Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2006/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP BỔ TÚC TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ BỔ TÚC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BAN HÀNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 18/2002/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 08 THÁNG 4 NĂM 2002 VÀ ĐƯỢC SỬA ĐỔI BỔ SUNG TẠI CÁC QUYẾT ĐỊNH SỐ 46/2002/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 2002, QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2004/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2004 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông ban hành theo Quyết định số 18/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 4 năm 2002 và được sửa đổi bổ sung tại các Quyết định số 46/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 12 tháng 11 năm 2002, Quyết định số 12/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 4 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, như sau:

1. Bổ sung điểm c vào khoản 1 Điều 6 như sau:

"c) Những học sinh học xong lớp 12 trung học phổ thông cùng năm với kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông thì không được tham dự kỳ thi thi tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông năm đó".

2. Bổ sung vào phần cuối Điều 9 diện ưu đãi như sau:

" Học viên khiếm thị được miễn thi tốt nghiệp và được xếp loại tốt nghiệp theo các tiêu chuẩn dưới đây:

- Loại giỏi:

+ Năm học lớp 12 được xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt;

+ Được tính tương đương với tốt nghiệp loại giỏi có điểm trung bình (ĐTB) các bài thi là 9,0 điểm.

- Loại khá:

+ Năm học lớp 12 được xếp loại học lực và hạnh kiểm từ khá trở lên;

+ Được tính tương đương với tốt nghiệp loại khá có ĐTB các bài thi là 7,0 điểm.

- Loại trung bình: các trường hợp còn lại.

Những học viên được miễn thi tốt nghiệp nếu muốn có ĐTB các bài thi cao hơn thì phải dự thi tốt nghiệp".

3. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 14. Yêu cầu đối với đề thi

1. Đề thi tốt nghiệp phải đạt các yêu cầu dưới đây:

a) Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12 hiện hành;

b) Kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của học sinh;

c) Đảm bảo tính chính xác khoa học, tính sư phạm;

d) Phân loại được trình độ của học sinh;

đ) Phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi;

e) Đề thi phải ghi rõ có mấy trang và có chữ "HẾT" tại điểm kết thúc đề;

g) Bài thi được cho điểm theo thang điểm 10. Nếu đề thi gồm nhiều câu hỏi thì phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi vào đề thi.

2. Trong một kỳ thi, mỗi môn thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị với mức độ tương đương về yêu cầu, nội dung. Mỗi đề thi có hướng dẫn chấm kèm theo.

3. Đề thi và hướng dẫn chấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa được công bố thuộc danh mục tài liệu tối mật theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ"

4. Bổ sung khoản 3 vào Điều 15 như sau:

"3) Nhiệm vụ của ủy viên phản biện đề thi: giải và đánh giá đề thi theo các yêu cầu của đề thi quy định tại Điều 14 và phải chịu trách nhiệm cá nhân về các đánh giá đó".

5. Khoản 5 Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"5. Mỗi bài thi, trừ những bài chấm chung, phải được hai giám khảo chấm độc lập, ghi điểm riêng theo số phách vào phiếu chấm cá nhân. Giám khảo thứ nhất ngoài những nét gạch chéo trên các phần giấy bỏ trống, không ghi gì vào bài làm của thí sinh. Điểm thành phần, điểm toàn bài và nhận xét được ghi vào phiếu chấm. Giám khảo thứ hai phải ghi họ, tên vào ô quy định, ghi điểm thành phần bằng mực đỏ vào lề bài thi, ngay cạnh ý được chấm. Sau khi mỗi bài đã được hai giám khảo chấm xong, tổ trưởng mới giao lại cho hai giám khảo đó thống nhất rồi ghi điểm toàn bài vừa bằng chữ, vừa bằng số vào biên bản thống nhất và vào bài thi; điền đủ họ tên vào ô quy định rồi cùng ký tên. Điểm của bài thi được ghi bằng mực đỏ. Nếu có sự thay đổi điểm thì gạch chéo điểm đã cho và ghi điểm mới bằng cả số và chữ rồi hai giám khảo cùng ký tên để xác nhận việc sửa điểm".

Điều 2. Bỏ cụm từ "thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở" và bãi bỏ các nội dung liên quan đến thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông ban hành theo Quyết định số 18/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 4 năm 2002 và được sửa đổi bổ sung tại các Quyết định số 46/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 12 tháng 11 năm 2002, Quyết định số 12/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 4 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Cục trưởng Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
 



Nguyễn Minh Hiển