Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1918/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 06 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ MỨC HỖ TRỢ GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách đối với các cá nhân, dân cư;

Căn cứ Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Thông tư số 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Thông tư số 21/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra;

Xét đề nghị của liên ngành Sở Tài chính - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 131/TTrLN-TC-NN ngày 24/8/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Phóng

 

QUY ĐỊNH

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ MỨC HỖ TRỢ GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ THỦY SẢN BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI GÂY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1918/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh

- Quy định này quy định về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra;

- Cách xác định mức độ thiệt hại đối với từng loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản bị thiệt hại;

- Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia xác nhận giá trị bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

2. Đối tượng áp dụng

- Hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia xác nhận giá trị bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Điều 2. Các loại thiên tai

Các loại thiên tai gây ra thiệt hại theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, cụ thể: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất và các loại thiên tai khác.

Điều 3. Nguồn kinh phí, cơ chế và thời gian hỗ trợ

1. Nguồn kinh phí hỗ trợ

- Dự phòng ngân sách Trung ương;

- Dự phòng ngân sách địa phương;

- Tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

- Nguồn dự trữ quốc gia.

2. Cơ chế hỗ trợ

- Kinh phí hỗ trợ khi bị thiệt hại do thiên tai gây ra: Ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%; ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 20%; ngân sách cấp huyện tự cân đối 10%.

- Trường hợp các huyện, thành phố có mức thiệt hại lớn: Khi ngân sách cấp huyện chi hỗ trợ cho đối tượng trong vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện thì sẽ được tỉnh xem xét, cấp bổ sung kinh phí nhằm giúp các huyện, thành phố có đủ nguồn lực để thực hiện.

3. Thời gian hỗ trợ

Kể từ ngày thiên tai xảy ra trên từng địa bàn cụ thể theo quyết định công bố loại thiên tai do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Chương II

CÁCH XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ THIỆT HẠI VÀ MỨC HỖ TRỢ

Điều 4. Cách xác định mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra

1. Nguyên tắc thống kê, đánh giá thiệt hại

a) Thống kê, đánh giá thiệt hại phải được thực hiện phù hợp với thực tế, đáp ứng việc chỉ đạo, điều hành, ứng phó với thiên tai. Việc lập báo cáo thống kê thiệt hại phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền.

b) Đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch; phản ánh sát thực tế về mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.

c) Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động thống kê, đánh giá thiệt hại.

d) Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong công tác thống kê, đánh giá thiệt hại.

2. Xác định mức độ thiệt hại

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.

Điều 5. Mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra

1. Hỗ trợ đối với cây trồng

a) Diện tích gieo cấy lúa thuần: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

b) Diện tích mạ lúa thuần: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;

c) Diện tích lúa lai: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha;

d) Diện tích mạ lúa lai: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;

đ) Diện tích ngô và rau màu các loại: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;

e) Diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

g) Diện tích hoa, cây cảnh, cây dược liệu: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% đến 70% hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.

2. Hỗ trợ đối với vật nuôi là gia súc, gia cầm

a) Gia cầm: từ 0,5 kg trở lên, hỗ trợ 20.000 đồng/con; dưới 0,5 kg, hỗ trợ 10.000 đồng/con.

b) Lợn: từ 80kg trở lên, hỗ trợ 750.000 đồng/con; dưới 80kg, hỗ trợ 375.000 đồng/con.

c) Trâu, bò, ngựa: từ 300kg trở lên, hỗ trợ 4.000.000 đồng/con; dưới 300kg, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con.

d) Dê: từ 30 kg trở lên, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; dưới 30 kg, hỗ trợ 1.000.000 đồng/con.

3. Hỗ trợ đối với thủy sản

a) Diện tích nuôi cá truyền thống: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha.

b) Lồng, bè nuôi: bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/100m3 lồng; bị thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/100m3 lồng.

4. Hỗ trợ bằng hiện vật

Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật đối với giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra thì mức hỗ trợ tương đương với mức hỗ trợ bằng tiền được quy đổi theo giá tại thời điểm hỗ trợ.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ

Điều 6. Trình tự, thủ tục đề nghị hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra

- Chủ tịch UBND cấp xã thành lập Hội đồng kiểm tra bao gồm: Lãnh đạo UBND xã, Ủy ban MTTQ xã, Hội Nông dân xã, Ban Thanh tra nhân dân xã, cán bộ phụ trách nông nghiệp, thống kê, tài chính, trưởng thôn (sau đây gọi tắt là Hội đồng kiểm tra), cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp huyện để kiểm tra, thống kê mức độ thiệt hại.

- UBND cấp xã lập tờ trình gửi UBND cấp huyện, gửi qua Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định.

- UBND cấp huyện tổng hợp, lập tờ trình gửi UBND tỉnh, gửi qua Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định.

