ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2007/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “CHỈ THỊ SỐ 35/2006/CT-TTg NGÀY 13/10/2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006;
Căn cứ Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Quyết định số 08/2006/QĐ-TP ngày 25/11/2006 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch của ngành Tư pháp thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 720/TTr-STP ngày 18/12/2006.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý “trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các sở: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 35/2006/CT-TTg NGÀY 13/10/2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TRIỂN KHAI LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2007/QĐ-UBND ngày 07/2/2007 của UBND Thành phố)
I. MỤC ĐÍCH
- Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩ quan trọng, thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý của dân tộc, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý, giúp họ có điều kiện tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Giúp người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý ở Thủ đô tiến cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao sự hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong nhân dân. Mọi cơ quan, tổ chức, ban, ngành thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật của các cơ quan Trung ương và kế hoạch triển khai Luật trợ giúp pháp lý của UBND Thành phố cho nhân dân.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức quán triệt về các nội dung của Luật trợ giúp pháp lý cho các cán bộ chủ chốt của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.
2. Rà soát và sửa đổi các văn bản của Thành phố về công tác trợ giúp pháp lý
3. Tổ chức phổ biến rộng rãi Luật Trợ giúp pháp lý trong cán bộ, nhân dân, đặc biệt là về các đối tượng được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; địa chỉ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý và Chi nhánh trợ giúp pháp lý của Trung tâm trên địa bàn dân cư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
4. Kiện toàn tổ chức bộ máy trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý.
5. Tăng cường các hoạt động truyền thông về Luật trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh tại các xã phường, thị trấn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Sở Tư pháp: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các nội dung của Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg , Quyết định số 08/2006/QĐ-BTP ngày 15/11/2006 của Bộ Tư pháp và kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn Thành phố.
Tổ chức rà soát các văn bản hiện hành về trợ giúp pháp lý của thành phố, đề xuất các văn bản cần sửa đổi, bổ sung của Ủy ban nhân dân thành phố cho phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội và các tổ chức thành viên, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tổ chức rà soát hoạt động tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố; có biện pháp thích hợp khuyến khích các tổ chức này tự nguyện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý, hướng dẫn các thủ tục, tạo điều kiện để các tổ chức trên hoạt động theo đúng quy định của Pháp luật.
Chủ trì tổ công tác liên ngành gồm (Sở Nội vụ, Mặt trân tổ quốc thành phố) phối hợp với UBND và Mặt trận tổ quốc quận, huyện tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý và điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng phương án chuyển đổi các chi nhánh trợ giúp pháp lý nhà nước đang hoạt động tại quận (huyện) theo Luật Trợ giúp pháp lý trình UBND thành phố xem xét quyết định.
Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tiếp tục mở rộng mạng lưới cộng tác viên theo hướng nâng cao chất lượng và tăng cường cộng tác viên cơ sở.
Tổ chức tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ trợ giúp viên, chuyên viên và cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Tư pháp và UBND thành phố theo quy định.
Chủ trì phối hợp Sở Văn hóa thông tin xây dựng kế hoạch và chỉ đạo việc cung cấp thông tin, tuyên truyền việc triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh xã, phường thị trấn.
Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, tòa án, viện kiểm sát) đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý trong các giai đoạn tố tụng.
Theo dõi, đôn đốc các đơn vị và tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện về tiến độ, nội dung của kế hoạch báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố.
Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất xây dựng phương án bố trí trụ sở làm việc cho Trung tâm trợ giúp pháp lý.
2. Sở Nội vụ: Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp căn cứ vào kết quả tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp pháp lý và điều kiện thực tế của địa phương đề xuất phương án củng cố kiện toàn về tổ chức bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên môn hóa, mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý đều có trợ giúp viên pháp lý chuyên trách và có năng lực chuyên sâu về lĩnh vực được giao để đảm bảo chất lượng Trợ giúp pháp lý, tránh việc phải bồi thường do việc trợ giúp pháp lý sai.
3. Sở Văn hóa và Thông tin: Phối hợp Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và chỉ đạo việc cung cấp thông tin, tuyên truyền việc triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh xã, phường thị trấn.
4. Sở Tài chính: Đề xuất giải quyết phương tiện để Trung tâm trợ giúp pháp lý đi trợ giúp pháp lý lưu động, đề xuất kinh phí, cơ sở vật chất cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các chi nhánh của Trung tâm báo cáo UBND Thành phố.
5. UBND quận huyện: Căn cứ kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Luật trợ giúp pháp lý, tổ chức triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn. Căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý nhà nước nhằm đáp ứng kịp thời tại chỗ về pháp lý của người dân trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiêm túc triển khai thực hiện đúng tiến độ nội dung kế hoạch trên và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Sở Tư pháp để tổng hợp).
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2007 tổ chức thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 2 Quyết định 08/2006/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch của ngành Tư pháp thực hiện Chỉ thị 35/2006/CT-TTg năm 2006 về triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp ban hành
- 3 Chỉ thị 35/2006/CT-TTg thi hành Luật Trợ giúp pháp lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Luật trợ giúp pháp lý 2006
- 5 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003