Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2009/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ DỰ ÁN THỦY ĐIỆN SƠN LA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

Căn cứ Nghị quyết số 44/2001/QH10 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa X và Nghị quyết số 13/2002/QH11 Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI về xây dựng công trình thủy điện Sơn La;

Căn cứ Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đầu tư Dự án thủy điện Sơn La;

Căn cứ Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và các Quyết định: số 141/2007/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2007, số 31/2008/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2008, số 72/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2009 và số 43/2011/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2107/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý và thực hiện Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 246/QĐ-TTg ngày 29 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù về thu hồi đất; giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quyết định số 246/QĐ-TTg ngày 29 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 7577/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 07 tháng 10 năm 2013 về việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các văn bản: số 3513/TTr-BNN-KTHT ngày 12 tháng 10 năm 2012 về việc phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và số 1704/BNN-KTHT ngày 23 tháng 5 năm 2013 về việc giải trình bổ sung, hoàn thiện hồ sơ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, YÊU CẦU DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ DỰ ÁN THỦY ĐIỆN SƠN LA

1. Mục tiêu: Di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La phải tạo được các điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ gia đình và cá nhân thuộc đối tượng di dân, tái định cư; bồi thường di chuyển và xây dựng lại kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc - văn hóa xã hội của các tổ chức, đơn vị trong mặt bằng thi công và vùng ngập của hồ chứa Dự án thủy điện Sơn La.

3. Yêu cầu

- Công tác di dân, tái định cư phải được các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng phối hợp chặt chẽ để tổ chức và thực hiện theo phương châm: Trung ương quy định và hướng dẫn cơ chế, chính sách chung; các tỉnh cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện;

- Ưu tiên nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư khác trên địa bàn (giao thông, thủy lợi, điện, xây dựng đô thị mới, ...) với Dự án di dân, tái định cư để xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng tại các vùng tái định cư.

II. PHƯƠNG ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ

1. Về thiệt hại và số dân di chuyển

a) Tổng giá trị thiệt hại vật chất vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là 5.570.826 triệu đồng, trong đó: Tỉnh Sơn La 3.692.648 triệu đồng; tỉnh Điện Biên 1.375.741 triệu đồng; tỉnh Lai Châu 502.437 triệu đồng, bao gồm:

- Giá trị thiệt hại về đất là 2.564.018 triệu đồng; tổng diện tích đất bị ngập 25.101 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 9.077 ha; đất lâm nghiệp 9.822 ha; đất nuôi trồng thủy sản 48 ha; đất chuyên dùng 249 ha; đất ở 538 ha; đất chưa sử dụng 5.367 ha;

- Giá trị thiệt hại về tài sản gắn liền với đất là 3.006.808 triệu đồng, trong đó: Giá trị thiệt hại về kết cấu hạ tầng 1.578.481 triệu đồng; giá trị thiệt hại của hộ gia đình 1.428.327 triệu đồng.

b) Số dân di chuyển: Tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 khẩu, trong đó: Tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.

2. Phương án bố trí tái định cư

Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án tránh ngập đường Mường Lay - Nậm Nhùn giai đoạn 1).

Phương án bố trí cụ thể như sau: Tái định cư tập trung nông thôn tại 68 khu, 263 điểm, bố trí 13.418 hộ; tái định cư tập trung đô thị tại 10 khu, 22 điểm, bố trí 5.641 hộ; tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã, bố trí 500 hộ và tái định cư tự nguyện 918 hộ, trong đó:

a) Tỉnh Sơn La: Tái định cư tập trung tại 54 khu, 237 điểm, trong đó: Tái định cư tập trung nông thôn 52 khu, 224 điểm; tái định cư tập trung đô thị 02 khu, 13 điểm; tái định cư xen ghép vào 37 bản thuộc 16 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí 12.584 hộ trên địa bàn, trong đó: Tái định cư tập trung nông thôn 9.862 hộ; tái định cư tập trung đô thị 1.497 hộ; tái định cư xen ghép 488 hộ; tái định cự tự nguyện 737 hộ. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 37.207 ha, trong đó: Đất ở 580 ha (đất ở tái định cư 389 ha, đất dự phòng 191 ha); đất sản xuất nông nghiệp 17.900 ha; đất lâm nghiệp 18.726 ha, cụ thể như sau:

