BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1992/QĐ-BNN-HTQT | Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2015 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ;
Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-BKHĐT ngày 09/01/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;
Căn cứ Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính “Quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu Ngân sách nhà nước”;
Căn cứ Thông tư số 49/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
Căn cứ Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 13/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh mục Dự án “Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” vay vốn Ngân hàng Thế giới;
Căn cứ Công văn số 3950/VPCP-QHQT ngày 29/5/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, vay vốn WB;
Xét đề nghị của Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp tại Tờ trình số 952/DANN-QLTV&XDDA ngày 27/5/2015 về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam vay vốn Ngân hàng Thế giới và hồ sơ kèm theo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng: Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, vay vốn Ngân hàng Thế giới (Văn kiện Dự án kèm theo) với các nội dung như sau:
1. Tên dự án: Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (viết tắt là VnSAT).
2. Tên nhà tài trợ: Ngân hàng Thế giới (WB).
3. Cơ quan chủ quản dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Chủ dự án: Ban quản lý các dự án Nông nghiệp.
5. Phạm vi dự án: Gồm 13 tỉnh, thành phố: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và TiỀn Giang và 7 tỉnh lựa chọn thí điểm tái cơ cấu là: Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp, Lâm Đồng.
6. Thời gian thực hiện: 2015 - 2020
7. Mục tiêu và tác động của dự án
7.1. Mục tiêu của dự án
7.1.1 Mục tiêu phát triển của dự án: Góp phần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của Ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên.
7.1.2 Mục tiêu cụ thể của dự án
a. Mục tiêu kinh tế
Đối với Hợp phần lúa gạo: Với 200.000 ha sản xuất lúa của 140.000 hộ nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40 - 60 triệu USD/năm.
Đối với hợp phần cà phê: Với 69.000 ha cà phê của 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh; tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 48-50 triệu USD/năm (242 - 250 triệu USD cho 5 năm). Lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh của cà phê (20-25 năm).
b. Mục tiêu xã hội
Khoảng 140.000 hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL được tiếp cận, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã và tăng thu nhập khoảng 30%.
Khoảng 63.000 hộ nông dân ở Tây Nguyên được tiếp cận, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, tái canh cà phê và tăng thu nhập khoảng 20%.
c. Mục tiêu về môi trường
Giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong quá trình canh tác lúa gạo, cà phê.
d. Tăng cường năng lực
Tăng cường năng lực, thể chế thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Bộ Nông nghiệp và PTNT và các tỉnh tham gia dự án;
8. Nội dung Dự án: Gồm (04) hợp phần: (A) Tăng cường năng lực, thể chế thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; (B) Hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững; (C) Phát triển cà phê bền vững; và (D) Quản lý dự án.
8.1. Hợp phần A: Tăng cường năng lực thể chế thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Mục tiêu: tăng cường năng lực, thể chế thực hiện tái cơ cấu cho các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Nông Nghiệp và PTNT, các tỉnh tham gia dự án, các đối tác và mạng lưới trong chuỗi giá trị (bao gồm cả ngân hàng).
Hợp phần này bao gồm 3 tiểu hợp phần sau:
Tiểu hợp phần A1 - Tăng cường năng lực cho Bộ Nông nghiệp và PTNT
Hỗ trợ Ban chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban) chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu đạt mục tiêu và tiến độ đề ra; hỗ trợ các đơn vị thuộc Bộ nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện tái cơ cấu với các nội dung sau: (i) tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; (ii) rà soát điều chỉnh và tổ chức thực hiện 6 đề án/kế hoạch tái cơ cấu các tiểu ngành và 6 kế hoạch chuyên đề phục vụ tái cơ cấu đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt; (iii) xây dựng và tổ chức thực hiện bộ chỉ số giám sát, đánh giá tái cơ cấu ngành nông nghiệp; (iv) lập và tổ chức thực hiện kế hoạch dựa trên kết quả; (v) Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, tài chính công tại Bộ Nông nghiệp và PTNT theo hướng minh bạch, đảm bảo đầu tư gắn kết với các ưu tiên của ngành.
