Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1908/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 407/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔ CHỨC TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH CÓ TÁC ĐỘNG LỚN ĐẾN XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2022-2027”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Tiếp cận thông tin ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lãnh đạo Bộ;
- Bộ Tư pháp;
- Cổng TTĐT Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Sinh Nhật Tân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 407/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔ CHỨC TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH CÓ TÁC ĐỘNG LỚN ĐẾN XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT GIAI ĐOẠN 2022-2027”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1908/QĐ-BCT ngày 25 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (sau đây gọi là “Đề án”).

b) Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (sau đây viết tắt là VBQPPL) theo hướng lấy người dân làm trung tâm; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

c) Xác định cụ thể nội dung công việc, trách nhiệm chủ trì, phối hợp và tính chủ động của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các Đề án, nhất là các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo VBQPPL. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị; kịp thời báo cáo những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tìm giải pháp khắc phục. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật.

d) Bảo đảm từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án do Bộ Công Thương tham mưu, chủ trì soạn thảo được tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Yêu cầu

a) Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án; Chương trình/kế hoạch xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ hàng năm.

b) Tăng cường sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong triển khai thực hiện; nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các đơn vị trong công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật, nhất là các đơn vị được giao chủ trì tham mưu soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

c) Phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị thông tin, báo chí trong và ngoài Bộ trong thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật, bảo đảm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình thực hiện.

II. PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng thực hiện truyền thông chính sách là các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí sau:

a) Là các chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp;

c) Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách;

d) Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện ngay từ bước lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Ngoài các dự thảo chính sách nêu trên, các cơ quan đơn vị chủ trì soạn thảo căn cứ nội dung dự thảo chính sách hoặc dự thảo quy định, yêu cầu và điều kiện thực tiễn, chủ động thực hiện việc truyền thông các chính sách do mình tham mưu xây dựng.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị thuộc bộ về vai trò công tác truyền thông dự thảo chính sách.

a) Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế.

b) Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2027.

2. Thực hiện truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bằng các hình thức phù hợp: hội nghị, hội thảo, diễn đàn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; chú trọng lấy ý kiến đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, luật gia, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ làm công tác thực tiễn và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến chính sách này. Đẩy mạnh truyền thông về dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác.

a) Đơn vị chủ trì: Các đơn vị chủ trì soạn thảo VBQPPL.

b) Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương và các đơn vị có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2027.

3. Xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động theo yêu cầu tại Mục IV.5 Điều 1 Quyết định 407/QĐ-TTg để đăng trên Cổng Thông điện tử của Bộ Công Thương, Trang Thông tin pháp luật Công Thương, Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách.

a) Đơn vị chủ trì: Các đơn vị chủ trì soạn thảo VBQPPL.

b) Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các đơn vị có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2027.

4. Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp về dự thảo chính sách để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

a) Đơn vị chủ trì: Các đơn vị chủ trì soạn thảo VBQPPL.

b) Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2027.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Kế hoạch; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao và tổng hợp, báo cáo, kết quả thực hiện Đề án, trình Lãnh đạo Bộ báo cáo gửi Bộ Tư pháp theo quy định.

b) Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch; tăng cường phối hợp với Vụ Pháp chế, các cơ quan thông tin, báo chí trong triển khai nhiệm vụ.

2. Kinh phí thực hiện

Kinh phí triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch được lấy từ nguồn kinh phí dành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và các nguồn kinh phí khác theo quy định./.