- Huyện Mường La: Tái định cư tập trung nông thôn 7 khu, 43 điểm, bố trí 2.369 hộ; tái định cư xen ghép vào 7 bản thuộc 3 xã, bố trí 56 hộ và 322 hộ tái định cư tự nguyện. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất 11.886 ha, trong đó: Đất ở 172 ha (đất ở 91 ha, đất dự phòng 81 ha); đất sản xuất nông nghiệp 4.512 ha; đất lâm nghiệp 7.203 ha; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ; đất sản xuất nông nghiệp 2,0 ha/hộ; đất lâm nghiệp 3,2 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực, cây ăn quả và trồng cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su); chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, phát triển ngành nghề, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp với trồng rừng;

- Huyện Thuận Châu: Tái định cư tập trung nông thôn 11 khu, 37 điểm, bố trí 1.467 hộ; tái định cư xen ghép vào 2 bản thuộc 1 xã, bố trí 10 hộ và 3 hộ tái định cư tự nguyện. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất 3.893 ha, trong đó: Đất ở 74 ha (đất ở 59 ha, đất dự phòng 15 ha); đất sản xuất nông nghiệp 2.753 ha; đất lâm nghiệp 1.066 ha; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ; đất sản xuất nông nghiệp 1,9 ha/hộ; đất lâm nghiệp 0,7 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; trồng cây ăn quả, cà phê, chè, cao su; khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp với trồng rừng; phát triển các dịch vụ và ngành nghề nông thôn khác;

- Huyện Quỳnh Nhai: Tái định cư tập trung nông thôn 10 khu, 78 điểm, bố trí 3.302 hộ; tái định cư tập trung đô thị 1 khu, 12 điểm, bố trí 1.317 hộ; tái định cư xen ghép vào 6 bản thuộc 4 xã, bố trí 115 hộ và 412 hộ tái định cư tự nguyện. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 10.299 ha, trong đó: Đất ở 200 ha (đất ở 126 ha, đất dự phòng 74 ha); đất sản xuất nông nghiệp 5.994 ha; đất lâm nghiệp 4.105 ha; bình quân: Hộ nông nghiệp đất ở 400 m2/hộ, hộ phi nông nghiệp 100 - 200 m2/hộ; đất sản xuất nông nghiệp 1,9 ha/hộ; đất lâm nghiệp 1,3 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực, trồng cây ăn quả, cây cao su; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với trồng rừng và phát triển ngành nghề nông thôn khác; đối với hộ phi nông nghiệp phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công truyền thống; kinh doanh dịch vụ (buôn bán, du lịch);

- Huyện Mai Sơn: Tái định cư tập trung nông thôn 8 khu, 19 điểm, bố trí 689 hộ; tái định cư xen ghép vào 17 bản thuộc 5 xã, bố trí 231 hộ. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất 1.285 ha, trong đó: Đất ở 26 ha; đất sản xuất nông nghiệp 844 ha; đất lâm nghiệp 415 ha; bình quân: Đất ở 400 m²/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 1,3 ha/hộ, đất lâm nghiệp 0,6 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, cây công nghiệp (chè, cà phê, mía...), cây ăn quả và chăn nuôi theo hướng trang trại (bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao); khoanh nuôi kết hợp với bảo vệ tái sinh rừng; phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng tại chỗ và ngành nghề nông thôn;

- Huyện Sông Mã: Tái định cư tập trung nông thôn 3 khu, 15 điểm, bố trí 505 hộ; tái định cư xen ghép vào 5 bản thuộc 3 xã, bố trí 76 hộ. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 1.733 ha, trong đó: Đất ở 41 ha (đất ở 27 ha, đất dự phòng 14 ha); đất sản xuất nông nghiệp 1.237 ha; đất lâm nghiệp 455 ha; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 1,8 ha/hộ; đất lâm nghiệp 0,7 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển cây lương thực, chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp (cà phê, dâu tằm, cao su...), khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp trồng rừng kinh tế, xây dựng và canh tác trên nương định canh và phát triển ngành nghề nông thôn;

