua hệ thống thông tin đại chúng của địa phương, nhà trường. Xây dựng trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật trên website của nhà trường, sử dụng các phương tiện để truyền tải kịp thời các quy định pháp luật cũng như tình hình pháp luật giáo dục đến từng đối tượng.

4. Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường.

- Bố trí đủ giảng viên, giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành hoặc được bồi dưỡng cơ bản về pháp luật để giảng dạy pháp luật.

- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo.

5. Bổ sung kịp thời tài liệu, thiết bị phục vụ công tác dạy và học pháp luật trong nhà trường. Biên soạn nội dung các tờ rơi, sách hỏi đáp pháp luật bỏ túi, xây dựng phần mềm hỗ trợ dạy và học, tổ chức các cuộc đố vui pháp luật.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nâng cao chất lượng dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật trong chương trình chính khóa.

a) Đổi mới phương pháp dạy học môn đạo đức, giáo dục công dân và pháp luật.

- Giáo viên, giảng viên dạy học phải theo chuẩn kiến thức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh, sinh viên. Lựa chọn phương pháp phù hợp với lứa tuổi, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, sinh viên, người học.

- Khuyến khích tinh thần tự học và ý thức sáng tạo của học sinh, sinh viên; coi trọng việc thực hành vận dụng, tổ chức hình thức dạy học sinh hoạt theo hướng tích hợp bằng hình thức: kể chuyện pháp luật, sân khấu hóa, xem phim tư liệu, gây hứng thú cho học sinh, sinh viên tích cực tham gia thảo luận, trình bày nhận thức hoặc trao đổi các vấn đề trong thực tế đời sống hàng ngày liên quan đến nhận thức, thực hiện pháp luật.

- Chủ động ứng dụng bộ công cụ hỗ trợ dạy và học môn giáo dục công dân, pháp luật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc học môn giáo dục công dân, pháp luật trong nhà trường.

b) Nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật trong nhà trường;

- Ngành Giáo dục và Đào tạo phải xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ thường xuyên của toàn ngành.

- Mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của mình.

c) Các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học giáo dục hàng năm tổ chức hội nghị chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học môn đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật và công tác phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức thi giáo viên dạy giỏi các cấp môn đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật và các tuyên truyền hay, có hiệu quả, nhân rộng những điển hình tiên tiến.

d) Thực hiện đầy đủ có hiệu quả chương trình bộ môn đạo đức, giáo dục công dân và pháp luật linh hoạt, phù hợp với từng bậc học, cấp học:

- Đối với giáo dục mầm non: việc hình thành những thói quen về hành vi đạo đức là chủ yếu, có lồng ghép một số nội dung giáo dục pháp luật như: an toàn giao thông, vệ sinh nơi công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm... thông qua các trò chơi phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo nhằm hình thành một số thói quen thực hiện những hành vi đúng, làm theo các chuẩn mực đạo đức xã hội, tuân theo pháp luật của Nhà nước.

- Đối với giáo dục phổ thông: nâng cao chất lượng giảng dạy môn đạo đức, giáo dục công dân theo hướng cung cấp các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng thực hiện các quyền cơ bản của công dân. Chú trọng các nội dung gắn với cuộc sống hàng ngày của học sinh như: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy chế thi cử, kiểm tra,... Đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen xử sự theo pháp luật của học sinh.

- Đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề: thực hiện chương trình giáo dục pháp luật đại cương đảm bảo cho sinh viên khi ra trường nắm được lý luận cơ bản về pháp luật để có thể tự tìm hiểu các ngành luật cần thiết phục vụ cho từng vị trí công việc của mình.

e) Lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một cách hợp lý, có hệ thống, bảo đảm hiệu quả thiết thực đối với từng đối tượng.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành: cần tập trung vào các nội dung cơ bản như pháp luật về giáo dục; về phòng chống tham nhũng; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về cán bộ công chức, về lao động; về cải cách hành chính; về thực hiện dân chủ ở cơ sở; về hội nhập quốc tế và các quy định liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của từng đối tượng.

- Đối với người học: cần tập trung vào các nội dung cơ bản như quyền và nghĩa vụ công dân; lý luận cơ bản về pháp luật phục vụ cho việc tìm hiểu và thực hiện pháp luật. Trong những năm trước mắt cần tập trung phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường, quy chế thi cử và các quy định cụ thể liên quan đến cuộc sống và học tập phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo.

f) Giáo viên, cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật giới thiệu, hướng dẫn học sinh truy cập các trang website về pháp luật để tra cứu thông tin. Xây dựng và hướng dẫn học sinh sử dụng Email để trao đổi nội dung học tập, tìm hiểu pháp luật với thầy cô và bạn học.

2. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các nhà trường.

- Tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Đào tạo và đào tạo lại, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy pháp luật:

+ Tăng quy mô đào tạo giáo viên dạy môn giáo dục công dân, trong đó ưu tiên đào tạo giáo viên môn giáo dục công dân cho các trường Trung học cơ sở;

+ Bồi dưỡng chuẩn hóa về kiến thức, phương pháp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, giáo viên pháp luật, Giáo dục công dân chưa qua đào tạo luật. Tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật, phương pháp giảng dạy định kỳ cho giáo viên, giảng viên.

