Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 20/2010/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 23 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chỉnh phủ về quản lý, bảo vệ động vật, thực vật rừng;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 212/TTr-SNN ngày 20/7/2010 về việc ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Báo cáo thẩm định số 122/STP ngày 12/7/2010 của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và danh mục động vật hoang dã cấm khai thác, săn bắt, kinh doanh, mua bán và vận chuyển trái phép trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 54/2005/QĐ-UBND ngày 07/5/2005 của UBND tỉnh về chế độ quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Cà Mau; bãi bỏ Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 25/01/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Ban hành danh mục động vật hoang dã quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT.Tỉnh ủy và TT.HĐND tỉnh (b/c);
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Như Điều 3;
- Báo, Đài, Website tỉnh (đăng, phát nội dung);
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- CV các khối;
- Lưu: VT, Mi40/9.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thành Tươi

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VÀ DANH MỤC ĐỘNG VẬT HOANG DÃ CẤM KHAI THÁC, SĂN BẮT, KINH DOANH, MUA BÁN VÀ VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2010/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2010 của UBND tỉnh Cà Mau)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và danh mục cấm khai thác, săn bắt, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác, mua bán, vận chuyển, động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Động vật hoang dã được quản lý, bảo vệ theo Quy định này, bao gồm: Các loài chim, thú, bò sát và lưỡng cư sống trong môi trường thiên nhiên và môi trường có kiểm soát. Động vật hoang dã được phân thành hai nhóm: Động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm và động vật hoang dã thông thường.

1. Động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm: là những loài động vật hoang dã được quy định tại Nghị định số 32/2006/ NĐ-CP của Chính phủ và trong các phụ lục của Công ước CITES.

2. Động vật hoang dã thông thường: là những loài động vật hoang dã không nằm trong danh mục của Nghị định số 32/2006/ NĐ-CP và các phụ lục của Công ước CITES.

Điều 4. Giải thích một số thuật ngữ

1. Động vật hoang dã: là các loài chim, thú, bò sát và lưỡng cư sống trong môi trường thiên nhiên và môi trường có kiểm soát.

2. Động vật hoang dã gây nuôi: là những loài chim, thú, bò sát và lưỡng cư được gây nuôi sinh trưởng, lai tạo, nhân giống cho sinh sản ra các thế hệ F1 và F2.

3. Sản phẩm từ động vật hoang dã: là sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu là động vật hoang dã hoặc bộ phận cơ thể của chúng.

4. Phụ lục của Công ước CITES bao gồm:

a) Phụ lục I: là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại.

b) Phụ lục II: là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng, nếu như việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại, những loài này không được kiểm soát.

c) Phụ lục III: là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã mà một nước thành viên của Công ước CITES yêu cầu nước thành viên khác của Công ước CITES hợp tác để kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.

5. Cơ sở gây nuôi: là nơi gây nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản các loài động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp để nhân giống, lai tạo, hoặc cung cấp sản phẩm cho thị trường trong điều kiện có đăng ký và có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

- Nuôi sinh trưởng: là nuôi giữ con non, trứng của các loài động vật hoang dã từ tự nhiên để nuôi lớn, cho ấp nở thành các cá thể con trong môi trường có kiểm soát.

- Nuôi sinh sản: là nuôi giữ động vật hoang dã để sinh đẻ ra các thế hệ kế tiếp trong môi trường có kiểm soát.

6. Các thế hệ:

a) Cá thể thế hệ F1: là cá thể được sinh ra trong môi trường có kiểm soát, trong đó có ít nhất bố hoặc mẹ được khai thác từ tự nhiên hoặc hợp tử được hình thành từ tự nhiên.

b) Cá thể thế hệ F2 hoặc các thế hệ kế tiếp: là cá thể được sinh ra do cặp bố mẹ sống trong môi trường có kiểm soát.

7. Môi trường có kiểm soát: là môi trường có sự quản lý của con người, nhằm mục đích tạo ra những loài thuần chủng hoặc tạo ra những con lai có chọn lọc. Môi trường phải có ranh giới rõ ràng để ngăn ngừa sự xâm nhập hoặc phát tán của động vật, hay trứng, giao tử ra ngoài hoặc vào trong môi trường được quản lý.