Tiểu hợp phần A2: Tăng cường năng lực cho cấp tỉnh
Hỗ trợ tăng cường năng lực cho 07 tỉnh thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn, các hỗ trợ cụ thể là: nâng cao hiệu quả dịch vụ công trong ngành nông nghiệp, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đề án (hoặc kế hoạch) tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương, xây dựng các chương trình hành động và tổ chức thực hiện; triển khai một số chuyên đề cải cách theo nội dung phù hợp với Tiểu hợp phần A1.
Tiểu hợp phần A3: Tăng cường năng lực cho các đối tác và mạng lưới trong chuỗi giá trị
Hỗ trợ cho các đối tác và mạng lưới (bao gồm các Hiệp hội ngành hàng, Hội đồng ngành hàng,...) trong chuỗi giá trị để tăng cường sự tham gia của tư nhân vào triển khai Đề án tái cơ cấu ngành; hỗ trợ thành lập và vận hành Văn phòng đối tác công tư tại Bộ Nông nghiệp và PTNT, đào tạo cho các thể chế tài chính địa phương.
8.2. Hợp phần B: Hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững
Mục tiêu: tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo, giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa. Cụ thể: (i) triển khai chương trình đào tạo cho nông dân về công nghệ mới canh tác lúa bền vững thông qua các mô hình trình diễn để thay đổi hành vi và tập quán sản xuất của nông dân xây dựng năng lực cho các tổ chức nông dân, hỗ trợ liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp chế biến, tăng chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu, khuyến khích luân canh đa dạng hóa để nâng cao thu nhập cho các TCND và các thành viên; (ii) hỗ trợ và tăng cường đầu tư cho khu vực tư nhân vào công nghệ chế biến, trang thiết bị để giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao phẩm cấp gạo chế biến; và (iii) cải thiện cung cấp dịch vụ công hỗ trợ nông dân áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, giám sát việc áp dụng của nông dân; (iv) đo đạc và đánh giá hiệu quả giảm khí phát thải nhà kính.
Hợp phần này gồm 3 tiểu hợp phần sau:
Tiểu hợp phần B1: Hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất và quản lý lúa gạo tiên tiến
Đào tạo kỹ thuật cho nông dân trồng lúa thông qua lớp học đầu bờ (FFS). Tất cả nông dân trồng lúa ở các huyện trọng điểm (khoảng 140.000 hộ nông dân trồng lúa trên diện tích khoảng 200.000 ha) sẽ được lựa chọn để đào tạo về 3G3T. Khoảng 120 điểm trình diễn lớp học đầu bờ (FFS) sẽ được triển khai ở 30 huyện dự án trong khoảng thời gian 5 năm của dự án để đào tạo kỹ thuật nhằm thay đổi hành vi và tập quán sản xuất của nông dân. Các chiến dịch nâng cao nhận thức và truyền thông sẽ là một phần của chương trình đào tạo để thúc đẩy việc áp dụng 3G3T. Đến năm thứ 3 thực hiện dự án, sẽ có khoảng 70-75 % số lượng nông dân được đào tạo sẽ áp dụng quy trình canh tác lúa tiên tiến 3G3T (khoảng 70.000 hộ trên diện tích 100.000 ha). Sau khi nông dân đã áp dụng tốt các kỹ thuật 3G3T, dự án sẽ hỗ trợ nông dân thành lập và xây dựng năng lực cho các hợp tác xã (hoặc tổ chức nông dân) để tiếp tục phát triển từ 3G3T lên công nghệ 1P5G. Khoảng 148 tổ chức nông dân (TCND) với khoảng 70.000 hộ nông dân sẽ áp dụng 1P5G trồng lúa trên diện tích 100.000 ha.
Hỗ trợ các tổ chức nông dân (TCND) tổ chức nhân giống xác nhận, phát triển cơ sở hạ tầng công phục vụ sản xuất, luân canh cây trồng và tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.... theo Nghị định 193/2013/NĐ - CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã và cơ chế xây dựng nông thôn mới. Tất cả các khoản hỗ trợ cho một TCND sẽ không vượt quá 400.000 USD cho quy mô từ 500 đến 1.000 hộ nông dân trồng lúa.
Hỗ trợ liên kết tiêu thụ giữa các TCND tiên tiến với các doanh nghiệp nông nghiệp (những doanh nghiệp được hỗ trợ ở tiểu hợp phần B2) để cải thiện tiêu thụ và phát triển thị trường lúa gạo chất lượng cao/đặc sản (hợp đồng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, vv). Với mục tiêu khoảng 53.000 hộ nông dân áp dụng 1P5G sẽ được liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp thông qua hợp đồng mua bán sản phẩm.
Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia cung cấp hỗ trợ kỹ thuật gồm: (i) xây dựng quy trình tài liệu nhằm quản lý nâng cao năng lực của các HTX/THT; (ii) xây dựng và cập nhật hàng năm hệ thống bản đồ sử dụng đất, bản đồ phân hạng đất…, các thông tin cơ bản của cây lúa (mô hình 1P5G và 3G3T) tại ĐBSCL; (iii) sử dụng công nghệ hệ thống thông tin địa lý, viễn thám, và phân tích không gian nhằm quản lý, giám sát, và phân tích số liệu cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tiểu hợp phần B2: Hỗ trợ đầu tư tư nhân vào sản xuất và chế biến lúa gạo chất lượng cao
Cung cấp các khoản vay trung và dài hạn, trên cơ sở lãi suất thương mại, cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến lúa gạo để đầu tư công nghệ và cơ sở chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị gạo Việt Nam.
Tiểu hợp phần B3: Nâng cao hiệu quả dịch vụ công
Hỗ trợ tài chính và các nguồn lực cần thiết để tăng cường năng lực cho các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Sở Nông nghiệp và PTNT ở các tỉnh dự án để nâng cao hiệu quả dịch vụ công.
Xây dựng một số mô hình điểm về việc tái sử dụng các phế phụ phẩm (rơm rạ, trấu...) nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị như nấm, phân hữu cơ vi sinh, chất đốt, thức ăn chăn nuôi.
Các Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm thực hiện tất cả các hoạt động dự án trên địa bàn tỉnh dưới sự hướng dẫn kỹ thuật và giám sát chất lượng của các đơn vị thuộc Bộ.
Hỗ trợ hoạt động hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).
8.3. Hợp phần C: Phát triển cà phê bền vững.
Mục tiêu: Tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững. Dự án hỗ trợ: (i) đào tạo kỹ thuật cho nông dân canh tác bền vững; (ii) cải thiện các dịch vụ để giúp nông dân tái canh cà phê bền vững, hiệu quả cao; (iii) cải thiện chất lượng dịch vụ công để hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ hiệu quả; (iv) cung cấp tín dụng cho tái canh cà phê.
Tiểu hợp phần C1: Hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất và quản lý cà phê bền vững
Hỗ trợ nông dân trồng cà phê áp dụng công nghệ sản xuất bền vững, tập trung vào các hoạt động sau:
Cung cấp đào tạo tập huấn về nông học và quản lý cà phê bền vững cho khoảng 63.000 hộ nông dân trồng cà phê ở 12 huyện trọng điểm, với tổng diện tích khoảng 69.000 ha, trong đó có khoảng 9.000 hộ tham gia tái canh cà phê trên diện tích khoảng 10.000 ha. Việc đào tạo sẽ được thực hiện theo phương pháp lớp học đầu bờ (FFS) thông qua xây dựng các mô hình điểm và đào tạo các nông dân chủ chốt.
Tài trợ một phần xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng thiết yếu, hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm và hỗ trợ các hoạt động sơ chế, giảm tổn thất sau thu hoạch.... Hỗ trợ thành lập khoảng 162 HTX/TCND để nông dân có thể hợp tác trong việc thu hoạch và tiếp thị sản phẩm cũng như mua nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu và các hoạt động khác, hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho các HTX.
Tiểu hợp phần C2: Hỗ trợ tái canh bền vững cà phê
Cung cấp các khoản vay dài hạn cho hộ nông dân tái canh cà phê thông qua các ngân hàng thương mại, trên diện tích khoảng 9.000 ha.
Cung cấp đào tạo (chủ yếu về khía cạnh kỹ thuật và nông học) cho ngân hàng bán buôn và các ngân hàng bán lẻ nhằm nâng cao năng lực thẩm định và giải ngân nguồn vốn vay của các ngân hàng cho nông dân;
Hỗ trợ việc nâng cấp kết cấu hạ tầng, công nghệ để sản xuất và chứng nhận giống chất lượng cao phục vụ tái canh Cà phê.
Tiểu hợp phần C3: Nâng cao chất lượng dịch vụ công
Cải thiện chất lượng quy hoạch tổng thể và quy hoạch tái canh cà phê của các tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thí điểm phương pháp tiếp cận cảnh quan trong một hoặc hai huyện ở mỗi tỉnh tham gia.
Xây dựng và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả dựa trên kỹ thuật viễn thám và điện toán để phân tích dữ liệu không gian trong sản xuất và tái canh cà phê.
Nâng cao chất lượng và dịch vụ công hỗ trợ nông dân trong việc đăng ký chất lượng vườn ươm, cấp giấy chứng nhận và giám sát chất lượng cây giống, giám sát dịch bệnh, thông tin và kiểm soát, kiểm tra đất, chẩn đoán dinh dưỡng, tư vấn công thức phân bón, nâng cấp cơ sở vườn ươm tạo giống đầu dòng và phổ biến công nghệ thực hành tốt trong sản xuất cà phê bền vững.
8.4. Hợp phần D: Quản lý dự án và giám sát đánh giá
Đào tạo tập huấn, cung cấp trang thiết bị phương tiện cần thiết và chi phí vận hành cho Ban quản lý dự án Trung ương, Ban quản lý Hợp phần A và các Sở Nông nghiệp và PTNT của tỉnh dự án.
Xây dựng một hệ thống giám sát và đánh giá dự án dựa trên công cụ giám sát thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
9. Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn:
Tổng mức đầu tư của dự án: 301 triệu USD tương đương 6.472 tỷ đồng (tỷ giá hối đoái tạm tính 1USD = 21.500 đồng), trong đó: vốn phi tín dụng là 196 triệu USD (chiếm khoảng 65,1%) và vốn tín dụng là 105 triệu USD (chiếm khoảng 34,9%).
9.1. Vốn vay
Vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới (IDA): 237,292 triệu USD, tương đương khoảng 5.100 tỷ đồng (chiếm khoảng 78,8 % tổng vốn dự án).
9.2. Vốn đối ứng của Chính phủ
Tổng số: 28,8 triệu USD, tương đương 619 tỷ đồng (chiếm khoảng 9,6% tổng vốn).
Trong đó:
Ngân sách Trung ương cấp phát trong dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ Nông nghiệp và PTNT là 1,64 triệu USD, tương đương với 35 tỷ VND.
Ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí cho các nội dung hoạt động tại các tỉnh là 27,15 triệu USD, tương đương với 584 tỷ VND.
9.3. Vốn tư nhân
Nông dân, các tổ chức nông dân và các doanh nghiệp tham gia dự án đóng góp khoảng 35 triệu USD, tương đương 752 tỷ đồng (chiếm 12 %).
Phân bổ vốn theo Hợp phần và nguồn tài trợ
Đơn vị tính: triệu USD
Hợp phần dự án | Chính phủ | IDA | Tư nhân | Tổng | ||||
Số lượng | % | Số lượng | % | Số lượng | % | Số lượng | % | |
A - Tăng cường thể chế | 1,166 | 18 | 4,951 | 78 | 240 | 4 | 6,357 | 2 |
B - Phát triển lúa gạo bền vững | 16,223 | 9 | 140,263 | 77 | 26,090 | 14 | 182,577 | 61 |
C - Phát triển cà phê bền vững | 7,649 | 8 | 82,378 | 84 | 8,664 | 9 | 98,691 | 33 |
D - Quản lý dự án giám sát và đánh giá | 3,750 | 28 | 9,630 | 72 | - | - | 13,380 | 4 |
Tổng vốn dự án | 28,788 | 10 | 237,222 | 79 | 34,994 | 12 | 301,004 | 100 |
10. Tính chất sử dụng vốn của Dự án: Dự án xây dựng cơ bản
11.1 Vốn Phi tín dụng
a. Vốn IDA
Đối với nội dung do Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện: Ngân sách trung ương cấp phát cho Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Đối với nội dung do các tỉnh thực hiện: Ngân sách trung ương cấp phát có mục tiêu cho Ngân sách địa phương.
Đối với các nội dung tăng cường năng lực, kết cấu hạ tầng và công nghệ, luân canh cây trồng,... cho các tổ chức nông dân để tối đa hóa hiệu quả sản xuất: Sẽ thực hiện theo cơ chế tài chính do Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b. Vốn đối ứng của Chính phủ.
