Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 190/QĐ-HQTN

Tây Ninh, ngày 26 tháng 06 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH KIỂM TRA HẢI QUAN BẰNG CÂN Ô TÔ ĐIỆN TỬ TẠI CÁC CHI CỤC HẢI QUAN TRỰC THUỘC CỤC HẢI QUAN TỈNH TÂY NINH

CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN TÂY NINH

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 1027/QĐ-BTC ngày 11/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Quyết định số 669/QĐ-TCHQ ngày 31/3/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng các trang thiết bị chuyên dụng trong ngành Hải quan;

Xét đề nghị của Trưởng phòng Nghiệp vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy trình kiểm tra hải quan bằng cân ô tô điện tử tại các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh thì kịp thời báo cáo, đề xuất để Cục xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục trưởng và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TCHQ (để báo cáo);
- Lãnh đạo Cục;
- Lưu: VT, NV.

CỤC TRƯỞNG




Huỳnh Văn Đức

 

QUY TRÌNH

KIỂM TRA HẢI QUAN BẰNG CÂN Ô TÔ ĐIỆN TỬ TẠI CÁC CHI CỤC HẢI QUAN TRỰC THUỘC CỤC HẢI QUAN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 190/QĐ-HQTN ngày 26 tháng 6 năm 2012 của Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh)

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển bằng ô tô, làm thủ tục hải quan tại các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh có trang bị cân ô tô theo quy trình này là một bộ phận của Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

2. Cân ô tô điện tử (sau đây gọi tắt là Cân ô tô) là hệ thống chương trình ứng dụng công nghệ thông tin được quản lý, sử dụng để cân trọng lượng ô tô chở hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ cho công tác nghiệp vụ hải quan.

3. Bố trí cho người có sức khỏe, trình độ trong việc sử dụng cân ô tô. Phân công rõ ràng cho những người có liên quan trong việc vận hành, sử dụng cũng như sự phối hợp cho công việc để đảm bảo an toàn, chính xác, hiệu quả khi khai thác cân ô tô.

4. Các trường hợp kiểm tra hàng hóa bằng cân ô tô điện tử đều phải ghi lại dữ liệu cân trên máy tính. Thời gian lưu trữ: Đối với các số liệu cân thường xuyên lưu theo thông số kỹ thuật của hệ thống, trường hợp vượt quá dung lượng thì chuyển lưu ra ổ cứng hoặc đĩa DVD đảm bảo theo đúng thời gian được quy định tại Quyết định số 669/QĐ-TCHQ ngày 31/3/2010 của Tổng cục Hải quan; Đối với số liệu về trọng lượng liên quan đến vi phạm hành chính hải quan thời gian lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ hồ sơ hải quan.

5. Định kỳ hàng quý vào ngày 20 của tháng cuối quý báo cáo tình hình sử dụng hệ thống cân ô tô theo phụ lục 2 của công văn số 4770/TCHQ-GSQL ngày 30/9/2011 của Tổng cục Hải quan. Trường hợp có sự vụ, sự cố, hỏng hóc bất thường thì báo cáo ngay về Tổng cục để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.

6. Khi có sự cố, hư hỏng tài sản, Bộ phận quản lý tài sản (Văn phòng Cục) phối hợp với Chi cục trực thuộc và các đơn vị hữu quan khác thực hiện việc sửa chữa theo quy định, đảm bảo sớm đưa trang thiết bị về trạng thái hoạt động ổn định.

7. Hệ thống cân ô tô được bảo dưỡng định kỳ 06 tháng/01 lần thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Quy chế quản lý, sử dụng các trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 669/QĐ-TCHQ ngày 31/03/2010 của Tổng cục Hải quan.

II. SỬ DỤNG HỆ THỐNG CÂN Ô TÔ ĐIỆN TỬ:

1. Trình tự kiểm tra hàng hóa bằng cân ô tô điện tử:

- Tiếp nhận tờ khai đã được đăng ký, có lệnh hình thức ở mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá do lãnh đạo Chi cục phê duyệt.

- Hướng dẫn lái xe điều khiển xe chở hàng hóa đến vị trí cân.

- Thực hiện việc cân trọng lượng theo quy trình của hệ thống cân.

- In phiếu cân, ký và ghi vào sổ nhật ký quản lý, sử dụng cân điện tử và cập nhật phiếu cân lưu cùng hồ sơ hải quan.

- Hướng dẫn lái xe vận chuyển hàng hóa đã cân ra khu vực tập kết chờ kết luận của cơ quan Hải quan.

+ Đối với trường hợp số liệu về trọng lượng phù hợp với khai báo: Thực hiện theo điểm 4.1 bước 2 phần I Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

+ Đối với trường hợp số liệu về trọng lượng chênh lệch so với khai báo: Thực hiện theo điểm 4.2 bước 2 phần I Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

2. Đối tượng kiểm tra:

Đối với các kiện hàng, lô hàng cần xác định trọng lượng thì phải sử dụng cân ô tô điện tử. Đối với các lô hàng không thể xác định được trọng lượng qua cân ô tô điện tử mới trưng cầu giám định của các cơ quan liên quan.

