Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2007/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA SAU THU HOẠCH LÚA GẠO,NGÔ, ĐẬU TƯƠNG VÀ LẠC ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản;
Căn cứ công văn số 936/VPCP-NN ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về việc Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc đến năm 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược quốc gia Sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

a) Phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc phải gắn với nhu cầu của thị trường, thúc đẩy sản xuất hàng hoá, tăng năng lực cạnh tranh; bảo đảm tính chủ động và hiệu quả trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc phải phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn; phù hợp với nguồn lực và lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong từng thời kỳ; hình thành mối liên kết nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trên từng địa bàn.

c) Phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc đòi hỏi phải đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và chuyển giao nhanh công nghệ mới vào sản xuất, đồng thời tận dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, kết hợp công nghệ truyền thông và công nghệ hiện đại, thực hiện đa dạng hoá đi đôi với tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

d) Phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc phải tạo đột biến về năng suất lao động, giảm giá thành; giảm thiểu tổn thất cả về số lượng và chất lượng sản phẩm.

đ) Phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc dựa vào nội lực là chính, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài. Khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển, trở thành lực lượng nòng cốt trong lĩnh vực này, tạo nhiều việc làm mới trong khu vực nông thôn.

e) Phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc gắn với các mô hình xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình và vệ sinh, an toàn thực phẩm; bảo đảm phát triển bền vững, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh các ngành hàng lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc thông qua giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; giải quyết việc làm, tăng thu nhập của nông dân và những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực sau thu hoạch. Góp phần đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình, cải thiện tình hình dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Mục tiêu cụ thể

Thời kỳ 2006 – 2010

(1) Giảm lượng tổn thất lúa xuống còn 9-10%; tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm lên 65-66%; tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo 5 - 10% tấm lên trên 50% tổng khối lượng gạo xuất khẩu;

(2) Giảm lượng tổn thất ngô xuống còn 12 - 13%;

(3) Giảm lượng tổn thất đậu tương xuống còn 5,5%;

(4) Giảm lượng tổn thất lạc xuống còn 4,5 - 5,0%;

(5) Tạo việc làm cho khoảng 240 - 250 nghìn lao động/năm;

(6) Góp phần cải thiện tình hình an ninh lương thực hộ gia đình; giảm tỷ lệ hộ nghèo lương thực, thực phẩm khu vực nông thôn xuống dưới 4% vào năm 2010.

Thời kỳ 2011 - 2020

(1) Giảm lượng tổn thất lúa xuống còn 5-6%; tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm lên 69%; tỷ trọng gạo 5 - 10% tấm chiếm trên 70% tổng khối lượng gạo xuất khẩu. Từ năm 2015, tỷ lệ hạt vàng không lớn hơn 0,2%; tỷ lệ hạt hư hỏng không lớn hơn 0,25%;

(2) Giảm lượng tổn thất ngô xuống còn 8 - 9%;

(3) Giảm lượng tổn thất đậu tương xuống còn 3,0%;

(4) Giảm lượng tổn thất lạc xuống còn 2,0 - 2,5%;

(5) Tạo việc làm cho khoảng 200 nghìn lao động/năm;

(6) Góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống khu vực nông thôn; xóa hộ nghèo lương thực, thực phẩm.

II. NỘI DUNG PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC SAU THU HOẠCH LÚA GẠO, NGÔ, ĐẬU TƯƠNG VÀ LẠC ĐẾN NĂM 2020

1. Đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc với chất lượng và hiệu suất hoạt động cao, giá thành hạ

Nghiên cứu, cải tiến loại máy cắt xếp dãy theo hướng phát triển những tính ưu việt của máy, như tốc độ di chuyển hợp lý, thích hợp với cả ruộng nước và ruộng khô; kích thước gọn nhẹ, dễ di chuyển, tiêu hao ít nhiên liệu, sử dụng đa năng; giá máy phù hợp với khả năng đầu tư của nông dân và các cơ sở làm dịch vụ.

Xúc tiến chương trình chế tạo máy gặt đập liên hợp phục vụ thu hoạch lúa vùng ĐBSCL và các vùng sản xuất tập trung. Triển khai dự án sản xuất thử nghiệm dựa trên nghiên cứu, khảo sát, bình tuyển các loại máy thu hoạch lúa; phát triển, bổ sung thêm những tính năng mới, ưu việt hơn; khắc phục những mặt hạn chế, khiếm khuyết của các loại máy hiện có.

