ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 201/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 1987 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG CẤP THÀNH PHỐ, QUẬN, HUYỆN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc Hội thông qua ngày 30-6-1983;
- Căn cứ chủ trương của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về việc chuyển giao nhiệm vụ và bộ máy quản lý thị trường thuộc thành phố và ngành thương nghiệp thành phố quản lý;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương nghiệp và Trưởng Ban tổ chức chánh quyền thành phố.
QUYẾT ĐỊNH
ĐIỀU 1.- Sáp nhập tổ chức quản lý thị trường các cấp ở thành phố vào ngành thương nghiệp và sắp xếp lại như sau:
1) Ban Quản lý thị trường thành phố trực thuộc Sở Thương nghiệp.
2) Ban Quản lý thị trường các quận, huyện trực thuộc Phòng Thương nghiệp quận, huyện.
3) Công tác quản lý thị trường ở phường, xã do lực lượng đoàn thể, công an, thuế vụ, Ban quản lý chợ trực tiếp thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân phường, xã.
ĐIỀU 2.- Ban Quản lý thị trường thành phố và quận, huyện các cấp được cấp kinh phí hoạt động, có con dấu riêng và mở tài khoản ở Ngân hàng. Từ nay đến cuối năm 1987, ngân sách thành phố và quận huyện tiếp tục cấp phát cho lực lượng quản lý thị trường các cấp. Bắt đầu năm 1988 kinh phí quản lý thị trường do ngành thương nghiệp đài thọ.
ĐIỀU 3.- Ban Quản lý thị trường các cấp có 1 Trưởng ban và 1 Phó ban. Trưởng ban Quản lý thị trường là thủ trưởng ngành thương nghiệp kiêm nhiệm, Phó ban chuyên trách. Ban Quản lý thị trường các cấp được duy trì đội kiểm soát kinh tế - quản lý thị trường.
Phó ban Quản lý thị trường các cấp do thủ trưởng ngành thương nghiệp đề cử và Ủy ban nhân dân cùng cấp bổ nhiệm. Cán bộ nhân viên quản lý thị trường do Trưởng ban Quản lý thị trường bố trí sắp xếp nhiệm vụ.
ĐIỀU 4.- Trưởng ban Quản lý thị trường các cấp tiến hành củng cố bộ máy và các Đội kiểm soát quản lý thị trường theo hướng tinh giản, có hiệu lực. Lao động dôi ra được ưu tiên phân bố vào ngành thương nghiệp và bố trí vào các ngành nghề thích hợp, được tuyển đi hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa theo chỉ tiêu của thành phố.
ĐIỀU 5.- Tài sản, phương tiện làm việc, quỹ v.v… của các Ban Quản lý thị trường tạm thời giữ nguyên cho bộ máy quản lý thị trường nhưng từng bước chuyển thành tài sản chung của ngành thương nghiệp. Về trụ sở, nhà làm việc của Ban Quản lý thị trường trước đây do Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện xem xét, quyết định việc sử dụng hợp lý đúng yêu cầu.
ĐIỀU 6.- Chức năng, nhiệm vụ của ngành thương nghiệp và Ban Quản lý thị trường các cấp đối với công tác quản lý thị trường:
a) Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thị trường ở cơ sở nhằm phát động toàn Đảng, toàn dân và huy động bộ máy thương nghiệp làm công tác quản lý thị trường.
b) Phối hợp với ngành công an, thuế, giá để tiến hành đấu tranh ngăn chặn các hành vi đầu cơ buôn lậu, tăng giá, trốn thuế, vi phạm đăng kí kinh doanh, mua bán lòng vòng, kinh doanh trái phép luật.
Đối với những vụ việc có dấu hiệu phạm pháp theo luật hình sự thì trách nhiệm chính là của ngành công an. Đối với những vụ việc vi phạm về đăng lý kinh doanh, giá cả, mua bán lòng vòng, lậu thuế, thì Ban Quản lý thị trường chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các ngành giá, thuế để xử lý. Đối với những vụ việc nghiêm trọng, Ban Quản lý thị trường và ngành công an cần phối hợp chặt chẽ.
c) Được tiến hành kiểm tra hành chánh theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp thành phố và quận huyện.
d) Đề xuất của Ủy ban nhân dân các cấp về công tác quản lý thị trường, về chính sách đối với kinh doanh, sản xuất, cải tạo công thương nghiệp tại thành phố.
e) Theo dõi uốn nắn việc chấp hành đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật nhà nước trên địa bàn thành phố.
ĐIỀU 7.- Đội kiểm soát quản lý thị trường (trực thuộc Ban Quản lý thị trường các cấp) là lực lượng nghiệp vụ để phối hợp với lực các ngành chức năng theo dõi tình hình thị trường, thực hiện kiểm tra, kiểm soát công khai về tính hợp pháp của các hoạt động mua bán dịch vụ… của tất cả các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố, phát hiện bọn đầu cơ buôn lậu, mua bán phi pháp, và thực hiện các quyết định kiểm tra hành chánh.
Giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và ban hành quy chế hoạt động của Ban Quản lý thị trường và các Đội kiểm soát – quản lý thị trường.
ĐIỀU 8.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các quyết định ban hành về tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Quản lý thị trường các cấp.
ĐIỀU 9.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Trưởng ban Quản lý thị trường thành phố, Sở Tài chánh, Công an thành phố, Trưởng ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh