ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1953/QĐ-CTUBND | Quy Nhơn, ngày 22 tháng 8 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CHI TIẾT THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CHO CÁN BỘ, NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã. phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh từ năm 2006 đến năm 2010”.
Điều 2. Chánh Thanh tra tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định”, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CHO CÁN BỘ VÀ NHÂN DÂN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1953/QĐ-CTUBND ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
I. MỤC TIÊU:
1. Tạo sự chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Định, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
2. Giúp cho công dân nắm vững và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
3. Góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và trách nhiệm của cán bộ xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
4. Tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải, giải quyết các tranh chấp phát sinh từ xã, phường, thị trấn, góp phần hạn chế tình hình khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở xã phường, thị trấn bằng các hình thức thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khiếu nại, tố cáo của cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
2. Tuyên truyền việc chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, củng cố lòng tin của nhân dân vào tính đúng đắn của các quyết định giải quyết cụ thể, phê phán các hành vi vi phạm khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
3. Định kỳ hàng năm bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 3: “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn”.
1.1. Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 3: “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Ban chỉ đạo tỉnh).
Ban chỉ đạo tỉnh do Chánh Thanh tra tỉnh làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa - Thông tin, Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh.
Ban chỉ đạo tỉnh có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án cho UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương theo chế độ quy định. Trưởng Ban chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên, xây dựng Quy chế làm việc và bảo đảm các điều kiện cho Ban chỉ đạo hoạt động có hiệu quả.
1.2. Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thành lập Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo tỉnh bao gồm các cán bộ của Thanh tra tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan có kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tổ chuyên viên có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nội dung của Đề án; biên soạn các tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn nghiệp vụ về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trực tiếp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân dân tại các xã, phường, thị trấn được chọn làm đơn vị điểm; lập các báo cáo sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Đề án để Ban chỉ đạo tỉnh báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương theo chế độ quy định.
2. Xác định địa bàn xã, phường, thị trấn điểm để tập trung chỉ đạo:
Căn cứ hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương và tình hình thực tế của địa phương, chọn 05 xã, phường, thị trấn: Phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn; xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước; xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ; thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn và xã Canh Hiển, huyện Vân Canh làm đơn vị điểm để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án.
Trên cơ sở kết quả thực hiện tại các đơn vị điểm, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm để hướng dẫn triển khai rộng ở các xã, phường, thị trấn khác, trước hết là những địa bàn có phát sinh tình hình khiếu kiện phức tạp, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức pháp luật của nhân dân cò nhiều hạn chế.
3. Thời gian và các biện pháp thực hiện Đề án:
Đề án được triển khai từ năm 2006 đến năm 2010, thực hiện trong 02 giai đoạn: giai đoạn 1 từ nay đến cuối năm 2007 và giai đoạn 2 từ năm 2008 đến năm 2010. Trong giai đoạn 1, tập trung thực hiện những công việc chính sau đây:
3.1. Hệ thống hóa đầy đủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính và các quy định pháp luật khác có liên quan, tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các quy định của pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ Thanh tra, Tư pháp, Hội Nông dân các cấp và những cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn.
3.2. Ban chỉ đạo tỉnh phối hợp Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định mở chuyên mục, chuyên trang để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua các hoạt động: mời chuyên gia am hiểu pháp luật phổ biến, giới thiệu các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đưa các tin, bài, phóng sự điều tra về hoạt động tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Nhà nước ở địa phương; thực hiện phỏng vấn, tổ chức tọa đàm về các quy định của pháp luật và thực hiện pháp luật tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan hữu quan và những người có trách nhiệm; thực hiện các tiểu phẩm phản ảnh hoạt động tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nêu gương “người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến trong việc chấp hành pháp luật tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời phê phán những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3.3. Từ nay đến cuối năm 2006, tổ chức tuyên truyền, phổ biến trực tiếp các quy định của pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân tại các xã, phường, thị trấn đã được chọn làm đơn vị điểm. Trên cơ sở đó, tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, để triển khai rộng rãi ở các xã, phường, thị trấn khác trên địa bàn tỉnh trong năm 2007 và những năm tiếp theo.
3.4. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn bằng các hình thức phù hợp.
3.5. Tổ chức phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cán bộ các ngành Thanh tra, Tư pháp, Hội Nông dân các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan.
4. Chế độ thông tin báo cáo:
Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Ban chỉ đạo tỉnh tổng hợp tình hình thực hiện Đề án báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Trung ương.
Chậm nhất ngày 01/10/2007, báo cáo sơ kết thực hiện Đề án giai đoạn 1 và triển khai thực hiện tiếp kế hoạch giai đoạn 2 từ năm 2008 đến năm 2010.
5. Kinh phí thực hiện Đề án:
Kinh phí thực hiện Đề án do Ngân sách tỉnh cấp. Hàng năm, Chánh Thanh tra tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án gửi Sở Tài chính thẩm tra, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định./.
- 1 Quyết định 66/QĐ-UBND-TL năm 2014 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016 do tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 2 Quyết định 1648/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch Phổ biến, thực hiện Luật Tiếp công dân và Đề án Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3 Quyết định 1176/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 4 Quyết định 212/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 1176/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 2 Quyết định 1648/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch Phổ biến, thực hiện Luật Tiếp công dân và Đề án Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 3 Quyết định 66/QĐ-UBND-TL năm 2014 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016 do tỉnh Đồng Tháp ban hành