Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1930/QĐ-KTNN

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 24/6/2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Quyết định số 1662/QĐ-KTNN ngày 03/11/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước;

Xét đề nghị của Chánh văn phòng Kiểm toán nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công của Kiểm toán nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 828/QĐ-KTNN ngày 21/5/2015 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc ban hành Quy chế phân cấp quản lý tài sản nhà nước của Kiểm toán nhà nước.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước;
- Lưu: VT, VP (QT).

TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC




Hồ Đức Phớc

 

QUY CHẾ

PHÂN CẤP THẨM QUYỀN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1930/QĐ-KTNN ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về việc phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của Kiểm toán nhà nước, gồm: đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê tài sản, dịch vụ, sửa chữa, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công, xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại và các hình thức xử lý tài sản công khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản công quy định trong Quy chế này là tài sản nhà nước giao cho Kiểm toán nhà nước quản lý, sử dụng gồm: trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất; máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải; quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và các loại tài sản khác do pháp luật quy định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc phân cấp

1. Việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phải đảm bảo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản công và phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu công tác của Kiểm toán nhà nước.

2. Phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị và trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Tài sản công được trang bị phải sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo hiệu quả, chống lãng phí. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện công khai, minh bạch.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nội dung phân cấp

1. Quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công.

2. Quyết định thuê tài sản, dịch vụ phục vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

3. Quyết định thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công.

4. Quyết định xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại.

5. Quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 5. Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công

1. Tổng Kiểm toán nhà nước:

a) Quyết định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất;

b) Quyết định mua sắm tài sản công của Kiểm toán nhà nước có giá trị từ 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc 01 lần mua sắm trở lên;

c) Phê duyệt chủ trương mua sắm đối với loại tài sản mang tính đặc thù của ngành Kiểm toán nhà nước (trang phục, kỷ niệm chương, huy hiệu, logo của ngành, ấn phẩm chuyên ngành...).

2. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Văn phòng:

a) Phê duyệt kế hoạch mua sắm tài sản hằng năm của cơ quan Kiểm toán nhà nước;

b) Quyết định mua sắm tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc 01 lần mua sắm.

3. Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng các Kiểm toán nhà nước khu vực, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp phê duyệt và quyết định mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị có giá trị dưới 200 triệu đồng/01 đơn vị tài sản hoặc 01 lần mua sắm.

4. Kế hoạch mua sắm tài sản hằng năm của cơ quan Kiểm toán nhà nước, các Kiểm toán nhà nước khu vực, đơn vị sự nghiệp được lập và phê duyệt trước ngày 31/01 hằng năm.

5. Trình tự, thủ tục mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi tắt là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 6. Thuê tài sản, dịch vụ

1. Tổng Kiểm toán nhà nước: Quyết định thuê trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, dịch vụ và tài sản khác phục vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước có mức giá thuê từ 500 triệu đồng/01 lần thuê trở lên.

2. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Văn phòng: Quyết định thuê trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, dịch vụ và tài sản khác phục vụ hoạt động của Kiểm toán nhà nước có mức giá thuê từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 lần thuê.

3. Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng các Kiểm toán nhà nước khu vực, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp: Quyết định thuê trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, dịch vụ và các tài sản khác phục vụ hoạt động của đơn vị có mức giá thuê dưới 200 triệu đồng/01 lần thuê.

4. Trình tự, thủ tục thuê tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Điều 4 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Điều 7. Thu hồi tài sản công

1. Tài sản công bị thu hồi thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công:

a) Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thu hồi những tài sản công (không phải là trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất) có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản trở lên;

b) Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Văn phòng quyết định thu hồi

tài sản công có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;

c) Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng các Kiểm toán nhà nước khu vực, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp quyết định thu hồi tài sản công có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 200 triệu đồng/01 đơn vị tài sản.

3. Trình tự, thủ tục thu hồi, xử lý tài sản công được thực hiện theo quy định tại Điều 18, 19 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Điều 8. Điều chuyển tài sản công

1. Tài sản công được điều chuyển theo quy định tại khoản 1, Điều 42 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản công:

a) Tổng Kiểm toán nhà nước:

- Quyết định điều chuyển tài sản thuộc các dự án đã kết thúc;

- Tài sản công có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản trở lên;

b) Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Văn phòng quyết định điều chuyển tài sản công có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;

c) Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước quyết định điều chuyển tài sản công có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 200 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;

d) Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước quyết định điều chuyển tài sản công trong nội bộ đơn vị.

3. Trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản công thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Điều 9. Bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công và xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại

1. Thẩm quyền quyết định bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công (không phải là trụ sở làm việc) và xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại:

a) Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công và xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản trở lên;

b) Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Văn phòng quyết định bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công và xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị

hủy hoại có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;

c) Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng các Kiểm toán nhà nước khu vực, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp quyết định bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công và xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 200 triệu đồng/01đơn vị tài sản thuộc phạm vi quản lý.

2. Nội dung, trình tự, thủ tục bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản công và xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại:

a) Bán tài sản công:

- Tài sản công được bán theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Trình tự, thủ tục bán tài sản và xử lý tài sản công thực hiện theo quy định tại Điều 23, 24, 25, 26, 27 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP;

- Thủ trưởng các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm tổ chức bán tài sản công theo quy định của pháp luật.

b) Thanh lý tài sản công:

- Tài sản công được thanh lý theo quy định tại Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công thực hiện theo quy định tại Điều 29, 30, 31 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP;

- Thủ trưởng các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm tổ chức bán thanh lý tài sản công theo quy định của pháp luật.

c) Tiêu hủy tài sản công:

- Tài sản công bị tiêu hủy được quy định tại Điều 46 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Trình tự, thủ tục tiêu hủy tài sản công thực hiện theo quy định tại Điều 33, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP;

- Thủ trưởng các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm tổ chức tiêu hủy tài sản công theo quy định của pháp luật.

d) Xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại:

- Trường hợp tài sản công bị mất, bị hủy hoại được xử lý theo Điều 47 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Trình tự, thủ tục xử lý tài sản công thực hiện theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Điều 10. Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công

1. Tài sản công giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng phải được bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan, người có thẩm quyền quy định.

2. Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng các Kiểm toán nhà nước khu vực, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp quyết định việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Điều 11. Chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công

1. Tài sản công giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng phải được thống kê, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại theo Điều 38 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công:

a) Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công của năm trước đối với các tài sản quy định tại khoản 2, Điều 125 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP gửi về Văn phòng Kiểm toán nhà nước (qua phòng Quản trị) trước ngày 31 tháng 01 của năm sau. Nội dung báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 131 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP;

b) Hằng năm, sau khi thực hiện phương án xử lý tài sản, các đơn vị phải tổng hợp báo cáo gửi Văn phòng Kiểm toán nhà nước (qua phòng Quản trị) để báo cáo lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.

3. Văn phòng Kiểm toán nhà nước tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản công của Kiểm toán nhà nước báo cáo lãnh đạo Kiểm toán nhà nước để báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.

Điều 12. Lập, quản lý hồ sơ tài sản công

1. Tài sản giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng phải lập, quản lý hồ sơ theo Điều 37 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Điều 129 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

2. Văn phòng Kiểm toán nhà nước lập, quản lý hồ sơ tài sản công là trụ sở làm việc, xe ô tô và tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản trở lên, đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định và lập hồ sơ báo cáo kê khai định kỳ theo Điều 128 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Điều 13. Công khai tài sản công

Tài sản công phải được công khai theo quy định tại Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Điều 121, 122 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Điều 14. Quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo Mục 4, Chương III, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Chương III, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản công

1. Thẩm quyền quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản công được quy định như sau:

a) Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định hoặc ủy quyền cho Phó Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước;

b) Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước, các Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Kiểm toán nhà nước tổ chức kiểm tra việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản công trong phạm vi quản lý.

2. Khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm tra có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra xuất trình các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan thanh tra, kiểm tra báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

2. Văn phòng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước thực hiện Quy chế này; đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công của Kiểm toán nhà nước đúng mục đích và hiệu quả.

3. Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước các khu vực, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản pháp luật có liên quan và Quy chế này để ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Điều 17. Xử lý vi phạm

Các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quy chế phân cấp quản lý tài sản nhà nước của Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 828/QĐ-KTNN ngày 21/5/2015 của Tổng Kiểm toán nhà nước.

2. Khi các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Các nội dung quản lý, sử dụng tài sản công không quy định trong Quy chế này thì được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Nghị định 151/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Văn phòng Kiểm toán nhà nước để tổng hợp trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.