- Huyện Yên Châu: Tái định cư tập trung nông thôn 5 khu, 10 điểm, bố trí 388 hộ. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 1.394 ha, trong đó: Đất ở 21 ha (đất ở 16 ha, đất dự phòng 5 ha); đất sản xuất nông nghiệp 734 ha; đất lâm nghiệp 639 ha; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 1,8 ha/hộ, đất lâm nghiệp 1,6 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển cây lương thực, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp (mía, chè, cao su) và phát triển chăn nuôi đại gia súc; khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với trồng rừng;

- Huyện Mộc Châu: Tái định cư tập trung nông thôn 4 khu, 15 điểm, bố trí 701 hộ. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất 6.075 ha, trong đó: Đất ở 34 ha; đất sản xuất nông nghiệp 1.464 ha; đất lâm nghiệp 4.577 ha; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ; đất sản xuất nông nghiệp 1,8 ha/hộ; đất lâm nghiệp 5,6 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực và chăn nuôi theo hướng trang trại (bò sữa, bò thịt chất lượng cao); trồng cây công nghiệp: Cà phê, chè, cây ăn quả cận ôn đới; khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp với trồng rừng; phát triển dịch vụ thương mại và ngành nghề nông thôn;

- Thành phố Sơn La: Tái định cư tập trung nông thôn 4 khu, 7 điểm, bố trí 262 hộ; tái định cư tập trung đô thị 1 khu, 1 điểm, bố trí 180 hộ. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 640 ha, trong đó: Đất ở 13 ha (đất ở 11 ha, đất dự phòng 02 ha); đất sản xuất nông nghiệp 362 ha; đất lâm nghiệp 265 ha; bình quân: Hộ nông nghiệp đất ở 400 m2/hộ, hộ phi nông nghiệp 100 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 1,3 ha/hộ, đất lâm nghiệp 1,0 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển sản xuất cây lương thực và chăn nuôi gia súc, gia cầm; khoanh nuôi bảo vệ, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp (cà phê, dâu tằm, mía...); phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.

b) Tỉnh Điện Biên: Tái định cư tập trung 11 khu, 11 điểm (trong đó: Tái định cư tập trung nông thôn 5 khu, 5 điểm; tái định cư tập trung đô thị 6 khu, 6 điểm) và tái định cư tự nguyện, bố trí 4.329 hộ (trong đó: Tái định cư tập trung nông thôn 588 hộ; tái định cư tập trung đô thị 3.609 hộ; tái định cư tự nguyện 132 hộ). Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 12.004 ha, trong đó: Đất ở 129,5 ha (đất ở 116,7 ha, đất dự phòng 12,8 ha); đất sản xuất nông nghiệp 3.525,8 ha; đất lâm nghiệp 8.548,6 ha; cụ thể như sau:

- Thị xã Mường Lay: Tái định cư tập trung đô thị 5 khu, 5 điểm, bố trí 2.101 hộ và 95 hộ tái định cư tự nguyện. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 3.155,3 ha, trong đó: Đất ở 61,8 ha; đất sản xuất nông nghiệp 1.212,7 ha; đất lâm nghiệp 1.880,8 ha; bình quân: Hộ nông nghiệp đất ở 400 m2/hộ, hộ phi nông nghiệp 100 - 150 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 1,18 ha/hộ, đất lâm nghiệp 1,8 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Đối với các hộ nông nghiệp: Phát triển cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hộ gia đình và chăn nuôi đại gia súc; trồng rừng nguyên liệu và nuôi trồng thủy sản; đối với các hộ phi nông nghiệp: Phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, cơ khí chế tạo nhỏ); phát triển ngành nghề truyền thống, kinh doanh dịch vụ;

- Thành phố Điện Biên Phủ: Tái định cư tập trung đô thị 1 khu, 1 điểm, bố trí 1.508 hộ. Tổng diện tích đất ở 21,3 ha, bình quân hộ phi nông nghiệp từ 150 - 180 m2/hộ. Phương hướng sản xuất: Kinh doanh dịch vụ (buôn bán, du lịch); sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công truyền thống;

- Huyện Tủa Chùa: Tái định cư tập trung nông thôn 3 khu, 3 điểm, bố trí 351 hộ và 37 hộ tái định cư tự nguyện. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 4.375,4 ha, trong đó: Đất ở 23,7 ha (đất ở 14,3 ha, đất dự phòng 9,4 ha); đất sản xuất nông nghiệp 1.161,7 ha; đất lâm nghiệp 3.190 ha; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 3,24 ha/hộ, đất lâm nghiệp 8,9 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển cây lương thực, cây công nghiệp (chè) và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp với trồng rừng nguyên liệu; phát triển các ngành nghề nông thôn truyền thống; sản xuất vật liệu xây dựng;

- Huyện Mường Chà: Tái định cư tập trung nông thôn 1 khu, 1 điểm, bố trí 200 hộ. Tổng diện tích đất là 1.792 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 280 ha; đất lâm nghiệp 1.500,5 ha; đất ở 11,5 ha, còn lại là đất khác; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 1,4 ha/hộ. Phương hướng phát triển sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực: Lúa, ngô, đậu tương, cây công nghiệp (chè, cao su...), phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với trồng rừng phòng hộ;

- Huyện Mường Nhé: Tái định cư tập trung nông thôn 1 khu, 1 điểm, bố trí 37 hộ. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 2.660 ha, trong đó: Đất ở 11,2 ha (đất ở 7,8 ha, đất dự phòng 3,4 ha); đất sản xuất nông nghiệp 671,5 ha; đất lâm nghiệp 1.977,3 ha, bình quân: Đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 3,43 ha/hộ, đất lâm nghiệp 10,1 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực, cây cao su, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp trồng rừng nguyên liệu; phát triển các ngành nghề nông thôn;

c) Tỉnh Lai Châu: Tái định cư tập trung 13 khu, 37 điểm (trong đó: Tái định cư tập trung nông thôn 11 khu, 34 điểm; tái định cư tập trung đô thị 2 khu, 3 điểm), tái định cư xen ghép vào 1 bản thuộc 1 xã và tái định cư tự nguyện, bố trí 3.564 hộ (trong đó: Tái định cư tập trung nông thôn 2.968 hộ; tái định cư tập trung đô thị 535 hộ; tái định cư xen ghép 12 hộ; tái định cư tự nguyện 49 hộ). Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 9.278,3 ha, trong đó: Đất ở 116,9 ha; đất sản xuất nông nghiệp 2.146 ha; đất lâm nghiệp 7.015,4 ha; cụ thể như sau:

- Huyện Sìn Hồ: Tái định cư tập trung nông thôn 9 khu, 27 điểm, bố trí 2.380 hộ; tái định cư xen ghép vào 1 bản thuộc 1 xã, bố trí 12 hộ và 49 hộ tái định cư tự nguyện. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 3.298 ha, trong đó: Đất ở 92 ha; đất sản xuất nông nghiệp 1.284 ha; đất lâm nghiệp 1.922 ha; bình quân: Đất ở 386 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 0,53 ha/hộ, đất lâm nghiệp 0,8 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực và tập trung phát triển trồng rừng sản xuất, thực hiện khoanh nuôi bảo vệ rừng đầu nguồn, kết hợp trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ, trồng cây cao su; phát triển chăn nuôi đại gia súc và đánh bắt thủy sản;

- Huyện Mường Tè: Tái định cư tập trung nông thôn 1 khu, 5 điểm, bố trí 406 hộ. Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 4.716 ha, trong đó: Đất ở 16 ha; đất sản xuất nông nghiệp 665 ha; đất lâm nghiệp 4.035 ha; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 1,64 ha/hộ, đất lâm nghiệp 9,94 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và phát triển trồng cây cao su;