Nghiên cứu, hoàn thiện máy liên hợp thu hoạch ngô, tiến tới thực hiện cơ giới hoá đồng bộ ngành sản xuất ngô. Nghiên cứu, chế tạo máy liên hợp thu hoạch lạc, đậu tương quy mô nông hộ, phù hợp với điều kiện địa hình từng vùng.

Nghiên cứu cải tiến, nâng cao hiệu suất các thiết bị sấy theo hướng đa năng, có thể kết hợp sấy lúa, ngô, đậu tương và lạc; kết cấu gọn, nhẹ, dễ di chuyển và sử dụng, giá thành hạ, phù hợp với quy mô sản xuất nông hộ.

Thiết kế và đưa vào sử dụng một số mẫu hình kho chuyên chứa ngô, đậu tương và lạc theo quy chuẩn tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở kinh doanh, nhằm tạo ra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật bảo quản lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc bằng các phương pháp sinh học và vật lý, thay thế kỹ thuật bảo quản bằng hóa chất.

Nghiên cứu, sản xuất các thiết bị, công cụ bảo quản lúa, ngô, đậu tương và lạc quy mô hộ gia đình có hàm lượng công nghệ cao, giá rẻ, tiện ích, an toàn, hợp vệ sinh để cung ứng cho nông dân.

Nghiên cứu áp dụng hệ thống thiết bị tự động hóa ứng dụng trong dây chuyền chế biến, bảo quản hạt giống, lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc, thức ăn chăn nuôi tổng hợp.

2. Thực hiện cơ giới hoá, từng bước tự động hoá lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc

a) Ngành lúa gạo

(1) Thu hoạch, tuốt đập

Thời kỳ 2006 - 2010, đưa tỷ lệ cơ giới hoá khâu thu hoạch lên 35% diện tích trồng lúa cả nước. Khuyến khích các hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư trang bị máy gặt đập liên hợp (gồm nhiều mẫu máy trong nước chế tạo và nhập khẩu), máy xếp dãy rải hàng công suất 0,2 ha/giờ/máy và 0,4 ha/giờ/máy.

Thời kỳ 2011 - 2020: Đầu tư đưa tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lên 75% tổng diện tích lúa cả nước vào năm 2020. Khuyến khích phát triển mạnh máy gặt đập liên hợp và máy xếp dãy rải hàng cải tiến loại công suất 0,4 ha/giờ/máy trở lên.

(2) Phơi sấy và làm sạch

Thời kỳ 2006-2010: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại máy sấy công suất 0,5 - 2,0 tấn/mẻ (quy mô hộ và liên hộ); 3,0 - 5,0 tấn/mẻ (hộ chuyên làm dịch vụ) và 6,0 – 10,0 tấn/mẻ (cơ sở chế biến, kinh doanh lương thực), bảo đảm năng lực sấy kết hợp làm sạch của cả nước trên 10 triệu tấn vào năm 2010. Sản lượng lúa Hè thu cơ bản được sấy bằng máy. Đầu tư xây dựng mới 100 nghìn m2 sân phơi để chủ động làm khô lúa tại các vùng chuyên canh, tỷ suất hàng hoá lớn.

Thời kỳ 2011 - 2020: Tiếp tục khuyến khích đầu tư nâng tổng khối lượng lúa được sấy kết hợp làm sạch bằng máy của cả nước lên trên 20 triệu tấn vào năm 2020; trong đó 100% khối lượng lúa hàng hóa chế biến gạo xuất khẩu được sấy bằng máy với công nghệ tiên tiến; một số khâu/công đoạn được tự động hoá.

(3) Bảo quản

Thời kỳ 2006 - 2010: Khuyến cáo, hướng dẫn nông dân đưa vào sử dụng các công cụ chứa và bảo quản thóc tại nông hộ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh, chống mối mọt, côn trùng, chuột bọ xâm hại. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống kho chứa kết hợp các dịch vụ sấy, làm sạch để dân gửi thóc vào mùa mưa lũ vùng ĐBSCL, đảm bảo đủ năng lực phục vụ xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo/năm; .

Thời kỳ 2011 - 2020: Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư xây mới 100 nghìn tấn kho chuyên dùng theo tiêu chuẩn kho hiện đại để bổ sung thêm công suất chứa, bảo đảm chủ động cao trong hoạt động xuất khẩu tại các đầu mối quan trọng, bao gồm cảng Cần Thơ và cảng Sài Gòn.