3. Trách nhiệm của CBCC tham gia quy trình:

3.1. Trách nhiệm của Chi cục trưởng:

- Tổ chức, phân công, kiểm tra, đôn đốc các bộ phận nghiệp vụ và kỹ thuật của đơn vị mình thực hiện những quy định tại quy chế này;

- Chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về toàn bộ công tác vận hành, mức độ an ninh, an toàn của hệ thống cân; tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của số liệu tại Chi cục;

- Phân công cán bộ Đội nghiệp vụ, Đội tổng hợp nêu tại quy chế này vào hệ thống trên cơ sở quản lý, vận hành cân điện tử đúng quy chế này.

- Lãnh đạo Chi cục Hải quan phụ trách trực tiếp công tác quản lý hệ thống cân điện tử này phải có khả năng khai thác và sử dụng hệ thống để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

3.2. Trách nhiệm Đội nghiệp vụ:

- Lập sổ nhật ký cân điện tử và cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời theo các chức năng của hệ thống;

- Hàng ngày phải kiểm tra tính chính xác của dữ liệu đã cập nhật vào hệ thống và hiệu chỉnh trong trường hợp có sai sót.

- Phân công cán bộ công chức làm nhiệm vụ bước 2 thực hiện cân trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khi có yêu cầu.

- Phân công cán bộ có kỹ thuật để quản lý và vận hành hệ thống cân điện tử.

3.3. Trách nhiệm của Đội tổng hợp:

- Cử cán bộ quản lý tài sản phối hợp với Đội nghiệp vụ theo dõi vận hành và bảo quản hệ thống cân theo quy định về quản lý tài sản.

- Hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng cho các đối tượng sử dụng hệ thống cân Chi cục;

- Là đầu mối tổng hợp, xử lý, phản ánh những vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống.

- Phối hợp với bộ phận tài vụ của Cục để kiểm tra bảo trì theo định kỳ và sửa chữa khi có hư hỏng xảy ra.

3.4. Trách nhiệm của cán bộ quản lý vận hành hệ thống cân:

- Thường xuyên thực hiện công tác cập nhật số liệu vào sổ nhật ký quản lý, sử dụng hệ thống cân đảm bảo an toàn Hệ thống.

- Hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ Đội nghiệp vụ thực hiện các chức năng của hệ thống.

- Phối hợp với cán bộ Đội tổng hợp xử lý, phản ánh những vướng mắc phát sinh.

- Phối hợp với Đội tổng hợp kiểm tra, bảo trì định kỳ hệ thống cân theo quy định.

III. QUẢN LÝ HỆ THỐNG CÂN Ô TÔ ĐIỆN TỬ:

1. Trách nhiệm của Bộ phận quản lý tài sản - Văn phòng Cục (sau đây gọi tắt là Bộ phận Quản lý tài sản):

- Theo dõi, đôn đốc, giám sát Chi cục thực hiện bảo quản, vệ sinh cân ô tô theo quy định.

- Thực hiện bảo dưỡng tài sản theo quy định tại Điều 11 và sửa chữa, cải tạo nâng cấp tài sản theo quy định tại Điều 12 Quy chế quản lý, sử dụng các trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 669/QĐ-TCHQ ngày 31/03/2010 của Tổng cục Hải quan.

- Thực hiện kiểm định cân định kỳ theo quy định.

- Định kỳ 06 tháng/lần tổ chức kiểm tra, đánh giá tình trạng, hiệu quả sử dụng cân ô tô.

2. Trách nhiệm của Chi cục trực thuộc:

- Phân công 01 Lãnh đạo Chi cục cùng với 01 Lãnh đạo Đội Nghiệp vụ phụ trách quản lý kỹ thuật.

- Bố trí cân ô tô ở vị trí thuận tiện cho phương tiện chở hàng hóa đi qua cân để phục vụ công tác quản lý rủi ro và kiểm tra trọng lượng hàng hóa, sau đó mới kiểm tra thủ công hoặc trưng cầu giám định của các cơ quan liên quan.

- Phối hợp với Bộ phận Quản lý tài sản giám sát quy trình bảo dưỡng của đơn vị được ký hợp đồng bảo dưỡng.

3. Chế độ bảo dưỡng định kỳ:

Định kỳ 06 tháng/01 lần tiến hành bảo dưỡng đối với hệ thống cân ô tô.

Nếu thấy các tín hiệu bất thường đều phải thông báo với đơn vị có kỹ thuật hoặc nhà cung cấp thiết bị của hãng.

Các nội dung và kết quả bảo dưỡng tài sản phải được ghi nhận vào lý lịch tài sản và ghi chi tiết vào biên bản bảo trì (có đầy đủ chữ ký xác nhận của các bên liên quan) đính kèm lý lịch tài sản.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Đội Nghiệp vụ, Đội Tổng hợp và các cá nhân được phân công quản lý và sử dụng Hệ thống có trách nhiệm bảo quản và tuân thủ những quy định của Quy trình này.

- Mọi hành vi vi phạm các quy định về quản lý, khai thác thông tin của Hệ thống và các quy định về sử dụng thiết bị sẽ chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình theo quy định của pháp luật.

- Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu phát sinh những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, Đội Nghiệp vụ phối hợp với Đội Tổng hợp và cán bộ phân công phụ trách liên quan báo cáo Lãnh đạo chi cục đề xuất Lãnh đạo Cục xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.