Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2006/2012/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 01 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN, TỈNH HÀ GIANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới đã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Đại Hội đồng UNESCO tại Pari ngày 16 tháng 11 năm 1972;

Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hoá số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bảo vệ du lịch;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm;

Căn cứ Quyết định số 1320/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh Hà Giang về việc thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang;

Theo đề nghị của Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông

 

QUY CHẾ

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN, TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2006/2012/QĐ-UBND ngày 01 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (sau đây gọi tắt là Công viên địa chất) bao gồm các di sản thiên nhiên trong đó có di sản địa chất, đa dạng sinh học và di sản văn hoá; công tác bảo vệ môi trường; các hoạt động khai thác phát triển dịch vụ du lịch, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và các hoạt động liên quan khác đến Công viên địa chất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có các hoạt động liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất; công dân sinh sống trong vùng Công viên địa chất.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Công viên địa chất

Công viên địa chất là một khu vực tự nhiên độc đáo có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học địa chất đặc thù làm chủ thể, phân bố trong một phạm vi nhất định, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử và văn hoá xã hội và có diện tích đủ rộng để đáp ứng sự phát triển bền vững nền kinh tế xã hội địa phương thông qua hình thức phát triển du lịch địa chất và các dịch vụ phụ trợ khác.

2. Di sản

Các di sản thuộc Công viên địa chất bao gồm di sản thiên nhiên và di sản văn hoá. Các di sản thiên nhiên trong đó chủ đạo là các di sản địa chất, bên cạnh đó có giá trị đa dạng sinh học. Các di sản văn hoá bao gồm di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể.

3. Vùng và các phân khu gồm

a) Vùng trung tâm

Bao gồm các tổ hợp di sản của 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, là vùng tập trung nhiều nhất hệ thống di sản địa chất, di sản văn hoá của toàn bộ khu vực, cũng là vùng chiếm hầu hết các di sản địa chất được xếp hạng quốc gia và quốc tế trong toàn bộ hệ thống di sản của Công viên địa chất.

b) Vùng đệm phụ cận

Là vùng đất giáp ranh giới các khu di sản, có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm nhẹ sự xâm hại khu di sản, đồng thời cũng là nơi có tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường.

c) Các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

Là khu vực cần được bảo toàn nguyên vẹn gồm những tổ hợp di sản ở các khu vực nhạy cảm, có nguy cơ bị huỷ hoại do thiên tai và các hoạt động của người dân sinh sống trên địa bàn như: Gần trục đường giao thông, khu khai thác khoáng sản và khu vực sinh hoạt, canh tác của cư dân địa phương.

d) Các phân khu phục hồi

Là khu vực tiếp giáp liền kề với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, là khu vực được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để khôi phục hệ sinh thái động vật, thực vật thông qua việc thực hiện một số hoạt động lâm sinh cần thiết; tu bổ, tôn tạo và khôi phục các di sản văn hoá xuống cấp, có nguy cơ bị mai một; củng cố và bảo vệ các di sản địa chất có dấu hiệu bị tàn phá.

đ) Các phân khu hành chính - dịch vụ

Là khu vực xây dựng, phát triển du lịch trong đó các tổ chức được phép xây dựng các công trình làm việc và sinh hoạt của Ban Quản lý Công viên địa chất, các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, dịch vụ du lịch, tuyên truyền quảng bá, vui chơi giải trí trong Công viên địa chất.

4. Ban Quản lý

Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang, có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất.

5. Các bên liên quan

Các bên liên quan trong Quy chế này bao gồm: Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Hà Giang; UBND các huyện có liên quan; cộng đồng dân cư địa phương; các tổ chức cá nhân tham gia khai thác giá trị các di sản trên Công viên địa chất và thực hiện các hoạt động khảo sát và nghiên cứu khoa học và khách du lịch trong nước và quốc tế.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác và phát triển Công viên địa chất

1. Các di sản địa chất và di sản văn hoá của Công viên địa chất được quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững, phù hợp với quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Công viên địa chất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc; phù hợp các tiêu chí của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

2. Việc quản lý, bảo vệ khai thác và phát triển Công viên địa chất phải có mục tiêu cụ thể để quản lý, bảo vệ khai thác và phát triển hợp lý các giá trị di sản của Công viên địa chất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.

3. Phát triển du lịch phải đảm bảo nguyên tắc bền vững, theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, có trọng tâm trọng điểm; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng; lợi ích chính đáng và an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.

4. Các hoạt động ở vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn phải tuân thủ các quy định của Pháp luật hiện hành và theo Quy chế này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. NỘI DUNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ

Điều 5. Phạm vi, đối tượng, nội dung quản lý

1. Phạm vi quản lý, bảo vệ

Bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc; ranh giới khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được xác định: Phía Tây, phía Bắc và Đông Bắc giáp Trung Quốc; phía Đông Nam giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp huyện Vị Xuyên và Bắc Mê, có tổng diện tích 2.352 km2.

2. Đối tượng quản lý

Gồm các di sản địa chất, di sản văn hoá, đa dạng sinh học, các cá nhân, các tổ chức, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, bảo tồn, tôn tạo và phát triển trong khu vực Công viên địa chất.

3. Nội dung quản lý

a) Giá trị di sản địa chất: Bao gồm tất cả các di sản cấu trúc - kiến tạo, di sản địa mạo, di sản hang động, di sản cổ sinh, địa tầng, cổ môi trường; được thể hiện dưới dạng các di sản cụ thể cảnh quan địa hình đơn nghiêng, hoang mạc đá, các hố sụt, các bề mặt san bằng, các hệ thống hang động karst, các hoá thạch cổ sinh nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

b) Giá trị di sản văn hoá: Bao gồm tất cả các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể như các di tích lịch sử văn hoá, các lễ hội truyền thống, các phong tục tập quán đặc trưng; các kho tàng văn hoá văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số, các di vật, khảo cổ học, bảo vật quốc gia lưu giữ trong nhân dân hoặc chưa khai quật trong lòng đất, dưới  mặt nước và tất cả các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khác thuộc khu vực Công viên địa chất.

c) Giá trị tài nguyên thiên nhiên bao gồm các hệ sinh thái động, thực vật, cảnh quan, khoáng sản, đất, nước, rừng…trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Khai thác, phá đá đặc biệt là tại những vùng có nhiều giá trị di sản địa chất đã được xếp hạng cấp quốc quốc gia, quốc tế (trừ các vị trí mỏ (đá) nằm trong quy hoạch khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường được điều chỉnh sau khi quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được cấp có thẩm quyền cấp phép).

2. Các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác không theo quy định của pháp luật; làm thay đổi cảnh quan môi trường, hệ sinh thái trong khu vực di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

3. Khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ, thu mua, săn bắn các loại động vật trái phép; khai thác, kinh doanh mẫu vật di sản địa chất, di vật, bảo vật, cổ vật quốc gia trong khu vực Công viên địa chất không theo quy định của pháp luật.

4. Vận chuyển trái phép hàng hoá chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy.

5. Phá hoại các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát triển Công viên địa chất.

6. Các hành vi khác xâm hại đến các di sản địa chất, làm thay đổi môi trường cảnh quan gây ảnh hưởng xấu đến Công viên địa chất như: Khai thác các loại vật liệu xây dựng, đập phá đá và thạch nhũ tại các hang động; đốt, chặt, phá, bẻ, khắc, vẽ đối với cây, vách đá hoặc có các hành vi khác làm biến dạng các di sản địa chất.

7. Tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung và giá trị của di sản; làm thay đổi các yếu tố nguyên gốc của di sản; tu bổ, phục hồi không đúng với các yếu tố nguyên gốc của di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

8. Lợi dụng lễ hội để tuyên truyền, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; gây mất an ninh trật tự; tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, phục hồi hủ tục lạc hậu; các hình thức thương mại hoá hoạt động lễ hội; xuyên tạc áp đặt các nghi thức, kết cấu mới vào lễ hội truyền thống; tổ chức các dịch vụ sinh hoạt, ăn nghỉ và tín ngưỡng trái pháp luật.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất được quy định tại Quy chế này và các quy định của pháp luật.

10. Phá vỡ kiến trúc đặc trưng của dân tộc trong vùng Công viên địa chất

Mục 2. ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT

Điều 7. Phát huy các giá trị di sản của Công viên địa chất

1. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giá trị di sản địa chất, di sản văn hoá và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đóng góp về tinh thần và vật chất hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản.

2. Đầu tư, tu bổ và phục hồi các giá trị di sản của Công viên địa chất.

3. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hoá, đặc biệt là các di sản địa chất trên Công viên địa chất.

4. Khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên Công viên địa chất; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát hiện di vật, bảo vật, cổ vật quốc gia đến giao nộp cho cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.

5. Đẩy mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ và quảng bá nhằm khai thác các giá trị di sản.

6. Mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy các giá trị di sản; xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Nguyên tắc đầu tư, xây dựng và phát triển trên Công viên địa chất

1. Việc đầu tư, xây dựng và phát triển trong phạm vi Công viên địa chất phải tuân thủ theo nguyên tắc “Phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển” và mục tiêu phát triển của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

2. Căn cứ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cơ quan chức năng có trách nhiệm tham mưu lập quy hoạch chi tiết và xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch để xây dựng và phát triển Công viên địa chất.

3. Đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, tôn tạo cảnh quan, các khu du lịch địa chất, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các công trình dịch vụ, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, các di tích văn hoá lịch sử, các làng nghề thủ công, lễ hội truyền thống, các khu vực bảo tồn di sản; các dự án xử lý môi trường, cung cấp nước sạch, phải căn cứ Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết và theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 9. Đầu tư, xây dựng các vùng

1. Vùng trung tâm

Các hạng mục đầu tư xây dựng vùng trung tâm cần căn cứ vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát triển Công viên địa chất giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch chi tiết và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Vùng đệm phụ cận

Việc đầu tư xây dựng khu vực vùng đệm phụ cận căn cứ vào Quy hoạch phát triển vùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng thời không có tác động tiêu cực tới Công viên địa chất.

3. Các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

Cấm tuyệt đối các hoạt động xây dựng, khai thác, canh tác nông nghiệp, chăn thả gia súc và các hoạt động khác.

4. Các phân khu phục hồi

a) Trong phân khu phục hồi khu vực hạn chế tối đa xây dựng các công trình giao thông, kiến trúc hạ tầng và các hoạt động dịch vụ - du lịch. Các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác đầu tư và phát triển trong phân khu phục hồi phải thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

b) Các tổ chức cá nhân chỉ được phép xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ mục đích bảo vệ và phát triển các giá trị di sản kết hợp với các hoạt động dịch vụ - du lịch theo quy hoạch và dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

c) Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lập phương án, kế hoạch chủ động phòng ngừa các nguy cơ tự nhiên, các tai biến địa chất đe dọa việc bảo tồn các di sản của Công viên địa chất như sạt lở núi, lũ ống, lũ quét, các quá trình phong hoá, rửa trôi, bào mòn phá huỷ đất đá chứa các di sản địa chất.

5. Các phân khu hành chính - dịch vụ

a) Được xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ cho việc quản lý, nghiên cứu khoa học và tổ chức các hoạt động dịch vụ - du lịch theo quy định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng các công trình, dịch vụ du lịch phải được phép của cấp có thẩm quyền trên cơ sở thẩm định của cơ quan chức năng và Ban Quản lý Công viên địa chất.

Mục 3. CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC TRONG CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT

Điều 10. Hoạt động văn hoá lễ hội, vui chơi giải trí

1. Ngoài các lễ hội văn hoá truyền thống của địa phương, mọi hoạt động văn hoá lễ hội, vui chơi giải trí khác trên Công viên địa chất phải có chương trình cụ thể, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép mới được tổ chức.

2. Các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động trên phải chịu trách nhiệm về nội dung, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác và tuyệt đối không làm xâm hại đến các di sản của Công viên địa chất.

3. Các hoạt động văn hoá lễ hội vui chơi giải trí được tổ chức trên địa bàn Công viên địa chất phải tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định của địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và đảm bảo không gây tác động xấu đến việc bảo tồn bản sắc văn hoá cũng như tín ngưỡng của cộng đồng cư dân địa phương.

Điều 11. Các hoạt động nghiên cứu khoa học trên Công viên địa chất

1. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập trên Công viên địa chất; hoạt động nghiên cứu khoa học của các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài phải có nội dung kế hoạch hoạt động cụ thể đồng thời có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Các tổ chức, cá nhân tham gia học tập, nghiên cứu khoa học trong Công viên địa chất phải thực hiện các yêu cầu sau:

a) Chấp hành các quy định của pháp luật và Quy chế này.

b) Tuân thủ sự hướng dẫn, kiểm tra của Ban Quản lý; khi tiến hành nghiên cứu khoa học tại Công viên địa chất chỉ được thực hiện theo phương pháp quan sát, ghi chép, quay phim, chụp ảnh và phải được cấp có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.

c) Khi sưu tầm mẫu vật, khai thác thông tin khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học, công nghệ trong quản lý bảo vệ các di sản địa chất và các quy định của pháp luật có liên quan.

d) Mọi hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học không được gây tổn hại hoặc tạo ra nguy cơ gây tổn hại đến các đối tượng thuộc diện bảo vệ của Công viên địa chất và không được gây ảnh hưởng đến tính nguyên trạng của các di sản trong khu vực Công viên địa chất.

d) Thanh toán tiền dịch vụ, thuế và các khoản chi phí khác (nếu có) theo quy định.

e) Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học, khảo sát điều tra trên Công viên địa chất sau khi hoàn thành nhiệm vụ chậm nhất 30 ngày phải có báo cáo về kết quả hoạt động cho Ban Quản lý Công viên địa chất và các cơ quan chức năng có liên quan.

Điều 12. Các hoạt động du lịch - dịch vụ

1. Đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh tổ chức các hoạt động du lịch có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Bảo đảm an toàn tại các điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú.

b) Việc tham quan du lịch của du khách phải được tổ chức theo chương trình, tuyến du lịch được cơ quan có thẩm quyền công nhận; có thông tin rõ ràng công khai, trung thực số lượng, chất lượng, giá cả các loại dịch vụ, hàng hoá cung cấp cho khách du lịch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước.

c) Không được tự ý tổ chức các điểm tham quan sai quy hoạch để thu phí.

d) Nghiêm cấm các hành vi chèo kéo, lừa đảo khách du lịch; các hành vi quấy rối mất trật tự tại các điểm tham quan du lịch và các hành vi thiếu văn minh lịch sự khác.

đ) Áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản của khách du lịch, thông báo kịp thời cho các cơ quan có thẩm quyền về tai nạn hoặc rủi ro có thể xảy ra đối với khách du lịch.

e) Có biện pháp phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình thực hiện đúng quy định của pháp luật.

g) Thực hiện nghiêm và đồng bộ các quy định về an toàn thực phẩm và các quy định về vệ sinh môi trường trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

h) Có tủ thuốc và dụng cụ y tế dự phòng; bố trí các thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở lưu trú theo quy định của luật hiện hành về phòng cháy, chữa cháy.

i)  Huấn luyện kỹ năng cho khách du lịch trước khi tham gia các hành trình du lịch.

2. Đối với khách du lịch

Khi đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng phải nghiêm túc thực hiện Quy chế này và nội quy, quy định của khu vực nơi tham quan; giữ gìn cảnh quan môi trường, bản sắc văn hoá, thuần phong mĩ tục; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự.

3. Đối với Ban Quản lý

a) Cung cấp đầy đủ các thông tin, các lưu ý đối với khách du lịch về vấn đề an toàn khi ở các khu vực công cộng, các điểm du lịch, đặc biệt là tại các điểm du lịch có tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm.

b) Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự và hỗ trợ khách du lịch trong các trường hợp mất an toàn có thể xảy ra.

4. Liên doanh, liên kết để phát triển du lịch

a) Các tổ chức, cá nhân được phép liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để kinh doanh phát triển du lịch trong khuôn khổ đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững đối với thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và trong khuôn khổ của pháp luật.

b) Các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và nhu cầu liên doanh liên kết phát triển du lịch trên Công viên địa chất phải được sự đồng ý và thống nhất bằng văn bản của Ban Quản lý Công viên địa chất và các cơ quan chức năng liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 13. Bảo vệ môi trường, cảnh quan

Các tổ chức cá nhân có ý thức bảo vệ và giữ gìn cảnh quan trên Công viên địa chất, khi tham gia các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, các công trình xây dựng trong Công viên địa chất bảo đảm giữ gìn nguyên trạng môi trường cảnh quan; bảo đảm môi trường trong sạch, lành mạnh; tuyệt đối không có các hành vi gây phát tán khí thải, chất thải, tiếng ồn, các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cảnh quan môi trường xung quanh; thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải chuyển về nơi được xử lý chất thải theo quy định của địa phương.

Điều 14. An toàn giao thông đường bộ

1. Mọi hoạt động giao thông đường bộ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.

2. Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường.

Điều 15. Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác

1. Tổ chức, cá nhân có các hoạt động kinh doanh trên Công viên địa chất phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực kinh doanh, có đủ điều kiện theo quy định, có phương án đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

2. Thực hiện nghiêm Quy chế quản lý bảo vệ và phát triển Công viên địa chất.

3. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm.

Mục 4. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO VỆ, BẢO TỒN TÔN TẠO VÀ PHÁT TRIỂN CÁC DI SẢN TRÊN CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT

Điều 16. Trách nhiệm của Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

1. Thực hiện chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang về công tác quản lý, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất.

2. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030, cụ thể hoá Quy hoạch chi tiết phù hợp với điều kiện địa lý từng vùng để bảo tồn và phát triển Công viên địa chất.

3. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, khoa học trong khu vực Công viên địa chất theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

4. Chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện các dự án, công trình đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch và nghiên cứu khoa học, các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị địa chất, địa mạo, hệ thống hang động và cảnh quan thiên nhiên trên Công viên địa chất, theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

5. Tiếp tục xây dựng 3 cổng vào Công viên địa chất và hoàn thiện hệ thống sa bàn, biển bảng của Công viên địa chất đáp ứng yêu cầu đối với một thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Hoàn thiện hệ thống biển bảng chỉ dẫn các điểm di sản địa chất, các vùng có nhiều giá trị thực vật, động vật đặc hữu cần được bảo vệ, cảnh báo các điểm có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất như đá lở, đá lăn, lũ ống, lũ quét; có kế hoạch phòng chống và giảm thiểu hậu quả của các tai biến địa chất để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như cộng đồng cư dân địa phương.

6. Tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, lập hồ sơ khoa học về hệ thống các di sản địa chất làm cơ sở cho việc hoạch định các chương trình, kế hoạch, biện pháp quản lý bảo tồn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương trong khu vực.

7. Xây dựng các kế hoạch hợp tác quốc tế với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và văn hoá thông qua tư vấn của các bộ, ngành có liên quan.

8. Chủ  trì và phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan:

a) Tổ chức, hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trên Công viên địa chất thực hiện các quy định bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản trên Công viên địa chất.

b) Xây dựng các phương án bảo vệ, phòng ngừa và tu bổ các di sản trên địa bàn Công viên địa chất, thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý các vi phạm trực tiếp hoặc gián tiếp làm xâm hại các giá trị di sản của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

c) Tổ chức tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị di sản tự nhiên và văn hoá, bảo vệ và môi trường theo hướng phát triển bền vững.

d) Chủ trì phối hợp với các cấp có liên quan tư vấn, xây dựng các dự án quản lý; kiểm tra giám sát các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các công trình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng Công viên địa chất, đảm bảo cho việc triển khai các dự án, công trình không làm xâm hại tới các di sản, không xâm hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới các di sản, không phá vỡ cảnh quan môi trường sinh thái trong khu vực Công viên địa chất.

e) Khi xảy ra sự cố có nguy cơ xâm hại tới các di sản, ngay lập tức phải thông báo và phối hợp với các cấp có thẩm quyền sở tại, huy động lực lượng tại chỗ, đồng thời xin tư vấn của các cơ quan chuyên môn để xử lý hậu quả và báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

9. Tổ chức cho cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, sử dụng hợp lý lâm sản và các tài nguyên tự nhiên, để góp phần nâng cao thu nhập và gắn sinh kế cho người dân thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch trong Công viên địa chất.

Điều 17. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong công tác quản lý di sản Công viên địa chất

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm thực hiện chức năng, lĩnh vực của ngành mình phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất quản lý các hoạt động văn hoá du lịch, các lễ hội truyền thống, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học trong vùng Công viên địa chất.

2. Hướng dẫn kiểm tra và giám sát mọi hoạt động dịch vụ du lịch của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong Công viên địa chất và xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật theo quy định hiện hành.

3. Tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế địa phương; tăng cường công tác quản lý tài nguyên du lịch, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển nguồn tài nguyên du lịch; tuyên truyền, quảng bá du lịch Công viên địa chất.

4. Các lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng xây dựng kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội, đặc biệt ở các khu vực biên giới, các khu vực trung tâm hành chính, kết hợp với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc với bảo vệ các di sản tự nhiên và văn hoá của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

5. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Hà Giang, Báo Hà Giang xây dựng chương trình quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền về bảo vệ các di sản của Công viên địa chất  tới mọi người dân và khách du lịch.