- Huyện Phong Thổ: Tái định cư tập trung 1 khu, 3 điểm, bố trí 237 hộ (trong đó: Tái định cư tập trung nông thôn 1 điểm, bố trí 150 hộ; tái định cư tập trung đô thị 1 khu, 2 điểm, bố trí 87 hộ). Tổng diện tích đất ở và đất sản xuất là 1.222 ha, trong đó: Đất ở 7 ha; đất sản xuất nông nghiệp 165 ha; đất lâm nghiệp 1.050 ha; bình quân: Đất ở hộ nông nghiệp 480 m2/hộ, đất ở hộ phi nông nghiệp 100 - 200 m2/hộ, đất sản xuất nông nghiệp 1,1 ha/hộ, đất lâm nghiệp 7,0 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Phát triển các loại cây lương thực, thực phẩm và các loại cây công nghiệp (chè, cao su...); phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; làm dịch vụ buôn bán - dịch vụ và làm nghề vật liệu xây dựng, thủ công truyền thống;

- Huyện Tam Đường: Tái định cư tập trung nông thôn 1 khu, 1 điểm, bố trí 32 hộ. Tổng diện tích đất là 41,7 ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 32 ha; đất sản xuất lâm nghiệp 8,4 ha; đất ở 1,3 ha; bình quân: Đất ở 400 m2/hộ, đất sản xuất 0,97 ha/hộ. Phương hướng sản xuất: Thâm canh lúa nước, trồng rừng kinh tế; phát triển chăn nuôi đại gia súc, lợn, gia cầm và phát triển các ngành nghề nông thôn;

- Thị xã Lai Châu: Tái định cư tập trung đô thị 1 khu, 1 điểm, bố trí 448 hộ. Bình quân đất ở 115 m2/hộ. Phương hướng sản xuất: Kinh doanh dịch vụ (buôn bán, du lịch); sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công truyền thống.

3. Dự án thành phần

Tổng số các dự án thành phần Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 2.962 dự án, trong đó: Tỉnh Sơn La là 2.244 dự án, tỉnh Điện Biên là 295 dự án, tỉnh Lai Châu là 423 dự án.

4. Tổng mức đầu tư và nguồn vốn

a) Tổng mức đầu tư Dự án là 26.457.122 triệu đồng, trong đó:

- Vốn bồi thường, hỗ trợ tái định cư 8.733.978 triệu đồng (đã bao gồm hỗ trợ hộ dân bị thu hồi đất thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La 1.373,760 tỷ đồng và bù chênh giá trị đất nơi đi, nơi đến khu tái định cư xã Tân Lập 15,856 tỷ đồng);

- Vốn xây dựng cơ bản 16.661.751 triệu đồng (đã bao gồm vốn xây dựng trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã và đường giao thông liên xã thuộc tỉnh Sơn La 300 tỷ đồng);

- Chi phí khác 316.191 triệu đồng;

- Chi phí dự phòng 745.202 triệu đồng.

b) Nguồn vốn

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư 17.417.376 triệu đồng;

- Nguồn vốn Tập đoàn Điện lực Việt Nam 9.039.746 triệu đồng.

5. Phân bổ nguồn vốn đầu tư

Tổng mức đầu tư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 26.457.122 triệu đồng, trong đó: Tỉnh Sơn La 16.316.032 triệu đồng; tỉnh Điện Biên 6.711.948 triệu đồng; tỉnh Lai Châu 3.429.142 triệu đồng.

6. Dự kiến phân kỳ nguồn vốn đầu tư hàng năm

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Hạng mục

Tổng số

Hết năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

 

Tổng số

26.457.122

15.125.000

4.299.000

5.225.142

1.807.980

1

Tỉnh Sơn La

16.316.032

8.555.000

3.299.000

3.316.000

1.146.032

2

Tỉnh Điện Biên

6.711.948

4.100.000

750.000

1.200.000

661.948

3

Tỉnh Lai Châu

3.429.142

2.470.000

250.000

709.142

0

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành trung ương

a) Trách nhiệm của các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ, ngành có liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 về việc phê duyệt đầu tư Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và các quy định khác có liên quan.

Ngoài những nhiệm vụ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, các Bộ, ngành trung ương thực hiện những nhiệm vụ sau:

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, tiến độ của dự án và việc thực hiện các quy định hiện hành về quản lý dự án, các cơ chế, chính sách áp dụng cho Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xây dựng các phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân tại các khu, điểm tái định cư nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu xây dựng Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La nhằm tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển bền vững sau tái định cư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Bộ Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu trong việc thực hiện phương án sản xuất, tổ chức sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân tại các khu, điểm tái định cư.

d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, cân đối, bố trí vốn đầu tư, thẩm định nguồn vốn đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La theo tiến độ và phân kỳ đầu tư hàng năm cho các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La theo quy định hiện hành.

đ) Bộ Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La theo quy định;

- Chủ trì, thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phương thức chuyển phần vốn đóng góp của Tập đoàn cho dự án di dân, tái định cư để các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thực hiện;

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn đầu tư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La theo tiến độ, phân kỳ hàng năm cho các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thực hiện công tác thanh, quyết toán Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La theo quy định.

e) Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thực hiện công tác thu hồi đất, giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ tái định cư dự án thủy điện Sơn La.

g) Bộ Xây dựng

Kiểm tra, giám sát việc quy hoạch, xây dựng các khu, điểm tái định cư đô thị thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La; đặc biệt là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên và thị trấn Phiêng Lanh, tỉnh Sơn La đáp ứng được tiến độ tái thiết các đô thị nêu trên.

h) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo thực hiện Dự án di dời và bảo tồn di sản văn hóa khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La.

i) Bộ Giao thông vận tải

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Dự án giao thông tránh ngập tuyến đường quốc lộ 12 theo quy định.

k) Bộ Y tế

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Điện Biên, Sơn La thực hiện đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên và bệnh viện đa khoa thị trấn Phiêng Lanh huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La theo quy định.

l) Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Thực hiện chuyển đủ và kịp thời phần vốn của Tập đoàn cho các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu bảo đảm tiến độ dự án di dân, tái định cư và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Dự án di dời, bảo tồn di sản văn hóa khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2004 về việc phê duyệt đầu tư dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2007 về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và các quy định khác có liên quan;

- Tổ chức tuyên truyền, vận động, nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La;

- Thực hiện công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La theo quy mô, khối lượng, tổng mức vốn đầu tư trong Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo đúng với các cơ chế, chính sách áp dụng cho Dự án thủy điện Sơn La và các quy định hiện hành khác có liên quan. Được phép điều chỉnh phương án bố trí tái định cư, quy mô các công trình kết cấu hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư của các dự án thành phần và mục tiêu của toàn bộ dự án, nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư dự án được phân bổ cho các tỉnh theo quy định tại Khoản 5, Điều 1 của Quyết định này;

- Xây dựng kế hoạch vốn đầu tư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ tái định cư Dự án thủy điện Sơn La theo đúng quy định hiện hành; chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển sản xuất, xây dựng và triển khai phương án chuyển đổi ngành nghề nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ tái định cư trên địa bàn từng tỉnh;

- Lập, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh các dự án thành phần theo danh mục kết quả rà soát kèm theo văn bản số 1704/BNN-KTHT ngày 23 tháng 5 năm 2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và danh mục kèm theo văn bản số 7577/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh các dự án cần tiếp tục rà soát lại quy mô và tổng mức đầu tư của các dự án để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả đầu tư của các dự án theo quy định hiện hành.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự giám sát của nhân dân trong tổ chức thực hiện dự án; đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Thực hiện báo cáo định kỳ, hàng năm về kết quả thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La theo quy định.

Điều 3. Điều khoản thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nội vụ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ trưởng các Bộ, ngành có liên quan; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các thành viên BCĐ Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, V.I, V.III, NC, TH;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng