THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2010/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢO PHÚ QUỐC VÀ CỤM ĐẢO NAM AN THỚI, TỈNH KIÊN GIANG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.
Quy chế hoạt động của Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang ban hành kèm theo Quyết định này thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢO PHÚ QUỐC VÀ CỤM ĐẢO NAM AN THỚI, TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2010/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1. Quy chế này quy định về phạm vi, quy mô, mục tiêu phát triển tổ chức, hoạt động và một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang (sau đây gọi chung là Đảo Phú Quốc).
Điều 2. Quy chế này áp dụng cho Đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (được xác định cụ thể trong Quy hoạch chung xây dựng Đảo Phú Quốc), nhằm đạt các mục tiêu phát triển Đảo Phú Quốc nêu tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch và giao thương lớn của cả nước, khu vực và thế giới.
Điều 3. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích đầu tư vào Đảo Phú Quốc trong các lĩnh vực: đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, cảng biển, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, tài chính - ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học công nghệ, y tế, nhà ở, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan.
Điều 4.
1. Trên Đảo có khu phi thuế quan và khu thuế quan.
a) Khu phi thuế quan trên Đảo Phú Quốc (sau đây gọi tắt là khu phi thuế quan) là khu vực được xác định trong quy hoạch chi tiết gắn với cảng An Thới và sân bay Phú Quốc. Khu phi thuế quan có hàng rào cứng ngăn cách với các khu vực xung quanh. Trong khu phi thuế quan không có khu dân cư.
b) Khu thuế quan là khu vực còn lại của Đảo Phú Quốc. Trong khu thuế quan có các khu chức năng khác thuộc phần còn lại của Đảo như: khu du lịch, dịch vụ, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác;
c) Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Đảo Phú Quốc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Đảo Phú Quốc có cửa khẩu quốc tế đường biển tại cảng An Thới và cửa khẩu quốc tế đường hàng không tại sân bay Phú Quốc để thiết lập đường bay và đường tàu biển trực tiếp từ Phú Quốc đến một số nước lân cận trong khu vực và ngược lại.
3. Ban Quản lý đầu tư phát triển Đảo Phú Quốc (sau đây viết tắt là Ban Quản lý) được phép thuê công ty tư vấn nước ngoài tham gia quy hoạch chi tiết các khu chức năng như: khu đô thị, khu phi thuế quan, khu du lịch và các khu chức năng khác phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Đảo Phú Quốc.
Việc quy hoạch và xây dựng Đảo Phú Quốc không được chồng chéo với các diện tích phân bố khoáng sản hoặc các diện tích đã được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Điều 5.
Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế để phục vụ riêng cho Đảo Phú Quốc với mức phí do đầu tư tự quyết định, phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đảo Phú Quốc được chấp thuận theo quy trình đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Xác định Phú Quốc là Khu du lịch trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư kinh doanh du lịch tại Đảo Phú Quốc là dự án đầu tư vào khu du lịch quốc gia thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Điều 6.
1. Toàn bộ diện tích đất, mặt nước chuyên dùng dành cho đầu tư xây dựng và phát triển các khu chức năng và khu phi thuế quan trong Đảo Phú Quốc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang giao đất một lần cho Ban Quản lý để tổ chức triển khai xây dựng và phát triển Đảo Phú Quốc theo quy định của pháp luật.
2. Nhà đầu tư là các tổ chức và cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất hoặc thuê đất; nhà đầu tư là các tổ chức và cá nhân nước ngoài được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trong Đảo Phú Quốc và có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với hình thức được giao đất thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều 7.
Việc quản lý xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh, các công trình kết cấu hạ tầng các khu chức năng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong Đảo Phú Quốc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trước khi xây dựng các công trình, nhà đầu tư phải có hồ sơ xin phép Ban Quản lý theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý xem xét, quyết định và có văn bản trả lời nhà đầu tư.
Trong quá trình triển khai xây dựng các công trình, nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý quốc phòng để không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong khu vực; việc đầu tư xây dựng công trình phải tuân thủ quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình và Khu quân sự, Nghị định số 20/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam và phù hợp với quy hoạch bố trí quốc phòng đã có trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai xây dựng các công trình, nếu phát hiện có di tích lịch sử văn hóa, thực hiện giải quyết theo Luật Di sản văn hóa.
Điều 8. Những quy định về đầu tư; về quản lý nhà nước; hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đầu tư và phương thức huy động vốn phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội; quy định về thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, thương mại, lao động, bảo vệ môi trường; hoạt động của khu phi thuế quan; xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú trong Đảo Phú Quốc được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên./.
- 1 Quyết định 38/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 38/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Nghị định 20/2009/NĐ-CP về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam
- 2 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế
- 3 Nghị định 108/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư
- 4 Quyết định 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 6 Lệnh công bố Luật Di sản văn hoá 2001
- 7 Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994