Đưa tỷ lệ cơ giới hoá các hoạt động trong khâu bảo quản lúa gạo tại các công ty kinh doanh gạo xuất khẩu lên 40% vào năm 2010; tăng lên 60% vào năm 2015, trong đó 10% được tự động hoá và đạt 80% vào năm 2020 với 20% được tự động hoá.

Đầu tư nâng cấp, đổi mới thiết bị công nghệ bảo quản hệ thống kho dự trữ quốc gia để đến năm 2010 trên 50% các hoạt động trong khâu bảo quản được cơ giới hóa; đạt 65% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020, trong đó 30% các hoạt động được tự động hoá.

(4) Xay xát, chế biến

- Gạo nội tiêu: Thời kỳ 2006 – 2010, quy hoạch các cơ sở xay xát, chế biến gạo, hình thành các khu chế biến gạo tập trung phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn trên từng địa bàn dân cư. Thời kỳ 2011 - 2020, khuyến khích việc thay thế, đổi mới các dây chuyền chế biến cũ bằng các thiết bị công nghệ mới, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Gạo chất lượng cao và xuất khẩu:

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Thời kỳ 2006 – 2010, quy hoạch hình thành 30 trung tâm chế biến gạo xuất khẩu phù hợp với quy hoạch 1,0 triệu ha trồng lúa chất lượng cao gắn với xây dựng các chợ đầu mối bán buôn thóc gạo. Thời kỳ 2011 - 2020, tại mỗi trung tâm đầu tư một tổ hợp xay xát và chế biến gạo tổng hợp công suất 20 - 40 tấn/giờ với thiết bị hiện đại, tổ chức theo công nghệ liên hoàn khép kín, từ các khâu làm sạch, sơ chế, hệ thống sấy, kho chứa, bốc dỡ cơ giới đến xay xát, chế biến, đóng gói, bảo quản, đảm bảo cho ra sản phẩm gạo chất lượng cao.

Vùng Đồng bằng sông Hồng: Xay xát phục vụ nội tiêu do tư nhân đảm nhiệm. Tiến hành quy hoạch 3 trung tâm xay xát và chế biến gạo phù hợp với quy hoạch 300 nghìn ha trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Đầu tư xây dựng 2 chợ đầu mối bán buôn thóc gạo và hàng nông sản tại các khu vực có tỷ suất hàng hoá lớn. Năm 2010 tỷ lệ tự động hoá ở hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến gạo đạt 5 - 10%. Đến năm 2020, tỷ lệ này đạt 20% tại các cơ sở phục vụ nội tiêu và trên 30% tại các cơ sở phục vụ xuất khẩu.

(5) Vận chuyển

Đến năm 2010, trên 80% hoạt động trong khâu vận chuyển sau thu hoạch lúa gạo được cơ giới hoá, tăng lên 90% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ tự động hoá khoảng 20%.

b) Ngành hàng ngô

(1) Thu hoạch, làm khô và bảo quản

- Thời kỳ 2006 - 2010: Khuyến cáo nông dân, chủ trang trại, các hợp tác xã và các cơ sở dịch vụ đầu tư các thiết bị sấy công suất 0,8 - 1,2 tấn/mẻ hoặc 4,0 - 10 tấn/mẻ. Phát triển và phổ cập các mẫu kho xép, kho nhỏ có chống dột, chống chuột, thông gió... bằng các vật liệu địa phương, giá rẻ.

Tại các vùng sản xuất ngô hàng hóa lớn: Phát triển các cơ sở sơ chế quy mô hộ, liên hộ. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân, các chủ trang trại đưa vào sử dụng máy liên hợp thu bắp, tăng tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lên 40% tổng diện tích ngô hàng hóa; tỷ lệ cơ giới hóa khâu bóc bẹ, tẽ hạt đạt 80% sản lượng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kho với trang thiết bị hiện đại để đến năm 2010, khoảng 70% sản lượng ngô hàng hoá được bảo quản tại các kho hiện đại.

- Thời kỳ 2011 - 2020: Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã và cơ sở dịch vụ tiếp cận các công nghệ tiên tiến, giá rẻ nhưng tiện dụng và hiệu quả. Đến năm 2020, khoảng 70% diện tích ngô hàng hóa được cơ giới hóa khâu thu hoạch, trên 90% lượng ngô hàng hóa được bảo quản trong hệ thống kho hiện đại.