6. Niêm yết các quy định về thu phí và giá dịch vụ tại các điểm tham quan du lịch và trên địa bàn Công viên địa chất.

Điều 18. Trách nhiệm của chính quyền địa phương

1. Trách nhiệm của UBND các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc

a) Trực tiếp là cơ quan quản lý nhà nước trên phạm vi địa bàn lãnh thổ và phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ và giữ gìn các giá trị di sản trên địa bàn Công viên địa chất, UBND các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc có trách nhiệm:

b) Phối hợp cùng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của nhà nước về quản lý, bảo vệ và khai thác Công viên địa chất trong phạm vi địa phương mình.

c) Chỉ đạo, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển Công viên địa chất.

d) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã và các ngành chức năng thuộc phạm vi quản lý thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản thiên nhiên, di sản văn hoá trên địa bàn địa phương mình quản lý cũng như trên toàn Công viên địa chất; có trách nhiệm tuyên truyền vận động hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

đ) Huy động và chỉ đạo các lực lượng liên ngành phối hợp kịp thời để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến các di sản thiên nhiên và di sản văn hoá.

e) Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý,  bảo vệ di sản trên địa bàn; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di sản theo quy định của pháp luật.

g) Phối hợp với các huyện trong vùng Công viên địa chất tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

h) Phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất và các ban, ngành của tỉnh Hà Giang xây dựng và thực hiện các chương trình và nhiệm vụ cụ thể để quản lý, bảo vệ, xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

i) Đối với chính quyền cấp huyện, cấp xã xây dựng Quy chế, quy ước trách nhiệm của cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình trong việc bảo vệ và bảo tồn di sản.

2. Quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư

a) Việc phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải theo đúng quy hoạch, trường hợp khai thác nhỏ lẻ để xây dựng các công trình dân dụng (nhà cửa, bể nước…) của các hộ gia đình khi quy hoạch chưa được duyệt phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.

b) Các công trình xây dựng của cộng đồng dân cư phải được các cấp thẩm quyền cấp phép xây dựng có kiến trúc phù hợp, khuyến khích công trình xây dựng dân dụng theo kiến trúc truyền thống để tăng thêm giá trị thẩm mỹ của khu di sản, đồng thời phải có biện pháp xử lý chất thải, chống ô nhiễm, góp phần gìn giữ môi trường và cảnh quan thiên nhiên của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Điều 19. Trách nhiệm của các tổ chức cá nhân và các địa phương có liên quan trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Công viên địa chất

1. Các tổ chức tham gia các hoạt động trên Công viên địa chất có trách nhiệm bảo vệ các di sản và phải nghiêm túc tuân thủ theo Quy chế này.

2. Tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, quy định có liên quan của nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

3. Cộng đồng dân cư địa phương có trách nhiệm bảo vệ và quản lý các di sản ngay tại địa bàn sinh sống của mình.

4. Các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang là khu vực vùng phụ cận địa bàn Công viên địa chất căn cứ chức năng quyền hạn của địa phương có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy định của Quy chế này.

5. Khách du lịch có trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ di sản trên khu vực công viên; trong quá trình tham quan, nghiên cứu, học tập và tham gia các hoạt động du lịch khác trên địa bàn Công viên địa chất; có ý thức tự giác bảo vệ và tuyên truyền tới cộng đồng các quy định của nhà nước, pháp luật và bảo vệ di sản.

6. Khi tiến hành đầu tư, xây dựng, phát triển tại khu vực Công viên địa chất phải tuân thủ quy định của pháp luật và sự hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

7. Các hoạt động đầu tư, xây dựng không được gây tổn hại hoặc tạo nguy cơ tổn hại đến di sản và không được gây ảnh hưởng hệ sinh thái, môi trường tự nhiên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Khen thưởng

Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển Công viên địa chất sẽ được biểu dương khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Xử lý vi phạm

Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi có những hành vi, vi phạm Quy chế này và các quy định khác của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 22. Điều khoản thi hành

Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Uỷ ban nhân dân các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc căn cứ vào chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức cá nhân liên quan tổ chức thực hiện và định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức đánh giá việc tổ chức thực hiện Quy chế này báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế nếu có phát sinh, vướng mắc các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ban Quản lý để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực hiện./.