+ Tổ chức thi giáo viên dạy giỏi môn giáo dục công dân từ cơ sở, huyện, tỉnh.

3. Tăng cường việc phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

a) Chỉ đạo, tổ chức quán triệt nội dung Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản pháp luật mới về giáo dục cho cán bộ, công chức, nhà giáo, người lao động, người học. Phối hợp phổ biến pháp luật cho phụ huynh học sinh và nhân dân.

- Đa dạng hóa các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật và lồng ghép hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật với việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua, các ngày kỷ niệm lớn trong năm.

b) Tổ chức đưa thông tin pháp luật trên bản tin của trường, hệ thống phát thanh học đường của các trường học. Thông qua bản tin và hệ thống phát thanh học đường phổ biến những điều cần biết về pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên. Chú ý những vấn đề gắn liền với cuộc sống, bài học của học sinh, sinh viên; chú trọng phổ biến, giáo dục các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em, pháp luật về giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em...

c) Giới thiệu với cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên địa chỉ các website về pháp luật: mỗi cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên có Email riêng để trao đổi thông tin, hỏi đáp, tìm hiểu pháp luật.

4. Đầu tư các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

a) Đối với giáo viên, giảng viên:

Bổ sung đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, môn pháp luật phù hợp ngành học, bậc học, cấp học.

b) Đối với cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường:

- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40/2004/CT-BGDĐT ngày 21 tháng 02 năm 2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tổ chức và hoạt động của ngành giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí một cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế để làm đầu mối tổ chức và hoạt động của công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Các trường cao đẳng, trung cấp, chuyên nghiệp phải cử cán bộ chuyên trách thực hiện công tác pháp chế, trong đó có nhiệm vụ giúp Thủ trưởng đơn vị tổ chức công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế chưa qua đào đạo về chuyên ngành luật. Xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

c) Đối với tài liệu, thiết bị, kinh phí.

- Trang bị đủ theo danh mục thiết bị, tài liệu cơ bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo phục vụ công tác soạn giảng, tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật. Cung cấp đủ tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn: bổ sung tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, học tập các kiến thức pháp luật; tài liệu hướng dẫn kỹ năng áp dụng pháp luật theo hướng cụ thể, thiết thực. Đặc biệt là chú trọng đến các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

- Xây dựng tủ sách pháp luật trong nhà trường, bổ sung tài liệu vào thư viện trường, thiết bị phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật: sách pháp luật, báo pháp luật; cung cấp tài liệu, tờ rơi phù hợp lứa tuổi. Với lứa tuổi mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cần sưu tầm, cung cấp các bộ chuyên tranh, hình, minh họa, phim hoạt hình, phim thiếu nhi lồng ghép nội dung, thông điệp tuyên truyền; với lứa tuổi cấp trung học phổ thông, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề cần cung cấp cho học sinh, sinh viên sách hỏi đáp pháp luật bỏ túi.

- Trang bị pa nô, áp phích phục vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật phù hợp với lứa tuổi như: an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường,...xây dựng hoặc sưu tầm một vài phần mềm hỗ trợ cho việc giảng dạy, tìm hiểu, tổ chức cuộc thi đố vui tìm hiểu pháp luật. Phát động tổ chức thi tự làm đồ dùng dạy học giảng dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật. Thành lập tổ nghiệp vụ sưu tầm tư liệu, hình ảnh phục vụ cho giảng dạy chương trình giáo dục công dân, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua học tập, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm.

- Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức biên soạn các tài liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật đến cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh; xây dựng bộ mẫu thiết bị phục vụ giảng dạy kiến thức pháp luật trong các nhà trường.

- Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu hiệu nhà trường xây dựng và sử dụng Website để trao đổi thông tin kịp thời.

- Tổ chức thi giáo viên, giảng viên giỏi môn giáo dục công dân, pháp luật, đổi mới phương pháp giảng dạy; xây dựng bộ công cụ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật (như Luật Giáo dục, Luật An toàn giao thông, phát động phong trào làm đồ dùng dạy học, chỉ đạo thực hiện giờ phát thanh học đường, câu lạc bộ pháp luật; tổ chức các cuộc thi sân khấu hóa, tiểu phẩm vui, vẽ tranh cổ động... có nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

- Bố trí đủ đội ngũ giáo viên, giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo; chủ động phối hợp với Sở Tư pháp hàng năm tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong trường học thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của tỉnh.

2. Sở Tư pháp:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở các lớp tập huấn, biên soạn bộ mẫu thiết bị phục vụ giảng dạy kiến thức pháp luật trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh;

- Biên soạn đề cương, phổ biến, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn việc triển khai đến các cấp, các ngành, cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

3. Sở Tài chính:

Bố trí ngân sách hàng năm cho các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đề án theo quy định và các văn bản khác có liên quan của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Sở Nội vụ:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ và bố trí biên chế cho lực lượng cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật;

- Tích cực phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các cơ quan liên quan trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân và cán bộ làm công tác pháp chế.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chỉ đạo, tổ chức rà soát, hoàn thiện chương trình, giáo trình pháp luật dùng cho các trường dạy nghề;

- Chỉ đạo, tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật trong các cơ sở dạy nghề;

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung trong đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của sở.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành liên quan hoàn thiện, nâng cấp chuyên mục thông tin và tra cứu văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục pháp luật tại trang thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng trang website chuyên về giáo dục pháp luật;

- Hướng dẫn việc xây dựng, củng cố hoàn thiện các thiết chế văn hóa – thông tin cơ sở để đưa nội dung phổ biến giáo dục pháp luật như: in ấn tờ rơi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, mẫu tranh ảnh, panô, áp phích...cho các đối tượng là học sinh, sinh viên trong nhà trường thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội, hội thi, hội diễn, sinh hoạt nhà văn hóa, câu lạc bộ, các ngày lễ lớn của đất nước.

7. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành liên quan củng cố và phát triển đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên trách về giáo dục pháp luật tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Xây dựng chương trình, tiểu phẩm có nội dung về lĩnh vực giáo dục pháp luật phát trên truyền hình, trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang chuyên mục phóng sự, tạp chí của Báo;

- Tăng cường thời lượng phát hành và nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên mục đã có và đồng thời mở chuyên mục mới về giáo dục pháp luật trên các phương tiện báo hình, báo nói, báo viết của tỉnh, của các ngành, tổ chức liên quan; tổ chức các hoạt động thi tìm hiểu về giáo dục pháp luật.

8. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường đào tạo đóng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho giáo viên, học viên trường quân sự tỉnh. Xây dựng nội dung bài giảng quân sự phù hợp với cấp học của các trường, lồng ghép giáo dục văn hóa với giáo dục quốc phòng hàng năm trong chương trình giáo dục của các trường học.

9. Công an tỉnh:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến học sinh, sinh viên, học viên trong nhà trường trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin diễn biến về việc thực hiện an toàn giao thông trên địa bàn đặc biệt đối với học sinh, sinh viên vi phạm; tội phạm ma túy và tình hình sử dụng ma túy trong học sinh, sinh viên. Cung cấp tờ rơi, tranh ảnh tuyên truyền, giáo dục hai nội dung nêu trên. Phối hợp với các sở, ngành, trường học tuyên truyền; phòng chống tội phạm trong học sinh, sinh viên.

10. Ban An toàn giao thông tỉnh:

Hàng năm xây dựng, biên soạn, nội dung về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục về thực hiện Luật An toàn giao thông đến các đơn vị trường học.

11. Trường Chính trị: theo dõi và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường phù hợp với đối tượng học viên của trường.

12. Các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh:

Trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi mình phụ trách.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên mặt trận: phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thông qua tổ chức Đoàn, Đội trong các trường học tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đội viên, đoàn viên, thanh niên bằng nhiều hình thức như: văn nghệ, báo tường, tiểu phẩm vui, đố vui, xử lý tình huống pháp luật...

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ của mình thuộc đề án:

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đề án tại địa phương;

- Bố trí lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói trên;

- Bố trí đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để thực hiện việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường thuộc phạm vị địa phương từ ngân sách cấp mình;

- Có chính sách khuyến khích và kế hoạch huy động các nguồn lực hỗ trợ và đóng góp cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường tại địa phương.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan lập dự trù kinh phí triển khai đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính phê duyệt theo quy định.

VI. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Từ năm 2010 - 2012:

- Xây dựng, ban hành các văn bản phục vụ cho công việc quản lý, điều hành và triển khai nội dung kế hoạch thực hiện đề án;

- Triển khai thực hiện các nội dung chi tiết của đề án; biên soạn nội dung các tờ rơi, sách hỏi đáp pháp luật, cung cấp sách pháp luật, tạp chí, báo pháp luật cho các đơn vị trường học;

- Rà soát, kiện toàn đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và cán bộ quản lý.

Từ năm 2011 - 2012:

- Tiếp tục triển khai thực hiện đề án phổ biến giáo dục pháp luật đến tất cả các đơn vị trường học;

- Bổ sung tủ sách pháp luật trường học và cung cấp tài liệu hỗ trợ dạy và học, công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhà trường;

- Tổ chức hội thi giáo viên, giảng viên giỏi môn giáo dục công dân – pháp luật; phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm - đồ dùng dạy học về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức các cuộc thi sân khấu hóa, tiểu phẩm vui, vẽ tranh cổ động... có nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật;

- Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án năm 2012.

VII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO:

1. Định kỳ 6 tháng, 01 năm các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện đề án. Thời hạn báo cáo: 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6); báo cáo năm (trước ngày 15 tháng 12) gửi về sở Giáo dục và Đào tạo, sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Chính phủ.

2. Trong quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc, các đơn vị tổng hợp gửi về sở Giáo dục và Đào tạo để báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời./.