(2) Xay xát, chế biến thức ăn chăn nuôi

- Thời kỳ 2006-2010: Khuyến khích đầu tư xây dựng mới để tăng thêm 1,5 triệu tấn công suất, bảo đảm năng lực sản xuất 6,0 - 6,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

- Thời kỳ 2011-2020: Đầu tư tăng gấp đôi công suất chế biến thức ăn chăn nuôi so với mức đạt được năm 2010 để đạt năng lực sản xuất 11 - 12 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp vào năm 2020.

c) Ngành hàng đậu tương và lạc

- Thời kỳ 2006-2010: Khuyến khích đầu tư thiết kế, sản xuất và chuyển giao cho các hộ dân các thùng/kho bảo quản đổ rời hoặc đóng bao sản phẩm phù hợp để phòng chống mối mọt, giảm tổn thất. Nhà nước có chính sách hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, các cơ sở dịch vụ đầu tư dây chuyền sơ chế đậu tương và lạc.

Tại các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm: Tạo điều kiện và hỗ trợ các cơ sở đại lý, dịch vụ sau thu hoạch đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản và tiêu thụ đậu tương và lạc. Trên 70% sản lượng đậu tương và lạc hàng hóa được bảo quản tại hệ thống kho có thiết kế và trang thiết bị hiện đại.

- Thời kỳ 2011 - 2020: Khuyến khích đầu tư tăng số lượng cơ sở dịch vụ sơ chế quy mô hộ, liên hộ đáp ứng yêu cầu sơ chế sản phẩm trên diện tích 200 nghìn ha đậu tương và 200 nghìn ha lạc. Đến năm 2020, trên 80% diện tích đậu tương và lạc hàng hóa được cơ giới hóa khâu thu hoạch và áp dụng công nghệ tiên tiến trong khâu sơ chế, làm sạch và phân loại; trên 90% sản lượng hàng hóa được bảo quản trong các kho hiện đại.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ và hoạt động thương mại

a) Sửa đổi, bổ sung và ban hành tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn hoá thực phẩm thể giới và điều kiện Việt Nam.

b) Tổ chức mạng lưới quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm lúa gạo, ngô đậu tương và lạc. Phổ biến và hướng dẫn đưa vào áp dụng một số thiết bị phân tích và kiểm tra nhanh chất lượng như máy đo độ ẩm tự động, các loại kít tự động phân tích dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật, mycotoxin, aflatoxin… trong kho bảo quản.

c) Tổ chức các hội nghề nghiệp theo nhóm sản phẩm từ người sản xuất nguyên liệu đến người chế biến và người tiêu thụ, tạo sự liên kết giữa nông dân, các cơ sở chế biến, kinh doanh và người tiêu thụ.

d) Xây dựng chợ trung tâm bán buôn hàng nông sản tại các tỉnh trọng điểm sản xuất hàng hoá lương thực (7 chợ vùng ĐBSCL và 2 chợ vùng ĐBSH) với mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc hàng hóa cho nông dân.

đ) Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kho cảng, cầu cảng chuyên dụng xuất nhập khẩu nông sản và vật tư nông nghiệp.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Quy hoạch phát triển lĩnh vực sau thu hoạch

Quy hoạch phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc trên phạm vi cả nước phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020; tạo quan hệ gắn bó giữa vùng nguyên liệu với cơ sở sau thu hoạch; thúc đẩy hoạt động đầu tư tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

2. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sau thu hoạch

- Đổi mới công tác quản lý nghiên cứu khoa học công nghệ sau thu hoạch, trước hết trong khâu tuyển chọn đề tài nghiên cứu, các dự án sản xuất thử nghiệm; thực hiện cơ chế đấu thầu đề tài nghiên cứu.

- Áp dụng hình thức nghiên cứu theo đơn đặt hàng; gắn kết chặt chẽ, có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học với cơ sở sản xuất. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để thành phần kinh tế tư nhân đầu tư hoặc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuộc lĩnh vực sau thu hoạch.

 - Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo tham gia liên doanh, liên kết với cơ sở hoạt động sau thu hoạch đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phát triển các tổ chức tư vấn công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường cung cấp công nghệ.

- Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công trong lĩnh vực sau thu hoạch, hướng trọng tâm vào hoạt động chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và kinh doanh lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.

- Phát triển dịch vụ tư vấn khoa học và công nghệ sau thu hoạch, giúp các tổ chức, cá nhân lựa chọn phương án đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị.

3. Kiện toàn hệ thống tổ chức và quản lý lĩnh vực sau thu hoạch

- Củng cố tổ chức bộ máy và biên chế của Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối; bảo đảm đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của công tác quản lý lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc trong toàn ngành.

- Tiến hành điều tra đánh giá thực trạng công tác quản lý lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc; xây dựng phương án tăng cường năng lực của cả hệ thống, đặc biệt là khâu tổ chức cán bộ; đảm bảo chất lượng hoạt động của hệ thống phù hợp với yêu cầu quản lý ngành.

- Các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương soát xét lại hệ thống quản lý sau thu hoạch; có phương án chấn chỉnh tổ chức, biên chế đủ cán bộ làm công tác quản lý sau thu hoạch. Tuỳ theo nhu cầu công việc có thể bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Các đơn vị đã có bộ phận quản lý sau thu hoạch hoặc cán bộ chuyên trách, cần đánh giá năng lực cán bộ; có kế hoạch bổ sung hoặc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ.

- Thiết lập mạng lưới thu thập thông tin thống kê lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc từ Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối) đến các địa phương và cơ sở.

4. Hoàn thiện và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc

- Sửa đổi, bổ sung và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia (TCVN) đối với lúa, gạo, ngô, đậu tương và lạc.

- Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào quá trình bảo quản, chế biến lúa, gạo, ngô, đậu tương và lạc (dựa theo HACCP, ISO, GMP) nhằm bảo đảm chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của các loại sản phẩm.

5. Phát triển mạnh công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá lĩnh vực sau thu hoạch theo định hướng thị trường

- Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ngành công nghiệp cơ khí trong nước sản xuất và cung cấp những sản phẩm chất lượng cao cho nhu cầu nâng cấp, đổi mới, thực hiện cơ giới hoá, từng bước tự động hoá các khâu sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất máy móc, thiết bị sau thu hoạch tổ chức trình diễn kỹ thuật, quảng bá sản phẩm.

6. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

- Quy hoạch tuyển chọn và gửi các cán bộ khoa học, cán bộ quản lý đi đào tạo ở các nước phát triển để nâng cao năng lực nghiên cứu, quản lý lĩnh vực sau thu hoạch, nhất là đối với đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học.

- Thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân, nhân viên kỹ thuật và nông dân, những người tham gia các hoạt động thuộc lĩnh vực sau thu hoạch.

- Tăng đầu tư, trang thiết bị, nâng cấp phòng thí nghiệm các viện, trường đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân thuộc lĩnh vực sau thu hoạch.

7. Về các chính sách

- Tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế được vay vốn phát triển ngành cơ khí phục vụ quá trình thực hiện cơ giới hoá, từng bước tự động hoá lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc; cho vay không lãi đối với các dự án sản xuất thử nghiệm (máy gặt đập liên hợp, thiết bị tách màu...).

- Hỗ trợ một phần chi phí chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới phục vụ chế tạo thiết bị cơ khí nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông, lâm sản bằng nguồn vốn ngân sách.

- Khuyến khích tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc trên địa bàn nông thôn, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tùy theo điều kiện có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân và các cơ sở dịch vụ sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc đầu tư mua sắm, đổi mới công nghệ.

- Các dự án đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá thiết bị, dây chuyền sản xuất hoặc xây dựng mới và sử dụng công nghệ tiên tiến được ưu tiên thuê đất và được hưởng chính sách ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Nhà nước cần dành ưu tiên đầu tư ở mức cao hơn cho việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển ngành lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc. Các địa phương cần có chính sách phù hợp huy động nguồn nội lực đầu tư xây dựng mạng lưới chợ nông thôn. Đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Chiến lược quốc gia sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc. Ban chỉ đạo Trung ương do một thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT làm trưởng Ban. Thành phần của Ban gồm lãnh đạo các cục, vụ chức năng liên quan thuộc các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ và Thương mại. Ban có nhiệm vụ xem xét, đánh giá việc phối hợp thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển lĩnh vực sau thu hoạch theo Chiến lược đã được phê duyệt; xác định những vấn đề nẩy sinh và đề ra biện pháp giải quyết kịp thời trong quá trình thực hiện Chiến lược.

2. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành

a) Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược này, có trách nhiệm theo dõi, điều chỉnh Chiến lược cho phù hợp khi có những biến động ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp và nông thôn; đánh giá tổng kết kết quả thực hiện Chiến lược;

Công bố, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực sau thu hoạch; hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, tiêu chuẩn, quy trình quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt;

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách phát triển cũng như vai trò quản lý nhà nước lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.

b) Bộ Công nghiệp chỉ đạo ngành công nghiệp cơ khí nghiên cứu, triển khai thực hiện các chương trình, dự án phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT trong chỉ đạo thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ sau thu hoạch.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách đầu tư và cân đối vốn đầu tư phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc trong các kế hoạch hàng năm và 5 năm.

d) Bộ Tài chính ưu tiên xem xét bố trí vốn thực hiện các chương trình, dự án phát triển lĩnh vực sau thu hoạch đã được xác định trong Chiến lược.

đ) Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng chính sách khoa học – công nghệ phục vụ phát triển lĩnh vực sau thu hoạch.

e) Các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án phát triển lĩnh vực sau thu hoạch trọng điểm phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

g) Các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm, kiến thức sau thu hoạch đối với lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc trong cả nước.

h) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai xây dựng quy hoạch phát triển các cơ sở sau thu hoạch gắn với các vùng nguyên liệu; tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí đất đai, mặt bằng xây dựng cho các dự án. Thông qua quỹ khuyến nông, khuyến công và các chính sách của địa phương để khuyến khích và hỗ trợ phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.

i) Các hiệp hội ngành hàng, Hội Nông dân Việt Nam tham gia đề xuất cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc trên địa bàn nông thôn. Phối hợp hoạt động của các thành viên trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch; phân công hợp tác sản xuất, kinh doanh theo nội dung Chiến lược.

3. Nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT

a) Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối

Là cơ quan thường trực của Bộ Nông nghiệp và PTNT về triển khai thực hiện Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc; đầu mối thu thập, xử lý, tổng hợp tình hình, lập báo cáo đánh giá hoạt động sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc trong toàn ngành;

Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp, đổi mới thiết bị, công nghệ sau thu hoạch đối với lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc trên địa bàn nông thôn;

Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc; đánh giá tổng kết kết quả thực hiện Chiến lược;

Xác định danh mục các dự án ưu tiên đưa vào kế hoạch hàng năm, 5 năm của ngành. Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng một số mô hình điểm sau thu hoạch để phổ biến, nhân diện rộng.

b) Vụ Kế hoạch

Chủ trì, phối hợp cùng Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối chỉ đạo công tác xây dựng quy hoạch phát triển các cơ sở sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc;

Hướng dẫn các địa phương, đơn vị đưa nội dung sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc vào các kế hoạch hàng năm, 5 năm của ngành;

Hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở/doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường.

c) Vụ Khoa học công nghệ

Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và trình Bộ kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, các quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng các sản phẩm lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc;

Nghiên cứu, lựa chọn các đề tài, các dự án ưu tiên; tham gia chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc;

Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ; tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

d) Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Phối hợp với các cục, vụ và địa phương tổ chức việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới và nhân rộng các mô hình điểm;

Bố trí kế hoạch kinh phí khuyến nông hàng năm, 5 năm cho các dự án, đề tài chuyển giao công nghệ sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.

đ) Cục Trồng trọt

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch và chính sách phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án giống lúa, ngô, đậu tương và lạc năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu đầu vào của công đoạn sau thu hoạch.

e) Vụ Hợp tác quốc tế

Hướng dẫn các địa phương xây dựng danh mục dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư nước ngoài; tổ chức các chương trình vận động tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.

g) Các viện nghiên cứu

Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc.

h) Các trường đào tạo, trường dạy nghề

Xác định mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá lĩnh vực sau thu hoạch; nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý trình độ đại học và sau đại học;

Cập nhật, hoàn thiện giáo trình giảng dạy; xây dựng chương trình đào tạo cán bộ quản lý, công nhân vận hành máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực sau thu hoạch.

4. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tham mưu cho Uỷ Ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia sau thu hoạch;

Xây dựng hệ thống quản lý sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh; tổ chức đầu mối quản lý hoạt động, thu thập thông tin, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược sau thu hoạch lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc ở địa phương; thực hiện chế độ báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối).

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Diệp Kỉnh Tần