Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

n cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm

a) Phát triển ngành công nghiệp môi trường là một nội dung quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Phát triển đồng bộ các lĩnh vực cung cấp công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới;

c) Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2025, ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.

- Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60 % nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.

- Phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và văn bản pháp luật về ngành công nghiệp môi trường; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp môi trường, hình thành khu, cụm công nghiệp tái chế chất thải tập trung tại các địa phương; chính sách khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư phát triển sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm bảo vệ môi trường chưa có khả năng sản xuất trong nước;

- Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, các bộ đơn giá dịch vụ môi trường, suất đầu tư theo công nghệ trong xử lý môi trường;

- Lồng ghép nội dung phát triển ngành công nghiệp môi trường vào các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng và địa phương;

- Xây dựng và đưa danh mục hàng hóa và dịch vụ môi trường của ngành công nghiệp môi trường vào trong phân loại thống kê hệ thống ngành, sản phẩm của Việt Nam.

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn về ngành công nghiệp môi trường; phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và địa phương trong việc quản lý, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường;

- Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp công nghiệp môi trường thuộc khu vực nhà nước; phát triển một số doanh nghiệp dịch vụ môi trường đủ năng lực để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, bức xúc của đất nước;

b) Phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững, tài nguyên và phục hồi môi trường:

- Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại phù hợp với điều kiện của Việt Nam;

- Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ, quy trình phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường;

- Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao các công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên nước, năng lượng: sản xuất nước cấp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng thu hồi từ xử lý chất thải; công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công nghệ thu hồi và lưu trữ các bon thấp; công nghệ phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng;

- Nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp tái chế chất thải;

- Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển, làm chủ và chuyển giao công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp công nghiệp môi trường;

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn tài trợ từ các nước, tổ chức quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, làm chủ và chuyển giao công nghệ môi trường;

- Phê duyệt và tổ chức triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025.

c) Phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường:

- Sản xuất thiết bị xử lý nước thải như: máy khuấy bùn, máy bơm đặc chủng công suất lớn, màng lọc, thiết bị xử lý nước sinh hoạt, nước thải theo modul...;

- Sản xuất thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn như: xe chuyên dùng phun nước - quét và hút rác, xe chở chất thải rắn, xe hút bùn, thông cống, thiết bị phân loại rác, lò đốt chất thải rắn thông thường, lò đốt chất thải nguy hại, dây chuyền làm phân vi sinh, dây chuyền thiết bị sản xuất viên năng lượng, thiết bị xử lý chất thải trên các loại phương tiện giao thông...;

- Sản xuất thiết bị xử lý khí thải như: thiết bị lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh điện, thiết bị xử lý khí thải chứa các hợp chất NOx, SOx, COx, VOCs, H2S, chất hữu cơ, chất gây mùi …;

- Sản xuất thiết bị phân tích, quan trắc và kiểm soát các thông số môi trường, dụng cụ, thiết bị lấy mẫu môi trường ...;

- Sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường như: xúc tác sử dụng trong xử lý khí lò đốt công nghiệp, xử lý chất thải bằng phương pháp nhiệt phân và quy trình, thiết bị tương ứng, chế phẩm vi sinh hoạt tính cao, vật liệu mang vi sinh, vật liệu chuyên dụng phục vụ xử lý môi trường...;

- Sản xuất máy móc, thiết bị, sản phẩm, vật liệu phục vụ lĩnh vực xử lý nước cấp, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng.

d) Phát triển dịch vụ môi trường:

- Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của “Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020” theo Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2010 - 2020; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển dịch vụ môi trường giai đoạn 2021 - 2025;

- Đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị tập trung tại các thành phố, khu đô thị; nước thải công nghiệp tập trung tại các khu công nghiệp, làng nghề;

- Đầu tư phát triển các hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đô thị tập trung tại các thành phố; chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung;

- Đầu tư, hỗ trợ phát triển các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm...

đ) Phát triển thị trường và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường:

- Nghiên cứu, hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường đối với công nghệ, thiết bị, máy móc, vật liệu, chế phẩm của ngành công nghiệp môi trường thông qua các hình thức như chợ công nghệ, thiết bị, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương;

- Đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ môi trường Việt Nam có lợi thế và khả năng cạnh tranh; khuyến khích nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ môi trường trong nước chưa sản xuất được;

- Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các khung khổ hợp tác kinh tế quốc tế để phát triển ngành công nghiệp môi trường;

- Tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội và đa dạng hóa các hình thức và nguồn lực đầu tư để phát triển bền vững ngành công nghiệp môi trường; thu hút các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam;

e) Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường:

- Rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp môi trường; lồng ghép nội dung, chương trình đào tạo về ngành công nghiệp môi trường trong các trường đại học kỹ thuật, cao đẳng nghề;

- Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các trường đào tạo với các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghiệp môi trường trong và ngoài nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp môi trường;

- Tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ các cấp, doanh nghiệp, hiệp hội và các bên có liên quan về phát triển ngành công nghiệp môi trường;

- Xây dựng và tổ chức các chương trình truyền thông, các cuộc thi và trao giải về doanh nghiệp công nghiệp môi trường xuất sắc; phổ biến, nhân rộng các kết quả, công trình nghiên cứu về các công nghệ, thiết bị, sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường;

- Tăng cường vai trò của Hiệp hội công nghiệp môi trường Việt Nam trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và liên kết, hợp tác phát triển ngành công nghiệp môi trường.

4. Kinh phí thực hiện Đề án

a) Kinh phí thực hiện Đề án được đảm bảo từ các nguồn vốn Ngân sách nhà nước và vốn huy động từ các nguồn khác (vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác).

b) Kinh phí thực hiện các nội dung phục vụ quản lý nhà nước như: rà soát, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; phát triển thị trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; triển khai thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025 được bố trí từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước thông qua các kế hoạch, chương trình hàng năm của các bộ, ngành và theo quy định của Luật về ngân sách nhà nước.

c) Kinh phí thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường được huy động từ các nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

5. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;

- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025.

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển dịch vụ môi trường; định kỳ hàng năm có báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2010 - 2020 của “Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020” theo Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển dịch vụ môi trường giai đoạn đến năm 2025 phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án này.

c) Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cân đối, bố trí và hướng dẫn sử dụng vốn ngân sách để tổ chức thực hiện Đề án.

d) Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, phối hợp Bộ Công Thương tổ chức thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025.

đ) Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong Đề án; xây dựng, ban hành các bộ đơn giá dịch vụ môi trường, suất đầu tư theo công nghệ tổng xử lý môi trường, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các hệ thống thoát nước và xử lý chất thải rắn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của mình; định kỳ hàng năm có báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tổ chức xây dựng và đưa danh mục hàng hóa và dịch vụ môi trường của ngành công nghiệp môi trường vào trong phân loại thống kê hệ thống ngành, sản phẩm của Việt Nam.

g) Các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong Đề án; định kỳ hàng năm có báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

h) Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền, liên kết, hợp tác các tổ chức ngành công nghiệp môi trường và các tổ chức có liên quan khác và tham gia các hoạt động phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, CN;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng