Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1973/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 13 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH TỔ CHỨC BUỔI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

Căn cứ Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 5700/TTr-SYT ngày 11/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình tổ chức buổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TT. Tỉnh ủy (báo cáo);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- BCĐ Covid-19 tỉnh;
- VPUB: LĐ, CV;
- Lưu: VT, VXNV. NNN

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Biên

 

QUY TRÌNH

TỔ CHỨC BUỔI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Kèm theo Quyết định số 1973/QĐ-UBND ngày 13/10/2021 của UBND tỉnh)

I. Quy định chung:

1. Mục đích:

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo an toàn, hiệu quả để phòng, chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng Covid-19, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân trước đại dịch Covid-19.

2. Yêu cầu:

- Huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành Y tế, lực lượng công an, quân đội, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

- Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân; Tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí trong tiêm vắc xin.

- 100% các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Thuận tổ chức triển khai tiêm chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19; bổ sung thêm các điểm tiêm chủng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sài Gòn - Phan Rang, một số Phòng khám đa khoa tư nhân, xe tiêm lưu động; đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành.

- Phối hợp thực hiện đồng bộ, đầy đủ nội dung các bước, để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, hiệu quả tiêm vắc xin phòng Covid-19.

II. Nội dung quy trình:

1. Giai đoạn trước tiêm chủng:

a) Bước 1: Công tác truyền thông:

- Trách nhiệm thực hiện: tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, đoàn thể và các tổ chức, doanh nghiệp.

- Nội dung:

Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm vắc phòng Covid-19 và thực hiện tốt “Thông điệp 5K”; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt là Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid- 19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; “Vắc xin tốt nhất là vắc xin được Bộ Y tế cấp phép và được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”, không phân biệt các loại vắc xin, không nên có tâm lý lựa chọn vắc xin.

Thông tin cho người dân và cộng đồng về đối tượng tiêm vắc xin, loại vắc xin phòng Covid-19, lợi ích của vắc xin, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi có thể xảy ra sau tiêm, theo dõi phát hiện phản ứng sau tiêm chủng và những điều cần lưu ý trước và sau khi đi tiêm vắc xin Covid-19.

- Thời gian, hình thức truyền thông:

Thực hiện liên tục trước và trong quá trình tổ chức tiêm chủng, bằng nhiều hình thức truyền thông giám tiếp và trực tiếp.

Thông qua các kênh truyền thông báo, đài, hệ thống truyền thanh địa phương, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại vắc xin phòng Covid-19, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi sau tiêm.

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả về hoạt động Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 để phổ biến kịp thời, chính xác các nội dung về tiêm vắc xin phòng Covid-19, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.

b) Bước 2: Điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm chủng:

- Trách nhiệm thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (cán bộ thôn, khu phố, Thanh niên, Hội phụ nữ của địa phương)

- Nội dung:

Điều tra, tổng hợp danh sách cán bộ và người lao động tại các công trình xây dựng, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp thuộc diện quản lý; cán bộ y tế công và tư nhân; người dân đủ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn huyện, thành phố dự kiến tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Việc lập danh sách đối tượng tiêm phải đúng thông tin; đúng mẫu và kèm theo file mềm đúng quy định của hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để thực hiện ánh xạ lên hệ thống (đính kèm mẫu) và phải cung cấp thông tin người đầu mối tổng hợp (để liên lạc khi cần thiết và bổ sung thông tin khi làm không đúng mẫu).

Đối tượng tiêm theo từng đợt tiêm cần được phê duyệt theo quy định tại Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 của Bộ Y tế và Kế hoạch số 4180/KH-UBND ngày 15/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện phê duyệt đối tượng theo từng đợt tiêm, gửi danh sách đối tượng về điểm tiêm trước (từ 02 đến 03 ngày) để lên kế hoạch trên phần mềm hệ thống và thực hiện gửi tin nhắn qua điện thoại mời đối tượng đến tiêm chủng theo đúng lịch.

c) Bước 3. Sàng lọc sức khỏe, quản lý, phân nhóm đối tượng trước khi tiêm chủng:

- Trách nhiệm thực hiện: cán bộ thôn, khu phố, nhân viên y tế.

- Nội dung:

Triển khai sàng lọc người dân trước khi tiêm chủng để phân nhóm: nhóm đối tượng tiêm chủng tại cơ sở y tế, Trạm Y tế hoặc bệnh viện/cơ sở y tế đủ điều kiện hồi sức cấp cứu ban đầu hoặc tiêm lưu động.

d) Bước 4. Nhập dữ liệu vào hồ sơ sức khỏe cá nhân, dữ liệu phải hoàn thành 2 ngày trước tiêm:

- Trách nhiệm thực hiện: cán bộ xã, thanh niên, cơ sở y tế, các điểm tiêm chủng.

- Nội dung:

Nhập đầy đủ thông tin của người được tiêm chủng gồm Họ và tên, giới tính, ngày sinh, mã nhóm đối tượng ưu tiên, địa chỉ, nghề nghiệp, số điện thoại, số chứng minh thư/thẻ căn cước công dân, mã số bảo hiểm y tế.

Các đối tượng được tiêm cần được quản lý trên Hệ thống quản lý đối tượng và mũi tiêm Covid-19.

đ) Bước 5. Lập kế hoạch tiêm:

- Trách nhiệm thực hiện: cơ sở y tế, các điểm tiêm chủng.

- Nội dung:

Thực hiện phân bổ, nhập/xuất vắc xin, vật tư tiêu hao theo phân quyền trên hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Các điểm tiêm chủng tạo lập danh sách cán bộ y tế thực hiện tiêm; chọn vắc xin; thực hiện lập kế hoạch tiêm chủng trên hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Mỗi kế hoạch tiêm cần được cập nhật liên tục về thời gian bắt đầu kế hoạch, loại vắc xin sử dụng, ê kíp tiêm phụ trách, số lượng đối tượng tiêm, số ngày thực hiện, số bàn, địa điểm tiêm,....

e) Bước 6. Phát giấy mời, vận động người dân đến tiêm chủng, mời đối tượng tiêm (Cán bộ thôn, khu phố):

- Trách nhiệm thực hiện: cán bộ thôn, khu phố, cơ sở y tế, các điểm tiêm chủng.

- Nội dung:

Các xã, phường, thị trấn chủ động phát giấy mời cho người dân bố trí thời gian, sắp xếp khung giờ theo hướng giãn cách từng người, để hạn chế tập trung đông người đến tiêm phòng cùng lúc.

Tại các khu phong tỏa tạm thời, khu cách ly, sau khi hết thời gian phong tỏa các phường sẽ thông báo và tiến hành phát thư mời lần lượt các hộ dân đi tiêm.

Các điểm tiêm thực hiện gửi tin nhắn SMS trên hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để thông báo đến cho đối tượng trong kế hoạch về buổi tiêm, ngày tiêm, giờ tiêm dự kiến, địa điểm tiêm chủng nhằm áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, đảm bảo tiến độ thực hiện tiêm chủng.

g) Bước 7. Khai báo y tế điện tử hoặc giấy (Người dân tự khai báo/ Thanh niên hướng dẫn):

- Trách nhiệm thực hiện: Người dân (tự khai báo); thanh niên; cán bộ thôn, khu phố hỗ trợ.

- Nội dung:

Hướng dẫn người dân khai báo y tế tại nhà trước khi đến các cơ sở y tế, các điểm tiêm chủng bằng phần mềm khai báo y tế hoặc bảng giấy.

Hướng dẫn người dân tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” và thực hiện, cập nhật phản ứng sau tiêm qua hình thức ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên di động.

Hướng dẫn người dân cần chủ động kiểm tra lịch hẹn tiêm theo giấy mời hoặc tin nhắn SMS trên điện thoại cá nhân đã được đăng ký; Chuẩn bị giấy tờ tùy thân (CMND/ CCCD, thẻ BHYT,..), đơn thuốc đang sử dụng (nếu có).

2. Giai đoạn tiêm chủng:

a) Bước 1. Bố trí nơi tiêm:

- Trách nhiệm thực hiện: Công an, Đoàn thanh niên, Hội đoàn thể.

- Nội dung: Bố trí từng khu vực triển khai tiêm chủng gồm:

Khu vực kiểm tra khai báo y tế trước khi vào khu vực tiêm chủng.

Khu vực chờ trước tiêm, sàng lọc, tư vấn, tiêm, theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng 30 phút đảm bảo thông thoáng, đủ ghế ngồi và giữ khoảng giữa các đối tượng được tiêm chủng, nhân viên y tế, người nhà.

Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng chống dịch theo thứ tự như sau: Khu vực chờ trước tiêm chủng → Bàn đón tiếp, hướng dẫn → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng → Bàn ghi chép, nhập số liệu → Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.

Bố trí đối tượng tiêm theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng chống dịch, an ninh trật tự; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.

Các điểm tiêm đều có lực lượng Công an, Quân sự, đoàn viên thanh niên và các hội đoàn thể hỗ trợ giữ xe, đo thân nhiệt, xịt sát khuẩn rửa tay, sắp xếp bố trí chỗ ngồi cho người dân theo hướng giữ khoảng cách.

b) Bước 2. Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón; Gọi tiêm theo thứ tự, trật tự.

- Trách nhiệm thực hiện: Công an, Đoàn thanh niên, Hội đoàn thể.

- Nội dung:

Phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng (nếu đối tượng không mang).

Thực hiện đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng.

Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế bản giấy. Đối với đối tượng chưa thực hiện đăng ký trước khi đến tiêm chủng, hướng dẫn người dân đăng ký.

Gọi tiêm theo thứ tự, trật tự.

c) Bước 3: Hoàn thành phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin:

- Cơ quan thực hiện: Đoàn thanh niên, Hội đoàn thể.

- Nội dung:

Cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo mẫu. Người được tiêm chủng điền thông tin và ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi sàng lọc.

d) Bước 4. Khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin:

- Trách nhiệm thực hiện: Cơ sở y tế, điểm tiêm chủng.

- Nội dung:

Điền đầy đủ thông tin kết quả khám sàng lọc trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Nếu cơ sở tiêm chủng không điền được thông tin này trên hệ thống thì in phiếu khám sàng lọc.

Nhân viên y tế thực hiện khám sàng lọc và điền thông tin vào phiếu khám sàng lọc.

Nếu đủ điều kiện tiêm chủng thì hướng dẫn đối tượng đến khu vực tiêm và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những sự cố bất lợi có thể gặp sau tiêm chủng. Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc xin được tiêm chủng. Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 các nội dung quy định. Nếu đối tượng không đủ điều kiện tiêm thì tư vấn để chuyển cơ sở tiêm chủng hoặc ra về.

đ) Bước 5. Thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ Y tế:

- Trách nhiệm thực hiện: Cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng.

- Nội dung: thực hiện quy trình tiêm theo quy định của Bộ Y tế.

e) Bước 6. Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng; Cấp giấy chứng nhận tiêm:

- Trách nhiệm thực hiện: cơ sở y tế, điểm tiêm chủng, Đoàn Thanh niên.

- Nội dung:

Theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm. Đối với cơ sở tiêm chủng sử dụng bản in phiếu khám sàng lọc thì thực hiện nhập thông tin của người đã được tiêm sau khi tiêm xong.

Sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 theo mẫu quy định.

Đối tượng tiêm sẽ được cấp giấy Chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 sau khi tiêm gồm: Giấy chứng nhận tiêm chủng và Chứng nhận trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Ngoài ra, đối tượng tiêm có thể thực hiện tra cứu trực tuyến chứng nhận tiêm chủng trên Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quốc gia (https://tiemchungcovid19.gov.vn/).

Hướng dẫn đối tượng tiêm vắc xin tự theo dõi tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Tiếp nhận tư vấn các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, tiếp nhận các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến.

3. Quản lý sau tiêm:

a) Bước 1. Thực hiện nhập mới và nhập hồi cứu đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lên Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID- 19 để quản lý:

- Cơ quan thực hiện: Cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng; Đoàn thanh niên; cán bộ xã, phường.

- Nội dung:

Nhập liệu lên hệ thống Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Đối với số lượng mũi tiêm đã nhập Excel nhưng chưa cập nhật lên hệ thống: Đề nghị cán bộ thực hiện chuẩn hoá dữ liệu và cập nhật lên Hệ thống theo tài liệu hướng dẫn của Viettel.

Đối với số lượng mũi chưa nhập lên file Excel (đang lưu bản giấy): huy động lực lượng hỗ trợ nhập liệu, đăng dữ liệu, rà soát lại nội dung thông tin cơ bản nhất của người dân, bao gồm: Họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh (ngày/tháng/năm), số điện thoại di động, số Căn cước/CMND, Số thẻ bảo hiểm, Dân tộc, Quốc tịch, Tỉnh, Huyện, Phường (xã), Địa chỉ chi tiết nơi ở hiện tại, Loại vắc xin đã tiêm mũi 1, Ngày tiêm mũi 1, Lô vắc xin tiêm mũi 1, Mã cơ sở tiêm mũi 1.

Đối với các phiếu không đủ thông tin như trên, đề nghị cán bộ xã, phường huy động lực lượng rà soát và bổ sung thông tin đầy đủ, sau đó cập nhật lên hệ thống, để đảm bảo quyền lợi cho người đã tiêm.

b) Bước 2: Kiểm tra sức khỏe một số trường hợp, khoảng 5%:

Cơ quan thực hiện: cơ sở y tế, các điểm tiêm chủng.

Nội dung: điện thoại đến một số các trường hợp cần theo dõi.

c) Bước 3: Trực đường dây nóng để tư vấn sức khỏe sau tiêm:

- Cơ quan thực hiện: Cơ sở y tế, các điểm tiêm chủng.

- Nội dung: tư vấn, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp phát sinh dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng.

III. Giải pháp đảm bảo thực hiện quy trình:

1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện đồng bộ quy trình chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid- 9 trên địa bàn phụ trách; tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện đảm bảo tiến độ và an toàn.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ Kế hoạch của huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn và tổ chức các khu dân cư rà soát, lập danh sách, tổng hợp số lượng các trường hợp từ 18 tuổi trở lên thuộc địa phương mình và gửi về Trạm Y tế xã, phường, thị trấn tổng hợp gửi Trung tâm Y tế huyện, thành phố.

2. Sở Y tế tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh; triển khai các điểm tiêm chủng theo kế hoạch và tổ chức xử lý, cấp cứu kịp thời sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng Covid-19; phân tích, đánh giá điều trị các trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì chỉ đạo công tác truyền thông chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19; Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân cho tiêm chủng; xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng; tổng hợp dữ liệu và công khai trên bản đồ số hóa chiến dịch tiêm chủng.

4. Tỉnh đoàn Thanh niên huy động, phân công cán bộ tham gia hỗ trợ các điểm tiêm chủng tại tuyến tỉnh và trên địa bàn các huyện, thành phố.

5. Các sở, ban, ngành, địa phương theo lĩnh vực quản lý, tổ chức lập danh sách, gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã/huyện/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo phân tuyến đã được hướng dẫn và phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm cho các đối tượng thuộc đơn vị mình theo kế hoạch.

Yêu cầu các sở, ngành, địa phương, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện./.