- Liên ngành Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đề xuất kinh phí hỗ trợ, trình UBND tỉnh.

- Sau khi được cấp kinh phí hỗ trợ, UBND cấp xã tổ chức hỗ trợ cho các đối tượng có tài sản bị thiệt hại theo danh sách, danh mục đã thẩm định, được cấp có thẩm quyền duyệt và thực hiện hỗ trợ công khai theo quy định.

Điều 7. Điều kiện ngân sách nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản bị thiệt hại do thiên tai gây ra

a) Thiệt hại do thiên tai gây ra trên từng địa bàn làm căn cứ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản phải nằm trong quyết định công bố loại thiên tai của cơ quan có thẩm quyền.

b) Diện tích cây trồng, diện tích nuôi thủy sản và số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại do thiên tai gây ra phải có xác nhận của chính quyền cấp xã, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp huyện và các đơn vị liên quan làm căn cứ để thanh toán hỗ trợ. Cụ thể:

- Đối với cây trồng: Căn cứ bảng kê thiệt hại của các thôn về diện tích gieo trồng (lúa, ngô, hoa màu), diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, hoa, cây cảnh bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng), Hội đồng kiểm tra cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp huyện lập biên bản kiểm tra; đồng thời, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ, báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

- Đối với vật nuôi: Căn cứ bảng kê thiệt hại của các thôn về số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng) của các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, theo từng loại gia súc, gia cầm, Hội đồng kiểm tra cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp huyện lập biên bản kiểm tra; đồng thời, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ, báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

- Đối với thủy sản: Căn cứ bảng kê thiệt hại về diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại (chi tiết đến từng đối tượng) của các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi thủy sản, Hội đồng kiểm tra cấp xã và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp huyện lập biên bản kiểm tra; đồng thời, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ, báo cáo UBND cấp huyện thẩm định để làm căn cứ thanh toán hỗ trợ theo quy định.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN

Điều 8. Đối với các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra

1. Các tổ chức, cá nhân thuộc diện được hỗ trợ phải khai báo trung thực, chính xác với UBND cấp xã về diện tích, số lượng, đối tượng nuôi, trồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Thời gian khai báo ngay sau khi xảy ra thiệt hại do thiên tai.

2. Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn của Nhà nước trong việc xác định mức độ thiệt hại và thực hiện các thủ tục hỗ trợ thiệt hại.

Điều 9. Đối với UBND cấp xã

1. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thiên tai trên địa bàn; thống kê kịp thời, chính xác các thiệt hại xảy ra trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản, tổng hợp báo cáo theo quy định. Triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để khôi phục sản xuất.

2. Chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về tính chính xác, kịp thời. Công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Điều 10. Đối với UBND cấp huyện

1. Chỉ đạo UBND cấp xã nơi xảy ra thiên tai và cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai; thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Chỉ đạo kịp thời các biện pháp hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai để khôi phục sản xuất.

2. Xác định chính xác mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ và quyết định hỗ trợ cho từng địa bàn xã, phường, thị trấn đảm bảo kịp thời, đúng chính sách, đúng chế độ; sử dụng kinh phí hỗ trợ đảm bảo có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, không để thất thoát, lãng phí và xảy ra tiêu cực. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ, kết quả thực hiện hỗ trợ sau mỗi đợt thiên tai, báo cáo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính.

3. Chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước về diện tích cây trồng, diện tích nuôi thủy sản, số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại; công khai mức hỗ trợ đối với từng tổ chức, cá nhân bị thiệt hại thuộc đối tượng được hỗ trợ do thiên tai trước và sau khi có quyết định hỗ trợ của cấp có thẩm quyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, thôn, khu phố theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách đối với các cá nhân, dân cư.

Điều 11. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố các loại thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.

2. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp hỗ trợ cấp huyện, cấp xã trong việc xác định mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra; hướng dẫn các biện pháp hạn chế thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai để khôi phục sản xuất.

Điều 12. Đối với Sở Tài chính

1. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan thẩm định mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án tài chính để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ. Kiểm tra, giám sát việc chi hỗ trợ theo đúng các quy định hiện hành.

2. Kết thúc đợt hỗ trợ, căn cứ kết quả thực chi hỗ trợ để khôi phục sản xuất do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

3. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống thiên tai và kinh phí hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Tổ chức triển khai thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện phổ biến nội dung Quy định này đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện.

2. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh phổ biến nội dung Quy định này trên phương tiện truyền thông, tuyên dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt đồng thời phê phán các trường hợp vi phạm trong quá trình thực hiện.

3. Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức phổ biến Quy định này trên địa bàn quản lý, chỉ đạo UBND cấp xã niêm yết công khai Quy định này tại trụ sở UBND.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Điều 14. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với các cơ quan có thẩm quyền về những hành vi vi phạm Quy định này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm thực hiện theo quy định của pháp luật./.