Điều 5. Trách nhiệm quản lý và bảo vệ động vật hoang dã

1. Bảo vệ động vật hoang dã là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và mọi công dân trên địa bàn.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã. Duy trì và phát triển các loài động vật hoang dã, tạo cân bằng sinh thái, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch.

3. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gây nuôi động vật hoang dã hợp pháp bằng các mô hình phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chương II

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Điều 6. Nghiêm cấm hành vi khai thác, săn bắt, nuôi nhốt, quảng cáo, kinh doanh, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và những sản phẩm của chúng thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP; các phụ lục I, II, III của Công ước CITES và danh mục theo quy định này.

Điều 7. Những loài động vật hoang dã trong danh mục cấm, quy định tại Điều 6 của quy định này nhưng có nguồn gốc gây nuôi hợp pháp, khi vận chuyển, mua bán, trao đổi, kinh doanh phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc gây nuôi hợp pháp được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều 8. Những loài động vật hoang dã sau khi xử lý tịch thu tùy thuộc vào tình hình thực tế mà xử lý như sau:

1. Đối với động vật còn sống, khoẻ mạnh thì tổ chức thả vào các khu rừng đặc dụng phù hợp với điều kiện sống của chúng để bảo tồn và phát triển.

2. Đối với động vật còn sống, nhưng bị thương, ốm yếu thì chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ hoặc bán cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp (đối với động vật hoang dã nhóm II B và động vật hoang dã thông thường).

3. Đối với động vật đã chết hoặc mang mầm bệnh thì phải tổ chức tiêu hủy theo quy định.

Điều 9. Đăng ký gây nuôi động vật hoang dã

Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gây nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản các loài động vật hoang dã đều phải đăng ký gây nuôi với cơ quan Kiểm lâm sở tại. Sau 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký gây nuôi hợp lệ, cơ quan Kiểm lâm phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện gây nuôi. Trong trường hợp không cấp giấy chứng nhận gây nuôi phải nêu rõ lý do và hướng dẫn cho người nộp hồ sơ gây nuôi thực hiện đúng theo quy định.

Điều 10. Hồ sơ gây nuôi động vật hoang dã

1. Giấy đề nghị đăng ký trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã (theo mẫu chung) và phải được xác nhận của chính quyền địa phương.

2. Hồ sơ, thủ tục chứng minh nguồn gốc hợp pháp của loài đăng ký gây nuôi.

a) Đối với động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm phải có hồ sơ nguồn gốc và giấy phép vận chuyển đặc biệt của Chi cục Kiểm lâm nơi xuất. Khi đến địa điểm gây nuôi phải trình báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để kiểm tra, xác lập hồ sơ thủ tục gây nuôi đúng theo quy định.

b) Đối với động vật hoang dã thông thường, nếu ở ngoài tỉnh thì phải có hồ sơ gây nuôi và giấy phép vận chuyển của Chi cục Kiểm lâm nơi xuất. Khi đến cơ sở gây nuôi phải trình báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để kiểm tra xác lập hồ sơ gây nuôi.

c) Trường hợp động vật hoang dã thông thường gây nuôi sinh trưởng, sinh sản tại địa phương thì phải được xác nhận của chính quyền địa phương và được cơ quan Kiểm lâm cấp giấy chứng nhận gây nuôi.

3. Đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có thành lập trang trại hoặc tổ chức gây nuôi động vật hoang dã với quy mô lớn thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình mở sổ theo dõi ghi chép nhập, xuất động vật hoang dã (đối với các loài gây nuôi sinh sản và các cơ sở kinh doanh hợp pháp).

Điều 11. Hồ sơ thủ tục vận chuyển động vật hoang dã

1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vận chuyển động vật hoang dã hoặc sản phẩm của chúng ra ngoài tỉnh thì phải có giấy đề nghị (theo mẫu chung) gửi đến cơ quan Kiểm lâm sở tại, kèm theo giấy chứng nhận gây nuôi do cơ quan Kiểm lâm cấp.

2. Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc, cơ quan Kiểm lâm nhận hồ sơ hợp lệ phải hoàn thành hồ sơ thủ tục cấp giấy phép vận chuyển cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu.

3. Trường hợp vận chuyển động vật hoang dã từ địa phương này đến địa phương khác trong tỉnh phải trình báo với cơ quan Kiểm lâm sở tại để xác nhận nguồn gốc khi lưu thông.

Điều 12. Điều kiện kinh doanh, chế biến, mua bán động vật hoang dã

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, chế biến, mua bán động vật hoang dã phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Động vật hoang dã đưa vào kinh doanh, mua bán phải có nguồn gốc hợp pháp.

a) Đối với động vật hoang dã gây nuôi thì phải có giấy chứng nhận gây nuôi của cơ quan Kiểm lâm cấp và phải được cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra xác nhận.

b) Trường hợp động vật hoang dã có nguồn gốc ngoài tỉnh chuyển về, phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt hoặc hoá đơn bán hàng do Bộ Tài chính phát hành (đối với động vật thông thường), nếu động vật tịch thu phát mãi thì phải có Quyết định và biên lai phát mãi của cơ quan có thẩm quyền.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, chế biến, mua bán động vật hoang dã phải mở sổ sách theo dõi tình hình xuất, nhập động vật hoang dã, các sản phẩm động vật hoang dã theo quy định.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gây nuôi, vận chuyển và kinh doanh, mua bán động vật hoang dã và sản phẩm của chúng

1. Phải xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với đặc tính của loài nuôi, năng lực sản xuất của trại nuôi, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tình trạng sức khỏe cho người và vật nuôi. Khi phát hiện động vật gây nuôi có bệnh thì phải thông báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, tuân thủ quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

2. Khi vận chuyển động vật hoang dã hoặc sản phẩm của chúng phải đảm bảo an toàn vệ sinh nơi công cộng.

3. Xuất trình hồ sơ thủ tục khi cơ quan chức năng yêu cầu và phải tuân thủ quy định chung của Nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUẢN LÝ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Điều 14. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ động vật hoang dã đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các Vườn quốc gia lập qui hoạch bảo tồn và phát triển các vườn chim, các loài động vật hoang dã nhằm đảm bảo cho sự duy trì và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã ở địa phương.

Điều 15. Chi cục Kiểm lâm

Là cơ quan được giao trực tiếp thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, có trách nhiệm tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã ở địa phương; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có điều kiện kinh doanh, mua bán, gây nuôi động vật hoang dã thực hiện đúng các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã theo quy định của pháp luật. Đồng thời xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16. UBND các huyện, thành phố Cà Mau

Chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn quản lý của mình. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ động vật hoang dã ở địa phương, bao gồm:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát triển các sân chim, vườn chim, bãi đậu trên địa bàn quản lý.

2. Chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tham gia tích cực vào việc tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ động vật hoang dã sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

3. Qui hoạch, sắp xếp, các cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan đến động vật hoang dã đúng theo quy định của nhà nước.

4. Chỉ đạo các ngành có liên quan và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm khai thác, săn bắt, kinh doanh, mua bán và vận chuyển động vật hoang dã trái phép theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn quản lý.

Điều 17. Các Vườn Quốc gia

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện trên địa bàn xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài động vật hoang dã hiện có. Tiếp nhận và tổ chức quản lý bảo vệ nuôi dưỡng các loài, động vật hoang dã do các cơ quan chức năng chuyển giao thả vào môi trường tự nhiên.

Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Công an, chính quyền địa phương kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã theo quy định pháp luật.

Điều 18. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

Các sở, ban, ngành và tổ chức liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng Kiểm lâm thực hiện tuần tra, kiểm soát, có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng khai thác, săn bắt, kinh doanh, mua bán, chế biến và vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện vi phạm thì lập hồ sơ chuyển giao cho lực lượng Kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền.­

Chương IV

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Khen thưởng:

Cơ quan, tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã hoặc có những mô hình nghiên cứu, sáng kiến trong nhân giống, gây nuôi điển hình có hiệu quả thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Xử lý vi phạm:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này và những quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn và chỉ đạo, kiểm tra thực hiện nghiêm túc Quy định này.