Chi phí lương, phụ cấp cho các cán bộ nhà nước, chi phí hoạt động tư vấn khảo sát thiết kế công trình xây lắp, đền bù tái định cư... Bộ Nông nghiệp và PTNT bố trí vốn cho các hoạt động cấp Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách cho các hoạt động của tỉnh.
c. Vốn tư nhân đóng góp.
Do nông dân, tổ chức nông dân và các doanh nghiệp tham gia dự án trực tiếp đóng góp.
11.2 Vốn tín dụng
Vốn tín dụng IDA được Bộ Tài Chính cho vay lại thông qua Ngân hàng bán buôn (NHBB) theo nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn được đồng thuận giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng Thế giới tại Hiệp định tín dụng.
12. Kế hoạch đấu thầu 18 tháng: Theo phụ lục đính kèm
13. Hình thức quản lý, thực hiện dự án
13.1 Phương thức tổ chức quản lý thực hiện dự án
Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ quản dự án và chịu trách nhiệm chung đối với việc triển khai mọi hoạt động của dự án. Ủy ban Nhân dân các tỉnh thực hiện dự án là cơ quan chủ quản các dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Ở cấp Trung ương, Cơ quan quản lý dự án gồm Ban quản lý các dự án nông nghiệp (APMB) và Vụ Kế hoạch. Ở cấp địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan quản lý chung về thực hiện dự án, sẽ có một Ban quản lý dự án được thành lập trong Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án.
Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho Ban quản lý các dự án nông nghiệp là chủ dự án. UBND các tỉnh/thành phố tham gia dự án giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT là chủ dự án do tỉnh/thành phố thực hiện.
Dự án sẽ thành lập Ban Chỉ đạo dự án trung ương bao gồm đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các Bộ liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng bán buôn, lãnh đạo UBND các tỉnh tham gia dự án. Ban chỉ đạo do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT làm trưởng ban.
Tại các tỉnh tham gia dự án, thành lập Ban chỉ đạo dự án cấp tỉnh do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, thành viên gồm đại diện các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Tài chính và các cơ quan liên quan.
13.2 Tổ chức quản lý thực hiện dự án
a. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ quản của dự án, UBND các tỉnh thực hiện dự án là cơ quan chủ quản các dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Vụ Hợp tác quốc tế: giúp cơ quan chủ quản dự án trong công tác quản lý thực hiện dự án tuân thủ Hiệp định vay; hướng dẫn, theo dõi, đánh giá, tổng hợp và định kỳ báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT việc quản lý, thực hiện nguồn vốn tài trợ.
Vụ kế hoạch: giúp cơ quan chủ quản dự án về công tác kế hoạch tổng thể và kế hoạch phân bổ vốn hàng năm, công tác báo cáo, theo dõi, giám sát đánh giá dự án theo đúng tiến độ, chất lượng và đạt mục tiêu đề ra.
Vụ Tổ chức cán bộ: chịu trách nhiệm tham mưu giúp cơ quan chủ quản dự án về công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, tập huấn.
Vụ Tài chính, chịu trách nhiệm tham mưu giúp cơ quan chủ quản dự án quản lý, hướng dẫn các công tác tài chính của Dự án.
Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường: chịu trách nhiệm tham mưu giúp cơ quan chủ quản dự án quản lý, hướng dẫn các công tác khoa học công nghệ và môi trường của dự án
Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục KTHT và PTNT, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Cục Quản lý xây dựng công trình, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn: hỗ trợ BQLDATW trong việc triển khai thực hiện các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hệ thống trồng lúa và cà phê bền vững bao gồm tái canh cà phê theo chức năng, nhiệm vụ về kỹ thuật và quản lý của các đơn vị đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao.
Ban Quản lý dự án nông nghiệp (APMB): là chủ dự án, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, quản lý điều phối chung hoạt động của toàn dự án theo quy định pháp luật và hiệp định vay.
Ban quản lý dự án Trung ương: chịu trách nhiệm điều hành hoạt động toàn dự án theo quy định pháp luật của Nhà nước và Hiệp định vay. Ban quản lý dự án Trung ương được quản lý bởi một Giám đốc dự án có kinh nghiệm thực hiện và quản lý một số dự án có tính chất tương tự do WB tài trợ và đã tham gia vào quá trình chuẩn bị dự án. Giám đốc dự án sẽ được hỗ trợ bởi các Phó giám đốc có kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án tương tự cũng như các cán bộ kỹ thuật, hành chính, kế toán.
Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Kinh tế Hợp tác và PTNT và các cơ quan kỹ thuật khác của Sở Nông nghiệp và PTNT: hỗ trợ Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện các vấn đề kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ về kỹ thuật và quản lý của Sở Nông nghiệp và PTNT giao.
Sở Tài nguyên và Môi trường: hỗ trợ các Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến quy hoạch môi trường, theo dõi, giám sát, và quản lý theo nhiệm vụ kỹ thuật và quản lý của UBND tỉnh giao.
Ủy ban nhân dân: các huyện/xã tham gia dự án, sẽ hỗ trợ các Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc thực hiện và giám sát các hoạt động dự án tại địa phương theo chức năng hành chính và quản lý.
Các tổ chức nông dân/các HTX về lúa gạo và cà phê: được thành lập trên cơ sở tự nguyện thông qua sự hỗ trợ của dự án để tham gia các hoạt động của dự án.
Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI): tham gia với vai trò tư vấn để hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh, BQLDATW trong việc thực hiện Hợp phần B.
b. Cơ quan thực hiện dự án: Bao gồm Ban quản lý dự án Nông nghiệp, Vụ Kế hoạch, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và Ngân hàng bán buôn.
Ban quản lý các dự án Nông nghiệp: Là chủ dự án. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ ra quyết định thành lập Ban quản lý dự án Trung ương (BQLDATW) thuộc Ban quản lý các dự án Nông nghiệp và bổ nhiệm Giám đốc BQLDATW. BQLDATW có các Phó Giám đốc, kế toán dự án, các cán bộ và nhân viên hỗ trợ. BQLDATW có trách nhiệm điều phối, thực hiện, quản lý và giám sát toàn dự án theo Hiệp định vốn vay giữa Nhà nước và Ngân hàng Thế giới và có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ dự án, mua sắm ở cấp Trung ương, tuyển chọn và sử dụng tư vấn cấp trung ương, tổng hợp các báo cáo đề xuất và báo cáo đầu tư tiểu dự án thực hiện trên địa bàn các tỉnh, chỉ đạo, hướng dẫn các Ban quản lý dự án các tỉnh và các hợp phần thực hiện theo nội dung của dự án.
Vụ Kế hoạch: Là chủ hợp phần A. Ban quản lý dự án Hợp phần A (BTHDA) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, bộ máy hoạt động của Ban.
Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố tham gia dự án là Chủ dự án cấp tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT quyết định thành lập Ban quản lý dự án (BTHDA tỉnh), quy định chức năng, nhiệm vụ, bộ máy của Ban. Ban chịu trách nhiệm tuân thủ các chính sách và qui trình thủ tục của dự án cho từng tiểu dự án và điều phối hiệu quả hoạt động về dự án của các cơ quan liên quan trong tỉnh.
Ngân hàng bán buôn: Do Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước lựa chọn với sự tham vấn của Ngân hàng thế giới để quản lý khoản tín dụng, chịu trách nhiệm toàn diện về mặt quản lý, cho vay lại, thu nợ, lãi và hoàn trả phần vốn tín dụng cho Bộ Tài chính.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ; Vụ trưởng các Vụ: Hợp tác quốc tế, Kế hoạch, Tài chính, Trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 4063/BNN-TT năm 2017 về lập báo cáo kết quả thực hiện và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Công văn 6926/BNN-TT năm 2016 hướng dẫn thực hiện Quyết định 915/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Quyết định 845/QĐ-BNN-TCLN năm 2016 Bộ tiêu chí rà soát diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu chuyển đổi sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Thông tư 01/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 5 Nghị định 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 6 Nghị định 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật hợp tác xã
- 7 Nghị định 38/2013/NĐ-CP quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ
- 8 Thông tư 225/2010/TT-BTC quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 9 Thông tư 49/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1 Quyết định 845/QĐ-BNN-TCLN năm 2016 Bộ tiêu chí rà soát diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu chuyển đổi sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Công văn 6926/BNN-TT năm 2016 hướng dẫn thực hiện Quyết định 915/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Công văn 4063/BNN-TT năm 2017 về lập báo cáo kết quả thực hiện và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành