Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 20/2007/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 10/2005/NQ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát: đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; củng cố thành quả giảm nghèo, tạo cơ hội cho hộ đã thoát nghèo vươn lên khá giả; cải thiện một bước điều kiện sống và sản xuất ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm hộ nghèo, hạn chế tốc độ gia tăng khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:

a) Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22% năm 2005 xuống còn 10 - 11% năm 2010 (trong 5 năm giảm 50% số hộ nghèo);

b) Thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 1,45 lần so với năm 2005.

c) Phấn đấu 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

II. ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

Đối tượng là người nghèo, hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo; ưu tiên đối tượng hộ nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội (người già, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt).

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH: TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010.

IV. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CẦN ĐẠT ĐƯỢC ĐẾN NĂM 2010

1. Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo cơ bản xây dựng đủ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định.

2. Có 6 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi.

3. Thực hiện khuyến nông - lâm - ngư, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho 4,2 triệu lượt người nghèo.

4. Miễn, giảm học phí học nghề cho 150 nghìn người nghèo.

5. 100% nguời nghèo được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi ốm đau đi khám, chữa bệnh được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.

6. Miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường cho 19 triệu lượt học sinh nghèo, trong đó có 9 triệu học sinh tiểu học.

7. Tập huấn nâng cao năng lực cho 170 nghìn cán bộ tham gia công tác giảm nghèo ở các cấp, trong đó 95% là cán bộ cấp cơ sở.

8. Hỗ trợ để xoá nhà tạm cho 500 nghìn hộ nghèo.

9. Phấn đấu 98% người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí.

V. CÁC CHÍNH SÁCH, DỰ ÁN VÀ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Nhóm chính sách, dự án để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, bao gồm:

a) Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo;

b) Chính sách để hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số;

c) Dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề;

d) Dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

đ) Dự án dạy nghề cho người nghèo;

e) Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.

2. Nhóm chính sách tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội:

a) Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo;

b) Chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo;

c) Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và nước sinh hoạt;

d) Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo.

3. Nhóm dự án nâng cao năng lực và nhận thức:

a) Dự án nâng cao năng lực giảm nghèo (bao gồm đào tạo cán bộ giảm nghèo và hoạt động truyền thông);

b) Hoạt động giám sát, đánh giá.

VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo để vươn lên làm giàu của chính hộ nghèo, xã nghèo; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia công tác giảm nghèo; đề cao trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình của các cấp, các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân và giám sát đánh giá của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị, đoàn thể.

2. Kinh phí thực hiện Chương trình :

Tổng nguồn vốn cho giảm nghèo khoảng 43.488 tỷ đồng.

Trong đó, phân theo nguồn vốn:

- Ngân sách trung ương: 12. 472 tỷ đồng (28,68 %);

- Ngân sách địa phương: 2. 260 tỷ đồng ( 5,2 %);

- Huy động cộng đồng: 2. 460 tỷ đồng ( 5,66 %);

- Huy động quốc tế: 296 tỷ đồng ( 0,68 %);

- Vốn tín dụng: 26. 000 tỷ đồng (59,79 %).

a) Nguồn kinh phí trực tiếp cho Chương trình khoảng 3.456 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ 2.140 tỷ đồng; ngân sách địa phương 560 tỷ đồng; huy động cộng đồng 460 tỷ đồng; huy động quốc tế 296 tỷ đồng;

b) Kinh phí lồng ghép với các chính sách hiện có khoảng 40.032 tỷ đồng (như tín dụng, trợ giúp y tế, giáo dục, hỗ trợ về đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số), trong đó từ ngân sách Trung ương khoảng 10.332 tỷ đồng.

3. Cơ chế thực hiện Chương trình:

a) Huy động nguồn lực theo cơ chế đa nguồn: ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương bố trí khoảng 12.472 tỷ đồng; ngân sách địa phương phải bố trí tối thiểu bằng 1% tổng chi ngân sách hàng năm của địa phương để thực hiện Chương trình; huy động các doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân, vận động tài trợ quốc tế của các tổ chức đa phương, song phương và phi Chính phủ;

Khi phân bổ nguồn kinh phí trên cần tập trung ưu tiên cho các xã miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có tỷ lệ nghèo cao theo số lượng đối tượng và hệ số khó khăn của từng vùng.

b) Tạo điều kiện để người dân tham gia quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm tính dân chủ, công khai và minh bạch;

c) Nhà nước hỗ trợ trực tiếp người nghèo các chi phí về giáo dục, dạy nghề (miễn, giảm học phí cấp trực tiếp cho người học hoặc cơ sở đào tạo), chi phí y tế (cấp thẻ bảo hiểm y tế);

d) Tiếp tục phân cấp quản lý cho địa phương, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý hộ nghèo và triển khai thực hiện Chương trình;

đ) Thực hiện giám sát và đánh giá trên cơ sở thiết lập hệ thống chỉ tiêu phù hợp ở các cấp. Các địa phương tự giám sát, đánh giá, kết hợp với theo dõi, giám sát, đánh giá của các Bộ, ngành, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức tư vấn, khoa học độc lập và giám sát, đánh giá của cộng đồng.

4. Tổ chức chỉ đạo thực hiện Chương trình:

a) Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) với sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể có liên quan;

b) Thành lập Văn phòng điều phối Chương trình giúp Ban Chỉ đạo ở Trung ương đặt tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ở địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực điều phối thực hiện Chương trình trên địa bàn.

VII. PHÂN CÔNG QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành Trung ương:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Chương trình:

- Giúp Ban Chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chương trình; chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ; xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình; đề xuất cơ chế hỗ trợ hộ, xã mới thoát nghèo trình Thủ tướng Chính phủ;

- Chủ trì tổ chức thực hiện một số dự án: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; dạy nghề cho người nghèo; nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực giảm nghèo; hoạt động giám sát, đánh giá;

- Đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối và phân bổ nguồn lực cho Chương trình; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý thực hiện Chương trình;

c) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; chủ trì, hướng dẫn cơ chế tài chính đối với các chính sách, dự án của Chương trình; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng văn bản hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chi tiêu tài chính thực hiện Chương trình; tổng hợp quyết toán kinh phí Chương trình;

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hướng dẫn thực hiện dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nghèo và xã nghèo;

đ) Bộ Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo các mô hình nuôi trồng thuỷ sản; hướng dẫn xây dựng các công trình phục vụ phát triển thuỷ sản ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

e) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội;

g) Ủy ban Dân tộc chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số và phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

h) Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, nước sinh hoạt;

i) Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo;

k) Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục cho người nghèo;

l) Bộ Nội vụ chỉ đạo thực hiện việc bố trí cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp;

m) Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo;

n) Các cơ quan thông tin tuyên truyền có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình; tuyên truyền các mô hình, các cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo; tuyên truyền về kết quả hoạt động của Chương trình, thông qua đó nâng cao trách nhiệm về thực hiện công tác giảm nghèo.

2. Trách nhiệm của địa phương:

a) Huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nội dung của Chương trình theo chỉ đạo và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng;

b) Phân công, phân cấp trách nhiệm của từng cấp và các ban, ngành cùng cấp trong việc tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở;

c) Chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các Chương trình, dự án trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý thực hiện chương trình và thực hiện chế độ báo cáo hàng năm.

3. Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể: đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia thực hiện Chương trình; tiếp tục thực hiện Quỹ "Ngày vì người nghèo"; xây dựng mạng lưới "Tổ tiết kiệm - tín dụng", "Tổ tương trợ", Quỹ tín dụng cho người nghèo, người có thu nhập thấp; nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
 thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
 Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
 Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
 các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng